Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/02/2014 23:33 (GMT+7)

Cần làm sáng tỏ quê hương nhà Lý

Có người cho làng Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn là quê hương của Lý Công Uẩn (1). Thậm chí có người cho rằng Chùa Tiêu Sơn, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn là "quê nội" của nhà Lý (2). Những ý kiến trên đã khiến không ít người băn khoăn về quê hương nhà Lý cụ thể ở làng nào của tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Bằng kết quả tìm hiểu, nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tài liệu thư tịch với các di tích về các Vua nhà Lý ở quê hương Bắc Ninh, chủ yếu ở các địa phương nêu trên, trọng tâm là Đình Bảng, chúng tôi muốn làm sáng tỏ vấn đề quê hương nhà Lý, góp phần giải đáp những thắc mắc của những người quan tâm tới lịch sử Triều Lý và vấn đề quê hương nhà Lý.

Về quê hương nhà Lý, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi như sau: "Vua họ Lý, huý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang...."(3). Vậy là chính sử phong kiến Việt Nam không xác định cụ thể Vua Lý quê ở làng xã nào. Có nhiều lý do, trong đó chắc có một lý do quan trọng là ngay từ việc đầu thai, tới khi sinh thành và suốt thời thơ ấu, Lý Công Uẩn gắn bó chặt chẽ với Phật giáo, nhà chùa, với các thiền sư Khánh Văn, Vạn Hạnh. Chính vì vậy, Lý Công Uẩn không muốn công khai cụ thể về nguồn gốc và quê quán của mình. Chứng cứ là ngay sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ đã đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức (4). Dẫu vậy, quê hương và nguồn gốc Vua Lý Thái Tổ và các Vua Lý phải ở một làng xã cụ thể thuộc châu Cổ Pháp.

Theo các công trình địa chí cổ, châu Cổ Pháp vốn là châu Cổ Lãm. Dưới thời Lê Đại Hành (989-1005), nó được đổi làm châu Cổ Pháp; thời Lý là phủ Thiên Đức; thời Trần là huyện Đông Ngàn; thời Lê - Nguyễn huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (5). Như vậy ngay từ đầu thời Lý, đơn vị hành chính châu Cổ Pháp đã không còn, nhưng làng Cổ Pháp thì vẫn được bảo tồn ở nhiều thể kỷ sau. Chứng cứ là trong nhiều công trình địa chí về Kinh Bắc - Bắc Ninh thời Lê -Nguyễn đã xác định Đình Bảng có tên là Cổ Pháp - quê hương nhà Lý. Sách Phong thổ Kinh Bắc đời Lê ghi: "Nói về dấu vết xưa còn lại: Đình Bảng là quê hương triều Lý...."(6). Công trình "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú xác định "làng Cổ Pháp thuộc huyện Tiên Du, là ấp thang mộc của đời Lý, khí thiêng của đất chung đúc, lăng cũ của tám Vua nhà Lý um tùm thành rừng"(7). Tác giả chú rõ ràng làng Cổ Pháp tức làng Đình Bảng. Còn sách "Bắc Ninh dư địa chí" của Đỗ Trọng Vỹ thì ghi: "Đền Lý Bát Đế thuộc đông Cổ Pháp, nay đổi tên là Đình Bảng, là nơi phát tích của triều Lý..."(8). Công trình địa chí của triều Nguyễn là "Đại Nam nhất thống chí" khẳng định lăng mộ và đền thờ tám Vua nhà Lý ở xã Đình Bảng. Nơi đây có Thang mộc ấp - tức quê quán của nhà vua. Đó là nơi "cấm địa" không ai được xâm phạm. Triều Nguyễn đã cho đắp sửa và dựng bia, khiến rước thần vị các Vua Lý liệt thờ vào miếu "Lịch đại đế vương"(9).

