Cây Mía dò
Mía dò là cây thảo, sống lâu năm nhờ căn hành dưới đất, cao 1 -2 m hay hơn. Thân rễ (căn hành) to, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. THân xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15 - 20cm, rộng 6 - 7cm, gần chính nổi rõ. Lá non mọc thành một vòng xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt, sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ thẫm; phát hoa ở ngọn, hoa to, đẹp, đài hình ống 3 răng, vành hoa hình ống dài, tai hẹp, màu trắng hay vàng ngà, có khi đỏ tía rất đẹp.
Phân bố
Ở Việt Nam , cây phân bố rộng rãi ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi, trung du và đồng bằng. Các tỉnh có nhiều Mía dò là Hoà Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, cây thường mọc trên các bờ kênh rạch, nơi đất ẩm.
Thành phần hoá học
Thành phần chính của Mía dò là saponin steroid thuộc nhóm furostan là diosgenin, tigogenin và một số saponin khác. Diosgenin là một nguyên liệu tốt để bán tổng hợp các hormon steroid và một số thuốc tránh thai.
Thân rễ còn tươi chứa 77 - 87% nước, khi khô là 5,5% nước, 0,75% chất tan trong ether, 6,75% chất albumin, 66,65% carbohydrat, 10,65% xơ và 9,7% tro.
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống viêm:Cao Mía dò có tác dụng chống viêm rõ rệt ở cả hai giai đoạn viêm cấp và mãn tính trên các mô hình thực nghiệm.
Tác dụng giảm đau:Cao Mía dò có tác dụng làm giảm số lần quặn đau so với lô đối chứng chuột cống trắng gây đau nội tạng bằng cách tiêm xoang bụng axit acetic.
Tính vị, công năng
Mía dò có vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chống viêm. Ở Ấn Độ, rễ cây được xem như có tác dụng: xổ, lọc máu, kích thích, bổ, trừ giun.
Công dụng
Ngọn hay cành non Mía dò đem nướng vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai. Thân rễ Mía dò chữa sốt, đái buốt, tiểu vàng, viêm bàng quan. Ngày dùng 5 – 10g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá Lành ngạnh chữa bí tiểu tiện; với Cỏ xước, Cà gai leo, Thổ phục linh để chữa tê thấp, nhức xương. Dùng ngoài, thân rễ Mía dò giã đắp chữa rắn cắn.
Ở Trung Quốc, người ta dùng Mía dò chữa viêm thận phù thũng, xơ gan cổ trướng, tiểu tiện không thông, mề đay. Ở Ấn Độ, Mía dò dùng làm thuốc chữa sốt, bệnh ngoài da, rắn cắn. Ở Indonesia , Mía dò chữa các bệnh về mắt.
Ở Lào và Malaysia , dịch hãm hoặc nước sắc của lá Mía dò là thuốc ra mồ hôi, dùng làm nước tắm cho người bệnh sốt cao. Ở Malaysia , người ta còn dùng Mía dò với Trầu không để chữa ho.