Xã hội và con người theo Peter Berger
Trong các ngành khoa học xã hội hay đặc biệt là ngành xã hội học, một câu hỏi dường như cứ trở đi trở lại ám ảnh các nhà lý thuyết là câu hỏi về mối quan hệ giữa xã hội với con người: cái nào quyết định cái nào? Trong lĩnh vực xã hội học, về đại thể, người ta thường nhận diện được hai lập trường chính trả lời cho câu hỏi này: a) lập trường theo hướng của nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim (1858-1917) cho rằng xã hội là một thực tại khách quan, bao trùm con người và quyết định hầu như mọi hành vi và ứng xử của từng cá nhân con người; và b) lập trường theo hướng của nhà xã hội học Đức Max Weber (1864-1920) quan niệm rằng xã hội chỉ là một khái niệm trừu tượng, chính các hoạt động của cá nhân mới là nền tảng cấu tạo nên xã hội, do vậy xã hội học phải bắt đầu từ việc khảo sát hoạt động của cá nhân con người và giải thích ý nghĩa của các hoạt động này, rồi từ đó mới có thể lý giải được những sự kiện xã hội.
Quan niệm của nhà xã hội học Mỹ gốc Áo Berger (1929-) là một nỗ lực độc đáo nhằm vượt qua sự lưỡng phân giữa hai lập trường vừa nêu. Nội dung bài này điểm lại một số ý tưởng đáng chú ý của Peter Berger về mối quan hệ giữa xã hội với con người, chủ yếu nằm trong chương 4 và chương 5 cuốn Lời mời vào ngành xã hội học(1963) 1. Peter Berger cũng là đồng tác giả với Thomas Luckmann khi viết cuốn sách nổi tiếng mang tên là Sự kiến tạo của xã hội đối với thực tại(1966) 2.
Theo Berger, lâu nay người ta thường có một quan niệm sai lạc coi cá nhân và xã hội như hai thực thể biệt lập và đối diện nhau, xã hội được nhìn như một thực tại bên ngoài cá nhân và có sức mạnh áp đặt và cưỡng chế lên trên cá nhân. Berger cho rằng nếu không thay đổi quan niệm này thì chúng ta không hiểu được tại sao mỗi cá nhân chúng ta lại dễ dàng chấp nhận vác " cái ách của xã hội" ( the yoke of society)(tr.93) 3. theo Berger, sở dĩ chúng ta chấp nhận vác cái ách này là vì chính "chúng ta muốntuân thủ các luật lệ", và sở dĩ chúng ta muốn tuân thủ các luật lệ thì không phải vì sức mạnh của xã hội đã trở nên yếu ớt hơn, mà ngược lại, chính vì sức mạnh của xã hội đối với mỗi cá nhân chúng ta trở nên mạnh hơn là chúng ta tưởng. " Xã hội không chỉ định đoạt cái mà chúng ta làm mà cả cái chúng ta là" ( Society not only determines what we do but also what we are) (tr.93).
Berger đã đề cập tới một số khái niệm sau đây khi diễn giải tại sao cái tính xã hội có thể ăn sâu vào trong mỗi cá nhân.
Vai trò
Trong xã hội, mỗi cá nhân luôn luôn có một số vai trò nhất định phải đảm nhiệm trong cuộc đời. Lấy ví dụ: một người sinh viên theo học hai lớp khác nhau với hai giảng viên khác nhau, mỗi lớp có thể có nhiều tính chất đặc thù (chẳng hạn có lớp thì giảng viên gần gũi với sinh viên, nhưng có lớp thì giảng viên lại tỏ ra xa cách…), nhưng tình hình chung ở cả hai lớp thực ra đều giống nhau (cũng tương tự như ở các lớp khác mà người sinh viên đã trải qua) đến mức đủ để người sinh viên phải có lối ứng xử thích hợp nhằm đóng vaisinh viên của mình một cách đúng đắn (tr.95).
