Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/06/2013 00:02 (GMT+7)

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học

TS. Hoàng nghĩa Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới cho biết: Vào cuối thế kỷ này, mực nước biển dự kiến dâng sẽ cao thêm 1m và sẽ làm mất đi 12% diện tích của Việt Nam, đồng thời tác động nặng nề tới những vùng bờ biển, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

8 vương quốc gia và 11 khu bảo tồn thiên nhiên khi đó sẽ bị nước mặn xâm lấn, làm chết nhiều loài sinh vật và động vật ở khu vực này. Một số loài sẽ bị biến mất, khoảng 90% các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng; các hệ sinh thái (HST), các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư, hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp; các loài đặc hữu đang bị biến mất và bị thu hẹp; các HST bị biến đổi và phân mảnh; một số khu bảo tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế-xã hội, văn hóa và khoa học sẽ không còn đa dạng, phong phú như trước; sự xâm nhập của các loài ngoại lai do môi trường sống thay đổi; làm thay đổi cấu trúc gen, nấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái.

Theo dự báo, nếu không có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt khí thải nhà kính, nhiệt độ mặt đất sẽ tăng lên 1,8 0C-6,4 0C vào năm 2100, lượng mưa sẽ tăng lên 5-10%, băng ở hai cực và các núi cao sẽ tan rã nhiều hơn và do nhiệt độ nước biển ấm lên, rồi bị dãn nở mà mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 70-100 cm, theo đó, thiên tai sẽ diễn ra với mức độ khó lường trước được cả về tần số và mức độ. Nước biển dâng sẽ gây nên xói mòn bờ biển, ngập lút vùng ven bờ, làm suy thoái đất ngập nước, nước mặn xâm nhập giết chết các loài sinh vật. Tại những vùng mà biến đổi khí hậu (BĐKH) làm tăng cường độ mưa thì các dòng nước mưa sẽ làm tăng xói mòn đất, lũ lụt, sụt lở đất và có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các thủy vực, làm ô nhiễm nguồn nước. Tất cả những hiện tượng đó đều ảnh hưởng đến các loài sinh vật và tài nguyên sinh vật, làm cho nhiều HST bị suy thoái.

Ở nước ta, BĐKH sẽ tác động mạnh lên hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, các vùng dọc bờ biển và các HST rừng trong cả nước, nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Định.

Các vùng này có rừng ngập mặn và hệ thống đất ngập nước rất giàu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão tố sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của rừng ngập mặn và các loài sinh vật đa dạng trong đó. Khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và hệ thống trồng trọt của nhiều vùng.

Ở Sa Pa, nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang phải “sơ tán” lên cao hơn để tồn tại. Giới khoa học gọi đây là hiện tượng “dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao”. Đặc trưng trong số đó có thông Vân San Hoàng Liên, một loài chỉ tìm thấy duy nhất tại đây. Trước đây, loài này chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200m-2.400m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400m-2.700m. Cùng với nó, Thông Thích Xi-Pan, Thông thích Sa Pa và một số loài khác cũng đang “leo” dần lên cao. Vườn quốc gia Xuân Thủy, mực nước biển đã dâng lên từ 50-70 cm so với năm 1994. Một phần diện tích rừng phi lao phòng hộ được trồng từ năm 1997 ở khu vực Cồn Lu đã bị chết do nước biển dâng.

Bên cạnh đó, BĐKH đã làm HST biển bị tổn thương, các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển quan trọng, là lá chắn sống chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng, đồng thời mưa nhiều làm cho nước bị ô nhiễm phù sa và có thể cả các hóa chất nông nghiệp từ cửa sông đổ ra. Nhiệt độ tăng làm nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá nhiệt đới (kém giá trị kinh tế trừ cá ngừ) tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới (giá trị kinh tế cao) giảm.

Các nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy hàng trăm loài thực vật và động vật đã buộc phải thay đổi vùng phân bố và thời gian của chu kỳ sống của chúng để thích ứng với sự BĐKH. Cụ thể: Vùng phân bố của nhiều loài cây, côn trùng, chim và cá đã chuyển dịch lên phía Bắc và lên vùng cao hơn; nhiều loài thực vật nở hoa sớm hơn, chim đã bắt đầu mùa di cư sớm hơn, động vật vào mùa sinh sản sớm hơn, nhiều loài côn trùng đã xuất hiện sớm hơn ở Bắc bán cầu; san hô bị chết trắng ngày càng nhiều.

Các loài sinh vật muốn phát triển một cách bình thường cần phải có một môi trường sống phù hợp, trong một sinh cảnh tương đối ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất đai, thức ăn, nguồn nước… và cộng đồng các loài sinh vật trong sinh cảnh đó. Chỉ một trong những yếu tố trên của môi trường sống bị biến đổi, sự phát triển của loài sinh vật đó sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể làm cho loài đó bị diệt vong, tùy thuộc vào mức độ biến đổi nhiều hay ít.

BĐKH với các hệ quả của nó như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy cho sự suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH) nhanh hơn , trầm trọng hơn, nhất là những HST rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài đang nguy cấp với số lượng cá thể ít; làm tăng nguy cơ diệt chủng của động thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm, bệnh dịch mới có thể phát sinh. BĐKH làm tăng một số nguy cơ đối với người bệnh, thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Theo WHO, trái đất nóng lên có thể sẽ làm hơn 150.000 người chết và 5 triệu người bị mắc các chứng bệnh khác nhau. Con số trên có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Theo GS. Võ Quý (Đại học quốc gia Hà Nội), đứng trước hậu quả do BĐKH gây ra, Nhà nước cần sớm tổ chức một cơ qua chuyên trách có đủ năng lực để nghiên cứu về BĐKH toàn cầu và phát triển bền vững, sớm đề xuất những ý kiến xác đáng, khả thi về phát triển kinh tế-xã hội một cách lâu dài trong bối cảnh BĐKH toàn cầu mới, trong đó cần lưu ý đúng mức đến vấn đề bảo tồn ĐDSH, vốn tài nguyên quý giá của đất nước, cơ sở của sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, rà soát lại những công trình phát triển liên quan đến diện tích rừng hiện có; thúc đẩy mạnh hơn việc bảo vệ rừng và trồng rừng, vì các loài vì các loài sinh vật chỉ có thể chống đỡ được với những sự biến đổi về môi trường khi sinh sống trong một HST ổn định; sử dụng đất đai hợp lý, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và xóa đói giảm nghèo.

Theo GS.TSKH. Trương Quang Học (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) thì các địa phương, cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý các giải pháp ứng phó phù hợp với kịch bản của BĐKH để trước hết bảo vệ và duy trì nguồn gen trong HST nông, lâm nghiệp, quản lý bền vững và phát triển rừng đầu nguồn, các phương án phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống phù hợp, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cho các khu bảo tồn ở vùng đất thấp… Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng cũng cần phải được đẩy mạnh để có được hiệu quả về nhiều mặt trong đó có tác dụng là giảm thiểu thiên tai, bảo tồn tài nguyên nước và đất.

Đối với công tác BVMT và phát triển bền vững, đặc biệt liên quan tới BĐKH và bảo tồn ĐDSH cần có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành và dựa vào cộng đồng, dựa trên HST cần phải được quán triệt trong tất cả các khâu từ hoạch định chính sách đến lập và triển khai kế hoạch về cả nội dung và tổ chức. Các giải pháp cần toàn diện và đồng bộ từ thể chế, chính sách tới quy hoạch, kế hoạch, công nghệ, trong đó xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế cần được ưu tiên ở mức phù hợp./.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...