Chợ Kỳ Lừa xưa
“ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh....”
Từ xa xưa, câu ca dao trên đã đi vào lòng mỗi người dân đất Việt.Lạng Sơn, miền đất biên cương của tổ quốc, nơi ghi dấu những chiến công lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, nơi hội tụ văn hoá của nhiều tộc người đã tạo nên một nét rất riêng. Trong đời sống kinh tế, văn hoá của người dân xứ Lạng, chợ Kỳ Lừa chiếm một vị trí quan trọng.
Chợ họp vào ngày mùng 2 và mùng 7 âm lịch, năm ngày một phiên, mỗi tháng họp đều đặn sáu phiên. Mỗi năm có một hội chợ kéo dài 5 ngày từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng. Chợ Kỳ Lừa được hình thành từ thế kỷ XVII gắn liền với tên tuổi của Đốc trấn Thân Công Tài.
Khi được làm Đốc trấn, Thân Công Tài muốn mở mang trấn lỵ Lạng Sơn thành một đô thị nên đã cho phát rừng mở chợ, lập ra phố chợ Kỳ Lừa, mở rộng thương trường xứ Lạng. Từ thế kỷ XVII, chợ Kỳ Lừa đã được danh nhân Ngô Thì Sỹ tôn vinh là một trong tám cảnh đẹp của lạng Sơn (Trấn danh bát cảnh). Sự phồn thịnh của phố chợ Kỳ Lừa cũng đã được nhà thơ Ninh Tốn (thế kỷ XVII) phác hoạ :
Bốn bề nước biếc non xanh,
Kỳ Lừa đẹp nhất nơi danh thắng này.
Văn thư xe ngựa đua tay,
Cửa nhà tiếp nối hàng bày lụa tơ.
Hoặc như Phan Huy Chú (thế kỷ XIX) mô tả:
Nhà ngói người tụ hội,
Sọt xanh hàng hoá đầy.
Ngược xuôi đất qua lại,
Phong vị mỡ mầu thay!
Chợ có cái tên khá lạ: Kỳ Lừa. Một điều ngẫu nhiên thú vị là thành phố Lạng Sơn có đến ba địa danh bắt đầu bằng chữ “Kỳ”: núi Kỳ Cấp, sông Kỳ Cùngvà chợ Kỳ Lừa. Giải thích hai chữ Kỳ Lừacũng là một việc khá khó khăn. “Theo ngôn ngữ Tày, Nùng, thì Kỳ Lừađược phát âm là Khau Lư (Khau Lừ). Chữ Nôm Tày viết ghép hai chữ Hán là Mãvà Khâu, do đó đọc là Kỳ. Chữ Lưthì đúng nghĩa là con Lừa.Nhưng đó là theo âm và nghĩa chữ Hán” (Vũ Ngọc Khánh – Giai thoại xứ Lạng).
Còn truyền thuyết dân gian thì kể rằng khi Thân Công Tài làm Đốc trấn Lạng Sơn có nuôi một đôi lừa rất khôn. Chúng được thả rông, ngày ngày sang núi Kỳ Cấp ăn cỏ, chiều lại bơi qua sông Kỳ Cùng về với chủ ở Đèo Giang (phía nam thành phố ngày nay). Song từ ngày phát rừng mở chợ thì đôi lừa đi đâu mất không về. Tìm không thấy mà cũng không có dấu hiệu là đã chết. Người ta lấy làm ngạc nhiên gọi là đôi lừa kỳ lạ. Vì thế lấy ngay mấy chữ Kỳ Lừađặt tên cho chợ luôn!
Còn một cách giải thích nữa, Ts Hoàng Lương cho rằng: xưa mực nước sông Kỳ Cùng chưa thấp như bây giờ. Khi đường bộ chưa phát triển thì sông Kỳ Cùng và các chi lưu của nó chính là con đường chủ yếu để đi lại, vận chuyển hàng hoá giữa các vùng. Phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng bè mảng (tre, mai, vầu ghép lại) và một ít thuyền tam bản. Bè mảng tiếng Nùng gọi là Lừ,tiếng Tày gọi là Lừa. Sông có nhiều bè mảng gọi là Từ Lừa, hội đua bè mảng gọi là Bưa Lừa. Một bến sông san sát thuyền bè, từ bến sông lên không xa, trên quả đồi là nơi bày bán hàng hoá của khách buôn Tàu, ta, nhân dân địa phương bán lâm thổ sản. Như vậy Kỳ Lừa, Khau Lừachính là chỉ một khu chợ trên bến dưới thuyền.