Do vậy, vai trò (role), theo Berger, có thể được định nghĩa là " một cách đáp ứng điển hình trước một kỳ vọng điển hình" ( a typiffied response to a typiffied expectation) (tr.95). Chính xã hội đã quy định sẵn lối ứng xử điển hình của mỗi vai trò. Hay nói theo ngôn ngữ sân khấu, xã hội đã cung cấp sẵn kịch bảncho mọi vai diễn.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ quên một tính chất quan trọng của vai trò nếu coi vai trò chỉ đơn giản là một khuôn mẫu ứng xử đã có sẵn. Bởi lẽ, " người ta sẽ cảm thấy nồng nàn hơn khi đang hôn, khiêm nhường hơn khi đang quì gối (…). Nghĩa là, mụ hôn không chỉ biểu hiện sự nồng nàn mà còn sản sinh ra sự nồng nàn" (tr.96). Theo Berger, vai trò bao hàm trong nó cả một số hành vi lẫn những cảm xúc và thái độ vốn thuộc về những hành vi này. Vị giáo sư khi tỏ ra vẻ uyên bác lúc giảng bài thì cũng sẽ đến lúc cảm thấy mình uyên bác. Vị giáo sư thấy mình tin thực sự vào những điều mình đang thuyết giáo. Người lính thấy trỗi dậy tinh thần quân nhân khi khoác lên mình bộ quân phục.
Chính cái cảm xúc ấy càng củng cố thêm cho việc đảm nhận trọn vẹn một vai trò. Nhưng theo Berger cần lưu ý rằng điều này không phải là kết quả của một quá trình suy xét hay tính toán, mà thường diễn ra một cách vô thức, không suy tính. Ngay cả những người thông minh nhất, mỗi khi gặp trường hợp hoài nghi về những vai trò của mình trong xã hội, cũng thường càng lao vào những hoạt động đáng hoài nghi này chứ hiếm khi tự tách mình ra để suy ngẫm. Nhà thần kinh học khi hoài nghi về lòng tin của mình lại càng siêng năng cầu nguyện và đi nhà thờ nhiều hơn. Nhà kinh doanh một khi bị tràn ngập bởi những âu lo đầu tắt mặt tối thì sẽ bắt đầu đến văn phòng làm việc cả ngày chủ nhật. Kẻ khủng bố nào khi ngủ bắt đầu gặp ác mộng thì sẽ là người xung phong tham gia vào những cuộc khủng bố ngay trong đêm khuya.
Mỗi vai trò đều có thứ kỷ luật nội tại của nó ( inner discipline). " Vai trò [có tác dụng] đào luyện, định hình, và đưa vào khuôn mẫu cả hành động lẫn tác nhân. (Người ta) rất khó mà giả vờ trong thế giới này. Thông thường, người ta trở thành cái vai mà người ta diễn (one becomes what one plays at)" (tr.98).
Chuẩn mực và quy tắc
"Sân khấu" xã hội có những luật lệ và quy tắc của nó mà mọi người phải tuân thủ, tùy theo vị trívà vai tròmà mình đóng trong xã hội ("sắm vai" gì). "Kịch bản" đã được định đoạt sẵn từ trước, và khó ai có thể làm khác đi được: phần còn lại dành cho sự sáng tạo hay năng động của mỗi "diễn viên" có lẽ chỉ là ở chỗ "nhập vai" tốt hơn hay dở hơn mà thôi (tr.87).
Vào phòng mạch của một bác sĩ chẳng hạn, chúng ta chờ đợi (kỳ vọng) là ông ta sẽ hỏi han về sức khỏe, về bệnh tình, cho toa thuốc… chứ chúng ta không thể tưởng tượng nổi là một bác sĩ lại có thể đề nghị chúng ta đánh một ván bài chẳng hạn. Ở các vai trò xã hội khác cũng đều như vậy: một cảnh sát giao thông, một người công nhân quét đường, một thấy giáo, một người cha… mỗi vai trò đều có sẵn những chuẩn mực và quy tắc riêng trong kịch bản mà người ta phải tuân theo, nếu không muốn bị xã hội lên án, chê cười (chế tài). Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có thể đóng nhiều vai khác nhau, nhưng trong đa số các trường hợp, chúng ta đều buộc phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực và giá trị mà xã hội đã định đoạt cho từng vai trò đó. Quy tắc truyền thống ở Việt Nam là người thầy giáo không được phép cưới một người học trò làm vợ - vì người ta cho rằng hành động này xâm phạm đến hình ảnh của người thầy, và điều này cũng có nghĩa là có thể làm rối loạn trật tự xã hội.
