An Giang: Kỹ sư chân đất sáng tạo “máy thu gom rơm”
Ngoài những sáng chế đã được công nhận như máy đánh đường nước, máy phay trấu, hệ thống rải đùa lúa trong lò sấy, anh lại tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công máy thu gom rơm.
Được biết, sáng chế hệ thống rải đùa lúa trong lò sấy của anh đã đạt giải Nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2012. Hiện với 7 công nhân hành nghề chuyên gia công các thiết bị của lò sấy, cơ sở của anh Phong thường xuyên quá tải để đáp ứng nhu cầu của người dân về lò sấy. Tuy bận rộn nhưng khi nhận được đơn đặt hàng thiết kế máy cuộn rơm của anh Oanh để cung cấp cho người trồng nấm, anh Phong vẫn nhận lời.
Với niềm đam mê không ngừng sáng tạo, chỉ trong 4 tháng, chiếc máy cuộn rơm ra đời, mỗi ngày cung cấp 400 cuộn rơm, đáp ứng phần nào nhu cầu của cơ sở làm nấm. Tuy nhiên, máy cuộn rơm phù hợp để làm thức ăn chăn nuôi, còn trồng nấm rơm hay trồng rẫy, người dân lại phải cắt ra và tốn thêm thời gian cắt dây và xé rơm. Tháng 10/2014, anh Oanh tiếp tục tìm đến anh Phong đặt hàng sản xuất máy thu gom rơm. Chỉ 2 tháng, chiếc máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bà con nông dân phấn khởi vì chiếc máy phần nào giúp họ nhẹ nhàng khi sử dụng mỏ sảy cào và đưa rơm lên xe, vận chuyển về nhà.
Chiếc máy thu gom rơm của anh Phong được chế tạo từ máy chở lúa cũ, trang bị thêm băng tải rơm, hệ thống cào rơm, thùng ben và có thể đổ rơm bất cứ đâu theo yêu cầu của bà con. Máy thu gom rơm ra đời là niềm vui của nhiều bà con nhưng đối với anh Phong để làm được chiếc máy như thế, phải trải qua không ít khó khăn. Máy làm lúc đầu đem ra chạy thử, rơm bị máy cắt đè hay bị dậm thì không gom được và bánh xe thường bị lún bùn. Cuối cùng anh liên tưởng đến máy cắt lúa hiện đại, bánh xích xe và điều chỉnh bộ phận máy hút rơm. “Khi mang máy ra chạy thử, tỷ lệ xót rơm trên ruộng không đáng kể, hút được cả rơm ướt và bị lún, bà con quây quanh vỗ tay tán thưởng”. Anh Phong chia sẻ.
Là chủ cơ sở thu mua nấm rơm lớn nhất ở Vĩnh Mỹ, anh Oanh cho biết: “Cơ sở tôi cung cấp mỗi ngày từ vài trăm ký nấm, có khi lên đến hơn 1 tấn, nhưng người dân trồng nấm không đảm bảo. Vì thu hoạch lúa trong thời gian chưa đầy một tháng dứt điểm, nhân công thuê khó, một nhân công một ngày thu gom rơm được chỉ một công đất nên không có lượng rơm lớn sản xuất nấm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tôi đi mua nấm ở Châu Phú biết anh Phong là người chịu khó tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, liền đến đặt anh làm cho máy thu gom rơm. Từ ngày có máy này đến giờ, tôi đã cơ bản cung cấp lượng rơm dồi dào cho các nông dân trồng nấm trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi ngày, máy gom được 40 công rơm, chỉ cần 2 đến 4 nhân công. Còn máy cuộn rơm 400 cuộn/ngày cung cấp thức ăn cho bò và người dân trồng rẫy nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của bà con. Đây là 2 chiếc máy rất tiện lợi và hiệu quả”.
Cho đến nay, anh Phong đã cung cấp ra thị trường 5 máy đánh đường nước, 78 máy rải đùa lúa và 3 máy thu gom rơm. Giá thành máy thu gom rơm từ 140 triệu đồng đến 230 triệu đồng/máy, cung cấp cho bà con nông dân tỉnh An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và thành phố Cần Thơ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, mức lương từ 4,5 triệu đồng đến 5,7 triệu đồng/tháng và 8 lao động làm sản phẩm tại nhà, mỗi người hơn 200.000 đồng/ngày.
Có thể nói với những thành công của anh Phong phần nào đã giúp giải quyết được bài toán thiếu nhân công, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bật mí về niềm đam mê của mình, anh Phong nói: “Sắp tới tôi sẽ gắn thêm hệ thống hút lúa rơi tại ruộng. Theo khảo sát thực tế, vụ Hè Thu này, 1.000m2 sẽ có khoảng 20kg lúa rơi. Nếu thành công, nông dân sẽ phần nào giải quyết được lúa chét (lúa rầy) trong mỗi mùa vụ”.
Anh Huỳnh Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú cho biết: “Nhằm giúp những người đam mê sáng tạo như anh Phong được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sáng tạo khoa học, kỹ thuật, và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, Hội đã kết hợp với UBND xã Thành Mỹ Tây thành lập Câu lạc bộ “Nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú”. CLB đã thu hút 13 thành viên là những người đam mê sáng tạo trên địa bàn huyện tham gia sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần và có thể các tác phẩm của nông dân sáng kiến có hiệu quả sẽ được trình diễn ở buổi hội thảo, giúp nông dân tiếp cận dễ dàng với những công nghệ mới vào sản xuất”.