Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/12/2020 22:37 (GMT+7)

Khai thác tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam

Kinh tế biển đã thành một trong những bộ phận chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Khai thác các vùng biển, ven biển, đảo của nước ta đã tăng sự năng động, sáng tạo và tạo động lực mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam

Khai thác tiềm lực kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, kinh tế biển nói riêng

Chia sẻ với vusta.vn, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết ,nhận thức rõ tiềm năng lợi thế vai trò của biển đảo, Việt Nam đã chủ trương phát triển kinh tế biển nhằm góp phần quan trọng trong việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước trong việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền lãnh thổ. Điều này thể hiện rõ khi Việt Nam ban hành các luật lệ cần thiết về biển và phát triển kinh tế biển: Đó là, Luật biển (2012); Chỉ thị 20 của Bộ chính trị ngày 22/9/1997 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết 09 BCHTU Đảng khóa X ngày 9/2/2007 về “ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,  Nghị quyết số 36-NQ/TƯ  ngày 22/10/2018 do Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII “ Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 đến 2045” và gần đây nhất là “ Quyết định 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 “Phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030”… và hàng loạt văn bản của chính phủ về lĩnh vực này…Dần dần luật hóa các hoạt động về biển sẽ tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết cho việc khai thác, bảo vệ biển đảo của quốc gia.

Là quốc gia biển, kinh tế ven biển và thuần biển đóng góp quan trọng vào GDP cả nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm (2008-2017), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 6%/năm). Năm 2017, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân cả nước đạt 53,5 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa-Vũng Tàu (đạt hơn 225 triệu đồng), Quảng Ninh (đạt hơn 90 triệu đồng), Đà Nẵng (đạt hơn 70 triệu đồng). Các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp lớn ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép...) ngày càng được quan tâm và dần trở thành những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế thuần biển, gồm: khai thác và chế biến dầu khí trên biển, giao thông hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển… với mức đóng góp vào GDP cả nước giai đoạn 2007 - 2012 đạt khoảng 10%; từ năm 2013, do nhiều nguyên nhân, mức đóng góp này có xu hướng giảm, nhưng vẫn đạt mức trung bình khoảng 6%. Thu nhập bình quân đầu người của người dân sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tăng gấp 4,84 lần từ năm 2006 đến năm 2016, cao hơn mức tăng trung bình chung của cả nước 4,79 lần. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ công y tế, giáo dục, điện lưới quốc gia, nước sạch... của người dân ven biển cơ bản được bảo đảm. Chất lượng cuộc sống của người dân ven biển và trên các đảo được nâng lên rõ rệt, PGS Dũng cho hay.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các định hướng, giải pháp tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật đối với từng vùng, khu vực ven biển, làm cơ sở hình thành, phát triển các trung tâm kinh tế ven biển; quản lý, thu hút đầu tư. Cho đến nay chính phủ đã phê duyệt 9 quy hoạch xây dựng vùng có gắn với các tỉnh, thành ven biển; 8 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; 2 quy hoạch chung đô thị biển, đảo và 17 khu kinh tế ven biển. Các tỉnh, thành ven biển đã tận dụng lợi thế có biển để phát triển các khu đô thị, khu du lịch, mở ra thị trường mới - thị trường bất động sản hướng biển, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch nghỉ dưỡng biển. Cơ cấu kinh tế nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ (chủ yếu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng); đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Khí điện đạm Cà Mau,... Bộ mặt nhiều tỉnh, thành phố đã thay đổi căn bản như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang…đang trở thành trung tâm đô thị thu hút nhiều người từ các vùng, miền của đất nước về làm ăn, sinh sống. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Du lịch biển, đảo hiện đóng góp khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm của ngành du lịch cả nước. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến 28 tỉnh, thành ven biển trong năm 2017 ước đạt khoảng 60 triệu lượt người. Năm 2018 Việt Nam đã đón 15.497.791 khách quốc tế tăng 19,97% so với năm trước, riêng 3 tháng đầu năm 2019 đạt 4.500.114 người. Kinh tế đảo phát triển, khai thác tiềm năng và lợi thế tự nhiên, hình thành tuyến phòng thủ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các xã đảo đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản, kết hợp với phát triển các nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc…đang thu hút mạnh đầu tư và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế đảo.

Các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ có tác dụng tích cực. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm tăng nhanh và liên tục, từ năm 2006 đến 2017, sản lượng tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,2 triệu tấn. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đến nay, có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU...).  

Năng lực vận tải biển của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (bảo đảm hàng hải, lai dắt, hoa tiêu) và dịch vụ logistics cũng tăng trưởng cao.

