Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 11/06/2009 04:21 (GMT+7)

Chính sách xã hội của các chúa Trịnh đối với ngoại kiều phương Tây thế kỷ XVII - XVIII

Năm 1523, vua Bồ Đào Nha đã gửi một bức thư đến chính quyền Đại Việt chính thức xin thông thương và truyền đạo. Đến năm 1533, giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã tới Đàng Ngoài truyền đạo, mở đầu cho quan hệ giao bang giữa Đại Việt với các nước phương Tây. Sang thế kỷ XVII, người Hà Lan, người Anh và người Pháp cũng lần lượt đến Đàng Ngoài đặt quan hệ ngoại giao. Tuy đều nhằm vào hai hoạt động chính là thông thương và truyền giáo, nhưng động cơ và mục đích của mỗi nước có khác nhau. Nếu như người Hà Lan và người Anh đặt trọng tâm vào mở rộng thị trường buôn bán thì người Bồ Đào Nha và người Pháp lại chú ý nhiều hơn đến việc truyền đạo. Những hoạt động của người Pháp mập mờ giữa lĩnh vực tôn giáo và thương mại, người Bồ Đào Nha cũng vậy, ảnh hưởng thương nghiệp của họ mờ nhạt, chủ yếu là việc truyền đạo.

Cho phép thông thương và truyền đạo đồng nghĩa với việc chính quyền Đàng Ngoài thừa nhận có một cộng đồng người Âu sinh sống ổn định và lâu dài trên đất nước. Phần lớn ngoại kiều cư trú trong các thương điếm của họ. Thương điếm của Hà Lan được lập ở Phố Hiến từ năm 1637 đến năm 1700 và Kẻ Chợ từ năm 1644 đến năm 1700. Thời gian hoạt động ngắn hơn so với người Hà Lan nhưng thương điếm của người Anh cũng tồn tại suốt 25 năm (1672 - 1697). Năm 1680, Công ty Đông Ấn của Pháp cũng được phép lập thương điếm và hoạt động thương mại liên tục trong 5 năm (1681 - 1686). Bên cạnh đó thì do công việc truyền giáo mà các giáo sĩ phương Tây lại càng muốn cư trú lâu dài và hoà nhập sâu hơn vào đời sống của người dân Việt. Kết quả là đã hình thành một cộng đồng người ngoại quốc trên lãnh thổ Đàng Ngoài. Trong quá trình cộng cư đó, lẽ tự nhiên sẽ diễn ra các mối quan hệ xã hội giữa người Việt với người Phương Tây.

Chính quyền Lê - Trịnh đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực nhằm củng cố và phát triển Đàng Ngoài trong đó có những chính sách về xã hội đối với ngoại kiều châu Âu. Tìm hiểu thái độ của chính quyền Đàng Ngoài đối với các nước phương Tây ở thế kỷ XVII - XVIII, chúng ta có thể nhìn nhận một cách toàn diện hơn về một trong những thời kỳ biến động và phức tạp nhất của lịch sử dân tộc. Các chính sách này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt với phương Tây.

Click chuột để chèn ảnh vào bài viết
Cảnh thăng long thế kỷ XVII (trang vẽ thế
kỷ XVII trong “Description du royaume de
Tonquin“ của Baron, R.1.,1914).

Trong thế kỷ XVII quan hệ giữa chính quyền Lê - Trịnh với phương Tây nhìn chung là rất hoà hảo. Điều đó thể hiện ở ngay cách tiếp đón nồng hậu của các chúa Trịnh. Chính những người châu Âu đã công nhận rằng: “Khi đến xứ này thì lần nào trở lại họ cũng được chúa đón chào, lần sau trọng thị hơn lần trước” (4). Ngày 24 - 7 - 1641, Chúa Trịnh Tráng gửi cho phó Toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan một bức thư thể hiện rõ sự tin cậy và quý mến đối với người Phương Tây: “Tôi thấy ông ta (thuyền trưởng Hartsinde) tâm địa ngay thẳng, tôi coi ông ta như bàn tay phải của tôi và thắng lợi to nhất là người Hà Lan được tự do buôn bán ở Đàng Ngoài” (9). Trước đó, năm 1627 chúa Trịnh Tạ còn kết bạn đồng tuế với giáo sư Alexandre de Rhodes (1).

Đa số các chúa Trịnh đều tỏ ra có thiện cảm với người phương Tây. Chẳng hạn như Trịnh Doanh (1720 - 1767), mặc dù đã ra nhiều lệnh chỉ cấm cư trú đối với người phương Tây nhưng cũng có lúc bảo vệ kiều dân châu Âu. Trịnh Doanh đã từng có lệnh cấm sự miệt thị với người phương Tây: “…Ai dám nói xấu châu Âu nữa sẽ bị cắt lưỡi” (5).

