Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 25/03/2010 18:44 (GMT+7)

Xưa và nay, dòng chảy bất tận của cuộc sống

Mà cho dù có muốn vay mượn đi nữa, thì “vay” làm sao xuể, “mượn” làm sao đang công tích của ông cha trong dòng chảy của lịch sử. “Ôn cố tri tân”, việc ấy người ta vẫn làm xưa nay nhưng không phải lúc nào tính trung thực lịch sử cũng được tôn trọng như nó cần phải có, vì vậy việc “tri tân” cũng có những trở ngại. Ngay cả khi việc trả về cho lịch sử những sự thật bị vùi lấp, bị xuyên tạc thì rồi vẫn vấp phải những lực cản. Điều ấy không lạ, “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá” (1). Ph. Angghen đã từng chỉ ra điều đó. Chính cái tập quán này là một sức trì kéo ghê gớm.

Chỉ có điều, lịch sử như một dòng sông chảy xiết, ở những khúc quanh, những đoạn nước xoáy, váng bẩn, bèo bọt nổi lên, dạt vào bờ. Những tầm nhìn trực quan, những đôi mắt thiển cận chỉ nhìn thấy váng bẩn mà không sao thấy nổi sức cuộn chảy từ bên dưới. Nhưng chính sức cuộn chảy ấy mới quyết định nhịp chảy và tốc độ của dòng sông. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, “mỗi giai đoạn đều là tất yếu, và do đó là chính đáng trong thời đại và trong những điều kiện đã sản sinh ra nó; song những điều kiện mới, cao hơn, đang dần phát triển ở ngay trong lòng của nó, nó sẽ trở nên không vững chắc và không chính đáng. Nó buộc phải nhường chỗ cho giai đoạn cao hơn, giai đoạn này, đến lượt nó, cũng sẽ đi đến chỗ suy tàn và tiêu vong” (2). Tính trung thực lịch sử, nếu muốn có, phải được xác lập trên quan điểm ấy, Chính vì vậy mà thật thú vị khi suy ngẫm triết lý về sự “thịnh suy” của ông cha ta cách đây ngót một nghìn năm. Xin hãy đọc bài Thị Đệ Tửcủa thiền sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu toàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

( Thân người như bóng chớp, có rồi lại trở lại không.

Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo.

Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi.

Vì thịnh suy nối tiếp nhau (chỉ) như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ).

Nhìn diễn tiến thịnh suy của một triều đại mà chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ, đôi mắt ấy đã thấu đến cái lẽ vô cùng. Xin lại đọc tiếp một bài thơ của thiền sư Mãn Giác nói về buổi xuân về.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

( Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm hôm qua, trước sân (rộ) một cành mai).

Sự sống là bất tận. Bài kệ của thiền sư Mãn Giác xuất hiện 76 năm sau bài của thiền sư Vạn Hạnh mở đầu bằng cái lẽ tuần hoàn của tạo hoá:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai.

( Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở).

Để rồi kết thúc với một hình tượng rực rỡ tràn đầy sức sống. Sức sống của tự nhiên, sức sống của con người. Xuyên qua u ám giá rét, một cành mai vẫn mạnh mẽ khoe sắc. Sự sống vẫn đâm chồi nảy lộc mặc cho phong ba bão táp, sương rơi, nắng đổ! Mà đấy lại là lời của một người đang bệnh. Những dòng chảy tràn đầy sức sống nói trên nằm trong bài kệ của người có bệnh báo mọi người, Cáo tật thị chúnglà tên của bài kệ. Nhìn cho thấu cái lẽ huyền vi của tạo hoá, phải có một đôi mắt biết nhìn, biết khám phá. Vậy mà, ngẫm cho kỹ, đôi mắt ấy xem ra có cái gì đó rất hiện đại.

