Ảnh hưởng của biến đối khí hậu đến giao thông vận tải và giải pháp ứng phó
Tác động của biến đổi khí hậu tới các loại hình vận tải
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng đất thấp ven biển. Những vùng này hằng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. BĐKH và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm với những tác động tiêu cực ở những vùng này, tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng ven biển, như: Đê điều, đường giao thông, các bến cảng. Mỗi khi có cơn bão, lũ lụt, hạn hán triều cường… nhiều hệ thống giao thông đường bộ, thủy, sắt bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), BĐKH có tác động lớn tới các công trình giao thông. Khi mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến nền móng công trình các cảng hàng không ven biển có cao độ từ 5m trở xuống. Theo đánh giá, sẽ có 6 cảng hàng không chiếm khoảng 20% số cảng hàng không của Việt Nam bị ảnh hưởng với thiệt hại ước khoảng 0.52 tỷ USD.
BĐKH và nước biển dâng đã gây ra sụt lún, ngập lụt nhiều tuyến giao thông: gia tăng sạt trượt, xói lở mặt, nền đường làm các phương tiện giao thông không lưu thông được, gây ách tắc, gia tăng tai nạn giao thông đường bộ. Đường xá bị cắt đứt nhiều đoạn, nhiều tuyến đường địa phương sau bão lũ hàng tuần vẫn bị ngập lụt, ách tắc, giao thông đi lại khó khăn…
Mực nước biển dâng, dòng chảy lũ gia tăng, giảm khoảng lưu không từ mặt nước dòng chảy lũ đến đáy cầu, ảnh hưởng đến sự lưu thông của các loại tàu lớn. Vào mùa mưa bão, rất nhiều bến cảng bị ngập lụt, giảm chiều cao thông thủy ảnh hưởng đến khả năng khai thác của công trình. Giao thương đi lại giữa các vùng miền biển trong và ngoài nước bị đình trệ. Mùa khô hạn làm cạn kiệt dòng chảy dẫn đến giao thông thủy bị ảnh hưởng. Hiện tượng xâm nhập mặn sẽ gia tăng, sự giao thương đi lại ở các vùng miền biển khó khăn, đời sống hàng ngày của cộng đồng địa phương bị thu hẹp nhanh chóng. Các cơ sở hạ tầng nhất là các cảng sẽ bị tác động mạnh, thậm chí phải xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoặc di dời…
Trong GTVT hàng không và các hoạt động của phương tiện mặt đất tại các sân bay lớn có thể gây ra ô nhiễm ở mức độ cao. Hoạt động của hàng không đã và đang có yếu tố ảnh hưởng tới khí quyển theo chiều hướng không tốt và cũng bị BĐKH tác động ngược trở lại. Công nghiệp hàng không tác động không tốt đến môi trường và cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do BĐKH gây ra. Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), gần 20% các vụ tai nạn hàng không trên thế giới có liên quan đến vấn đề khí hậu, thời tiết và chiếm 8% tỉ lệ tử vong. Các hiện tượng thời tiết như mưa, gió, mưa đá, bão, sấm, chớp… đều là những thử thách đối với an toàn bay. Báo cáo của ICAO cho thấy, các vụ tai nạn và những vụ việc nghiêm trọng gần đây đã nêu lên tác động tiềm tàng của hiện tượng khí hậu cực đoan đến an toàn bay.
BĐKH có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến GTVT, một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính không ngừng tăng lên trong tương lai khi triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc kiểm soát và hạn chế tốc độ tăng phát thải khí nhà kính đòi hỏi ngành phải đổi mới và áp dụng các công nghệ ít chất thải và công nghệ sạch.
Một số giải pháp ứng phó
GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, để giảm nhẹ khả năng bị tổn hại do BĐKH gây ra, cần có sự điều chỉnh ở các hoạt động xây dựng các kế hoạch phát động xây dựng các kế hoạch phát triển năng lượng và GTVT có tính đến các yếu tố của BĐKH. Cần nâng cấp và cải tạo các công trình GTVT ở các vùng thường bị đe dọa bởi lũ lụt, nước biển dâng, bảo đảm quản lý nhu cầu năng lượng trên cơ sở hiệu suất năng lượng cao, sử dụng tiết kiệm và hợp lý năng lượng; xây dựng chiến lược ứng phó và thích ứng với diễn biến bất thường của thời tiết…
Một trong các biện pháp được Bộ GTVT đề xuất là phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển. Đây là giải pháp phát triển kinh tế bền vững, khi mà cả nước đã có 2.800 km đê biển thuộc các tỉnh và thành phố bao gồm 10 huyện, thị xã đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, tạo điều kiện cho các địa phương có biển phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng, do hệ thống đê của Việt Nam đắp bằng đất, nền lại yếu, xây dựng thiếu quy hoạch và không khoa học, nhiều tuyến di dời, đắp lại và làm mới chiếm 42,3% tổng chiều dài bờ biển Việt Nam mới chỉ chống đỡ được bão từ cấp 9 trở xuống.
Việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển Việt Nam không những chỉ bảo vệ an ninh cho quốc gia mà còn bảo vệ vững chắc các công trình GTVT nhằm giảm tác động của BĐKH, hạn chế bão lũ, nước biển dâng tàn phá các tỉnh, thành phố nằm ven biển và các công trình GTVT, phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Mặt khác, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển ngăn chặn được nước mặn xâm nhập vào đất liền, phá hủy các công trình GTVT có nền móng nằm sâu trong lòng đất do nước mặn xâm lấn ăn mòn là rất cần thiết.
Để giảm thiểu tác hại của BĐKH ở cấp độ vĩ mô đó là trên cơ sở khoa học của các kịch bản BĐKH các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình hành động thích ứng với BĐKH và thực thi có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngành GTVT cần quy hoạch, thiết kế lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trên đất liền, trên biển và ven biển, các bến cảng, kho bãi, luồng lạch, giao thông thủy nội địa, nhất là ở các vùng đồng bằng ven biển và miền núi. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật phù hợp với BĐKH. Khi phát triển GTVT ở các vùng thường bị đe dọa bởi lũ, lụt, nước biển dâng. Xây dựng công trình giao thông cần chú ý mực nước biển dâng mỗi năm khoảng 3cm, và tới năm 2100 sẽ tăng khoảng 70cm so với mực nước biển năm 1990 để lựa chọn giải pháp công trình cho phù hợp ngay từ khâu khảo sát, lập dự án. Trong điều kiện kinh tế cho phép, từng bước kiên cố hóa ta – luy hoặc trồng cây xanh, thảm thực vật để bảo vệ nền đường, mố cầu…
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các loại phương tiện sử dụng ít hoặc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phương tiện vận tải. Trong giao thông, nhất là giao thông nông thôn cần chú ý đến tác động của BĐKH; chú trọng các biện pháp gia cố đê biển, tiêu thoát nước khi úng ngập, nhất là vào mùa bão, lũ…