An Giang: Khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời
Ngày 16/4/2021, tại hộ ông Chau Hon, ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Công ty TNHH Ý thức khí hậu (Climate Sense - CS), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp Sở hợp Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang cùng chính quyền địa phương tổ chức Lề khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời.
Mô hình được thiết kế theo tiêu chuẩn điện mặt trời (ĐMT) áp mái, lắp trên nhà màng (khung thép); trong đó, hệ thống ĐMT áp mái có công suất 45kwp, nhà màng có diện tích 400m 2. Mô hình xây dựng hoàn thành và đấu nối vào lưới điện quốc gia trong tháng 12/2020. Nhằm đảm bảo có đủ ánh sáng để giúp cây trồng canh tác bên trong nhà màng sinh trưởng tốt, các tấm quang năng được thiết kế, lắp đặt giãn cách phù hợp.
Thống kê của Green ID cho thấy, mỗi ngày hệ thống ĐMT này sản xuất trung bình được 103kwh điện; tổng công suất phát lên lưới điện quốc gia từ tháng 1 đến tháng 3/2021 hơn 4.470 kwh điện, tương đương số tiền 22,05 triệu đồng (doanh thu bán điện cho ngành điện).
Tổng kinh phí đầu tư mô hình trên 900 triệu đồng, bao gồm chi phí xây dựng nhà lưới, lắp đặt các pin mặt trời, trạm biến áp và hệ thống giám sát mô hình; trong đó, Công ty CS góp 76%, Green ID góp 24%. Theo hợp đồng hợp tác, sau 10 năm thu hồi vốn đầu tư, Công ty CS sẽ bàn giao mô hình lại cho Green ID quản lý, sử dụng; sau 20 năm, Green sẽ bàn giao lại quyền sở hữu mô hình cho hộ ông Chau Hon.Ngoài ra, hộ ông Chau Hon được hưởng lợi từ việc cho thuê đất (11 triệu đồng/năm) và được khai thác thành quả cây trồng canh tác hàng năm bên trong nhà màng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành mô hình, ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho rằng mô hình này được triển khai thí điểm tại khu vực khó khăn về nguồn điện, đất đai kém màu mỡ. Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và thương mại hóa điện mặt trời sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời, ông Thọ hy vọng trong thời gian tới, nhiều mô hình thí điểm tương tự sẽ được triển khai nhằm giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị được chủ đầu tư ký hợp đồng giám sát mô hình cho biết, việc lắp các tấm pin trên mái che nhà màng được thực hiện theo 3 mô thức với độ che phủ lần lượt là 30%, 50%, 70% và nhóm đối chứng là phần diện tích cây trồng canh tác ngoài nhà màng. Kết quả, trong điều kiện chăm sóc như nhau (phân bón, tưới nước) việc canh tác rau muống cho năng suất tương đương giữa 3 mô thức và cao hơn nhóm đối chứng; riêng dưa chuột có năng suất cao nhất tương ứng với độ che phủ 30%.
Đại diện Công ty CS cho rằng, mô hình được triển khai không chỉ mang lại lợi ích cho nông hộ mà cho cả cộng đồng và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là lợi ích kép thu được từ sản lượng điện do tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra và lợi ích từ việc canh tác cây trồng bên dưới. Do kinh phí đầu tư mô hình khá lớn nên nếu một hay vài hộ gia đình tự đầu tư sẽ rất khó khăn. Qua đó, Công ty đề nghị ngân hàng chính sách xã hội, cộng đồng doanh nghiệp tài trợ vốn vay ưu đãi hoặc cùng nông dân hợp tác triển khai nhiều mô hình hơn nữa trong thời gian tới.
HUỲNH VĂN XĨ