Thì chẳng thế sao, đọc Marcel Proust, văn hào hiện đại Pháp, thấy bật ra câu: “một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”. Cũng trời đất ấy, thế giới ấy, con người thế ấy… nhưng với đôi mắt mới sẽ nhìn ra những điều mà một tầm mắt hạn hẹp, thiển cận và nô lệ vào những định kiến và những tín điều, sẽ không thể nào nhìn ra được. “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Sự sống không hề rụng, mà nếu có “rụng” đi nữa dưới con mắt trực quan, thì cũng là để chồi non bật lên. Triết học Mác xít diễn đạt điều này một cách rành rọt và khúc chiết: trong một tác phẩm xuất bản năm 1888, Ph. Angghen khẳng định “trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong” (3). Phải chăng đây cũng là một cách nhìn về “xuân khứ” và “xuân đáo”.

Để xác lập được một nhận thức như vậy, phải có đôi mắt biện chứng. Vả chăng, đối với triết học biện chứng đó (tức là triết học của Hégel. TL) thì không có gì là tối hậu, tuyệt đối, thiêng liêng cả. Nó chỉ ra – trên mọi sự vật và trong mọi sự vật - dấu ấn của sự suy tàn tất yếu, và đối với nó, không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng của sự hình thành và tiêu vong, của sự tiến triển vô cùng tận từ thấp lên cao” (4). Phải chăng đây là cũng có dáng dấp của “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý. Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Nhìn thịnh suy nối tiếp nhau (chỉ) như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ phải là một đôi mắt vượt hẳn lên những ràng buộc tục luỵ để “trở về nguồn”. Nói vậy vì Kinh Pháp cúdạy: “Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác”. Kinh Lăng Giàbảo: “Thế giới chỉ là Tâm”. “Tất cả chỉ là từ nguyên sơ, tâm viên mãn, trong sáng, thanh tịnh, rỗng rang, tuyệt đối. Về nguồn chính là trở về cái Tâm nguyên sơ này” (5). Ẩn chìm và xuyên suốt trong triết lý Thiền, ngẫm thật kỹ, sẽ thấy rõ cách nhìn của ông cha ta một nghìn năm trước đây vời vợi một chiều sâu của tầm cao suy tưởng.

Hiểu cho thấu cái lý phủ định của phủ định trong tinh thần khoa học của phép biện chứng không hề đơn giản. Ấy vậy mà tinh thần biện chứng ấy cũng đã tiềm ẩn trong cách tư duy của ông cha ta. Xin hãy đọc bài kệ Hưu hướng Như Lai, đừng đi theo bước Như Lai của một vị thiền sư đời Lý, để suy tư về điều vừa nói:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh

Namnhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

( Lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn

Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh

Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm

Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai)

Xuất gia đi tu mà lại bảo là đừng dẫm theo vết chân của Phật tổ, liệu có phải là một nghịch lý? Bài kệ này xuất hiện cách đây ngót một ngàn năm đã đòi hỏi làm trai phải tự có chí xung trời thẳm, đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai! Đó là một triết lý sống. Diễn đạt theo cách hiện đại thì quả thật ông cha ta đã “chống giáo điều” ngay trong góc khuất tâm linh! Huyền diệu và cao siêu trong cõi tâm linh, toàn năng, thế mà thiền sư Quảng Nghiêm khuyên không nên dẫm theo vết chân của Ngài! Bởi vì với vị chân tu ấy, lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn, “Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ” (tịch diệt là thuật ngữ đạo Phật, mang nghĩa của hai chữ niết bàn).

Cũng theo cái mạch tư duy ấy, thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng họ Thiền Trúc Lâm, qua bài kệ Diên Hựu tựđã dạy cho chúng ta làm thế nào để có một tầm nhìn khoáng đạt, vượt lên phía trước. “Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan”, không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng! Sẽ hiểu hơn cái “bán điểm vô ưu” này khi gắn kết với mạch triết lý của câu ấy với câu “Vạn duyên bất nhiễu thành già tục”, muôn vạn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục!