Trong quá trình xã hội hóa, xã hội có những hình thức chế tài khác nhau (nghĩa là cả khen thưởng lẫn trừng phạt) để buộc từng cá nhân phải tuân thủ theo quá trình này. Lẽ tất nhiên, có những biện pháp hình phạt nặng nhẹ khác nhau, tùy theo lĩnh vực và tùy theo mức độ vi phạm. Nhưng quá trình xã hội hóa có đặc điểm là làm cho các cá nhân dần dần tự giácvà tự nguyệntuân thủ các lề luật, quy tắc của xã hội. Họ thường "nội tâm hóa" tốt đến mức coi các lề luật và quy tắc đó như của chính mìnhmà mình phải bảo vệ và đấu tranh với người khác để hệ thống chuẩn mực này được tôn trọng.
Cũng tương tự như quá trình học chơi nhảy lò cò của một đứa trẻ: lúc đầu, vì chưa biết và chưa thuộc luật chơi, nên nó thường phạm lỗi, thường bị bạn bè đồng lứa trách móc, chê cười hay thậm chí đuổi ra, không cho chơi; dần dà, một khi nó đã quen với trò chơi và thuộc nằm lòng các quy tắc, thì đến lượt nó, nó sẽ lên tiếng cảnh cảo nếu có đứa bạn nào đó chơi "ăn gian" hoặc vi phạm luật chơi - lúc này, nó bảo vệ luật chơi làm như thể luật chơi là của chính nó vậy.
Điều này nói ra có vẻ như nghịch lý, nhưng lại là sự thật: con người chúng ta thường chỉ cảm thấy an toànkhi sống trọn vẹn trong vai trò của mình nghĩa là cảm thấy yên tâm và an toàn khi sống trọn vẹn trong vai trò của mình, nghĩa là cảm thấy yên tâm và an toàn trong các quy tắc và chuẩn mực của các định chế xã hội, và thường không ai dám và cũng không ai muốn vượt qua những điều đã được xã hộ quy định, không ai muốn mình bị xã hội phê phán, chê trách, lên án, hay loại trừ ra ngoài lề xã hội.
Berger còn nói: cuộc sống của chúng ta không những được quy định bởi những người đương thời với chúng ta, mà cả những người đã qua đời từ nhiều thế hệ trước; và năm tháng càng trôi qua, thì những chuẩn mực và quy định của tiền nhân lại càng được "tin tưởng và sùng kính" hơn ( credence and reverence) so với lúc chúng mới được đề ra hồi ban đầu. Hay nói như một câu cách ngôn của Fontenelle, những người đã khuất có quyền lực mạnh hơn những người đang sống (tr.85).
Nêu ra thí dụ về đôi tình nhân ngồi tỏ tình dưới ánh trăng (tr.35-36 và tr.85-86), Berger cho rằng thực ra những ứng xử của cả hai người đều đã được ấn định sẵn bởi xã hội, chứ chẳng phải là những hành vi "tự do" hay ngẫu hứng gì: từ việc người con trai nắm tay người con gái, cho đến lời tỏ tình và cầu hôn từ phía người con trai, và cách thức nhận lời cầu hôn của người con gái. Tất cả những hành vi và lời nói này đều nằm trong những nghi thức mà xã hội đã quy định ( social ritual) (tr.86) và hiếm có ai làm khác đi. Berger cho rằng chúng ta thường lầm tưởng rằng chúng ta được tự do trong hành động hay trong các quyết định của mình, nhưng thực ra chúng ta chỉ được tự do chọn giữa người này hay người khác để lấy làm vợ hay làm chồng mà thôi, còn toàn bộ các thủ tục và quy tắc đều đã được sắp xếp sẵn - quy luật của cuộc chơi đã được xác lập trước khi chúng ta ra đời từ lâu (tr.87).
Trong xã hội truyền thống Tây phương, người con trai phải "đi bước trước", nghĩa là anh ta phải cầm lấy tay người con gái, chứ không phải ngược lại, và đã tỏ tình thì phải cầu hôn, vì tình yêu mà không đi đến hôn nhân thì sẽ bị coi là vô đạo đức, và sẽ chỉ được lấy một vợ một chồng mà thôi. Chúng ta biết là ở những môi trường văn hóa khác thì hệ thống giá trị và quy tắc có thể hoàn toàn khác: thí dụ ở xã hội Ả Rập thì một người đàn ông có thể có nhiều vợ, ngược lại ở xã hội Tây Tạng cổ truyền thì một người vợ phải có nhiều người chồng (tr.90).