Hệ thống cảng biển ngày càng mở rộng cả về quy mô, số lượng và mật độ tại các vùng, miền trong cả nước; từng bước được nâng cấp, hiện đại hoá, chuyên dụng hoá. Đến nay, cả nước có 45 cảng biển gồm 3 cảng cửa ngõ quốc tế, trung chuyển quốc tế (Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Vân Phong), 11 cảng đầu mối khu vực, 17 cảng tổng hợp địa phương, ngoài ra có hệ thống cảng chuyên dùng cho các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế; tổng số có 241 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế đạt 534,7 triệu tấn/năm; có hơn 10 cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn 20.000DWT đến hơn 40.000DWT. Tuyến đường bộ ven biển đã được quy hoạch đi qua 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó Trung ương đã hoàn thành đầu tư 618/786 km, đạt 78,62%; các địa phương đã hoàn thành đầu tư 665/2.186 km, đạt 30,4%.

Hệ thống thủy lợi, đê biển, kè biển và dự báo thiên tai được chú trọng và đến năm 2017, đã hoàn thành xây dựng 822/2.897 km đê, kè biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tổng kinh phí 8.048 tỉ đồng. Công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo gió mạnh trên biển, công tác cứu hộ, cứu nạn được tăng cường với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng: bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển... và chính quyền địa phương. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ biển đang được triển khai tích cực, nguồn nhân lực biển từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước có 20 chuyên ngành đào tạo liên quan đến biển, 92 cơ sở đào tạo với 20 ngành ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.. Các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý, xã hội về biển, cùng với các nghiên cứu về tự nhiên biển đã được sử dụng làm cơ sở khoa học cho đàm phán, đấu tranh phân định ranh giới trên biển và xác định chủ quyền biển…

Khai thác quan hệ quốc tế phục vụ bảo vệ lợi ích và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là tại Biển Đông

PGS Dũng chia sẻ thêm, hoạt động đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế đã góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Cho đến nay, chính danh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tôn trọng và ủng hộ. Toàn bộ các đảo, bãi mà Việt Nam đã và đang quản lý cùng các vị trí đóng quân khác được giữ gìn và bảo vệ trọn vẹn. Các vùng biển của Việt Nam về cơ bản được bảo vệ theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, giữ vững quan hệ với các nước láng giềng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Về cơ bản, Việt Nam đã dự báo và xử lý phù hợp các động thái chống phá của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời chúng ta đấu tranh kiên quyết, có tình, có lý đối với các hoạt động vi phạm của Trung Quốc nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông và khu vực. Trước các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều biện pháp chính trị, ngoại giao và pháp lý như: trao công hàm phản đối, giao thiệp ở nhiều cấp, phát ngôn của Bộ Ngoại giao, lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam... Đặc biệt khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì, chủ động, tích cực tiếp xúc, giao thiệp trên nhiều kênh với Trung Quốc, chủ động đưa vấn đề này ra các diễn đàn và hội nghị quốc tế. Có thể nói “ quan hệ gữa Việt Nam và Trung Quốc những năm qua “ nồng ấm” hay “ căng thẳng” đều xuất phát từ vấn đề Biển Đông, điều đó được thể hiện trên hai mặt: tranh chấp hải đảo, vùng biển và hợp tác kinh tế thương mại”. Hơn thế nữa  “nhìn từ góc độ địa chiến lược và kinh tế, Biển Đông không chỉ tồn tại vấn đề tranh chấp giữa một số nước có tuyên bố chủ quyền, mà còn tồn tại vấn đề cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc có lợi ích, chủ yếu là giữa Mỹ và Trung Quốc.” Vì thế, việc tăng cường phát triển quan hệ quốc tế nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước vì lợi ích chung của là cách thức mà Việt Nam đã thực hiện và mang lại hiệu quả tốt trong việc tạo lợi thế  và vị thế để bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung, Biển Đông nói riêng. Điều đó đã góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại được đẩy mạnh nhằm làm rõ hơn chủ trương, lập trường dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế tình hình Biển Đông và âm mưu, hành động của Trung Quốc. Dù còn nhiều khó khăn, song việc triển khai đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhất là Hoàng Sa và Trưởng Sa đã được chúng ta thực hiện một cách đồng bộ trên các mặt.

Hợp tác quốc tế trên biển với các nước được mở rộng, bước đầu tranh thủ được sự hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế về vốn, tri thức và công nghệ. Nhiều dự án hợp tác song phương, đa phương giữa các cơ quan khoa học công nghệ liên quan tới biển của Việt Nam với các đối tác thuộc các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế được đẩy mạnh. Việt Nam đã cử một số nhà khoa học đại diện trong các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế và khu vực, bước đầu thể hiện được tiếng nói nhất định. Các lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố tràn dầu; nghiên cứu khoa học công nghệ, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển... ngày càng được mở rộng và tăng cường. Việt Nam đã ký kết, gia nhập 26 công ước và các Nghị định thư về hàng hải, lao động trên biển, 28 hiệp định hàng hải song phương và 30 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn thuyền viên. Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ... trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đánh bắt cá, tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển. Cho đến nay “ trên Biển Đông, chúng ta cũng tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc và các quyền lợi, lợi ích hợp pháp phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ( UNCLOS).”. Các kế hoạch, chương trình trên đã được cụ thể và hiện thực hóa bằng Đề an Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Nghị quyết số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020.

Bài: HT

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới