Con Chuột Mậu Tý
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay
Ngày nay, nhất là ở thành phố, thấy chuột chạy, nghe chuột kêu, sẽ có người hoảng hốt. Nhưng xưa kia, việc ấy bình thường, thậm chí câu lục bát nói trên, còn là một âm vang của hạnh phúc. Nó chứng tỏ trong nhà có cái ăn. Tiếng rúc rích canh khuya gợi lên khoảng thời gian thanh lắng, và không gian êm ả. Trong khí hậu yên lành đó có tiếng chân người, kín đáo, kiêng dè : hạnh phúc đang đi dần, đi dần lại, cùng bóng đêm đồng lõa. Chúng ta tưởng tượng đôi vợ chồng mới cưới, về thăm cha mẹ, có lẽ là cha mẹ vợ, vào một dịp giỗ tết. Cứ tưởng tượng tối mồng hai Tết : mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy. Vợ chồng đã cưới hỏi, nhưng khi về nhà cha mẹ, vẫn phải giữ kẽ nằm riêng. Tại sao lại sợ « má hay », mà không sợ cha, sợ tía ? Có lẽ là thời ấy, đàn ông ngủ nhà trên, phụ nữ ngủ nhà dưới. Xưa. Hạnh phúc ngày xưa : dè dặt mà đằm thắm sâu xa, không như cái vồ vập, thường dễ phôi pha ngày nay.
Tình huống đêm hôm khuya khoắt này ắt là hư cấu, hoặc ít xảy ra. Nhưng tình cảm là thật và lễ nghi là thường. Lời người con gái – tôi dùng từ sai – nói ra lúc nào ? Phải chăng chỉ là giấc mơ hạnh phúc, thậm chí là hoang tưởng của người phụ nữ, đặt trên tình yêu, đồng cảm và lễ nghĩa, và trong chừng mực của kinh tế. Hạnh phúc trong không gian âm phái : người vợ, người mẹ, canh khuya, cái giường. Phải đặt tiếng chuột rúc rích trong không gian đó, chứng nhân, đồng lõa, rúc rúc chúc phúc.
Một câu ca dao ngắn, ôi sao mà súc tích !
Tiếng chuột biểu hiện hạnh phúc, không phải tôi suy ra để tán tụng câu ca dao, mà do Tô Hoài kể lại, trong truyện O chuột, 1941, một thành công đầu tay của anh :
« Người ta chỉ ưa cái tiếng kêu « chuúc… chuuúc.. ». Các cụ ta nói : ấy chuột chù bảo : « túc, túc » « đủ đủ ». Nhà ai mà chuột chù cứ túc túc luôn, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài ».
Nửa thế kỷ sau, Tô Hoài nhắc lại ý cũ, và đế thêm vào câu ca dao minh họa :
Thứ nhất đom đóm vào nhà,
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.
Lại Chuyện chuột, trong Chuyện Cũ Hà Nội, ấn bản 2000, là một đoản văn hay, đầy đủ về loài chuột. Tác giả giải thích :
« Tôi viết bài lại kể về chuột này bởi xưa nay tôi có cơ duyên với chuột, đã viết nhiều về chuột. Những truyện ngắn O chuột, Chuyện gã Chuột bạch, Chuột đồng chuột nhà, và những Chuột thành phố, Đám cưới chuột… Tôi kiếm cơm nhờ chuột, vậy mà tôi vẫn chén thịt chuột… »
Trong các tác phẩm được nhắc lại, đặc sắc nhất là Chuyện gã chuột bạch, tinh vi và tinh quái, ý vị và thi vị :
« Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau ; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ, Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt cựa mình trong thớ gỗ ».
Không biết trong văn học thế giới, có nhiều những âm hao tinh tế như vậy chăng ?
Một hôm chuột vợ ngoạm được miếng mồi to, nuốt trửng một chú bọ ngựa : « Một mạng lớn, giết đi một mạng nhỏ, êm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang… »
Chuột ả chết vì mắc nghẹn, chuột chàng không mấy quan tâm : « Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn lắm lắm. Một mình đánh cả hai cái vòng, nghe rộn ràng, cũng vui… ».
Truyện đăng báo Tiểu Thuyết thứ bảy, 1941. Nhân cái Tết năm Tý này, đọc lại, ngoài niềm thích thú, ta còn tìm được đôi ba chìa khóa đưa vào triết lý Tô Hoài, hiểu thêm non 200 trước tác của anh, về sau.
Trong Lại Chuyện Chuộtđã dẫn, Tô Hoài có nhắc đến truyện dân gian Trinh Thử ; chắc là anh đã nghe truyển khẩu và không kiểm soát văn bản nên đã kể… ngược, nhầm nhân vật chuột chồng ra chuột vợ.