Như vậy, thời Tiền Lê, không chỉ có châu Cổ Pháp, mà còn có làng Cổ Pháp. Đó là làng Đình Bảng. Có thể xác định tên làng Cổ Pháp đã được dùng đặt tên đơn vị hành chính là châu Cổ Pháp. Vì vậy, khi châu Cổ Pháp được đổi thành phủ Thiên Đức (Thời Lý) và sau đó là huyện Đông Ngàn (Thời Trần - Lê - Nguyễn) thì tên làng Cổ Pháp vẫn được duy trì ở nhiều thế kỷ sau, rồi mới đổi sang tên Đình Bảng. Việc tên nhiều làng, xã được dùng để đặt tên các đơn vị hành chính như châu, hương, hay huyện, tổng... vốn là hiện tượng phổ biến trong lịch sử tên gọi các đơn vị hành chính của Việt Nam và vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc thời phong kiến. Nên khi các đơn vị hành chính như châu, hương, huyện, tổng thay đổi, thì tên các làng, xã vẫn được dân gian lưu giữ khá bền vững. Công trình khảo cứu của học giả Nguyễn Văn Huyên về Địa lý hành chính Kinh Bắc đã cho biết hầu hết các tổng (thậm chí cả huyện nữa) của vùng Kinh Bắc thời Lê - Nguyễn đều được mang tên các xã tiêu biểu, như: tổng Hội Phụ, xã Hội Phụ; tổng Tuân Lê, xã Tuân Lê; tổng Hà Lỗ, xã Hà Lỗ; tổng Hạ Dương, xã Hạ Dương;v.v.... và huyện Đông Ngàn, xã Đông Ngàn (10).

Trở lại Cổ Pháp - Đình Bảng. Các nguồn tài liệu mà chúng tôi nêu trên đã xác định Đình Bảng vốn có tên là Cổ Pháp, quê hương của Vua Lý. Điều khẳng định này còn được minh chứng bằng các di tích, địa danh sinh hoạt tâm linh văn hoá đã tồn tại ở làng quê này từ xưa đến nay.

Cổ Pháp không chỉ là tên làng xã Đình Bảng, mà còn là tên hàng loạt di tích, địa danh ở địa phương này như: Đền Cổ Pháp, bia đền Cổ Pháp; chùa Cổ Pháp, chuông chùa Cổ Pháp, rừng Cổ Pháp, ngòi Cổ Pháp... Khắp trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay, không làng xã nào có nhiều địa danh, di tích mang tên Cổ Pháp như ở Đình Bảng. Đặc biệt, chỉ riêng Đình Bảng cớ đền thờ và lăng mộ các Vua nhà Lý. Đó là Đền Cổ Pháp và Lăng Thiên Đức.

* Đền Cổ Pháp: tức Cổ Pháp Điện, thường gọi là Đền Đô - nơi thờ các Vua nhà Lý nên còn có tên là Đền Lý Bát Đế - tức thái miếu nhà Lý.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" năm 1019, Lý Thải Tổ dựng thái miếu ở lăng Thiên Đức. Năm 1029, Lý Thái Tông khánh thành thái miếu với quy mô to lớn, xây cất rất công phu,và người được thờ đầu tiên ở thái miếu là Lý Thái Tổ.
Đền Cổ Pháp bị tàn phá trong thời gian nhà Minh thống trị nước ta. Đầu thế kỷ XVII, vua Lê Kính Tông cho tu dựng lại với quy mô to lớn và sai Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan soạn văn bia "Cổ Pháp điện tạo bi". Văn bia này đã cho biết những thông tin quan trọng sau đây:

- Đánh giá công đức to lớn, mẫu mực của triều Lý, cần ghi vào sử sách để đời đời ghi nhớ và thờ phụng.

- Họ và tên các vị vua Lý, thời gian làm vua, ngày mất, tuổi thọ, số ruộng phụng sự cúng giỗ.

- Xác định đền Cổ Pháp được dựng từ xưa, thuộc xã Đình Bảng, và dân xã Đình Bảng là dân thủ lệ, lo việc cúng giỗ các vua Lý hàng năm.

- Xác định "khu sơn lăng cấm địa" có Lý triều lăng miếu, gồm 8 lăng ở các xứ đồng và địa giới Đông - Tây - Nam - Bắc của khu lăng miếu (11).

