Bà lang có bàn tay 'thần kỳ' ở Bắc Giang
Tận mắt chứng kiến
Từ nhiều năm nay, ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn có một cô giáo dạy sinh có tài chữa trị về xương khớp được nhiều người biết đến. Tuy không sống về nghề làm thuốc, cũng không lập cơ sở chữa bệnh, nhưng tại nhà của bà ở thị trấn Chũ hàng ngày có rất đông người ở nhiều nơi đến nhờ bà chữa trị. Người ta không gọi bà là thầy thuốc mà thường gọi bà bằng cái tên thân mật “cô Tí”. Chúng tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến một buổi chữa bệnh của bà.
Tuy luôn tất bật với những người đến chữa trị, nhưng người phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi vẫn rất vui vẻ. Tại nhà của bà, có rất nhiều người ngồi xếp hàng chờ đến lượt chữa các chứng bệnh về xương hay thấp khớp, gai cột sống… Chị Nguyễn Thị Mơ (Bắc Ninh) đến chữa cổ tay bị sai khớp, bà Tí dùng tay sờ nắn một cách nhẹ nhàng lên chỗ cổ tay sưng khá to của chị, vừa cho biết xương cổ tay bị rạn, bà vừa bất ngờ bấm mạnh vào chỗ cổ tay. Ngay sau đó, chị Mơ không còn thấy đau đớn như trước. Đến lượt một cậu bé khoảng 10 tuổi bị lệch khớp cổ, đầu nghiêng về một bên không cử động được, bà Tí cẩn thận xoa nhẹ lên cổ cậu bé, động viên trấn an cậu, rồi nhanh tay áp vào hai bên má lắc mạnh đầu cậu bé. Cậu bé ré lên một tiếng rồi nín ngay vì cổ của cậu đã cử động được một cách bình thường.
Sau cậu bé là một người đàn ông trung niên tên Hùng ở Hà Nội đi ôtô lên chữa lưng bị thoát vị đĩa đệm. Người đàn ông này đi lại rất đau đớn và phải có người dìu bên. Bà Tí bảo ông ta nằm lên giường, rồi lấy tay sờ lưng tìm vị trí đĩa đệm và ấn bóp, người đàn ông sau đó đứng dậy đi lại được như bình thường. Đó chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân được bà Tí trực tiếp chữa trị trong một buổi chiều mà chúng tôi chứng kiến.
Hiệu quả rõ rệt
Không chỉ xử lý được những trường hợp đơn giản như vậy, bà Tí còn chữa trị cho cả những người bị gãy xương tưởng như rất khó xử lý trong Tây y. Cũng trong buổi chiều chúng tôi chứng kiến có ông Phạm Hữu Khanh (quê ở Lương Tài, Bắc Ninh) bị tai nạn xe máy gãy xương ống chân làm ba, đến nhờ bà Tí chữa trị lần thứ ba. Ông Khanh cho biết chỉ cần đắp thuốc nốt lần này thì sẽ khỏi hoàn toàn. Một người phụ nữ lớn tuổi tên Minh (ở Hải Dương) bị gãy tay cũng tìm đến tận đây để chữa trị gần hai tháng nay và hiện cánh tay đã cử động như cũ, chờ bà Tí xem xét lại vết thương là về quê.
Cô Nguyễn Thị Yến (nhà đối diện với bà Tí) cho biết: “Tôi là hàng xóm của cô Tí, được chứng kiến cô ấy chữa cho nhiều người lắm, hôm nào ít cũng vài chục người, các trường hợp có vấn đề về xương tôi đều thấy có kết quả và khỏi hẳn. Có những trường hợp rất nặng chuyển đến đây ai cũng nghĩ là phải nhờ đến bệnh viện mới được, chứ bà “lang vườn” này chữa sao. Nhưng họ đã được cô Tí chữa khỏi một cách nhanh chóng trước sự khâm phục của mọi người”.
