Cảm hứng phồn thực trong điêu khắc Chăm
Trong các điêu khắc Chăm, vị thần được thờ phổ biến nhất là Siva - một trong ba vị thần tối cao. Hình tượng Siva trong các đền thờ được đồng nhất với thờ linga - sinh thực khí nam. Người Chăm tiếp thu văn hóa Ấn Độ giáo, tôn thờ thần Siva, vị thần đầy quyền năng. Linga kết hợp với yoni, sinh thực khí nữ, làm nên mặt bệ thờ hoàn chỉnh, là sự hòa nhập âm dương, là biểu tượng sáng tạo sinh sôi của thần Siva. Thần Siva theo tiếng Phạn là “tốt lành”, được gọi là thần Hủy diệt, hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới.
Linga thể hiện thần Siva có 3 dạng: Linga đơn giản nhất, chỉ có một thành phần hình trụ tròn, mang đậm nét tính cách bản địa Chăm; Linga thể hiện nhị vị nhất linh (Siva - Visnu) phía trên hình tròn (Siva), dưới hình bát giác (Visnu); Linga thể hiện tam vị nhất linh (Siva - Visnu - Brahma), cấu trúc gồm 3 phần, phản ánh triết lý Bàlamôn giáo. Phần hình vuông âm tính ở dưới ứng với Brahma Sáng tạo, hình bát giác ở giữa là đoạn chuyển tiếp, ứng với thần Visnu Bảo tồn, phần hình tròn dương tính ở trên ứng với thần Siva Hủy diệt.
Ngoài hình tượng yoni gắn liền với hình tượng linga trong các bệ thờ, dòng âm tính trong điêu khắc Chăm còn thể hiện những phù điêu các vũ nữ Apsara, với khuôn mặt đầy nét nhân chủng Chăm, môi dày, cằm không bạnh, lông mày tỉa nhỏ, cánh mũi thanh thoát. Đặc biệt bộ ngực trần vẫn giữ vẻ trinh nguyên, không mang vẻ trần tục như tượng các vũ nữ Ấn Độ, hay thật nặng nề như ngực tượng vũ nữ Khơme. Tượng vũ nữ tạc ở bệ tượng Trà Kiệu (Quảng Nam - Đà Nẵng) là một pho tượng thuộc loại đẹp nhất. Tượng gần như khoả thân, ngực căng tròn, cặp đùi thon, hông rộng, cổ tay tròn lẳn. Động tác múa tạo nên một hình khối cân đối và chặt chẽ. Tư thế múa uốn lượn mềm mại của các vũ nữ như dấy lên nỗi đam mê cuồng nhiệt!
Ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng có những bức phù điêu nữ thần Uma, vợ hay thần nữ của Siva, gọi là Bhagavati, được sùng kính ở vương quốc Chămpa, là Mẹ Xứ sở hay Pô Nưgar. Một phù điêu nữ thần Uma được đưa về từ Bình Sơn (Quảng Ngãi) với cặp nhũ lớn, các nếp bụng hằn rõ, khuôn mặt thanh tú, môi cong, váy nhiều nếp chồng lên nhau. Tượng có dáng gần với tượng Uma ở Nha Trang. Phù điêu nữ thần Laksmi, vợ hay thần nữ của Vishnu, nữ thần sắc đẹp, phú quý và may mắn. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm ta bắt gặp tượng Laksmi trong nhiều tư thế, phổ biến là tư thế ngồi trên mình rắn Naga, có đến 13 đầu rắn vây quanh. Nữ thần có 4 cánh tay, ba cánh với các biểu tượng: cầm hình con ốc, chĩa ba và cây chùy. Tượng Laksmi thường ở trần, với hai bầu vú căng tròn. Ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng còn có phù điêu nữ thần Brahma Đản sinh (Brahma’s Birth), tọa trên tòa sen, cây sen này mọc lên giữa cánh tay trái của nữ thần Vishnu đang nằm duỗi người trên mình rắn Naga. Phù điêu này được sưu tầm ở gần thị xã Quảng Ngãi. Với những vị thần vốn không thuộc loài người như Voi thần (Ganesa), Chim thần (Garuda) thân hình cũng được tạo theo khuôn mẫu các thiếu nữ Chăm.
Bàn tay của các nghệ nhân Chăm đã thổi luồng sinh khí vào những mẫu tượng đất nung, đá sa thạch, làm cho chúng có diện mạo, sự rung động và trở nên bất tử. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm là thành tựu rực rỡ của văn hóa Chăm, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật, văn hóa của các nước khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo mang bản sắc dân tộc Chăm. Đó là một nền nghệ thuật giàu sức sống, nhiều trăn trở, một nghệ thuật đầy tính nhân văn và khát vọng.
Nguồn: hoidantochoc.org.vn (11/05/06)