Berger viết rằng việc chuyển hóa từ khái niệm "sức hút tình dục" ( sexual attraction) sang khái niệm "cảm xúc lãng mạn" ( romantic emotion) đã được hình thành khi những chàng thanh niên đi hát dạo để tán tỉnh các phụ nữ quí tộc ở Tây Âu vào thế kỷ XII. Và việc người đàn ông luôn luôn đóng vai trò là người chủ động trong việc cầu hôn (nắm tay, tỏ lời cầu hôn) và người phụ nữ luôn đóng vai là người vợ hiền dịu chấp thuận lời cầu hôn đó, xuất phát từ thời kỳ tiền sử rất xa xưa, khi mà các chiến binh đến xâm chiếm những bộ lạc mẫu hệ hiền hòa và cướp đi những người con gái để lấy về làm vợ (tr.85-86).
Một trong những khái niệm trọng tâm của ngành xã hội học là xã hội hóa. Bất cứ thành viên xã hội nào, dù muốn hay không muốn, đều tham gia vào quá trình xã hội hóa ngay từ tấm bé, cho đến hết cuộc đời của mình. Nói một cách ngắn gọn, xã hội hóa là quá trình thích nghi với xã hội mà mình đang sống. Xã hội hóa chính là quá trình trong đó diễn ra sự cá nhân hóa ( individualization), hay cũng còn được gọi là nội tâm hóa (internalization) các giá trị đạo lý và giá trị xã hội, các quy tắc ứng xử. Nói cách khác, đây là quá trình mà thông qua đó, mỗi cá nhân biến các giá trị và quy tắc của xã hội thành của chính mình.
Định chế xã hội
Berger hiểu rằng các định chế xã hội đều do con người hình thành nên, và các thế hệ tiếp theo không ngừng tiếp tục củng cố hoặc biến đổi chúng cho phù hợp với thời đại của mình. Tư tưởng của Berger về việc chúng ta luôn luôn "xây dựng lại" các "bức tường" định chế này không hẳn có nghĩa là chúng ta luôn luôn sửa đổi hoặc bổ sung những quy tắc và chuẩn mực của các định chế xã hội, mà chủ yếu là ông muốn nhấn mạnh tới hiện tượng là ta luôn luôn khoác cho những định chế ấy những ý nghĩathiết yếu trong cuộc sống của ta. Con người không thể sống ngoài các định chế. Con người-sinh vật không thể trở thành con người-xã hội nếu thiếu các định chế. Theo Berger, định chếđối với con người đóng vai trò cũng giống như bản năngđối với các con vật (tr.87-88).
Bên cạnh việc kế thừa các định chế (chúng có sẵn ở đó trước khi ta ra đời), chúng ta còn luôn luôn củng cố chúng. Berger cho rằng: chính con người kiến tạo nên thế giới của mình, nhưng đó hoàn toàn không phải là chuyện của cá nhân, mà là một công trình kiến tạo của cả một tập thể, một cộng đồng xã hội. Chính cộng đồng xã hội đã kiến tạo nên "thực tại xã hội" mà chúng ta đang sống trong đó. Cái nhìn về "thực tại xã hội" của mỗi người chúng ta không phải là cái nhìn chủ quan của từng cá nhân, mà đó là một cái nhìn mang tính xã hội, tức là một cái nhìn mà ta đã học được, tiếp thu được từ xã hội.
Danh vị
Mỗi vai trò trong xã hội đều gắn với một danh vịnhất định ( identily) 4. Trong xã hội, thường có những vai trò có danh vị thấp kém và những vai trò có danh vị cao sang hơn. Một công nhân vệ sinh có thể dễ dàng trở thành một người lao động tạp dịch, nhưng một vị giáo sư mà chuyển sang làm một sĩ quan quân đội thì lại rất khó, hay một người da đen muốn chuyển thành một người da trắng thì lại càng rất rất khó. Sự dễ dàng hay sự khó khăn trong những cuộc chuyển đổi vai trò vừa nêu chính là do sự khác biệt về danh vị. Tuy nhiên, người ta thường lầm tưởng rằng danh vị là cái vốn có của mình, thuộc về chính bản thân mình, nhưng thực ra danh vị cũng là cái được xã hội gán ghép và ấn định. Chẳng hạn ngay như danh vị đàn ông và danh vị đàn bà trong một xã hội cụ thể nào đó cũng đều là những danh vị do xã hội ấy kiến tạo và xác định. Xét về mặt xã hội học, " danh vị là cái được xã hội phong tặng, được xã hội duy trì và được xã hội biến đổi"( Identily is socially bestowed, socially sustained and socially transformed) (tr.98).
