Biến đổi khí hậu phải được lồng ghép với xóa đói giảm nghèo
Tác động của biến đổi khí hậu đến người nghèo
Đây là nghiên cứu mới nhất mà PEP đang thực hiện tại các xã ở Hà Tĩnh và Ninh Thuận với mục tiêu xác định sự tổn thương và khả năng thích ứng của người nghèo sống tại các xã chịu ảnh hưởng của thiên tai do tác động của sự nóng dần lên của trái đất; để Chính phủ xây dựng chính sách chiến lược, kế hoạch và pháp luật thích hợp giải quyết các thay đổi có thể xảy ra.
TS. Michael Parsons cho biết, nghiên cứu này được thực hiện tại các xã nghèo ven biển đã chịu ảnh hưởng của các thiên tai có nguồn gốc BĐKH và chịu tổn thương của suy thoái môi trường. Họ là đại diện cho nhóm người nghèo trong tương lai sẽ sống trong môi trường bị thay đổi do BĐKT. "Với nghiên cứu các xã nghèo như vậy, chúng ta có thể sáng suốt hơn trong việc đưa ra các chiến lược để làm giảm nhẹ các tác động của BĐKH đối với nghèo trong tương lai".
70% dân cư sinh sống gần vùng ven bờ hiện đang đối mặt với các đe dọa không dự báo được của mực nước biển dâng cao và các thiên tai khác. BĐKH và mực nước biển dâng cao có thể làm tăng các vùng ngập lụt, làm cản trở hệ thống tiêu thoát nước, làm tăng thêm cường độ xói lở tại các vùng ven bờ và nhiễm mặn, dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt... Trong khi đó, sinh kế của người nghèo lại phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt hải sản. Xu thế này dẫn đến sự rủi ro cho người nghèo.
Khả năng thích ứng BĐKH của các xã nghèo...
Hà Tĩnh có 27 xã ven biển thuộc diện xã nghèo và khó khăn, hai xã Kỳ Anh và Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh được chọn làm nghiên cứu thí điểm. Đây được đánh giá là nơi có tần suất bão đổ bộ rất lớn và chịu tác động mạnh của sóng biển trong các hình thế gió mùa cũng như thiên tai khác như nước dâng trong bão, gió mùa, lũ và lụt.
Còn tại Ninh Thuận, hai xã An Hải và Phước Dinh, huyện Ninh Phước được lựa chọn làm thí điểm. Nơi đây, hạn hán là thiên tai nghiêm trọng nhất, sau đó đến bão và lũ lụt, đó là lý do chính khiến chất lượng đất giảm sút, kết hợp với nhiễm mặn nên nhiều diện tích không thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp được.
Qua thảo luận với những người dân, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hầu hết họ đã có những hiểu biết về BĐKH nhưng phần lớn lại không biết nguyên nhân và họ không có khả năng đối phó với thiên tai. Do đó, người dân cần được tăng cường lượng thông tin đơn giản và thích hợp, cho họ tiếp cận những công nghệ tiên tiến và quản lý tài nguyên.
Ngành tài nguyên môi trường phải làm gì?
Theo TS. Michael Parsons, trước hết, ngành TN-MT phải đánh giá được mức độ BĐKH Việt Nam; phải xác định được các biện pháp ứng phó và thích ứng hiệu quả, sau đó lồng ghép hợp lý vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển ngành và địa phương. Các biện pháp cần có tính khả thi và thân thiện với người nghèo do thực tế người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với thiên tai và BĐKH;...
Hiện nay, việc đề xuất Chiến lược quản lý tổng hợp dải ven bờ có thể là giải pháp hữu hiệu cho công tác giảm nghèo và nâng cao sự thích ứng đối với BĐKH tại các khu vực ven biển. Ngoài ra, một trong những nền tảng cơ bản cho thích ứng BĐKH là năng lực của con người trong việc nâng cao khả năng đàn hồi của mình trước các tác động của BĐKH. Vì vậy, Chương trình Quốc gia về thích ứng BĐKH - đầu tiên và trước hết - phải được lồng ghép vào xóa đói giảm nghèo, vào chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững.