Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/01/2006 23:54 (GMT+7)

Âm mưu của thực dân Pháp về vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên (1893 - 1954)

Từ năm 1893 đến năm 1954, Tây Nguyên là địa bàn cư trú của các tộc người Êđê, Gia Rai, Ba Na, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Gié Triêng, Xơ Đăng, Xtiêng, M’nông, Brâu, Raglai, Kinh (Việt) và một số ít người Hoa.

Để thống trị lâu dài trên đất nước ta, thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu chia cắt lãnh thổ và chia rẽ giữa người Kinh và người Thượng (các dân tộc Tây Nguyên).

Ngày 30/10/1893, một hiệp ước được ký kết giữa Hoàng gia Xiêm La với nước Pháp: Xiêm La thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp từ tả ngạn sông Mê Kông và vùng các dân tộc Tây Nguyên. Cũng theo hiệp ước này, nước Lào bị chia làm hai miền: Thượng Lào với thủ phủ đóng ở Luông Phrabăng và Hạ Lào với thủ phủ đóng ở Khôn. Vùng Tây Nguyên bị Pháp sáp nhập vào lãnh thổ của Hạ Lào. Mãi cho đến năm 1904, chúng mới trả lại Tây Nguyên cho Việt Nam.

Ngày 16/10/1888, Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ là boulloche đưa ra yêu sách chính trị đòi triều đình Huế phải để cho thực dân Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế toàn vùng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trước áp lực mạnh mẽ về quân sự của giặc Pháp, năm 1889, triều đình Huế buộc lòng phải nhượng bộ. Kể từ đó cho đến năm 1954, toàn bộ vùng dân cư dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đều thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp.

Để kích động tâm lý kỳ thị giữa người Thượng và người Kinh năm 1898, Toàn quyền Đông dương P. Doumer ra quyết định thành lập một số đơn vị quân đội người Thượng (người Êđê, Gia Rai, M’nông và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên) gọi là “Đội bảo an binh cao nguyên Đắc Lắc”.

Cũng ngay từ tháng 6/1898, một Nam tước giả mạo người Pháp là Henri Mayrena một kẻ phiêu lưu lừa đảo, đã lên Kon Tum và thành lập “Vương quốc Sédang”, do ông ta làm “Vua”, lấy hiệu là “Marie đệ nhất”, vua “Nước Sédang”. Dưới vua, có Tể tướng là một người Thượng tên là Krui, do hội đồng bô lão người Thượng sở tại bầu ra (1).

“Vương quốc Sédang” lúc bấy giờ là sự liên minh giữa các bộ lạc Thượng ở phía Bắc Tây Nguyên, như: Sédang, Bahna, Rơngao, Bơnôm. “Vương quốc Sédang” có: quốc kỳ riêng, lãnh thổ riêng, quân đội riêng, bộ máy hành chính riêng, do chính Nam tước Henri Mayrena đứng đầu.

Năm 1899, Nam tước Henri Mayrena đã bí mật đi vận động các nước như: Bỉ, Anh, Đức công nhận tân “Vương quốc Sédang tự trị” của ông. Nhưng cuối cùng ông ta đã bị thất bại. “Vương quốc Sédang” tan rã không kèn không trống.

Những di vật của “Vương quốc Sédang”, như “con tem của Quốc vương”, “Quốc kỳ nước Sédang”, “ngai vàng của nhà vua”… đã từng được trưng bày trong một cuộc triển lãm, do Viện bảo tàng Khải Định tổ chức tại cố đô Huế trước năm 1945 (2).

Những sự kiện lịch sử đó, đã minh chứng thêm âm mưu chia rẽ Kinh - Thượng và chia cắt lãnh thổ của thực dân Pháp ở Tây Nguyên hồi bấy giờ.

Việc thành lập “Vương quốc Sédang” ở Kon Tum tuy không phải là chủ trương của chính phủ Pháp nhưng cũng khiến cho vua Xiêm La (Thái Lan) tức giận, và tìm mọi cách ngăn chặn. Vì Xiêm La lúc bấy giờ, đã chiếm được vùng thượng du Campuchia, một phần lãnh thổ Tây Nguyên và vùng cao nguyên Hạ Lào. Vì vậy, khi tù trưởng của bộ lạc Cayon bí mật đến viếng thăm Nam tước Henri Mayrena – “Vua nước Sédang”, lúc trở về, đã bị các viên chức hành chính của Xiêm La tại vùng cao nguyên Attopeu bắt giữ, khám xét và tịch thu tất cả mọi thứ quà cáp, tặng vật của “Vua nước Sédang” đã ban tặng cho ông ta.