Berger còn đề cập tới cách luận giải sâu sắc về mặt lý thuyết của George H. Mead đối với khái niệm cái tôi ( the self) và khái niệm vai trò (tr.99). Theo Mead, nơi mỗi người, sự hình thành nên cái tôi xảy ra cùng một lúc với sự khám phá ra xã hội. khi đứa trẻ tìm hiểu và biết được thế nào là xã hội. Đứa trẻ học cách đóng vai của chính mình bằng cách học "đóng vai người khác" ( to take theo role of the other), theo lời Mead. Đây cũng chính là chức năng tâm lý học xã hội cốt tử của trò chơi. Nhờ hóa trang đóng nhiều vai khác nhau, đứa trẻ mới khám phá ra ý nghĩa của những vai mà xã hội đã gán cho chính nó - tức là lúc đó nó mới học được cách nhìn về vai trò của mình từ nhãn quan của những người khác, của những vai trò khác. Lúc đầu, đứa trẻ chỉ học đóng vai những người gần gũi và thân cận nhất với nó mà thôi như cha mẹ nó chẳng hạn (" the signifficant others", theo ngôn từ của Mead), nhưng về sau, đứa trẻ mở rộng dần cách đóng vai và dần dà hiểu được những kỳ vọng mà xã hội rộng lớn hơn trông chờ nơi nó, lúc đó nó khám phá ra "tha nhân tổng quát" (" the generalized other"). Nghĩa là lúc đó nó mới biết rằng không chỉ có mẹ nó mong muốn nó tốt, sạch sẽ và thật thà, mà cả xã hội nói chung cũng mong muốn nó như vậy. Chỉ khi có được một quan niệm tổng quát về xã hội thì đứa trẻ mới hình thành được một quan niệm rõ ràng về chính mình. Như vậy, trong kinh nghiệm của đứa trẻ, "cái tôi" và "xã hội" chỉ là hai mặt của một đồng tiền (tr.99).
Nói cách khác, theo Berger danh vị (identily) của mỗi cá nhân không phải là cái có sẵn ( given), mà là cái được cấp phát hay phong tặng ( bestowed) thông qua những hành vi được thừa nhận bởi xã hội ( social recognition) (tr.99).
Nhân cách
Lý thuyết vai trò, theo Peter Berger có thể giúp cho chúng ta có một cái nhìn mang tính nhân học-xã hội học về con người xét trong cuộc sinh tồn của mình trong lòng xã hội. Mỗi người phải diễn một số vai khác nhau trong " vở tuồng vĩ đại của xã hội" và nói theo ngôn ngữ xã hội học, " anh ta là những chiếc mặt nạ (masks) mà anh ta phải đeo để diễn những vai ấy" (tr.105). Ở đây, Berger còn nhắc tới chữ personatrong tiếng La tinh từ này có hai nghĩa nguyên thủy là (a) chiếc mặt nạmà diễn viên đeo trên sân khấu, và (b) nhân vậthay vai diễntrong một vở tuồng, được dùng khi nói đến những vở tuồng cổ điển La Mã (chữ personalà từ nguyên của chữ persontrong tiếng Anh và personnetrong tiếng Pháp).
Berger viết rằng, vì mỗi người phải đóng nhiều vai trò khác nhau trong cuộc đời của mình, nên " tiểu sử của mỗi người là một chuỗi liên tục những lần trình diễn trên sân khấu, diễn cho những công chúng khác nhau, đôi khi phải thay đổi hoàn toàn trang phục lúc nào cũng đòi hỏi diễn viên phải là vai mà mình đang đóng" (tr.105).
