Cách chăm sóc mai nở đúng Tết
1. Biện pháp canh mai
Để có cây mai nở đúng giao thừa, sáng mùng một tết do chính chúng ta chăm sóc thì còn gì thú vị hơn. Cần lưu ý những điểm chính sau đây:
- Bón phân đúng lúc, đúng loại.
- Tưới nước đúng thời gian: Cây trồng chậu, mùa khô tưới 2 lần/ngày, mùa mưa mỗi ngày tưới 1 lần.
- Cây trồng đất, mùa khô ngày tưới 1 – 2 lần, mùa mưa có thể 1 – 2 ngày tưới 1 lần.
Cần lưu ý trong cả hai trường hợp khi mùa mưa sắp dứt, phải tưới đẫm nước mỗi ngày cho đến tháng 12 âm lịch mới giảm dần lượng nước tưới, 2 ngày tưới 1 lần chuẩn bị lặt lá mai.
Tưới nước đều vào cuối mùa mưa đến Tết Nguyên đán theo hướng dẫn, nếu đến giữa tháng 10-11 bộ lá còn xanh là tốt nhất, nếu lá đã chuyển sang vàng, hoa nở lác đác cần hãm hoa lại bằng cách tăng nước tưới pha ít urê để cây đâm tược lá, chậm quá trình nở hoa.
– Xem nụ: Đến rằm tháng 8 âm lịch cây mai đã có nụ non. Nếu thấy ít nụ cần tăng cường bón thúc thêm một lần phân NPK 15-30-15 100 gr/gốc để mai có nụ nhiều hơn.
– Lảy lá: Thông thường ta lảy lá vào rằm tháng Chạp, tuy nhiên có thể lảy lá sớm hay trễ tuỳ thuộc vào: Nụ lớn thường lảy lá vào 17,18,19 tháng Chạp. Nụ nhỏ lảy lá vào 13 – 14 tháng Chạp. Mai ghép nhiều cành như mai giảo lẩy từ 10-13 tháng Chạp, mai 24 cánh lảy từ mùng 8-12 tháng Chạp, mai 100 cánh lảy từ mùng 6-10 tháng Chạp.
Tình trạng sức khoẻ của cây mai: Cây khoẻ lảy lá sớm, cây yếu lảy lá trễ và cắt bớt nụ hoa.
Thời tiết trở lạnh: Lảy lá sớm hơn 5-7 ngày hoặc tưới nước ấm 35-42 độ C, ngày 2 lần. Thời tiết nóng lảy lá trễ hơn 1-3 ngày, sau khi lảy lá đến 23 tháng Chạp nếu thấy nụ mai tróc vỏ lụa nhiều, nở đúng tết, nếu chưa tróc vỏ lụa có thể tưới nước vào buổi trưa, phun thuốc kích thích như Aron 1-2%, phun 2 lần, mỗi ngày một lần; Dekamon 1% phun 3 lần, mỗi ngày 1 lần. Nếu đến 23 tháng Chạp nụ xanh, lớn, hoa nở sớm có thể dùng lòng trắng trứng vịt phun lên nụ để giữ hoa không nở, sau đó tưới nước rửa vào trưa 29 tháng Chạp. Cần lưu ý biện pháp này chỉ giúp cây chậm nở hoa 1-2 ngày nếu kéo dài cây sẽ bị rụng nụ.
2. Phòng trừ sâu bệnh
- Sâu đục thân: Đây là loại sâu làm cây bị hư hại nặng nhất, mỗi sáng quan sát vườn nên chú ý xung quanh gốc mai có những bột gỗ xuất hiện không, nếu có phải xem xét thân cây, có lỗ nhỏ, số lượng nhiều ít, dùng kẽm chọc vào lỗ hoặc dùng thuốc trừ sâu Sec Saigon 10EC bơm thẳng vào lỗ mọt.
Biện pháp ngừa tốt nhất là dùng Diaphos 10H, Gà Nòi 4G rải đất 6 tháng/lần.
- Rầy, rệp các loại như rầy bông, rệp sáp… chích hút nhựa làm lá bị xoắn vàng, chết cành. Cần lưu ý các loại rầy, rệp là tác nhân truyền bệnh siêu vi trùng. Do đó phải chú ý phòng trị, nếu bị ít có thể dùng Sairifos 585 EC phối hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC.
- Các loại sâu ăn lá khác như sâu tơ, sâu nái… phun thuốc sâu như Sairifos, SK Enspray 99 EC, Sec Saigon 10EC… định kỳ 1 tháng 1 lần.
- Nhện đỏ (rầy lửa) sử dụng dầu khoáng SK 99EC, Sairomite 57EC.
- Bệnh hại: Nấm hồng khá nguy hiểm cho cây, nấm bám lá làm cháy lá, khô cành, sử dụng Vanicide 5SL; Alpine 80WG; Mexyl MZ 72WP.
- Vi khuẩn có thể dùng thuốc gốc đồng như Copforce blue, Alpine 80WG.
- Bệnh do thiếu vi lượng: Đây là bệnh do sinh lý do cây cần những loại vi lượng (Bo, Mo ,Fe, Mg, Mn…) sử dụng phân bón Poly feed 15-15-30. Xới xáo kết hợp nhổ cỏ dại: Vào mùa mưa 45 ngày/lần để tạo độ thông thoáng cho cây.