Nhận thức rõ là số lượng ngoại kiều châu Âu cư trú ở Đàng Ngoài, dù ít, nhưng đây là một cộng đồng người cần phải quan tâm nhất. Do vậy, để dễ dàng cho việc quản lý, các chúa Trịnh đã có những chính sách cụ thể đối với họ.

Năm Khánh Đức thứ hai (1650) chúa Trịnh Tạc đã ra quy định cho phép: “Các tàu Hoà Lang (Pháp), Bồ Đào Nha, Italya, Anh, Ô Lan (Hà Lan) khi đến nơi sẽ được phép trú ngụ ở những làng Thanh Trì và Khuyến Lương, được canh gác và được một người thông sự cùng quốc tịch để phiên dịch và giúp đỡ hiểu biết thể lệ…”.

Từ châu Âu sang, người phương Tây luôn mong muốn có một môi trường thuận tiện và yên ổn cho những hoạt động của họ ở Đại Việt. Để làm được điều đó, họ luôn tìm mọi cách để lấy thiện cảm các vua chúa cũng như các quan lại và dân chúng bằng cách dùng nhiều quà biếu hay đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của các chúa Trịnh đưa ra. Đồng thời, ngoại kiều phương Tây rất khéo dùng chiêu bài tìm cha mẹ nuôi có thế lực để tránh sự nhũng nhiễu của giới quan lại quản lý ở địa phương. Không dừng lại đây, họ còn lấy vợ Việt để gây cơ sở. Những người vợ này không những là người tin cậy có thể giao phó cơ nghiệp trong lúc họ vượt biển mà còn giúp họ tiếp tục thực hiện công việc kinh doanh mua bán trong khi họ không có mặt.

Trong khi đó, người dân Việt cũng rất dễ tiếp nhận người phương Tây. William Dampier đã viết trong chuyến du hành của mình đến Đàng Ngoài năm 1688: “đàn bà không ngại nếu họ có mang với người da trắng. Ngay cả người quyền quý ở xứ Đàng Ngoài cũng đem hiến con gái cho các thương nhân và đám sĩ quan” (12). Đặc biệt chúa Trịnh Căn đã nhận một người con lai, bố là người Hà Lan và mẹ là người Việt làm con nuôi của mình tên là Samuel Baron.

Những điều kiện thuận lợi mà các chúa Trịnh đã dành cho ngoại kiều làm cho người phương Tây hoà nhập rất nhanh vào cộng đồng người Việt. Hơn nữa, người dân Đại Việt cũng tỏ ra không có sự nghi kỵ người phương Tây. Chính những người phương Tây đã khẳng định rằng, khi đến Đàng Ngoài họ đã nhận được nơi đây những tình cảm bằng hữu thân thiết và “cảm thấy tự do y như sống ở nhà riêng của họ vậy” (12).

Hệ quả của sự giao lưu đó dẫn đến những ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hoá. Bởi đây không đơn thuần là sự tiếp xúc giữa hai cộng đồng người với nhau mà hơn thế là sự tiếp xúc giữa hai nền văn minh. Người châu Âu đến cư trú đã mang theo cả những giá trị văn hoá phương Tây với nhiều nét khác biệt so với văn minh Đại Việt và trên thực tế đã tạo ra những biến đổi xã hội không nhỏ. Đây là mối lo ngại cho triều đình Lê - Trịnh vì kẻ cầm quyền lại rất mong muốn duy trì một xã hội ổn định trong trật tự Nho giáo.

Giải quyết mối lo ngại này, các chúa Trịnh hoặc là “Việt hoá” người Âu, bắt ngoại kiều sống theo tập tục của người Việt hoặc là biệt lập họ khỏi cộng đồng người Việt. Có những vị chúa thì chỉ thực hiện một trong hai giải pháp, nhưng đa số các chúa Trịnh đã đồng thời thực hiện song song cả hai sự lựa chọn.

Việt hoá người phương Tây

Vào tháng 8 - 1663, chúa Trịnh Tạc đã ra một lệnh chỉ: “Cho phép các thừa ty ra lệnh cho tất cả các quan huyện, chánh tổng, lý trưởng, trưởng thôn, trưởng xóm phải lập một bản kê khai chi tiết số người nước ngoài ngụ cư ở địa phương mình, khi nào có thì ghi thêm. Những người nào mà đã có vợ con, thì phải đăng ký vào sổ hộ tịch” (6). Trước đó, năm Khánh Đức thứ hai (1650), chúa Trịnh Tráng đã đưa ra những quy định về các lễ nghi mà người Âu phải tuân theo: “Trong khi đi đường, chỉ người trưởng đoàn được cưỡi ngựa. Đến trước cổng các dinh thự lớn và trước cửa đình thì phải xuống ngựa…” (6). Cuối thế kỷ XVII, trong thời gian cầm quyền của mình, tháng 7 - 1696 Trịnh Căn lại ra những quy chế cụ thể từ cách ăn mặc, lối sống cho những người phương Tây: “Phàm các xã dân ở giáp địa giới với với người ngoại quốc, từ gnôn ngữ đế ăn mặc và cư xử đều nên tuân theo dáng vẻ, lề lối và phong tục nước ta, cấm không được bắt chước người ngoại quốc” (7). Đến tháng 12 - 1717, Trịnh Cương ban hành một lệnh chỉ: “định rõ chế độ khu xử với người nước ngoài, cho phép ở dâu thì nhập tịch và chịu tạp dịch ở đó. Phải đóng góp mọi việc cho nhà nước. Từ tiếng nói, ăn mặc đến đầu tóc đều phải nhất nhất tuân theo phong tục Đại Việt” (10).