Berger cho rằng quan điểm xã hội học nêu trên về nhân cách ( personality) mang tính chất triệt để hơn nhiều so với phần lớn các lý thuyết tâm lý học trong việc phủ nhận cách thức mà thông thường con người chúng ta hay nhìn về chính mình hay về cái tôi. Xét trên bình diện xã hội học, cái tôi không còn là một thực thể vững chắc, nhất quán, có thể di chuyển từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Mà đúng hơn, cái tôi là " một quá trình, không ngừng được tạo và tái tạo trong mỗi hoàn cảnh xã hội mà người ta bước vào và được gắn lại với nhau bởi sợi chỉ mong manh của ký ức" (tr.106). Theo Berger, ngay cả cái tôi vô thức ( unconscious self) cũng là sản phẩm của xã hội không kém gì so với cái tôi có ý thức ( conscious self).
" Nói cách khác, con người không phải cũng là một sinh thể xã hội, nhưng anh ta là [một sinh thể] xã hội trong mọi khía cạnh của cuộc đời anh ta" [In other words, man is not also a social being, but he is social in every aspect of his being] (tr.106).
Khi nói tới các hình tượng như vai diễn hay vở tuồng, Berger nhấn mạnh rằng đừng do vậy mà hiểu lầm rằng trong xã hội, ai cũng giả bộ đóng vai để đánh lừa những người thân cận với mình. Bởi lẽ các quá trình đóng vai và hình thành danh vị đều nói chung xảy ra một cách không suy tính hay dự liệu, gần như tự động hay tự nhiên. Theo Berger, chuyện cố ý lừa gạt đòi hỏi một mức độ tự chủ về tâm lý mà ít ai có khả năng đạt được. Chính vì thế mà sự giả dối ( insincerity) là một hiện tượng tương đối hiếm trong xã hội. Phần lớn mọi người đều thành thực ( sincere), bởi vì đây là cách sống và cách ứng xử dễ dàng nhất về mặt tâm lý. Nghĩa là người ta thường tin vào hành vi mình đang làm, dễ quên đi hành vi trước đó, và tiếp tục cuộc sống một cách thanh thản với niềm tin rằng mình đang chu toàn mọi trách nhiệm mà cuộc sống này đòi hỏi. Chính vì thế mà theo Berger, có lẽ những kẻ đao phủ của chế độ Quốc xã Đức thực sự thành thực khi những người này khai báo trong tòa án sau Thế chiến thứ hai rằng họ bị buộc phải thực hiện những tội ác ghê tởm do họ là viên chức thừa hành của một bộ máy. Berger cho rằng tâm trọng hối hận của họ trước quan tòa cũng là điều có thật giống y như là sự tàn bạo trước đó của họ (tr.109).
Chính là thông qua các cơ chế của quá trình xã hội hóa và đào luyện, xã hội sản sinh ra những người mà nó cần để nó tiếp tục tồn tại và vận hành, chứ không phải là do có sẵn những người theo kiểu nào đó nên xã hội mới hình thành những định chế tương ứng. " Những kẻ chiến binh thiện chiến xuất hiện vì người ta cần gởi các đạo quân ra tiền tuyến, những người ngoan đạo xuất hiện vì có những giáo đoàn cần được xây dựng, những nhà nghiên cứu xuất hiện vì có những đại học mới cần được lập ra" (tr.110). Sẽ không chính xác nếu nói rằng mỗi xã hội đều sẽ có được người mà nó cần. Đúng ra, phải nói rằng mỗi xã hội " sản sinh ra những người mà nó cần" (tr.110).
Nhận thức
Mỗi cá nhân đều có được một thế giới quan và nhân sinh quan của mình xuất phát từ xã hội, cũng giống như khi anh ta tiếp nhận các vai trò và danh vị (identily) của mình từ xã hội. " Nói cách khác, các cảm xúc của anh ta và sự lý giải về chính mình của anh ta [his self-interpretation] cũng như các hành động của anh ta đều đã được ấn định sẵn bởi xã hội cho anh ta, và khả năng tri nhận của anh ta [his cognitive approach) đối với vũ trụ xung quanh anh ta cũng thế" (tr.117). Phần nào đó, thế giới quan đã nằm sẵn trong ngôn ngữ mà cả xã hội đang sử dụng. Một số nhà ngôn ngữ học có thể đã hơi cường điệu khi cho rằng ngôn ngữ đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra thế giới quan, nhưng điều chắc chắn là một ngôn ngữ ít ra cũng tạo điều kiện để định hình mối quan hệ cũng tạo điều kiện để định hình mối quan hệ của một người với thực tại. Và lẽ tất nhiên, ngôn ngữ không phải do cá nhân chúng ta lựa chọn, mà là được áp đặt lên chúng ta bởi một nhóm xã hội cụ thể nào đó khi chúng ta chào đời và khởi sự quá trình xã hội hóa. " Xã hội đã xác định trước cho chúng ta cái bộ máy biểu tượng mà nhờ đó chúng ta nắm bắt thế giới, thu xếp sắp đặt các kinh nghiệm của chúng ta và lý giải cuộc đời của chính chúng ta" (tr.117). Xã hội cung cấp cho chúng ta các giá trị, cách suy nghĩ, lập luận, và kho thông tin (trong đó bao hàm cả những thông tin sai, misinformation) vốn cấu tạo nên "kiến thức" hay "nhận thức" ( knowledge) của chúng ta.