* Thọ lăng Thiên Đức: căn cứ các nguồn sử liệu ( Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí...) cho biết, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã về quê yết lăng Thái hậu, sai quan đo đất vài mươi dặm đặt làm sơn lăng cấm địa - tức lăng Thiên Đức (hay Thọ lăng Thiên Đức). Đây là nơi an táng Thái hậu (thân mẫu Lý Thái Tổ) sau đó là các vị vua nhà Lý. Theo truyền thuyết, trước khi mất, Lý Thái Tổ có di huấn, việc an táng các vua không được xây lăng cầu kỳ tốn kém, mà chỉ đắp đất, trồng cây. Tuân theo di huấn đó, khu sơn lăng được bảo vệ nghiêm ngặt và trở thành rừng, gọi là rừng Cổ Pháp, hay rừng Thọ lăng - tức rừng Báng. Căn cứ vào bia "Cổ Pháp điện tạo bi" khắc dựng năm 1605 cho biết: khu sơn lăng cấm địa ở gần điện Cổ Pháp và đã bị tàn phá, nhà Lê đã ra lệnh trùng tu. Sách "Hồng Kỳ" do tiến sỹ chức Thị lang Công hầu triều Nguyễn, thời Minh Mạng là Đào Công Thành cho biết: "Thọ lăng do Lý Thái Tổ sai quan Tả thị lang là Lê Tài Nghiêm về đo đất xây dựng.

Trong thọ lăng, bà Lý Chiêu Hoàng và bà Nguyên Phi Ỷ Lan cũng được táng tại đây..."(12). Đối chiếu các nguồn tài liệu với hiện trạng khu lăng mộ, chúng tôi thấy cơ bản là phù hợp. Khu lăng mộ thuộc khu rừng Báng (cũng có tên là rừng Cổ Pháp) ở phía đông làng Đình Bảng, nay là các gò đất cao hơn mặt ruộng từ 3m đến 5m, thậm chí có gò cao tới 10m, hình dáng rộng hẹp khác nhau, với tên gọi dân gian từng gò mộ các vua và hoàng tộc nhà Lý:

1. Lăng vua Lý Thái Tổ gọi là lăng Lòng Chảo.
2. Lăng vua Lý Thái Tông gọi là lăng Cả.
3. Lăng vua Lý Thánh Tông gọi là lăng Hai (hay lăng Con).
4. Lăng vua Lý Nhân Tông gọi là lăng Con Voi.
5. Lăng vua Lý Thần Tông gọi là lăng Đường Do.
6. Lăng vua Lý Nhật Tông gọi là lăng Đường Thuẫn.
7. Lăng vua Lý Cao Tông gọi là lăng Thủ Sơn.
8. Lăng vua Lý Huệ Tông gọi là lăng Long Trì.
9. Lăng vua Lý Chiêu Hoàng gọi là lăng Cửa Mả.
10. Lăng thánh mẫu Phạm Thị gọi là lăng Phát Tích.
11. Lăng Nguyên Phi Ỷ Lan gọi là lăng Nương Dâu.

Bia "Cổ Pháp điện tạo bi" còn xác định địa giới của khu Lý triều lăng miếu, phía Đông giáp địa giới xã Phù Chẩn, phía Tây giáp đường đê xã Trùng Quán, phía Nam giáp địa giới xã Phù Ninh, phía Bắc giáp địa giới xã Quan Trì, dân xã Đình Bảng là dân thủ lệ.

Tại Đình Bảng, còn các di tích chùa tháp cổ, như chùa Kim Đài (tức chùa Quỳnh Lâm) - nơi trụ trì của thiền sư Đinh Không, kế đó là thiền sư Khánh Văn- người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn thời thơ ấu. Cạnh chùa là tháp mộ Lý Khánh Văn. Chùa Cổ Pháp (tức chùa Ứng Tâm hay Ứng Thiên Tâm) với tên nôm là chùa Dặn, gắn liền với truyền thuyết về thân mẫu Phạm Thị đau đẻ tại chùa và câu ca "đẻ Đường Sau, đau chùa Dặn". Tại chùa này, còn cổ vật là chuông đồng "Cổ Pháp tự chung" (chuông chùa Cổ Pháp), đúc năm Kỷ Hợi đời vua Minh Mệnh (1839),....

Chùa Cổ Pháp là nơi thờ Phật, đồng thời còn thờ Lý Khánh Văn và Thánh mẫu Phạm Thị. Lễ hội chùa vào ngày 7 tháng giêng âm lịch để ghi nhớ ngày mất của Thành mẫu.

Sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng tiêu biểu ở Đình Bảng là Lễ hội Đền Đô vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, truyền rằng để kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang và tỏ lòng biết ơn các vua Lý. Sách Bắc Ninh dư địa chí của Đỗ Trọng Vỹ đã mô tả lễ hội Đền Đô là lễ hội lớn và vui nhất của huyện Đông Ngàn, có tới hàng vạn người tới xem.

