Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/07/2013 21:30 (GMT+7)

Chất độc tự nhiên solanin có trong khoai tây và cà chua xanh

Solanin (một loại glyco-alkaloid) có vị đắng và độc hại với cơ thể. Chúng có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong bất cứ bộ phận nào của cây khoai tây, bao gồm lá, quả, củ, mầm. Khoai tây sản xuất solanin một cách tự nhiên như cơ chế bảo vệ chống lại côn trùng, nấm, bệnh tật… Nồng độ solanin trong khoai tây phụ thuộc vào các yếu tố ánh sáng, thời gian dự trữ, nhiệt độ (nhiệt độ tốt nhất để dự trữ khoai tây vào khoảng 10 độ C), giống khoai, điều kiện phát triển, mưa. Ngoài ra, những cơn lạnh bất chợt cũng làm tăng lượng solanine. Hàm lượng solanin phân bố không đều trong củ khoai tây. Hàm lượng solanin trong mầm (1,34g/kg) cao hơn nhiều trong ruột khoai tây (0,04 - 0,07g/kg) hoặc trong vỏ (0,03 - 0,05g/kg). Solanin có tác dụng độc hại đối với người ở nồng độ từ 20 - 25mg/100g và gây chết người ở nồng độ lớn hơn 400mg/100g. Ước tính để đạt được nồng độ làm chết người, người ta phải ăn sống một lần từ 4 - 20kg khoai tây.

Ngoài ra, solanin còn có ở cà chua xanh và các cây khác trong họ Solanaceae. Hàm lượng solanin trong cà chua xanh dao động từ 9 đến 32mg/100g, trong cà chua chín khoảng từ 0 đến 0,7mg/100g. Cà chua càng chín thì càng chứa ít solanin. Khi ăn cà chua xanh, khoang miệng có cảm giác đắng chát. Nếu ăn nhiều có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa… và khi cà chua chín thì độc tố này đã bị phân hủy. Kết quả nghiên cứu sự biến đổi hàm lượng solanin trong quá trình chế biến cà chua xanh cho thấy cà chua xanh muối chua ngọt còn khoảng 90% tổng số solanin ban đầu vì solanin không bị hủy trong acid. Cà chua xanh được đem làm mứt còn lại khoảng 45% số lượng solanin ban đầu.

Sự hình thành solanin không cần ánh sáng nhưng ánh sáng thúc đẩy sự hình thành solanin diễn ra nhanh hơn. Để củ khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, dù ở trên cánh đồng, trong quá trình bảo quản, trong kho bảo quản hay tại nhà sẽ sản sinh quá trình tạo sắc tố xanh trên bề mặt củ. Sắc tố này hoàn toàn vô hại và được tìm thấy ở tất cả các loại cây xanh, rau rậm lá, rau cải bắp… Thế nhưng, ở củ khoai tây, điều này là dấu hiệu nhận biết “sát thủ” giấu mặt solanin. Khi khoai tây có màu xanh cũng như mọc mầm thì hàm lượng solanin đã đạt đến mức 1mg/g hay thậm chí hơn, đây là mức có nguy cơ gây nguy hiểm cho cơ thể. Đây cũng là lý do các bà nội trợ không bao giờ cất khoai tây ở nơi có ánh sáng; chỉ nên lưu trữ chúng ở nơi thoáng mát và có nhiều bóng tối thì càng tốt.

Khi mức solanin tăng, nó đồng thời tạo vị đắng cho khoai tây sau khi nấu chín. Khoai tây đã gọt vỏ chứa ít solanin hơn khoai tây chưa gọt vỏ, từ 30 - 80%. Các loại khoai tây thương mại thường có mức solanin dưới 0,2mg/g.

Solanine rất độc, thậm chí với hàm lượng rất nhỏ. Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu và chóng mặt, ảo giác, mất cảm giác, tình trạng tê liệt, sốt, bệnh vàng da, giãn đồng tử và giảm thân nhiệt.

Solanin không bị phân hủy bởi nhiệt độ hoặc hệ thống tiêu hóa. Khoai tây luộc cũng như chiên ngập dầu ở 170 độ C không có tác dụng làm giảm mức glycoalkaloid. Vì vậy, biện pháp phòng tránh ngộ độc solanin là không ăn khoai tây mọc mầm, khoai tây có những mảng xanh và cà chua xanh. Để tránh ngộ độc, khi dùng khoai tây cần chọn khoai chắc, vỏ mịn không đốm vết và nặng so với kích thước. Tránh loại khoai đã mọc mầm, nhũn. Những vệt xanh đó cho hay sự có mặt của solanin.

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.