Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 29/04/2014 18:31 (GMT+7)

Chân dung những sĩ quan Pháp nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhiều người trong cơ quan chỉ huy Pháp ở Đông Dương gọi Điện Biên Phủ là “trận đánh của Tổng chỉ huy” (la bataille du Généchef). Đúng là không có Nava thì không có việc đưa quân lên Tây Bắc trong Đông Xuân 1953-1954.Nava cũng tự nhận là tác giả con nhím Điện Biên Phủ và mình chịu trách nhiệm về nó. Do đó, mọi quyết định lớn ở Điện Biên Phủ đều thuộc quyền tổng chỉ huy.

Theo báo  Time, một quan chức cao cấp ở Oasinhtơn đánh giá “Nava là một người can đảm, kiên quyết và giàu tưởng tượng. Ông ta biết nghề nghiệp của mình, có bản lĩnh quân sự và chính trị hạng nhất… Ông ta đứng đầu một ê kíp mới có vẻ như xuất sắc”.

Cônhi là người trực tiếp với trận đánh. Cônhi lúc đầu không tán thành cuộc hành binh  Castor, sau đó lại rất đồng tình với việc xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm “kiểu Nà Sản” để giành chiến thắng. Lực lượng ở Điện Biên Phủ, trừ ba tiểu đoàn ở Lai Châu chuyển về, đều lấy từ đồng bằng Bắc Bộ. Cônhi đã làm tất cả những gì có thể làm được cho canh bạc này.

Tướng Gin là người đã chỉ huy tập đoàn cứ điểm Nà Sản và đánh chiếm Điện Biên Phủ nhưng không có vai trò gì lớn trong trận đánh. Ông ta đã khôn ngoan viện lý do mình là sĩ quan dù không thích hợp với nhiệm vụ để sớm rút khỏi sân khấu. Một số người được gợi ý đảm đương trọng trách này đã từ chối, vì không muốn sự nghiệp của mình sẽ tiêu ma. Cuối cùng, cả Cônhi và Nava thống nhất chọn Đờ Cát.

Sau cuộc chiến, qua lời khai của tù binh cũng như qua sách báo phương Tây, chúng ta có điều kiện hiểu thêm về những nhân vật chủ chốt của tập đoàn cứ điểm.

Đờ Cát (Christian - Marie - Ferrdinand de la Croix de Castries), chỉ huy trưởng, 52 tuổi, được biết đến trong quân viễn chinh vì nguồn gốc quý tộc của mình và lòng dũng cảm. Đờ Cát tham gia nhiều trận đánh ở Pháp, Đức, Ý và Đông Dương. Tháng 4 năm 1940, với 60 binh lính, Đờ Cát đã cầm cự suốt 3 ngày với một tiểu đoàn quân Đức và chỉ chịu trở thành tù binh khi đã bị thương và bắn hết đạn.

Đờ Cát ba lần trốn khỏi trại giam, và thành công lần cuối bằng cách cùng với hai mươi sĩ quan khác đào một đường hầm. Đờ Cát đã vượt một chặng đường dài đầy khó khăn từ Đức trở về Pháp, rồi đến với lực lượng kháng chiến Pháp ở Bắc Phi. Riêng với những thành tích này, Đờ Cát đủ xứng đáng được lựa chọn làm người chỉ huy một công trình phòng ngự quan trọng.

Đờ Lát đờ Tátxinhi đã chỉ định Đờ Cát sang Đông Dương lần thứ hai, và trao nhiệm vụ chỉ huy Khu Nam đồng bằng Bắc Bộ. Nava đã biết Đờ Cát trước đó hai mươi năm ở tập đoàn quân 1, khi Đờ Cát còn là sĩ quan hậu cần, và sau đó là đại đội trưởng trong binh đoàn thiết giáp Marốc thứ 3 (3è Spahis Marocain) của Nava trong chiến dịch  Alsace.

Có người hỏi Nava vì sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ đáng lẽ phải là một viên tướng, cho một đại tá? Nava trả lời: “Cả tôi lẫn Cônhi đều không trông lon mà xét người nên cũng chẳng sùng bái gì lắm mấy ngôi sao cấp tướng. Tôi khẳng định: trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Đờ Cát!”.