Âm mưu độc quyền quản lý và khai thác cao nguyên của thực dân Pháp hồi bấy giờ còn thể hiện cụ thể trong nội dung cuộc họp của Hội Liên hiệp thực dân Pháp vào ngày 19/5/1896, Foseph Chailley Bert, Tổng thư ký của hội này đã công khai tuyên bố về chính sách khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp như sau: “Trên cao nguyên ấy, dù khí hậu có độc địa của một miền nhiệt đới, nhưng nó sẽ bổ sung cho chúng ta nhiều mặt thuận lợi: người di thực sẽ tìm thấy ở đây, một cư dân bản xứ, được kích thích và phát triển với những tài phú của một loại đất đai hào phóng, phì nhiêu. Và chính các cư dân ấy, sinh đẻ trên đất đai ấy, và đã thuần phục bởi khí hậu ấy, sẽ cung cấp cho người thực dân những trợ thủ cần thiết. Vì chúng tôi nhắc lại rằng, trong đế quốc thuộc địa về tay chúng ta ấy, người di thực, dù chỉ là người thường, cũng không thể lao động bằng chân tay của mình. Vai trò của anh ta khác hơn, đó là quan niệm về cách tổ chức các doanh nghiệp với việc thực hiện kinh doanh dựa vào sức lao động rẻ mạt của cư dân bản xứ. Với cư dân ấy, phải khép chặt chúng vào “kỷ luật”, và dồn chúng vào một vùng riêng rẽ nào đó, dành những vùng khác hầu như hoang vắng, để xây dựng những doanh nghiệp của chúng ta… Sự phì nhiêu của đất đai là nguồn tiết kiệm đối với người thực dân”. “Bọn chủ làng sẽ cung cấp cho người di thực lực lượng nhân công bản xứ không phải trả tiền”.

Tiếp nối chính sách Thượng vụ nói trên của các vị tiền nhiệm, như Toàn quyền Đông Dương P.Doumer và P.Beau, viên Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là P. Pasquier đã đưa ra một chính sách “nâng đỡ người Thượng”, và đặc biệt là tìm đủ mọi biện pháp để ngăn chặn người Kinh từ miền xuôi lên Tây Nguyên làm ăn, sinh sống và lập nghiệp.

P. Pasquier đã thiết lập thêm nhiều đường sá ở Tây Nguyên để các viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp có thể đi vào tận rừng buôn làng người Thượng, hầu hết kiểm soát một cách chặt chẽ hơn việc di dân của người Kinh lên Tây Nguyên làm ăn sinh sống và lập nghiệp. Ông ta viết: Ở Lang Biang (tức vùng Đà Lạt - Lâm Đồng), thì sự đã rồi (nghĩa là người Kinh đã lên cư trú tại địa phương) (3); ở Kon Tum, chúng ta cần có biện pháp hữu hiệu để hạn chế và ngăn chặn sự di dân của người Kinh tới địa phương. Còn ở Đắc Lắc, “chính sách biệt lập hoá người Thượng” tại địa phương tỏ ra rất phù hợp” (4).

P. Pasquier chủ trương lấy cao nguyên Đắc Lắc - vùng đất do tỉnh trưởng L. Sabatier cai trị làm thí điểm điển hình cho chính sách chia rẽ Kinh - Thượng của thực dân Pháp ở các tỉnh Tây Nguyên hồi bấy giờ (5).

Năm 1912, khi được cử lên cai trị tỉnh Đắc Lắc, L. Sabatier đã đưa ra chủ trương “Đất thượng của người Thượng”, “Đất nào chúa nấy”, “Người nào có phong tục nấy”. Đặc biệt là tuyệt đối ngăn cấm người Kinh lên khai phá đất đai, làm ăn sinh sống, và định cư lập nghiệp, tại cao nguyên Trung phần. Chính tỉnh trưởng L. Sabatier là người đầu tiên thực hiện: nói giỏi tiếng Ê đê, vợ của ông ta là con gái của vị tù trưởng người Ê đê tên là Kun Yo No, và thực hiện việc xử kiện bằng toà án phong tục Ê đê…

