Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/11/2010 18:41 (GMT+7)

Cách tiếp cận và các chiều cạnh của phát triển con người

I. Cách tiếp cận phát triển con người

Phát triển con người là mục tiêu cuối cùng của mọi sự phát triển. Bởi lẽ đó, vấn đề về phát triển con người đã được quan tâm từ rất sớm. Nhà triết học cổ đại Aristot cho rằng sự giàu có không phải là tài sản mà con người tìm kiếm; những tài sản đó chỉ hữu dụng để con người tìm kiếm những thứ khác. Immanuel Kant thì cho rằng chính con người là mục tiêu chứ không phải là phương tiện để đạt được các mục tiêu khác. Một số nhà kinh tế học sau này như Adam Smith, Karl Marx cũng đi theo quan điểm coi con người là mục tiêu thực sự của tất cả mọi hoạt động (S.Mahendra, 2009). Đến những thập niên cuối của thể kỷ XX, quan điểm về phát triển con người với vai trò như một quan điểm về phát triển kinh tế xã hội đã được UNDP đề xuất và áp dụng để xem xét những vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển con người. Điều này được thể hiện trong các báo cáo thường niên về phát triển con người của UNDP (bắt đầu từ năm 1990).

Cách tiếp cận phát triển con người được bắt nguồn từ cách tiếp cận năng lực của Amatya Sen. Cách tiếp cận này cùng với chất lượng cuộc sống được đánh giá dưới góc độ khả năng đạt được những chức năng có giá trị. Trong cách tiếp cận này, phát triển con người được xác định không chỉ bao gồm việc tăng thu nhập bình quân, tăng tiêu dùng hay nâng cao sức khoẻ, học vấn mà còn là nâng cao năng lực của con người. Năng lực ở đây đề cập tới sự tự do của nhóm hay của cá nhân để thúc đẩy hoặc đạt được những chức năng có giá trị. Có những chức năng cơ bản liên quan mật thiết tới những nhu cầu vật chất cần cho sự sinh tồn (như được nuôi dưỡng, có nơi ăn, chốn ở, có sức khoẻ tốt, được chăm sóc đầy đủ, tránh bệnh tật hay nguy cơ tử vong sớm v.v…); cũng bao gồm những chức năng ít trọng tâm nhưng phức tạp hơn và có ý nghĩa rộng hơn (như đạt được sự tự coi trọng hoặc được hoà nhập về mặt xã hội); có được các cơ hội để nâng cao năng lực như được đến trường học, được tự do đưa ra các lựa chọn kinh tế, tự do di chuyển và lựa chọn chỗ ở cho mình. Sự tự do về xã hội cũng rất quan trọng, bao gồm khả năng tham gia vào đời sống cộng đồng, vào sự thảo luận chung của công chúng, vào quá trình ra quyết định (Martha Nussbaum và Amatya Sen, 1993). Trong cách tiếp cận năng lực, có ba nội dung cần được quan tâm đó là:

* Sự vận hành chức năng (Functionnings): Là những hành vi và tình trạng có giá trị tạo nên sự hạnh phúc (well being) cho con người như sức khoẻ, an toàn, công việc tốt…

* Năng lực (Capabilities): Là việc kết hợp sự vận hành chức năng (functionings) mà một người có thể đạt được.

* Chủ thể (Agency): Đề cập tới khả năng của một con người để theo đuổi các mục tiêu có giá trị đối với họ. Chủ thể là một người nào đó hành động và tạo ra sự thay đổi. Theo quan điểm này, con người được coi là có tính chủ động, sáng tạo và có thể hành động theo khát vọng của mình, họ được tham gia, được trao quyền và dân chủ.