Tựu trung, toàn bộ các giá trị, cảm xúc, nhân sinh quan của ta đều do xã hội thấm nhuần vào ta. Nói theo lối diễn đạt của Alfred Schütz, một nhà triết học và xã hội học người Áo (1899-1959), thế giới trong con mắt mỗi người chúng ta là một "thế-giới-được-coi-như-là-điều-hiển-nhiên" ( world-taken-for-granted). Nói cách khác, thế giới quan ( world view) mà mỗi chúng ta đã tiếp nhận trong quá trình xã hội hóa (socialization) và cá nhân hóa (individualization) có vẻ như là một thế giới quan tự nó đương nhiên phải như vậy ( self-validating), tức là chẳng có gì phải bàn cãi hay xem xét lại, và rất ít người có điều kiện đánh giá lại cái thế giới quan mà xã hội đã áp đặt lên họ (tr.117).
Nói một cách ngắn gọn dưới viễn tượng của bộ môn khoa học nhận thực: " Thực tại được kiến tạo bởi xã hội" ("Reality is socially constructed") (tr.118) 5.
Nhóm quy chiếu
Lý thuyết về nhóm quy chiếu quan niệm rằng việc gia nhập hoặc rời bỏ một nhóm xã hội nào đó thường đi kèm theo những hệ quả gắn bó về mặt tri nhận ( cognitive commitments). Người ta gia nhập vào một nhóm nào đó và nhờ đó "biết" rằng thế giới này là như thế này hay như thế nọ. người ta rời bỏ nhóm này để tham gia vào nhóm khác và lúc này mới "biết" rằng cái nhìn trước đây của mình về thế giới là không đúng. Bất cứ nhóm nào cũng đều có một cách nhìn về thế giới. Bất cứ vai trò nào cũng đều bao hàm một nhân sinh quan nhất định. Theo Berger, khi người ta chọn gia nhập vào một nhóm xã hội đặc thù nào đó, thì điều này có nghĩa là người ta chọn cho mình một thế giới đặc thù để sống trong đó. Con người chúng ta luôn luôn có một " nhu cầu nguyên sơ thôi thúc mạnh mẽ là được chấp nhận, là thuộc về, là sống trong một thế giới với những người khác" (tr.120). Hay cũng có thể nói một cách hình tượng rằng " người ta chọn các vị thần thánh của mình bằng cách chọn bạn chơi của mình" (one chooses one's gods by choosing one's playmates) (tr.120).
Ở chương 4, Berger nhận xét rằng, trong quá trình xã hội hóa cá nhân, xã hội có vẻ trông giống như " một nhà tù Alcatrazkhổng lồ" (tr.90) 6. Nhưng đến chương 5, Berger cho rằng nói như vậy chưa đủ và chưa ổn thỏa, mà cần bổ sung thêm chi tiết sau đây: trong cái nhà tù ấy, các nhóm tù nhân lúc nào cũng bận rộn gia cố cho các bức tường được nguyên vẹn và vững chắc (tr.121).
Hình tượng so sánh các vai trò trong xã hội với các vai trò trong xã hội với các vai trong một vở tuồng, theo Berger, cũng chưa biểu đạt đầy đủ thực tế xã hội, vì cần nhấn mạnh thêm rằng nếu nhân vật Pierrot bằng gỗ trên sân khấu múa rối không có ý chí mà cũng chẳng có ý thức, thì nhân vật Pierrot trên sân khấu cuộc đời lại hết lòng ao ước chính cái thân phận dành cho mình trong kịch bản, và hơn thế nữa, anh ta còn có cả một hệ thống triết học để biện minh cho điều này (tr.121)!