Trong 16 năm cầm quyền tại vùng người Ê đê, M’nông và Gia Rai tỉnh Đắc Lắc, L. Sabatier đã gieo mầm tị hiềm, chia rẽ, và gây hận thù khá sâu sắc giữa người Kinh và người Thượng. Ngày 1/1/1926, chính ông ta đã tổ chức một Hội nghị gồm các vị chủ làng người Thượng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đến tham dự. Sau khi tuyên truyền xuyên tạc về mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa người Kinh với các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Thượng ở Đắc Lắc, Hội nghị các trưởng làng này đã nhất trí thông qua “Nghị quyết” có nội dung cho rằng: người Kinh là một loại người đặc biệt nguy hiểm, mà người Ê đê, M’nông, Gia Rai và các dân tộc thiểu số khác ở Đắc Lắc và Tây Nguyên không được quan hệ trao đổi, buôn bán với họ. Đặc biệt là không cho phép họ cư trú tại địa phương. Chỉ có người Pháp mới được độc quyền có mặt, cư trú và khai thác kinh tế tại cao nguyên, để nhân đó “khai hoá” và che chở cho người Thượng sở tại (6). Chính sách chia rẽ Kinh - Thượng này của thực dân Pháp được áp dụng với những mức độ đậm nhạt khác nhau tại 5 tỉnh Tây Nguyên hồi bấy giờ là: Kon Tum, Plei Ku, Darlac, Haut Donnai (Đồng Nai Thượng) và Lang Bian (Lâm Viên). Tại đây chúng cũng thông qua các “lễ tuyên thệ” tương tự như trên, để buộc các chủ làng người Thượng cam kết trung thành với các quan Công sứ Pháp và chống lại người Việt…

Để củng cố thêm tư tưởng tự trị và ly khai của người Thượng ở Trường Sơn - Tây Nguyên, năm 1921, Pháp còn thành lập các đơn vị quân đội người Thượng sở tại nằm trong binh đoàn lính khố xanh của Pháp ở miền Nam Việt Nam. Sau đó, vào năm 1931, Pháp lại thành lập nhiều tiểu đoàn quân người Thượng vùng Nam Trung Bộ, mà chúng gọi là “Lực lượng bộ binh sơn chiến”. Đó chính là các tổ chức tiền thân, làm cơ sở cho sự ra đời của các tổ chức “tự trị” Bajaraka, Fulro và cái gọi là “Nhà nước Dega tự trị” trong những năm tiếp theo.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 khoảng 100 ngày, dưới sự che chở của quân đội Anh - Ấn, thực dân Pháp đã quay lại xâm chiếm Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng tối quan trọng của chúng ở Đông Dương hồi bấy giờ.

Tiếp tục thực hiện chính sách chia rẽ Kinh - Thượng và tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam, biến nơi đây thành một kiểu “Nhà nước tự trị của người Thượng” trực thuộc thực dân Pháp, ngày 27 tháng 5 năm 1946, D’Argenlieu thực hiện chỉ thị của Chính phủ Pháp thành lập tại 5 tỉnh cao nguyên Trung phần một tổ chức gọi là: “Liên bang đặc trách các dân cư sơn cước miền Nam Đông Dương” (Commissariat du Gouvernement Fédéral pour lespopulations montagnardes du Sud Indochine) trực thuộc cao uỷ Pháp. Theo quy định của “Liên bang” đặc biệt này, thì quyền cai trị các quận trong Liên bang nói trên được đặt dưới quyền của Phủ Cao uỷ Pháp. Nhưng sau đó, chúng lại đổi tên là: “Toà đại biểu đặc trách các dân cư sơn cước miền Nam Đông Dương” (Délégation pour les populations montagnardes du Sud Indochine) mà thủ phủ của nó đặt tại thị xã Buôn Mê Thuột. Cơ quan này, có nhiệm vụ trông coi tất cả các vấn đề liên quan đến các dân cư sơn cước (người Thượng) và đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của Phủ Cao uỷ Pháp tại Đông Dương.

Cùng thời gian này, thực dân Pháp đã thành lập một lực lượng phòng thủ ở các tỉnh Tây Nguyên bao gồm 13 tiểu đoàn người Thượng, do người Pháp chỉ huy (7).

Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Tây Nguyên trong thời gian này cụ thể như sau:

- Một là, gạt bỏ hẳn mọi ảnh hưởng của Chính phủ Nam triều (vua quan nhà Nguyễn) đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, để người Pháp toàn quyền và trực tiếp phụ trách mọi vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự ở Tây Nguyên.

