Chọn thuốc nội hay ngoại?
Trong tập quán dùng thuốc của nhân dân ta hiện nay, xu hướng tự mua thuốc, tự kê đơn (không cần đơn thầy thuốc hoặc yêu cầu thầy thuốc kê đơn theo ý muốn của mình) và chỉ ưa dùng thuốc ngoại vẫn rất phổ biến.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt phải được sử dụng an toàn, hợp lý. Ba yêu cầu chính của một chế phẩm thuốc là: hiệu quả, an toàn và kinh tế. Do đó việc dùng thuốc nào cần được cân nhắc chu đáo trên cơ sở đảm bảo sự tuân thủ của người dùng theo chỉ định điều trị của thầy thuốc.
Ngành dược là ngành kinh tế kỹ thuật, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, cho dù là thuốc nội hay thuốc ngoại thì trong sản xuất dược phẩm, vấn đề đảm bảo chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Thuốc phải được sản xuất trong điều kiện vệ sinh, vô khuẩn theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP: Good Manufacturing Practic). Mỗi một sản phẩm trước khi đến với người tiêu dùng đều phải qua quá trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ trong quá trình sản xuất (IPC) và trước khi xuất xưởng theo tiêu chuẩn đã xác định.
Ở các nước công nghiệp phát triển (như Mỹ, Nhật, Cộng đồng châu Âu,...) do có tiềm lực về kinh tế nên kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển dược phẩm là rất lớn. Hàng năm, các hãng dược phẩm lớn đều dành đến vài chục phần trăm doanh số cho việc phát triển mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó họ có điều kiện đi vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ nano, tạo ra các thuốc đặc trị, hiệu quả điều trị cao như thuốc chống ung thư tác dụng tại đích, thuốc tác dụng theo nhịp sinh học,... Đồng thời, chất lượng thuốc cũng được đánh giá rất kỹ, cả về mặt lý hóa và sinh học (như sinh khả dụng, tương đương sinh học,...). Tuy nhiên do đầu tư nhiều, nên thuốc được bán ra với giá thành khá cao.
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa, hội nhập của nền kinh tế đất nước, ngành dược nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đến nay, cả nước đã có trên 170 xí nghiệp dược phẩm tham gia sản xuất thuốc, trong đó gần 80 xí nghiệp đã được cấp chứng chỉ GMP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, với kinh phí xây dựng hàng trăm tỉ đồng. Trong sản xuất, nhiều công nghệ mới đã được đưa vào áp dụng (bao màng mỏng, đông khô, thuốc tác dụng kéo dài,...). Nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã của thuốc nội không khác gì so với thuốc ngoại. Chất lượng, độ ổn định của chế phẩm ngày càng được nâng cao
Tuy nhiên, sản xuất thuốc trong nước hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn như: kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Về chất lượng, thuốc vẫn mới được đánh giá chủ yếu về các tiêu chí lý-hóa, chưa có điều kiện để đánh giá tương đương sinh học khi cần. Ngoài ra, sản xuất thuốc trong nước còn có những khó khăn đặc thù như tác động của nóng ẩm nhiệt đới đến độ ổn định và tuổi thọ của thuốc, hạn chế tăng giá đầu ra khi giá đầu vào luôn biến động.
Do đó, trong một số trường hợp cụ thể như khi dược chất có vấn đề về độ ổn định, về sinh khả dụng hoặc với những dạng thuốc ứng dụng công nghệ cao thì chất lượng thuốc sản xuất trong nước có thể chưa tương đương với thuốc nhập khẩu. Đây cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, thuốc nhập khẩu cũng có nguồn gốc rất khác nhau. Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Dược thì 74,7% số thuốc nhấp khẩu vào nước ta được sản xuất từ các nước châu Á, trong đó nhiều nước có nền công nghiệp dược cũng chưa phải là vượt trội so với nước ta.
Mặt khác, do chi phối của cơ chế thị trường, thuốc cũng là một loại hàng hóa nên trên thực tế cũng có những thuốc ngoại được quảng cáo quá mức và bán với giá quá cao so với chất lượng và hiệu quả điều trị. Thí dụ: cùng là thuốc nhỏ mắt kết hợp kháng sinh với corticoid, thuốc ngoại có thể có sinh khả dụng cao hơn thuốc nội ở một tỉ lệ nhất định, nhưng giá bán lại thường gấp khoảng 10 lần so với thuốc nội
Một điểm đáng lưu ý nữa là: việc sính thuốc ngoại quá mức sẽ gây nên hiên tượng quen thuốc, phụ thuộc thuốc do dùng những thuốc quá mạnh, quá đắt tiền trong khi chưa thật cần thiết, đặc biệt là với kháng sinh.
Trên thực tế, việc lạm dụng thuốc cũng đã để lại nhiều tác dụng không mong muốn gây hậu quả lâu dài đáng tiếc. Với những người điều kiện kinh tế có hạn, từ trước chưa dùng thuốc nhiều thì dùng thuốc nội vừa hiệu quả vừa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế bản thân, vừa góp phần phát triển sản xuất trong nước.
Tóm lại, dùng thuốc phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và kinh tế. Khi có bệnh, nên đi khám và mua thuốc theo đơn của thầy thuốc.