"Vua" ong miền sơn cước
Từ món bánh mì chấm mật ong...
Sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo, đông anh em nên từ nhỏ, anh Hà đã phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1983, anh nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới Tây Bắc. Năm 1987, khi xuất ngũ về quê, nhìn gia cảnh nghèo đói mà lòng anh chất chứa bao trăn trở tìm câu trả lời: Làm gì để thoát nghèo? Cuối cùng, chất lính không ngại khổ, không chịu khuất phục trước khó khăn đã giúp anh làm giàu nhờ nghề nuôi ong lấy mật.
Cơ duyên đưa anh đến với nghề là vào đầu năm 2000, có dịp đến thăm người bạn ở Ninh Bình, được ăn món bánh mì chấm mật ong. Anh cứ tấm tắc khen sao mà thơm ngon đến vậy. Khi anh bạn cho biết đây là loại mật ong rừng từ Vườn Quốc gia Cúc Phương, ý tưởng nuôi ong chợt lóe lên trong đầu anh. Sau đó, anh cùng bạn đi tham quan một số mô hình nuôi ong để học hỏi kinh nghiệm. Không những thế, anh tìm tới Công ty ong Trung ương xin tài liệu, học kỹ thuật nuôi ong, nhân đàn, quay mật..., quyết chí làm giàu bằng nghề nuôi ong ngay trên quê hương mình.
Khi đó, giống ong còn hiếm, anh lại lặn lội khắp các xã, huyện miền núi mới mua được 8 đàn ong bản địa. Nhờ chăm chỉ học hỏi, chăm sóc cẩn thận, sau 3 năm, anh đã có hơn 100 đàn. Mỗi buổi sáng thức dậy, thấy đàn ong toả đi khắp các cánh rừng hút mật mà lòng anh rộn lên niềm vui sướng.
Đến "vua" ong miền sơn cước
Theo anh Hà, nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc, đầu tư ban đầu thấp nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi người nuôi ong phải nắm chắc kỹ thuật san đàn, lấy mật, quay mật, đặc biệt là kỹ năng “bắt bệnh” ong để chữa trị kịp thời. Anh cho biết: “ Khi nâng cầu lên mà ong chạy khỏi cầu, sáp màu xám, nắp vít mỏng thì đó là biểu hiện của bệnh thối ấu trùng tuổi lớn (túi), chỉ cần thay chúa rồi đảo cầu là khỏi. Nhưng thay chúa phải đúng thời điểm, nhốt chúa lại khoảng 6 ngày, khi thấy sạch ấu trùng chết mới thay chúa. Còn với bệnh thối ấu trùng tuổi nhỏ, biểu hiện là khi nâng cầu lên, ong chạy hết, không có nắp vít, ấu trùng bị héo, màu nâu đỏ. Với bệnh này chỉ cần cho ăn kháng sinh là khỏi”. Quả thật, sự am hiểu về ong của anh không khác gì nhà nghiên cứu sinh vật học thực thụ.
Ong bản địa dễ nuôi nhưng hay bỏ đàn, thân nhỏ nên khả năng hút mật và mang phấn hoa kém, năng suất mật không cao. Hiểu rõ điều đó, anh quyết định nuôi thử nghiệm ong ngoại để dần dần thay đàn ong bản địa. Nghĩ là làm, anh lặn lội khắp trong Nam , ngoài Bắc, mua được gần 30 đàn ong ngoại. Chỉ sau một thời gian, anh đã nhân thành công 300 đàn ong ngoại và hơn 300 đàn ong bản địa. Ong ngoại thân hình to khoẻ nên bay xa, có khả năng hút sâu vào nhụy hoa nên mang được nhiều phấn, vì thế năng suất cao gấp 3 - 4 lần ong bản địa, chất lượng mật cũng tốt hơn.
Khi được hỏi làm cách nào để có được nhiều mật nhất, anh cười vui vẻ: “Tốt nhất là khi vào mùa hoa phải thường xuyên kiểm tra bọng, mỗi bọng chỉ để 5 - 6 cầu, khi mật rộ thì nhốt chúa lại để ong thợ có thời gian đi lấy mật. Sau 1 tuần lại thả ong chúa ra vài ngày. Thời điểm chia đàn hợp lý nhất là tháng 10 - 12 âm lịch hoặc tháng 3 - 6”.
Gần chục năm nay, đàn ong của anh Hà mỗi năm cho thu hoạch 2 - 4 tấn mật. Riêng tiền bán mật ong, anh thu về 200 - 300 triệu đồng/năm. Cộng với nguồn thu từ nhãn, vải và tiền bán ong giống (mỗi năm bán 150 - 250 đàn, 200.000 - 250.000 đồng/đàn), tổng thu nhập của gia đình anh lên tới 400 triệu đồng/năm. Mùa ít hoa, anh thuê người đem ong đến các cánh rừng của một số huyện lân cận chứ không cho ong ăn đường nên chất lượng mật đảm bảo, được khách hàng ưa chuộng.
Với những kinh nghiệm và sự thành công trong nghề nuôi ong, nhiều năm nay anh Hà được Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hoá tặng Bằng khen và mời đi giảng dạy, tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho bà con trong tỉnh. Chia tay anh khi trời đã ngả về chiều, phía cánh rừng xa, những chú ong vẫn miệt mài tìm hoa, hút mật, giống như anh cũng đang chắt lọc những giọt mật tinh khôi dâng tặng cho đời.