Đáng chú ý, chính quyền Đàng Ngoài còn đảm bảo cho ngoại kiều người Âu có những quyền hạn nhất định của mình như: có quyền tự do đi lại, buôn bán, có thể kết hôn với người bản xứ… hôn nữa còn có cả quyền sở hữu đất đai ở những thương điếm của họ. Điều này được minh chứng qua sự kiện vào tháng 8 - 1697 khi thương nhân Anh được phép đến Kẻ chợ thì họ có quyền thuê nhà của một người phụ nữ Bồ Đào Nha tên là Monica Đabada để thông thương” (11).

Nếu xảy ra va chạm hay tranh chấp giữa người châu Âu với người Việt, trong những trường hợp đó, các chúa Trịnh rất công bằng với người phương Tây. Vấn đề này các chúa Trịnh đã có lệnh chỉ rõ ràng: “Những ngoại kiều bị kết tội gây rối đối với người dân vô tội thì sẽ bị phạt tiền và đền bù. Làm một người chết phải đền 100000 đồng cash…”. Người phương Tây sẽ được phép kháng cự lại bất cứ ai chống phá hoặc làm hại bản thân” (12).

Một sự kiện được chính người châu Âu ghi lại thể hiện tính công bằng trong việc đối xử với ngoại kiều của các chúa Trịnh: “Viên quan coi tàu của Đàng Ngoài mà những người Anh gọi là On Ta Hia (?) mua hàng của người Anh định không trả tiền nhưng bị chúa Trịnh Sâm buộc phải trả và hạn trong 15 ngày nếu không trả được sẽ ra lệnh bán nhà và của cải để trả cho thương nhân người Anh đó” (11).

Có thể nói, trong suốt hai thế kỷ, các chúa Trịnh đã cố gắng bằng mọi biện pháp nhằm “Việt hoá” người châu Âu, biến họ trở thành thần dân của mình hoặc chí ít cũng bắt họ tuân thủ theo những phong tục tập quán của người Việt. Những chính sách mà các chúa Trịnh cho thực thi dó có tác dụng tạo điều kiều thuận lợi cho người phương Tây cư trú và hoạt động ở Đàng Ngoài. Kết quả của nó là làm cho mối quan hệ giữa hai cộng đồng người Việt và người Âu ngày càng có những ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau. Không phải chỉ người Âu theo phong tục người Việt mà ngược lại, người Việt cũng tiếp thu những tập tục mới lạ của người châu Âu, từ phong tục đến khoa học kỹ thuật…, đặc biệt là tôn giáo. Từ năm 1533 - 1659, “ở Đàng Ngoài đã có tới 331 nhà thờ, riêng Sơn Nam là 183”. Đến thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài đã có hàng chục vạn tín đồ người Việt theo Thiên chúa giáo. Ngay cả mẹ của chúa Trịnh Tạc và Công chúa Mai Hoa cũng theo đạo Thiên Chúa (2).

(*) Tiền sử: tức Tiền quan. Mỗi tiền gần bằng 36 đồng Cổ tiền, mỗi quan kẽm Cổ tiền là 200 đồng.

(*) Cash: Người Hà Lan ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII - XVIII gọi Cổ tiền là Cash.

Thư mục sách dẫn:

1. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá (1995), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chúa Trịnh - Vị trí và vai trò lịch sử, Thanh Hoá.

2. Bùi Hạnh Cẩn, Ý đồ và hoạt động của các giáo sĩ nước ngoài trên đất Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nghiên cứu lịch sử,số 2 (198).

3. Charles Maybon, Những người Châu Âu ở nước An Nam,Nxb Thế giới, Hà Nội 2006.

4. Jean Baptisle Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nxb Thế giới, Hà Nội 2005.

5. Nguyễn Văn Kiện, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam ,Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003.

6. Lê triều chiếu lệnh thiện chính(bản dịch của Nguyễn Sĩ Giáp), Sài Gòn 1961.

7. Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, tập II,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương (1994), Phố Hiến - kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Sở văn hoá thông tin thể thao tỉnh Hải Dương, Hải Dương.

10. Viện khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1981), Đại Việt sử ký tục biên,Hà Nội.

11. Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII - XVIII và đầu thế kỷ XIX,Nxb Sử học, Hà Nội.

12. William Dampier (2005), Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688,Nxb Thế giới, Hà Nội.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.