Từ cách tiếp cận năng lực, sau này Sen đã xây dựng nên cách tiếp cận phát triển con người. Phát triển con người trong cách tiếp cận phát triển con người được coi là một quá trình mở rộng cơ hội lựa chọn và năng lựccho con người. Như vậy, có hai cụm vấn đề chính trong phát triển con người là cơ hội lựa chọn và năng lực con người. Về cơ hội lựa chọn, theo Sen, sự lựa chọn của con người chỉ xảy ra khi có sự xuất hiện cơ hội lựa chọn và con người có năng lực lựa chọn. Sự xuất hiện cơ hội lựa chọn một phần phụ thuộc vào thể chế xã hội có tính mở hay không, và cộng đồng có tạo điều kiện cho sự xuất hiện cơ hội hay không. Ngoài ra, cơ hội lựa chọn còn phụ thuộc vào năng lực của chủ thể con người. Con người càng có năng lực thì càng có cơ hội lựa chọn hơn; xã hội càng phát triển thì càng có điều kiện tạo ra nhiều cơ hội mở rộng sự lựa chọn cho con người. Để mở rộng cơ hội lựa chọn cho con người thì năng lực là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, phát triển con người, theo Sen, chính là sự phát triển năng lực cho con người. Năng lực con người được hiểu là sự tự do của con người trong việc thực hiện các chức năng. Tự do ở đây bao gồm hai khía cạnh - đó là khía cạnh cơ hội (chú ý đến khả năng con người đạt được những thứ mà họ thấy có ý nghĩa) và khía cạnh quá trình (chú ý đến tự do trong quá trình đạt được những thứ mà họ thấy có ý nghĩa đó). Đối với sự phát triển con người, có những sự lựa chọn mang tính thiết yếu, như có một cuộc sống mạnh khoẻ và lâu dài; có kiến thức; được tiếp cận với những nguồn lực để có một cuộc sống tươm tất (trong đó thu thập là một trong những phương tiện để đạt được điều này). Ngoài ra, có những sự lựa chọn khác nhau các cơ hội tự do về chính trị, về kinh tế, về xã hội để con người được sáng tạo và sản xuất, được đảm bảo quyền con người và được kính trọng.

Đối với Mahbub Ul Haq (1995), con người là trọng tâm của phát triển. Phát triển con người là mục tiêu cao nhất cần hướng tới, song cũng cần quan tâm đến phương tiện (ví dụ như thu nhập) để đạt được mục tiêu đó. Theo ông, một chính sách có thành công hay không nằm ở chỗ nó giúp cải thiện cuộc sống của con người như thế nào chứ không đơn thuần là làm gia tăng quá trình sản xuất. Phát triển con người theo ông bao gồm hai mặt - đó là hình thành năng lực cho con người và sử dụng các năng lực đó và các hoạt động như sản xuất kinh tế, chính trị, vui chơi giải trí v.v… Haq cũng cho rằng, trong tiếp cận phát triển con người cần phải chú ý tới mối quan hệ giữa môi trường kinh tế và môi trường phi kinh tế.