Vui nhất là đám rước, trong đó đi trước là kiệu Thánh Mẫu, rồi đến kiệu tám vị vua Lý, các hàng chức sắc, hương lão, cờ lọng.... Đám rước tới trước chùa Cổ Pháp thì dừng kiệu, các tăng ni đến trước kiệu tụng kinh, rồi sau mới rước về đền (14).

Các tài liệu thư tịch và văn bia, đặc biệt là đền thờ và lăng mộ các vua và hoàng tộc nhà Lý ở Đình Bảng đã cho phép khẳng định: Đình Bảng ngày nay, tức làng Cổ Pháp xưa, là quê hương của nhà Lý. Đền Đô là nơi thờ và tưởng niệm các vua Lý của nhân dân Bắc Ninh và nhân dân cả nước. Ngay sau ngày cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, Hồ Chủ tịch đã về thăm đền Đô và thắp hương tưởng niệm các vua Lý.

Bảo tồn di sản văn hoá nhà Lý trên quê hương Đình Bảng, trong những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự hảo tâm công đức của nhân dân cả nước, nhân dân Đình Bảng đã tu dựng lại khu di tích đền Đô, chùa Cổ Pháp, chùa Kim Đài, quy hoạch tôn tạo khu lăng mộ các vua và hoàng tộc nhà Lý. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đã tới thắp hương tưởng niệm vua Lý tại đền Đô. Lễ hội đền Đô hàng năm đã trở thành lễ hội lớn quy mô quốc gia, thu hút quý khách trong và ngoài nước tới dự. Đặc biệt các địa phương có quan hệ với nhà Lý ở trong nước và hậu duệ họ Lý sinh sống ở Hàn Quốc, năm nào cũng về dự hội đền Đô và tưởng niệm các vua Lý.

Khu di tích đền Đô đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng cấp quốc gia. "Quy hoạch tổng thể khu văn hoá các vua nhà Lý - xã Đình Bảng" đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và triển khai thực hiện nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. (*)
_____________________________________________
Chú thích:
(1). P.G.S Chu Quang Chứ: Lý giải các nguồn thư tịch Hán - Nôm để tìm hiểu nguồn gốc nhà Lý.
. Nguyễn Thương - T.S Cung Khắc Lược: Dương Lôi - Quê hương của Lý Thái Tổ.
(Các bài in trong sách: "Làng Dương Lôi với Vương triều Lý". NXB Văn hoá dân tộc - Hà Nội - 2000)
(2)Lê Viết Nga: Tài liệu về Thiền sư Vạn Hạnh và bà Phạm Thị ở khu di tích Tiêu Sơn. (Bài in trong sách: "Làng Dương Lôi với Vương triều Lý". NXB Văn hoá dân tộc - Hà Nội - 2000)
(3). Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội - 1998.
(4). Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội - 1998.
(5). Nguyễn Văn Huyên: Địa lý hành chính Kinh Bắc. Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Sở văn hoá thông tin Bắc Giang. Hà Nội - 1997.
(6). Phong thổ Hà Bắc đời Lê. Ty văn hoá Hà Bắc - 1971.
(7). Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. NXB Văn Sử Địa. Hà Nội - 1960.
(8). Đỗ Trọng Vỹ: Bắc Ninh địa dư chí. NXB Văn hoá thông tin. Hà Nội - 1997.
(9). Đại Nam nhất thống chí. Tập IV. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội - 1971.
(10). Nguyễn Văn Huyên: Địa lý hành chính Kinh Bắc. Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Sở văn hoá thông tin Bắc Giang. Hà Nội - 1997.
(11). Nguyễn Đức Thìn: Di tích lịch sử văn hoá đền Đô. NXB Văn hoá dân tộc. Hà Nội - 2006.
(12). Nguyễn Đăng Duy - Nguyễn Duy Nhất: Văn hoá quê hương nhà Lý. NXB Hà Nội - 1999.
(13). Nguyễn Đức Thìn: Di tích lịch sử văn hoá đền Đô. NXB Văn hoá dân tộc. Hà Nội - 2006.
(14). Đỗ Trọng Vỹ: Bắc Ninh địa dư chí. NXB Văn hoá thông tini. Hà Nội - 1997.
(*) Kỳ sau: "Về quê hương bà Phạm Thị - thân mẫu Lý Công Uẩn".
/.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.