- Hai là, chế độ “địa phương tự trị” mang tính biệt lập vẫn tiếp tục được triệt để áp dụng đối với các dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Ba là, mọi sự đi lại, giao dịch và buôn bán giữa người Thượng và người Kinh được triệt để ngăn cấm. Chúng còn cố tình gây ra những xung đột cục bộ giữa người Thượng và người Kinh tại 5 tỉnh Tây Nguyên hồi bấy giờ…

- Bốn là, các quan chức đứng đầu từ tỉnh, huyện, tổng, làng ở Tây Nguyên đều do người Thượng (tay sai của thực dân Pháp phụ trách), đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của viên Công sứ người Pháp tại mỗi tỉnh cao nguyên. Tuy tại mỗi tỉnh vẫn còn một viên “quản đạo” của triều đình Việt Nam, nhưng ông ta chỉ là một thứ quan bù nhìn (hữu danh vô thực) (8).

- Năm là, mọi phong tục, tập quán, mê tín, dị đoan của người Thượng được “triệt để tôn trọng”, và khuyến khích duy trì. Dựa trên cơ sở đó, các “Toà án phong tục” được người Pháp thiết lập từ các cấp: tỉnh, huyện, tổng, làng, để giải quyết các vụ tranh tụng giữa người Thượng với người Thượng.

Ngoài ra, Pháp còn lập thêm một toà án tư pháp để phân xử các vụ kiện tụng, giữa người Thượng và người Kinh hoặc người nước ngoài ở Tây Nguyên.

- Sáu là, tổ chức nhiều “Nhóm vũ trang” người Thượng, do Pháp tài trợ, trang bị và chỉ huy, nhằm săn lùng và tiêu diệt các tổ chức ái quốc người Kinh hoạt động ở vùng rừng núi và cao nguyên hồi bấy giờ.

- Bảy là, các loại thuế khoá do Pháp đặt ra, như: thuế thân, thuế phát rừng, thuế voi…, và chế độ lao dịch, cu-li đối với người Thượng sở tại được triệt để áp dụng. Cuối năm 1947, Cao uỷ Pháp đã công bố một kế hoạch sáp nhập vùng tự trị của người Thượng vẫn tiếp tục được duy trì ở cao nguyên. Chính sách Thượng vụ của Pháp vừa trình bày ở trên được áp dụng từ năm 1946 đến cuối năm 1948.

Bước sang năm 1949, do tình hình quân sự và chính trị trên các chiến trường Việt Nam có những chuyển biến bất lợi cho Pháp, buộc chúng phải trao trả lại hai vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam cho Việt Nam sau thoả hiệp ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa cựu hoàng Bảo Đại và Pháp. Nhưng chúng vẫn tìm mọi cách để tách Tây Nguyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nên trong thoả hiệp ngày 8/3/1949, thực dân Pháp đã viết:…nền hành chính của “Chính phủ Nam triều” (Bảo Đại) đối với các dân tộc thiểu số không phải là người Kinh, mà khu vực cư trú lịch sử của họ vẫn nằm trên lãnh thổ Việt Nam, thì “Hoàng đế” (Bảo Đại) phải ban bố những quy chế riêng biệt cho đại biểu của các dân tộc đó. Quy chế này, sẽ ấn định với sự thoả thuận của Chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp vẫn có “bổn phận riêng biệt” đối với các dân tộc thiểu số ở các cao nguyên Việt Nam (9).

Để thực thi các cam kết nói trên với Chính phủ Pháp, ngày 15 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại đã ra chỉ dụ số 6: đặt cao nguyên miền Bắc và vùng cao nguyên Trung phần Nam Việt Nam thuộc quyền “cai trị trực tiếp” của Quốc trưởng Việt Nam. Chế độ cai trị của nhà Quốc trưởng Việt Nam đối với vùng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hồi bấy giờ lại do Pháp tự đặt ra, gọi là chế độ “Hoàng triều cương thổ” (10). Thực thi chế độ “Hoàng triều cương thổ” nói trên, ngày 25 tháng 7 năm 1950, Bảo Đại ra sắc lệnh thành lập đại diện của Quốc trưởng tại Hoàng triều cương thổ.

Theo sắc lệnh này, thì các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai Thượng. Lâm Viên, Plei Ku và Kon Tum hợp thành một địa phận hành chính riêng biệt, gọi là: “Cao nguyên miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ”, đặt dưới sự trông coi của một vị đại diện của Quốc trưởng Bảo Đại.