Trong gần hai mươi năm qua, cách tiếp cận phát triển con người đã được thể hiện xuyên suốt trong hệ báo cáo phát triển con người thường niên của UNDP. Cách tiếp cận phát triển con người của UNDP đặt con người vào trọng tâm của sự phát triển, chú trọng tới việc tạo dựng năng lực của con người thông qua việc đầu tư vào con người và sử dụng nguồn lực đó của con người một cách đầy đủ thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Có thể thấy, cách tiếp cận phát triển con người đã từng bước khẳng định được tính hợp lý của nó trong việc xem xét những vấn đề cụ thể (về kinh tế, môi trường, dân chủ, bình đẳng…) theo quan điểm phát triển con người. Cách tiếp cận phát triển con người có sự liên hệ nhưng cũng có sự khác biệt rõ ràng với các cách tiếp cận khác. So với cách tiếp cận về tăng trưởng kinh tế, trong khi cách tiếp cận này chỉ tập trung vào việc mở rộng một sự lựa chọn cho con người - đó là thu nhập - thì cách tiếp cận phát triển con người tập trung vào tất cả các sự lựa chọn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Trong cách tiếp cận phát triển phát triển con người, tăng trưởng kinh tế chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu của sự phát triển. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng thu nhập là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phát triển con người. Adam Smith đã chỉ ra rằng, các khả năng xã hội của con người có thể phụ thuộc vào thu nhập tương đối của cá nhân trong mối tương tác. Việc không được đảm bảo một mưc sống tốt có nguy cơ dẫn tới sự hạn chế các khả năng của con người. Từ việc thiếu hụt khả năng, con người sẽ gặp nhiều khó khăn trong thích ứng và hoà nhập với những người khác trong cộng đồng xã hội. Điều này liên quan trực tiếp tới thu nhập tương đối của cá nhân trong mối tương quan với mức độ phồn thịnh chung của cộng đồng. Sự tước đoạt tương đối về mặt tài sản có thể dẫn tới sự tước đoạt toàn các khả năng của con người (Martha Nussbaum và Amatya Sen, 1993). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cần phải hướng tới mục tiêu phát triển con người. Người ta chỉ ra rằng, nếu mối liên kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người không dược đảm bảo thì nó có thể đẩy tới các nguy cơ như gia tăng thất nghiệp (jobless growth); tăng trưởng tàn nhẫn (ruthless growth) - đó là chỉ có một số người được hưởng lợi ích từ quá trình tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng không có tiếng nói (voiceless growth) - đó là tăng trưởng nhưng không đảm bảo dân chủ; tăng trưởng không có nguồn gốc (rootless growth) - đó là tăng trưởng thiếu tính bền vững. Các nghiên cứu lý luận cho thấy có thể thiết lập sự liên kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người qua một số cách như chú trọng đầu tư vào giáo dục, sức khoẻ, kỹ năng của con người, tạo điều kiện cho con người tham gia vào quá trình tăng trưởng và chia sẻ các lợi ích; thúc đẩy phân phối thu nhập một cách công bằng; chính phủ cân đối một cách hợp lý các chi tiêu và đầu tư xã hội và trao quyền cho con người để họ thực hiện sự lựa chọn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội (Nguyễn Hồng Anh, 2008).

Một số người lại có xu hướng nhầm lẫn giữa phát triển con người với phát triển xã hội và chỉ liên hệ phát triển con người với đầu tư vào giáo dục, sức khoẻ, dinh dưỡng. Một số khác lại đánh đồng một cách nhầm lẫn giữa phát triển con và phát triển nguồn nhân lực. Về thực chất, cách tiếp cận phát triển con người coi sự đầu tư về giáo dục và y tế có giá trị bên trong (đối với đời sống con người) và có giá trị công cụ (đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế). Người ta cũng nhầm lẫn khi cho rằng cách tiếp cận phát triển con người không có điểm gì mới so với cách tiếp cận vốn con người (human capital) và cách tiếp cận nhu cầu cơ bản (basic needs). Thực chất, cách tiếp cận phát triển con người theo đuổi việc tìm kiếm tự do, hạnh phúc (human well-being) của con người và phẩm giá của các cá nhân trong xã hội. Đây là những điểm quan trọng nhưng lại bị bỏ sót trong cách tiếp cận phát triển xã hội, tiếp cận vốn con người và tiếp cận nhu cầu cơ bản (S.Mahendra Dev, 2009).

Nhìn chung, có thể thấy cách tiếp cận phát triển con người khác biệt với các cách tiếp cận khác ở một số điểm cơ bản, đó là: Cách tiếp cận phát triển con người phân biệt rõ giữa mục tiêu và phương tiện của sự phát triển con người; cách tiếp cận phát triển con người quan tâm đến tự do, phẩm giá con người và quan tâm tới chủ thể con người - vai trò của con người trong sự phát triển.

II. Các chiều cạnh phát triển con người

Sabina Alkire (2002) trong bài viết về Các chiều cạnh phát triển con người(Dimensions of Human Development) cho rằng, các chiều cạnh là các khía cạnh hợp thành của một đối tượng cùng tồn tại với nhau. Theo đó, các chiều cạnh phát triển con người được hiểu là các khía cạnh cùng tạo nên sự phát triển con người.