Cho dù Kỳ Lừacó nghĩa là gì và xuất phát từ đâu thì chợ Kỳ Lừa vẫn đóng vai trò quan trọng, đã đi vào lịch sử xứ Lạng - Lạng Sơn không chỉ với ý nghĩa thiết kế, mà nó còn là nơi hội tụ văn hoá tinh thần bao đời của người dân vùng biên giới.
Chợ Kỳ Lừa có nhiều gian, nhiều dãy, bày nhiều loại hàng hoá từ nhiều nguồn đưa đến. Các mặt hàng bán ở chợ rất phong phú song chủ yếu là lâm thổ sản như: mộc nhĩ, nấm hương, các mặt hàng thổ cẩm, sản phẩm của nghề thủ công gia đình. Đặc biệt là có nhiều hồi và thuốc lá, hai sản vật phong phú của vùng. Tuỳ theo mùa mà các loại hoa quả được bày bán la liệt như: đào, mận, lê, quýt.... Người miền xuôi mang đến những nông cụ như: lưỡi cày, cuốc, liềm... Mỗi phiên chợ, người ở khắp nơi miền xuôi, miền ngược, nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Trung Hoa lại đổ về mua bán, trao đổi, đông vui, tấp nập.
Mỗi năm có một hội chợ kéo dài suốt 5 ngày, từ 22 đến 27 tháng giêng. Mở đầu hội chợ là lễ rước thần sông Kỳ Cùng và lễ hội đền Tả Phủ để tưởng nhớ đến công lao của Đốc trấn Thân Công Tài. Trong ngày hội chợ có trò chơi cướp đầu pháo để cầu mùa mạng bội thu, buôn bán phát đạt. Múa sư tử - một hình thức vũ hội sôi nổi, đầy tinh thần thượng võ. Người dân quan niệm múa sư tử có tác dụng diệt trừ tà ma, yêu quái.
Cùng với múa sử tử, hội chợ Kỳ Lừa còn có nhiều hình thức vui chơi khác. Nổi bật và thú vị hơn cả là hình thức diễn xướng dân gian: sli, lượn. Người đến chợ không cốt để mua bán mà là để .... chơi. Thành ngữ Tày, Nùng có câu “pây lin háng”tức là đi chơi chợ, đi mừng chợ, đi góp đông cho chợ. Đi xem chợ là đi giải trí, đi gặp người quen. Còn đối với thanh niên nam, nữ thì đi chợ là một cơ hội để tìm bạn tình, một dịp để giao lưu tâm tình duyên lứa.
Cứ 5 ngày một phiên, người đi chợ trên đường vẫn “đông như kiến, như ong”. Người Tày, người Nùng vẫn nói “hôm nay ra chợ chẳng thấy cái gì, chỉ thấy đông tây mây slao” tức là chỉ thấy trai gái đông chật đường chật chợ. Đặc biệt là những phiên chợ cuối năm và đầu năm.
Phiên chợ đầu năm không có gì để mua bán cả, chỉ thấy đông chật người là người với những bộ quần áo mới nhất, khăn mũ đẹp nhất. Cả chợ thơm phức mùi chàm mới. Gọi là đi chợ mà không ai hỏi nhau mua bán gì, chỉ có những tiếng chào mừng hồ hởi, tiếng cười nói râm ran và tiếng sli, tiếng lượn đầu năm mượt mà vang lên trên khắp núi rứng xứ Lạng.
Qua nhiều thế kỷ cho đến nay, chợ Kỳ Lừa đã biến đổi nhiều. Đặc biệt là từ khi có sự thông thương giữa hai nước Việt - Trung. Chợ Kỳ Lừa đã mang mầu sắc của một khu chợ trong cơ chế thị trường. Chợ không họp theo phiên nữa mà mở suốt các ngày, phục vụ cho nhân dân và du khách gần xa. Hàng hoá trong chợ cũng phong phú hơn, chủ yếu là các sản phẩm nhập từ Trung Hoa. Song phiên chợ Kỳ Lừa vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người vdân xứ Lạng như một nơi giao lưu, gặp gỡ, một trung tâm văn hoá hơn là trung tâm kinh tế.
Nguồn : T/C Dân tộc - Thời đại, số 93, 8/2006