Năm 1950, Pháp lập ra cái gọi là “Phong trào Hrê tự trị”, và gây ra vụ bạo loạn vũ trang đẫm máu ở Sơn Hà, Quảng Ngãi (giết hàng chục người Kinh).

Ngày 21 tháng 5 năm 1951, Quốc trưởng Bảo Đại ra chỉ dụ số 10: Ấn định quy chế riêng biệt (do Pháp tự đặt ra) cho đồng bào Thượng ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Quy chế này gồm các điều khoản cơ bản như sau:

Điều 1: Quy chế này nhằm bảo đảm uy quyền tối cao của quốc gia Việt Nam và sự phát triển tự do của các sắc tộc thiểu số sở tại, dựa trên nguyên tắc tôn trọng phong tục, tập quán của họ.

Điều 2: Cao nguyên miền Nam vẫn trực thuộc đức Quốc trưởng.

Điều 3: Hướng dẫn người Thượng tham gia vào việc phát triển cao nguyên miền Nam Việt Nam.

Điều 4: Tôn trọng các tù trưởng bộ lạc và truyền thống kế vị của họ. Các chức việc do người Thượng sở tại tự đề cử ra.

Điều 5: Thành lập một Hội đồng kinh tế, để phát triển nông nghiệp, kỹ nghệ thương mại trên cao nguyên miền Nam.

Điều 6: Thành lập toà án phong tục cho người Thượng sở tại.

Điều 7: Bảo đảm quyền sở hữu đất đai truyền thống của người Thượng ở cao nguyên (11).

Điều 8: Hoạch định các kế hoạch phát triển y tế, giáo dục nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Thượng.

Duy trì việc dạy thổ ngữ cho người Thượng ở bậc sơ học và tiểu học.

Đào tạo cán bộ quân sự và hành chính của người Thượng ở cao nguyên.

Điều 9: Các binh sĩ người Thượng được tổ chức thành những lực lượng quân sự sơn cước đặc biệt để phục vụ tại cao nguyên.

-Hạn chế và ngăn cấm việc giao thiệp qua lại giữa người Kinh và người Thượng tại cao nguyên miền Nam Việt Nam.

-Các sĩ quan và hiến binh người Thượng được đào tạo theo chế độ “đặc biệt” tại Trường Võ bị quốc gia và Trường Hiến binh quốc gia (12).

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp là Vincent Auriol đã có giác thư gửi cho “Quốc trưởng Bảo Đại” với nội dung như sau:

Mỗi khi Quốc trưởng Bảo Đại ban bố hay thay đổi những quy chế riêng biệt (như đã nói ở trên) đối với người Thượng tại cao nguyên của Việt Nam, thì đều phải được sự cho phép của Chính phủ Pháp. Năm 1951, Pháp lập các sư đoàn quân đội Thượng để bảo vệ “Hoàng triều cương thổ” ở Tây Nguyên (13)và nhất là để chống lại Việt Minh. Năm 1952, Pháp lại thành lập thêm “Đoàn biệt kích hỗn hợp không vận” (GCMA) ở Tây Nguyên có 400 người Thượng sở tại, do Pháp tài trợ, trang bị, huấn luyện và chỉ huy.

Chế độ “Hoàng triều cương thổ”, do Tổng thống Pháp Vincent Auriol ấn định cho Bảo Đại vẫn có hiệu lực ở Tây Nguyên cho đến tháng 7/1954, khi có Hiệp định Genève về Việt Nam, nhằm thoả mãn mọi yêu cầu về quyền lợi của Chính phủ Pháp hồi bấy giờ đối với vùng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đó là chính sách: “Một quốc gia trong lòng một quốc gia” - một âm mưu chính trị thâm độc mới của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Tây Nguyên, nhằm chia rẽ, gây tị hiềm lâu dài giữa người Kinh và người Thượng, ngăn chặn làn sóng di dân của người Kinh lên Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp.

Năm 1950, Pháp lại lập ra cái gọi là “Nhóm liên kết các dân tộc bị áp bức” viết tắt là GUOM (Group unifié des races opprimées). Đó chính là cơ sở chính trị, xã hội và tâm lý dân tộc dẫn tới những cuộc bạo loạn đòi tự trị của người Thượng trong phong trào Bajaraka (1957-1958), cũng như Fulro (Front unifié de la libération des races opprimées) vào những năm 1964-1965, với yêu sách đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Dega tự trị” sống lưu vong trên địa bàn tỉnh Mônđôkiri (Campuchia) từ 1965-1969…

Tóm lại, những sự kiện lịch sử kể trên, một phần nào đã chỉ rõ âm mưu và tội ác của thực dân Pháp trong việc chia cắt lãnh thổ, chia rẽ và gây tị hiềm giữa các dân tộc, nhất là giữa người Kinh (Việt) và người Thượng (các dân tộc thiểu số Tây Nguyên) hồi bấy giờ.

