Bác Hồ ra trận
Trong chiến dịch này có một sự kiện đặc biệt: là Bác Hồ cùng hành quân ra mặt trận. Bức ảnh có một không hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Năng An chụp được khi Bác đang ngồi trên đỉnh núi quan sát trận địa ở mặt trận Đông Khê.
Còn một chuyện nữa về Bác ở chiến dịch biên giới ít người biết được. Tôi cũng chỉ được nghe anh Nguyễn Đức Quế đại tá nguyên Viện trưởng Viện quân y 110 kể lại rằng Bác Hồ của chúng ta đã gặp và nói chuyện với hai tên tù binh Lepage và Charton, nhưng lõm bõm không được chi tiết lắm (lúc đó anh Quế là học viên Quân y sĩ khóa I biết nhiều tiếng Pháp nên được cử phụ trách quân y trại tù binh). Gần đây được bác Lê Vân đại tá nhà ở gần chùa Cao gửi cho bản phô-tô "Bác Hồ cũng ra trận" do ông Đặng Văn Việt (con hùm xám đường số 4, Đệ tứ quốc lộ đại vương) nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 174, viết trong đó có đoạn như sau:
"… Anh Trần Minh Tước người chủ tịch năm xưa của tỉnh Lạng Sơn nay đã 83 tuổi, nhưng anh vẫn giữ nguyên cái phong cách mà tôi còn nhớ mãi hồi cùng nhau duyệt binh mừng chiến thắng, làm lễ phóng thích tù binh ở bản Đao, vùng Kéo - Coong, Bình Gia kể lại chuyện Bác Hồ đã gặp Lepage và Charton như thế này... Mình có cái vui và vinh dự (lời anh Tước) được Chứng kiến cuộc gặp gỡ của Bác Hồ với hai tên này. Ta cho giữ chúng ở hai cái hang đá cách nhau một khoảng ruộng ở vùng Quảng Uyên, Cao Bằng. Cái thói quen của nhà văn, nhà báo cũ đã đưa mình tới hang Lepage bị giam ở lưng chừng một ngọn núi đá cùng với một tên quan tư thầy thuốc, định phỏng vấn một cú. Bỗng có người báo có khách sắp đến. Nhìn ra cửa hang, mình thấy Bác Hồ đang chống gậy tiến vào, đi theo có anh Phan Phác, phái viên mặt trận. Bác đội mũ cứng, đi dép cao su, mặc bộ quần áo ka ki màu xám. Chiếc khăn mặt trên quai mũ che kín bộ râu. Tay Bác băng bó như người bị thương, lốm đốm vết thuốc đỏ "méc-quya-rô-crôm", mình vội chào Bác, kéo chiếc ghế mời Bác ngồi. Hai tên thấy thái độ của mình như vậy, tự nhiên chúng cũng đứng dậy rất lễ phép. Bác bắt tay chúng với thái độ lịch sự. Bác nói tiếng Pháp rất chuẩn:
- Ta làm quen với nhau đi. Tôi là Cố vấn chính trị của mặt trận.
Bác lấy thuốc lá mời chúng hút. Bác nói tiếp
– Các anh tuyên truyền cho cuộc chiến tranh Đông Dương là cuộc chiến tranh về lý tưởng (guerre idéologique), nhưng thực tế là một cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh ăn cướp...
- Thưa ông, chúng tôi chỉ là người lính.
- Không phải, các anh là chỉ huy cấp cao qua bao nhiêu trường lớp, các anh không phải là người lính bình thường, các anh rất hiểu là các anh đang làm gì ở đất nước Việt Nam này.
Hai tên quan tư, quan năm lúng túng im lặng.
Bác hỏi đến gia đình, vợ con và Bác hỏi tiếp:
- Các anh có nguyện vọng gì?
- Thưa ông , chúng tôi muốn về với vợ con về với nước Pháp!
- Hòa bình lập lại, tôi có thể nói chắc chắn, nếu không có gì trở ngại do chính các anh gây nên, hoặc do người của phía các anh gây nên, các anh sẽ đạt được nguyện vọng. Vậy trước mắt các anh cần gì?
- Thưa ông, chúng tôi muốn được đi tắm.
Bác cười, quay lại bảo anh Phan Phác:
- Lệnh cho bộ phận bảo vệ cho chúng đi dạo một vòng và cho ra suối.