Hiểu được dung lượng triết lý của ý tứ được gửi gắm vào trong những lời kệ cô đọng ấy mới thấu tỏ tiềm ẩn trong “vạn duyên bất nhiễu” là cái cảm thức nhập thế của triết lý Phật giáo trong lòng Thiền Trúc Lâm quả không đơn giản! Xuất hiện trước bài kệ của Huyền Quang hơn ba trăm năm, bài Quốc tộ, Vận nướccủa thiền sư Pháp Thuận, cũng trong cái mạch của triết lý ấy, đã chỉ ra rằng: Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi thì mọi nơi sẽ không còn chiến tranh!

Quốc tộ như đằng lạc

Namthiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Vận nước đan xen với nhau như mây quấn

Đất trời Nam đang hưởng thái bình

Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi

Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh.

Vô vi, hiểu đúng theo triết lý của Phật giáo không có nghĩa là không làm, mà là làm những việc thuận theo cái lẽ tự nhiên. Thuận theo cái lẽ tự nhiên đó, mới có thể “ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi”. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, thì sự thịnh suy của các triều đại chẳng qua cũng chỉ là phản ánh cái quy luật mà Ph. Angghen đã chỉ ra, trong sự vận động đi tới của lịch sử, khi một triều đại đã suy tàn thì “buộc phải nhường chỗ cho giai đoạn cao hơn, giai đoạn này, đến lượt nó, cũng sẽ đi đến chỗ suy tàn và tiêu vong”. Điều ấy cũng là việc “thuận theo cái lẽ tự nhiên”. Cho nên, có được sự gặp nhau trên những nguồn mạch tư duy, sự nối kết dòng suy tưởng xưa và nay, xét đến cùng cũng từ cái nguồn mạch văn hoá thuận theo cái lẽ tự nhiên ấy. Đó là dòng chảy không phút giây ngừng nghỉ của văn hoá dân tộc góp phần hun đúc nên bản lĩnh của dân tộc. Bản lĩnh ấy thể hiện ra không chỉ ở những chiến công chói lọi, mà ngay cả ơ rnhững sinh hoạt bình thường.

Xin gợi lại đây mấy nét biểu hiện khá thú vị. Trước hết, bài thơ tiếp sứ phương Bắc của một minh quân, Trần Nhân Tông với bài thơ Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính, tặng bánh ngày xuân cho sứ Bắc Trương Hiển Khanh:

Giá chi vũ bãi, thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.

( Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng Ba.

Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bày đầy mâm

Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay).

Đằng sau vũ điệu và xiêm áo dân tộc của người vũ nữ múa chào khách, đằng sau sự mộc mạc của bánh, của rau mời khách là bề dày văn hoá dân tộc của một nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Nền văn hoá mà người ta đã từng muốn xoá sạch trong âm mưu đồng hoá: “hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ”… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết” như dã ghi trong sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21 – 8 – 1406.

Ẩn trong nét dáng mộc mạc và khiêm nhường, bài thơ tiếp sứ toát lên niềm tự hào về bản sắc văn hoá của một đất nước đã từng “xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Đừng quên rằng Trần Nhân Tông là vị vua văn võ song toàn, từng thống lĩnh ba quân hai lần đánh tan tác đế quốc Nguyên – Mông xâm lược, khi đất nước yên bình, Ngài trao lại vương triều cho con, lên tu ở Yên Tử, gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm.

Thật tự hào và hạnh phúc biết bao cho một dân tộc có những bậc minh quân như Trần Nhân Tông. Nhưng ngay cả trường hợp một ông vuamà tác giả Việt nam Sử lượcđánh giá là ông vua “làm xiêu đổ cơ nghiệp nhà Trần” cũng không phải là không có những điều phải nhìn nhận một cách nghiêm cẩn.Đó là trường hợp Trần Nghệ Tông, ở ngôi 3 năm, nhường ngôi 27 năm, thọ 74 tuổi. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ Nhà Trần chép: “công nghiệp lớn lao, sángloà vũ trụ. Song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ, bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn rồi diệtvong”. Như vậy là ngay một ông vua của thời kỳ “xã tắc suy mòn rồi diệt vong” vẫn có những điều đáng được suy ngẫm. Chẳng hạn như, nghĩ đến công đức của cụ cố Nhân Tông, đối chiếu với vận nước đangsuy vi, Nghệ Tông đã tự phản tỉnh trong những dòng thơ cảm khái. Không thể không trân trọng tinh thần cảm khái ấy, mà theo ngôn từ hiện đại là “tự chỉ trích, tự phê phán” đang ngày càng hiếm hoinày:

Tự hận nhi tôn tham bão noãn

Bất tuỳ xung mật báo thâm ân.

(Tự hận cháu con tham lợi lộc

Không theo nghĩa lớn báo ơn dày).

Chao ôi, biết tự chỉ trích, có được những dòng thơ cảm khái của người biết liêm sỉ, cũng là một nét văn hoá. Nhớ rằng, chính Nghệ Tông chứ không ai khác, từng khẳng định bản lĩnh văn hoá Đại Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thưchép: “Vua từng nói… Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị [1358 - 1369], bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc… thật không kể xiết”. Hiểu điều này sẽ hiểu hơn ý nghĩa bài thơ tiếp sứ của Nhân Tông, và do đó cũng hiểu ra được nỗi lòng của Nghệ Tông. Tuy bất lực trước vận nước suy vi, là ông vua “làm xiêu đổ cơ nghiệp nhà Trần”, Nghệ Tông vẫn còn điểm khả thủ thể hiện ra trong ứng xử, cho thấy một nhân cách văn hoá chưa bị băng hoại.

Đấy là nói chuyện đời Trần. Sáu trăm năm sau, triều Nguyễn vào buổi suy tàn cũng có một ông vua mà tên tuổi và triều đại của ông gắn liền với việc để mất nước vào tay thực dân Pháp, cũng đã dám tự chỉ trích như vậy. Và có lẽ, trong lịch sử, hiếm có một ông vua đã cho khắc lên bia lời tự vấn trước tổ tông đặt trên mộ của mình như Tự Đức đã làm. Không dễ gì để có quyết định tự mình viết văn bia cho chính mình, rồi lại cho khắc lên đá để lưu lại cho hậu thế. Khắc vào bia đá cũng có nghĩa là muốn cho hậu thế phán xét về mình qua những lời tự vấn nghiêm khắc: “dốt nát mà quen sống yên ổn, mông muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng, chẳng biết phòng bị… không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta…”. Ngẫm cho kỹ, sự cảm khái của Nghệ Tông, lời tự vấn của Tự Đức, những ông vua của những đế chế suy tàn, cũng là những hành vi văn hoá, cũng là biểu hiện của văn hoá. Mà vì là văn hoá cho nên chúng trường tồn dưới cái nhìn công minh của lịch sử.

Thấy cho ra cái chất văn hoá ấy xuyên thấm trong đời sống dân tộc cũng không phải dễ. Không dễ, nhưng không phải là không thể. Vì rằng đó là “một điều vừa rõ ràng không thể chối cãi được, vừa chứa đựng nhiều bí ẩn trong đêm tối của lịch sử mà chúng ta còn phải tiếp tục phát hiện và phát huy” (6) như Phạm Văn Đồng đã từng chỉ ra. Hơn lúc nào hết, đấy chính là điều cần đặc biệt lưu ý của hoạt động văn hoá trong giai đoạn hiện nay, khi mà tiến trình hội nhập và phát triển đang đi vào chiều sâu. Chúng ta phải hội nhập với thế giới bằng chính cái bản lĩnh văn hoá ấy thì mới có thể có sự phát triển bền vững.

Vì vậy, sự nối kết xưa và nay trong dòng chảy bất tận của cuộc sống phải chăng là cảm hứng thú vị trong buổi Xuân về?

(1), (2), (3), (4). C. Mac và Ph. Angghen Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 21, tr 421, tr 394, tr 393, tr 395 theo trình tự trước sau trong trích dẫn.

(5). Dẫn theo Thích Chơn Thiện, Về nguồn.Văn hoá Phật Giáo, số 64, tr 4.

(6). Phạm Văn Đồng, Văn hoá và Đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 17.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.