Mahbub Ul Haq là một trong những người đầu tiên đề cập tới các chiều cạnh phát triển con người theo cách tiếp cận phát triển con người đó là công bằng (con người được tiếp cận công bằng tới các cơ hội); bền vững (đề cập tới tính bền vững của tất cả các nguồn lực bao gồm nguồn lực về tài chính, môi trường, vật lý và con người); năng suất cao (con người sử dụng tối đa khả năng của mình để tạo ra năng suất, hiệu quả lao động) và trao quyền (con người được tham gia và hoạt động theo sự lựa chọn của mình).

Hệ báo cáo phát triển con người của UNDP trong những năm qua tuy đi vào những chủ đề khác nhau về phát triển con người (như tăng trưởng, bình đẳng giới, quyền con người, dân chủ, văn hóa…) nhưng luôn phân tích các vấn đề đó dưới các chiều cạnh của phát triển con người đề xuất bởi những nhà khai sáng ra cách tiếp cận này (như Amatya Sen và Mahbub Ul Haq). Các chiều cạnh chính của phát triển con người thường được phân tích đó là bền vững, bình đẳng, hiệu quả, trao quyền. Tuy nhiên, một số chiều cạnh khác cũng từng bước được đưa vào xem xét dưới lăng kính phát triển con người. Báo cáo phát triển con người năm 1996 của UNDP đã phân tích một số chiều cạnh phát triển con người bao gồm hợp tác, bình đẳng, bền vững và an ninh. Những nghiên cứu gần đây bổ sung thêm các chiều cạnh về năng lực, sự tham gia, các giá trị nhân văn, các nhu cầu cơ bản của con người…

Việc xác định và mở rộng các chiều cạnh phát triển con người là cơ sở để xây dựng nên các cách tiếp cận đa chiều đối với phát triển con người và là khung lý thuyết để từ đó xây dựng nên những chỉ báo đo lường các khía cạnh khác nhau của phát triển con người. Việc xác định và mở rộng các chiều cạnh phát triển con người cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển con người thực sự theo nghĩa đầy đủ và toàn diện hơn. Bàn tới việc xác định các chiều cạnh phát triển con người, Sabina Alkire cho rằng cần thiết phải xác định các chiều cạnh phát triển con người, bởi lẽ: Thứ nhất,việc tính toán các chiều cạnh phát triển con người giúp đưa ra cơ sở về mặt nhận thức và kinh nghiệm cho việc tiếp cận mục tiêu đa chiều đối với phát triển con người. Nếu chỉ có thu thập thì chưa đủ để có thể đánh giá tình trạng hạnh phúc của con người; Thứ hai,xác định các chiều cạnh phát triển con người có ý nghĩa về mặt thực tiễn và phương pháp luận, giúp các cộng đồng có thể đánh giá một cách hiệu quả sự lựa chọn các giá trị, thảo luận các giá trị và thực hiện các giá trị đó một cách có lợi ích và thích hợp. Cách tiếp cận đa chiều cạnh đối với phát triển như vậy được minh hoạ trong cách tiếp cận về năng lực của Amartya Sen. Theo ông, cần có nhiều sự lựa chọn giá trị được thực hiện rõ ràng bởi các thể chế dân chủ, bởi sự tham gia hoặc bởi những cuộc tranh luận công chúng hơn là chỉ dựa vào thị trường. Nhu cầu đối với những sự lựa chọn giá trị rõ ràng này có thể được mở rộng để trao quyền cho các nhóm đa dạng trong xã hội hình thành nên tài sản chung của họ. Nhưng các cộng đồng cần phải chỉ ra họ có thể thực hiện sự tự do này mang tính hiệu quả nhất và mang tính xác thực nhất như thế nào - họ cần những phương pháp luận được tổ chức một cách hợp lý để các cuộc tranh luận công chúng có tính hiệu quả hơn; Thứ ba, các hợp phần của chiều cạnh của người có thể giúp các nhóm xác định những sự tác động không được định trước. Bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay đang làm gia tăng sự căng thẳng giữa các giá trị văn hóa và các giá trị kinh tế. Bởi vậy, vấn đề đối với những tác động không được định trước càng trở nên nhạy cảm. Sự tăng trưởng mở rộng các cơ hội này nhưng có thể không được mở rộng những cơ hội khác, thậm chí hạn chế những sự lựa chọn khác. Những hậu quả không được định trước của sự tăng trưởng nên được đưa vào các chương trình phát triển và được giải thích trước khi thực hiện. Sự kết hợp các chiều cạnh khác nhau có thể hỗ trợ các nhóm và cá nhân đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn, có tính hiểu biết hơn; Cuối cùng, việc xác định các chiều cạnh phát triển con người sẽ kết hợp và góp phần khắc phục hạn chế trong các cách tiếp cận khác nhau đối với phát triển con người (cách tiếp cận dựa trên nhu cầu cơ bản; cách tiếp cận dựa trên năng lực…) và hình thành nên một xu hướng mới - đó là cách tiếp cận đa chiều đối với phát triển con người (Sabina Alkira, 2002).