Bác bắt tay, tặng cho hai bao thuốc lá. Hai tên cám ơn rất trân trọng. Không biết chúng có phỏng đoán ông già người dân tộc nói tiếng Pháp thạo như người Pháp, ở trước mặt chúng là ai không?
Trời xế chiều, nhưng Bác lại bảo: Chúng ta sang gặp Charton đi. Thế rồi Bác chống gậy rảo bước. Anh Phan Phác vội tiến lên trước dẫn đường. Đến hang thấy Charton đang nằm co ro trên chiếc chõng tre. Thấy đoàn đến, hắn vội đứng dậy. Hắn mặc áo hở bụng đang bị băng bó vì vết thương, râu ria xồm xoàm, bốn năm ngày không cạo.
Bác ngồi ở chiếc ghế cạnh hang. Thái độ của Bác cũng giống như lúc gặp Lepage, nhưng tên này cộc cằn, lỗ mãng, lộ nguyên hình một tên lê dương thuộc địa. Nó nói ngay:
- Tôi đã ngã rồi, định đưa tay hàng, thế mà lính của ông vẫn đâm tôi thủng bụng .
Bác bình tĩnh cười hỏi:
- Ông bị thương ở bụng phải không? Vậy cái băng kia nói lên cái gì? Nếu không có bộ đội Việt Nam băng bó cho ông, liệu ông có còn sống hay không? Tôi chỉ cần nói chừng ấy. Trong chiến trận, nhiều hoàn cảnh phức tạp, không thể nào lường hết được các diễn biến.
Tên Charton ca thán:
- Các ông giam tôi vào cái hang đá ẩm thấp, cực khổ thế này, các ông không có trại tù binh à?
Bác nói luôn:
- Chỉ là tạm thời. Đang đánh nhau, chiến sự đang diễn biến kia mà?
Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình hắn. Bác nói:
- Chúng tôi có quyết tâm lấy lại nước. Trong chiến trận có quyết tâm bắt sống tên chỉ huy cao nhất. Rõ ràng chiến sĩ của chúng tôi lần này đã bắt sống được quan năm và sau này còn bắt sống nhiều tên nữa. Các anh nghĩ gì về người chiến sĩ của chúng tôi?
Lời nói của Bác đã trở thành định mệnh cho bao tướng tá của quân đội viễn chinh Pháp sau này trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ.
Tên quan năm Charton hạ giọng - hình như nó cảm thấy đang đứng trước một đối tượng không bình thường - thốt lên:
- Thưa ngài, quả thực những người lính của các ngài là những con người kỳ lạ (phénomène) . Họ không bị dập khuôn theo một cuốn sách nào cả.
- Chẳng có gì lạ. Họ chỉ là những người yêu nước, muốn dành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.
Trước khi về, Bác mời nó hút thuốc và tặng cho một bao Phi-líp. Ra khỏi hang, Bác quay lại hỏi mình và Phan Phác:
- Các chú thấy thằng nào đáng ghét hơn trong 2 thằng này? Anh Phan Phác nhanh miệng nói:
- Thưa Bác, thằng Charton nó chửi ta luôn miệng, thật đáng ghét.
- Chính Lepage mới là thằng nguy hiểm hơn. Charton phổi bò, là tên dễ chinh phục.
Trong chiến dịch, Bác thường chống gậy đi bộ lẫn cùng đoàn dân công, bộ đội. Dạo đó Bác thường cải trang thành một ông Ké người Núng. Bác đội nón che kín bộ râu nom như một ông gìà người dân tộc đi theo dân công, bộ đội. Tới lúc Bác đi khỏi rồi họ mới biết. Thế là mặt trận xôn xao, vui sường: "Bác Hồ cũng ra mặt trận với chúng ta nè ! Chúc sức khỏe Bác Hồ ! ". Bộ đội, dân công bảo nhau: "Cố gắng lên. Thế nào chiến thắng cũng được gặp Bác, Bác khen thưởng à" !
Đúng là một chiến dịch lịch sử. Một đặc thù riêng của chiến dịch. Bác Hồ cũng ra trận! Rất bình dị là Bác và cũng rất cao cả lớn lao biết bao nhiêu, Bác Hồ của chúng ta!
* Lapage và Charton là hai tên quan năm bị quân đội ta bắt làm tù binh tại chiến dịch biên giới.