“Nọc độc” của thực dân Pháp vẫn còn để lại những hậu quả tai hại về chính trị, về tâm lý dân tộc trong vùng các dân tộc Tây Nguyên hiện nay.

Một trong những biểu hiện về hậu quả tai hại của âm mưu chia rẽ Kinh - Thượng của thực dân Pháp như đã phân tích ở trên, là những vụ gây rối mang màu sắc chính trị ở các tỉnh, thành phố như: Plei Ku, Buôn Ma Thuột, Thị xã Kon Tum và một số thị trấn, huyện lỵ ở các tỉnh: Gia Lai, Đắc Lắc và Kon Tum vào những ngày đầu tháng 2 năm 2001 vừa qua.

Và hiện nay, vẫn có hiện tượng hàng chục, thậm chí hàng trăm đồng bào Thượng ở ba tỉnh nói trên bán ruộng đất nương rẫy, hoặc bỏ cả nhà cửa, vườn cà phê, máy cày của mình nghe theo sự xúi giục của những kẻ xấu, để vượt biên sang Campuchia, vì cái gọi là “Nhà nước Dega” lưu vong của tổng thống tự phong Ksor Kơk tại Hoa Kỳ.

Đó là âm mưu thâm độc - một tội ác của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, mà chúng ta cần phải thường xuyên cảnh giác, đề phòng, nhất là trong bối cảnh quốc tế về vấn đề dân tộc và tôn giáo đang ở “cao triều” sôi động như hiện nay.

________________________

(1) (2) Cửu Long Giang – Toan Ánh. Cao nguyên miền Thượng, xuất bản tại Sài Gòn, 1970, tr. 115, 130-131.

(3) Phan Văn Bé, Tây Nguyên lược sử, Hội Giáo dục lịch sử, thuộc Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993.

(4) (5) Cửu Long Giang – Toan Ánh. Cao nguyên miền thượng, xuất bản tại Sài Gòn, 1970, tr. 133-134.

(6) Leopold Sabatier, Palabre du Serment au Darlac, B.S.E.I, t.II, 1927, P.5.

(7) Cộng hoà Đề Gar, Uỷ ban nhân quyền quốc tế người Thượng (Đê Gar), Po Box 17064. Spartapurg, SC 29301 (tài liệu dịch từ bản tiếng Anh, 1992) tr, 4.

(8) Touneh Hàn Thọ, “Phát triển xã hội Thượng trong triển vọng phát triển quốc gia”,Luận án tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quốc phòng Đà Lạt, 1970, tr. 89-91, 93-94.

(9) Theo Hoàng Huân, Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 1-4-2000, thì có 4 sư đoàn lính người Thượng, do quan 5 Le Cog và Y – Ninh (người Ê đê chỉ huy).

(10) Touneh Hàn Thọ, “Phát triển xã hội Thượng trong triển vọng phát triển quốc gia”.Luận án tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quốc phòng Đà Lạt, 1970, tr.92-95.

(11) (12) Touneh Hàn Thọ, “Phát triển xã hội Thượng trong triển vọng phát triển quốc gia”.Luận án tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Quốc phòng Đà Lạt, 1970, tr.92-97.

(13) Chuẩn tướng Vĩnh Lộc (Tư lệnh Quân đoàn II, vùng II chiến thuật của nguỵ quyền Sài Gòn). “Cái gọi là Fulro tự trị”,Plei Ku - Buôn Mê Thuột 1965, tr. 38.

Nguồn: Xưa và Nay, số 224, tháng 11/2004

Xem Thêm

Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.
Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.

Tin mới

An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.
Bình Thuận: Công tác phối hợp các hội thành viên gắn kết và hiệu quả
Công tác phối hợp với các hội thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội tỉnh. Trong những năm qua nhất là trong năm 2024, công tác phối hợp với các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả trong tổ chức hội thảo khoa học.
Yên Bái: Hội nghị Ban chấp hành lần thứ X
Chiều ngày 19/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (LHH) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ X, khoá V, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) nhằm tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ông Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì Hội nghị.