Các chiều cạnh phát triển con người vẫn được các chuyên gia của UNDP tiếp tục thảo luận và bổ sung để nó trở thành lăng kính cho việc xem xét, đánh giá phát triển con người (ví dụ như sự thảo luận ở các Hội thảo đào tạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phát triển con người được tổ chức tại Phnôm Pênh vào tháng 5 năm 2004 và tại Bangkok vào tháng 9 năm 2009). Có 05 chiều cạnh phát triển con người thường được đề cập đến hiện nay bao gồm:

(i) Chiều cạnh bền vững:Chiều cạnh bền vững trong phát triển con người được thể hiện dưới bốn khía cạnh, bao gồm khía cạnh về môi trường; khía cạnh liên thế hệ; khía cạnh về tài chính và khả năng cho các cơ hội và hiệu quả tiếp theo;

(ii) Chiều cạnh công bằng:Chiều cạnh công bằng trong phát triển con người được xem xét dưới hai góc độ. Xem xét theo chiều dọc, công bằng được thể hiện qua sự công bằng về giới (công bằng trong tiếp cận với dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục; loại trừ khỏi việc tham gia vào đời sống chính trị, xã hội và quá trình ra quyết định). Theo chiều ngang, công bằng được xem xét qua vấn đề về cơ hội tiếp cận với kiến thức, sức khỏe, trong giảm nghèo và phát triển kinh tế, trong việc đối mặt với những bất ổn xã hội;

(iii) Chiều cạnh hiệu quả:Chiều cạnh hiệu quả trong phát triển con người được thể hiện ở sự tăng trưởng GDP, tăng năng suất; nâng cao năng lực con người và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực;

(iv) Chiều cạnh trao quyền:Chiều cạnh trao quyền trong phát triển con người được thể hiện ở chỗ tất cả các nhóm xã hội đều được đảm bảo quyền con người; họ có được sự tự do xã hội và tự do lựa chọn; có tiếng nói chính trị và được tham gia vào quá trình ra quyết định; được kiểm soát đối với tài sản kinh tế hợp pháp và công việc làm ăn của mình; được tiếp cận với tài chính;

(v)Chiều cạnh tham gia:Chiều cạnh tham gia trong phát triển con người được xem xét ở góc độ con người được tham gia và không bị loại trừ như thế nào (bao gồm loại trừ về kinh tế, loại trừ do địa lý, loài trừ do các yếu tố kỳ thị và phân biệt xã hội, quyết định chính thức, loại trừ do các vấn đề giáo dục và sức khoẻ).

Dĩ nhiên, những nội dung trong các chiều cạnh phát triển con người được trình bày trên đây cũng chỉ mang tính gợi ý. Khi áp dụng lăng kính phát triển con người vào xem xét một vấn đề cụ thể, chúng ta hoàn toàn có thể ưu tiên một số chiều cạnh hơn, và cũng có thể bổ sung và/hoặc giảm bớt những nội dung trong mỗi chiều cạnh để phù hợp với vấn đề cụ thể về phát triển con người mà chúng ta nghiên cứu, phân tích.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.