Một nhân vật thứ hai giữ vai trò quan trọng tại tập đoàn cứ điểm là Lănggơle. Sau cuộc chiến, nhiều người nói Lănggơle mới thực sự là người chỉ huy ở Điện Biên Phủ, tuy về chức vụ, ông ta chỉ là phó của Đờ Cát. Lănggơle được coi là dũng cảm và quyết đoán trong chỉ huy, đã cùng với binh đoàn không vận số 2 của mình nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Hai nhân vật này đều là những sĩ quan chuyên nghiệp khá điển hình trong quân đội Pháp, nhưng lại có những xuất xứ và cá tính trái ngược nhau.

Đờ Cát thuộc một dòng họ có quá trình binh nghiệp lâu đời, ông cha đã nhiều người làm tướng, có người làm tới thống chế, bộ trưởng hải quân. Lănggơle chỉ là một người dân của xứ Bratanhơ (Bretagne) nghèo nàn ở miền tây nước Pháp. Nhưng Đờ Cát lại xuất thân từ một lính kỵ binh thực thụ, sau đó được đưa đi đào tạo thành sĩ quan. Lănggơle trái lại, là một sĩ quan được đào tạo cơ bản từ đầu tại trường quân sự  Saint Cyr nổi tiếng. Đờ Cát luôn luôn tỏ ra nhẹ nhàng, lịch thiệp, sống cách biệt với cấp dưới. Lănggơle thích sống cô độc, nói năng cục cằn, hay cáu kỉnh, nhưng lại rất gắn bó với binh lính.

Bigia (Marcel Maurice Bigeard), chỉ duy tiểu đoàn dù thuộc địa số 6, có lẽ là nhân vật tiêu biểu nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bigia nổi tiếng là một viên chỉ huy bất trị, hay cãi khi cấp trên ra mệnh lệnh không hợp ý mình, nhưng lại biết ứng phó khi gặp khó khăn trong chiến đấu. Bigia thường nói với binh lính: “Hãy tập nhìn thẳng vào cái chết”. Người ta sinh ra anh để mà chết. Hãy đi đến nơi cái chết đang chờ. Nhiều bạn bè không chịu được Bigia, nhưng lại được binh lính mến phục. Bigia nhanh chóng trở thành chi huy phó của khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Bigia và tiểu đoàn dù 6 không xa lạ với bộ đội ta. Ở Nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc, trung đoàn 165 đã đánh đuổi tiểu đoàn này đến bờ sông Đà, sau đó nó phải trở về Hà Nội để củng cố. Bigia là nhân vật nhiều lần trực tiếp chạm trán với bộ đội ta ở Điện Biên Phủ trong những trận phản kích quyết liệt. Một thời gian sau Điện Biên Phủ. Bigia trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Pháp.

Cả ba viên sĩ quan này đều tới Đông Dương rất sớm. Đờ Cát có mặt từ năm 1946, chỉ huy một đơn vị cơ giới nhẹ, có tiếng là sục sạo giỏi. Lănggơle đã chiến đấu với vệ quốc đoàn và tự vệ trên đường phố Hà Nội mùa Đông năm 1946, dã ở biên giới Việt - Trung, Trung Bộ, Thượng Lào. Bigia tới Sài Gòn từ thời tướng Lơcléc, tháng 10 năm 1945, và suốt tám năm chưa hề rời chiến trường. Bigia đã dành nhiều thời gian tìm hiểu cách đánh của ta.

Sau khi nhận chức ngày 8 tháng 12 năm 1953, Đờ Cát đã bắt tay vào việc xây dựng công trình phòng ngự lâu dài, và yêu cầu nâng quân số tập đoàn cứ điểm lên 12 tiểu đoàn gồm những đơn vị có chất lượng. Cônhi đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này. Trừ 2 tiểu đoàn bộ binh Thái và 1 tiểu đoàn dù ngụy là người bản xứ, do những sĩ quan Pháp chỉ huy, số còn lại đều là những đơn vị Âu Phi được lựa chọn trong các binh đoàn cơ động, gồm 5 tiểu đoàn bộ binh và dù lê dương, 4 tiểu đoàn Bắc Phi. Tất cả đều là những đơn vị có truyền thống lâu đời hoặc đã được thử thách nhiều trong chiến đấu, và có chỉ huy tốt.

Tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 của bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (13è DBLE) được coi là một trong những đơn vị huyền thoại của quân đội Pháp, chưa hề thua trận kể cả những ngày đen tối trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Bộ đội ta đã từng chạm trán với bán lữ đoàn này trong chiến dịch Hòa Bình và những trận càn quét lớn ở đồng bắc Bắc Bộ.

Tiểu đoàn 1 trung đoàn bộ binh lê dương số 1 (1/2 REI), tiểu đoàn 3 trung đoàn bộ binh lê dương số 3 (3/3 REI) là những tiểu đoàn mạnh gồm phần lớn binh lính người Đức nhưng cũng có cả người Ý, người Tây Ban Nha, người Nam Tư.

Tiểu đoàn dù lê dương số 1, tiểu đoàn dù xung kích số 8 thuộc binh chủng con cưng mà người Pháp rất tự hào, vẫn được dùng để quyết định chiến trường. Chúng được chọn làm lực lượng phản kích của tập đoàn cứ điểm.

Các đơn vị lê dương vốn được coi là nòng cốt của quân đội viễn chinh.

Tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh Angiêri số 1 (2/1 RTA), tiểu đoàn 3 trung đoàn bộ binh Angiêri số 3 (3/3 RTA), tiểu đoàn 5 trung đoàn bộ binh Angiêri số 7 (5/7RTA), tiểu đoàn 1 trung đoàn bộ binh Marốc số 4 (1/4RTM) là những đơn vị tin cậy từng tham gia những trận đánh ở Nam Bộ, Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Lào.

Tiểu đoàn Thái số 2 (BT2), tiểu đoàn Thái số 3 (BT3) là những lực lượng đã được thử thách tại Nghĩa Lộ và Nà Sản.

Xuất thân từ pháo binh, Cônhi rất coi trọng hỏa lực. Từ thời Napôlêông, nước Pháp đã tự hào về pháo binh. Người ta quyết định chọn cho Đờ Cát một viên phó chỉ huy đặc trách pháo binh. Đó là đại tá Pirốt (Charles Piroth). Pirốt đã mất cánh tay trái trong một trận đánh tại Ý năm 1943, và vẫn được giữ lại trong quân đội vì những kinh nghiệm chuyên môn giỏi của mình. Theo ý kiến của Cônhi, chàng pháo thủ Pirốt là sự bổ sung tuyệt vời cho chàng kỵ sĩ Đờ Cát.

Những đơn vị pháo binh giỏi được điều lên Điện Biên Phủ. Đó là tiểu đoàn 3 trung đoàn pháp thuộc địa thứ 10 (3/10è RAC), một đơn vị pháo phối thuộc với bán lữ đoàn lê dương thứ 13. Tiều đoàn thứ hai thuộc trung đoàn pháo thuộc địa thứ tư (4è RAC), trung đoàn kỳ cựu nhất của Pháp ở châu Á, đã có mặt tại Bắc Kỳ từ những năm 1883-1885 và trong cuộc xâm lăng vào trung Quốc năm 1890 ở Thiện Tân, Bắc Bình. Trọng pháo 155, loại pháo lớn nhất của quân đội Pháp tại Đông Dương, được đưa lên Điện Biên Phủ. Ngoài hai tiểu đoàn pháo rất đáng tin cậy, còn có ba đại đội cối hạng nặng 120, mặc dù bắn không xa và không thật chính xác, nhưng với cách bắn cầu vồng có thể phá hoại các giao thông hào của đối phương. Loại pháo này được trang bị cho các trung tâm đề kháng trọng yếu.

Theo cách đánh giá của phương Tây thì khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 kilômét vuông đã tới 12 khẩu 105, 4 khẩu 155, 24 khẩu cối 120 và 81 và một số dự trữ đạn dược đồ sộ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn trước trận đánh) là quá mạnh.

Theo Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Quân đội nhân dân 2006)

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.