Cái từ khóa mà các nhà xã hội học sử dụng để diễn tả toàn bộ các quá trình nêu trên đây là nội tâm hóa (internalization). Trong quá trình xã hội hóa, thế giới xã hội được nội tâm hóa vào trong đứa trẻ. Quá trình nội tâm hóa này vẫn còn tiếp diễn khi đứa trẻ đã thành niên, mặc dù ở mức độ yếu ớt hơn, chẳng hạn khi người này bước chân vào một hoàn cảnh xã hội mới hoặc gia nhập vào một nhóm mới.
Nói tóm lại, xã hội không chỉ kiểm soát các hành động của chúng ta, mà còn định hình danh vị ( identily), tư tưởng lẫn các cảm xúc của chúng ta. " Các cấu trúc của xã hội trở thành các cấu trúc của chính ý thức của chúng ta" (tr.121).
Berger kết thúc nội dung chương 5 bằng những dòng sau đây: " Xã hội không dừng lại ở mặt ngoài lớp da của chúng ta. Xã hội thẩm thấu vào chúng ta cũng chẳng khác gì như nó bao vây chúng ta. Sự giam hãm của chúng ta vào xã hội được thiết lập không phải bằng sự khuất phục mà đúng hơn là bằng sự thông đồng. Quả là đôi khi chúng ta bị ép phải quy phục. (Nhưng) thông thường thì chúng ta bị mắc bẫy bởi chính cái bản tính xã hội của chúng ta. Những bức tường giam cầm chúng ta đã có sẵn ở đấy trước khi chúng ta xuất hiện trên sân khấu (cuộc đời), nhưng chúng cũng luôn luôn được xây dựng lại bởi chính chúng ta. Chúng ta rơi vào vòng cầm tù với sự hợp tác của bản thân chúng ta" 7.
Đây quả là một lối đúc kết bằng hình tượng độc đáo và sắc sảo của nhà xã hội học Berger khi ông đề cập tới mối quan hệ giữa xã hội với con người, hay nói một cách rõ rệt hơn, tới bản tính xã hội trong con người, tính chi phối và quyết định của các định chế xã hội đối với cá nhân, nhưng đồng thời ông cũng đề cập tới sự tương giao giữa con người với xã hội, và nhấn mạnh tới tính chủ động của con người trong việc kiến tạo thế giới của mình và trong việc tìm ra ý nghĩa của hành động của mình trong quá trình này.
Chú thích:
1. Peter L. Berger, 1963, Invitation to Sociology - A Humanistic Perspective, New York : Anchor Books, Doubleday, 1 stpublication.
2. Peter L. Berger, Thomas Luckman, 1971. The Social Construction of Reality: A Treatise in the Sociology of Knowledge(1966), Harmondsworth: Penguin Books.
3. Trong bài này, kể từ đây trở đi, những đoạn trích dẫn có ghi số trang là trích dẫn từ cuốn sách của Peter Berger, Invitation to Sociology(1963).
4. Trong văn cảnh này, chúng tôi chọn thuật ngữ "danh vị" để dịch chữ identilytrong tiếng Anh hay chữ identitétrong tiếng Pháp, vốn lâu nay rất khó dịch ra tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi đề xướng một nội hàm mới cho thuật ngữ " danh vị": không hiểu theo nghĩa "danh hiệu và ngôi thứ" hay "quan tước" cao trọng và quyền quýnhư lâu nay thường được hiểu trong tiếng Việt (Xem: Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Sài Gòn, Nxb. Trường thi, 1957, tr.197; Xem: Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Hà Nội, Đà Nẵng, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, năm 2000, tr.242), mà là hiểu theo nghĩa "danh hiệu" và "ngôi thứ" thông thườngcủa một người hay một nhóm xã hội nào đó - tức là cái đặc trưng xác định một người hay một nhóm xã hội là chính mình, phân biệt với những người khác hay những nhóm xã hội khác.
5. Đây có lẽ là một câu khó dịch sang tiếng Việt một cách hoàn chỉnh, bởi lẽ chữ sociallycũng có thể được dịch là "về mặt xã hội", "trên phương diện xã hội", "trong xã hội", hoặc "với tính chất xã hội".
6. Alcatraz là tên của một nhà tù cũ nằm trên một hòn đảo nhỏ gần thành phố San Francisco (Mỹ).