Cũng theo cô Yến, cách đây khoảng vài tuần có một người ở tận Hưng Yên được người nhà chuyển đến đây vì bị tai nạn trong lúc lao động. Anh này bị tụt xương nách khiến cánh tay lủng lẳng, chỉ còn dính với người bằng da. Dù bệnh viện đã hẹn ngày mổ rồi, nhưng khi đến gặp bà Tí, anh được bà dùng tay xếp lại xương và cánh tay, sau một lúc thì cử động được. Bà Tí cho thuốc về đắp và cánh tay đã bình phục hoàn toàn.
Với những người bị vôi hóa cột sống, bị bệnh thấp khớp, tùy tình hình bà sẽ cho thuốc về nhà dùng và đều khỏi. Chính vì nghe tài chữa bệnh của bà Tí mà rất nhiều trường hợp điều trị ở bệnh viện cũng tìm đến bà. Chỉ cần xem phim chụp X-quang, bà Tí có thể chẩn đoán tình hình xương của bệnh nhân ra sao, nói cho họ biết thời gian chữa trị mất bao lâu và bình phục như thế nào.
Vị thuốc gia truyền đơn giản
Được biết, bà Tí làm nghề thuốc theo gia truyền của gia đình. Trước kia, cha đẻ của bà tên là Hoàng Văn Ngạn - từng là một thầy lang nổi tiếng vùng Bắc Giang. Sau đấy ông truyền nghề lại cho các con của mình. Nhưng trong bốn người con, chỉ có mỗi bà Tí là lĩnh hội được nghề của cha một cách hoàn chỉnh nhất và thậm chí còn giỏi hơn cả cha mình.
Vị thuốc của bà Tí cũng hết sức đơn giản: Với những người bị nhẹ như sai khớp, lệch xương, rạn xương thì chỉ cần nắn lại, lấy lá chè tươi về đun nước rửa chỗ đau và lấy bã chè đắp vài lần là khỏi. Còn với những trường hợp như gãy xương, vỡ xương, bà sẽ đắp thuốc từ lá chè xanh kết hợp với vài loại cây thuốc nam. Thuốc của bà không dùng để uống mà chỉ đun lấy nước rửa và đắp lên chỗ đau. Cũng chỉ có bà biết cách dùng thuốc và kết hợp các vị thuốc, còn những người khác dù biết vị thuốc nhưng khi dùng lại có khả năng gây biến chứng nặng nề. Điều đó, theo bà Tí giải thích là cần phải đưa xương về đúng vị trí, nếu không khi đắp thuốc lên, xương liền không đúng chỗ sẽ gây dị tật cho bệnh nhân.
Theo ông Hoàng Văn Tuất - anh trai bà Tí, nghề làm thuốc này không phải ai cũng lĩnh hội được mà phải do cơ duyên từng người. Cách lấy thuốc chữa trị cũng chỉ có hai người biết, đó là mẹ của bà Tí và bà Tí. Phải đích thân bà Tí đi lấy thuốc vì chỉ có bà mới biết cây nào đến kỳ phát huy tác dụng trong chữa trị. Bà Tí bắt đầu thay cha chữa trị từ năm 1985, từ đó đến nay những người được bà chữa bệnh nhiều vô kể, Tết nhất họ vẫn nhớ tới bà và đến thăm hỏi. Tuy là một người chữa trị về xương giỏi nhưng bà Tí chưa bao giờ nhận mình là một thầy thuốc, chỉ ai tìm đến thì bà mới giúp cho.
Hằng ngày bà chữa bệnh từ 13h30, quy định đó đã thành lệ nhiều năm nay và chưa bao giờ thay đổi. Đặc biệt, chữa bệnh cho mọi người nhưng không bao giờ bà ra giá tiền với bất kỳ ai. Người nào đến chữa có tâm thì đặt lên ban thờ một chút tiền, bao nhiêu bà cũng chẳng quan tâm, người giàu cũng như nghèo bà đều chữa trị như nhau.
Vốn là một cô giáo dạy sinh cấp 2, lại là một người phụ nữ đẹp, có một nghề nghiệp ổn định, nhưng bà Tí lại không lấy chồng, bà chỉ nhận một đứa bé để nuôi, hiện cậu con nuôi của bà đang học cấp 3. Bây giờ, khi đã nghỉ hưu bà dành nhiều thời gian hơn cho nghề gia truyền.