Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 17/05/2006 22:20 (GMT+7)

Vua Lê Thái Tổ và chiếu cầu hiền

“Xã tắc do đó vững bền,

Non sông từ đây đổi mới.

Trời đất bĩ rồi lại thái,

Nhật nguyệt mờ rồi lại trong”

Tháng giêng năm Mậu Thân (1428) sử ghi: “Quân Minh đã về nước, vua bèn thâu tóm cả nước, lấy năm này làm năm đại định”. Tuy nhiên, phải bốn tháng sau, Lê Lợi mới từ điện tranh (doanh trại dã chiến) ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Quan và lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Vừa lên ngôi, Lê Lợi đã cùng quần thần khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp để bình thường hoá quan hệ với nhà Minh, ổn định tình hình và tái thiết đất nước. Sau khi luận công ban thưởng cho tướng sỹ đã vào sinh ra tử trong cuộc khởi nghĩa vĩ đại giải phóng đất nước, nhà Vua xuống chiếu đại xá thiên hạ, miễn cho dân tất cả các thứ thuế trong hai năm, định lại lệ sai dịch, binh dịch, hình luật, làm sổ hộ tịch, kê khai sản vật địa phương, quy định lại lệ đúc tiền, quy định rõ các ngạch quan chức, củng cố đê điều để giúp dân phát triển nghề nông trang...

Sau hai thập kỷ biến loạn, đất nước tuy đã thái bình nhưng rõ ràng công cuộc phục hưng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Những tướng lĩnh anh dũng, mưu lược đã từng sát cánh phò giúp Lê Lợi, lãnh đạo nhân dân trong cuộc khởi nghĩa 10 năm ròng (1418-1428) nay được phong quan tước và giữ những ngôi vị cao trong triều đình, nhưng có thể tài năng của họ không hoàn toàn thích hợp với công cuộc tái thiết đất nước. Là vị vua anh minh, Lê Lợi đã sớm nhận thấy nhu cầu bức thiết về tuyển dụng nhân tài cho sự nghiệp trị nước, an dân. Chỉ một tháng sau khi lên ngôi, nhà vua đã: “Ra lệnh cho bọn đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu, đều phải dùng những người tài giỏi, liêm khiết, chính trực, cho các đại thần đều được tiến cử”.

Tháng 6.1428, nhà Vua ra lệnh cho các đại thần “khảo xét các quan trong ngoài”, chia ra làm ba hạng: Hạng nhất, hạng nhì và hạng ba để tuỳ tài mà sử dụng, còn những ai không được xếp vào hạng nào thì cũng kê riêng ra để xem xét sau. Đồng thời, “Ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ đều tiến cử người hiền lương phương chính, nếu tiến cử được người giỏi thì được thăng thưởng theo lệ tiến cử hiền thần; nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian”.

Tiếp đó, nhà Vua còn hạ chỉ hỏi ý kiến các đại thần những việc liên quan đến kế sách trị nước an dân lâu dài: “Hiện nay, công việc của Triều đình rất bề bộn, việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau? Các tướng trong triều ai có thể cáng đáng được việc lớn, có thể trao cho sứ mệnh ở ngoài ngàn dặm? Ai là người có thể dạy dỗ Thái tử?”. Sang năm sau (26.2.1429), nhà Vua lại ra lệnh chỉ cho các đại thần và các quan Hành khiển: “Nếu thấy các điều lệnh của Trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc các việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khoá nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì tấu xin sửa lại”. Thái độ cầu thị, cẩn trọng, trọng dụng hiền thần năng tướng đã từng giúp Lê Lợi bình định thiên hạ, cứu nguy xã tắc, nay lại được ông tiếp tục vận dụng vào công cuộc xây dựng vương quốc thái bình một cách có hiệu quả.

Ngay cuối tháng 11.1428, nhà Vua đã ra lệnh cho các quan và quân dân cả nước chuẩn bị đến tháng 5 của năm sau thì vào kinh dự kỳ thi kinh sử, “ai tinh thông thì được bổ làm quan văn, các quan võ thì hỏi thi về võ kinh, pháp lệnh, kỳ thư…”.

Để tạo môi trường thuận lợi cho những nhân tài trung thực phát lộ tài năng và đem tài năng ra hiến kế hay, làm việc giỏi giúp vua bình trị xã tắc, nhà Vua nhiều lần răn đe các quan, kể cả đại thần, ngăn ngừa họ lộng quyền, trù dập, chặn lối người hiền tài. Ngày 16.9.1429, nhà Vua ra nghiêm lệnh: “Từ nay về sau, nếu viên quan nào bàn một việc gì, đều phải lấy việc quân, việc dân làm điều cần kíp, không được đem tình lý riêng tư làm đầu. Bởi vì, Trẫm từng nghiệm thấy, trong các việc tiến cử, hoặc xử án, hay như việc công tư khác, rất nhiều khi người ta dung túng, che chở nhau, để biến hoá đổi thay, qua đó biết được người làm quan trong sạch thì ít mà nhơ bẩn thì nhiều”.

Cũng trong năm đó, Vua Lê Thái Tổ đã ban chiếu về việc tiến cử hiền tài. Có thể nói tờ chiếu này là một trong những ví dụ tiêu biểu, mẫu mực cho chính sách chiêu hiền, đãi sỹ, trọng dụng nhân tài của các bậc minh quân trong lịch sử Việt Nam . Mở đầu, Vua Lê Thái Tổ viết rằng: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên. Thời đại thịnh trị ngày xưa, người hiền ở triều rất đông đúc, người nọ nhường người kia. Cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị yên vui”. Trước hết, nhà Vua coi việc tiến cử người hiền tài là trách nhiệm của đình thần và quan lại, nhất là các quan đại thần. Chiếu viết: “Nay, Trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước. Vậy ra lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi viên tiến cử lấy một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan. Nếu người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng, thì trẫm sẽ tùy tài bổ dụng. Vả lại, tiến cử được người hiền sẽ được thưởng mức cao nhất, lẽ xưa vẫn thế. Nếu tiến cử được người có tài bậc trung, thì sẽ được tăng tước hai bậc. Nếu tiến cử được người tài đức đều ưu tú, vượt hẳn mọi người, thì nhất định được trọng thưởng”. Bên cạnh việc ra lệnh cho các quan tiến cử nhân tài, tờ Chiếu cũng đã mở rộng đường, động viên nhân tài tự tiến cử để mang tài năng ra khuông phò xã tắc. Chiếu viết: “Tuy vậy, nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử, có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử”.

Cuối cùng, bản Chiếu đã khép lại với những lời lẽ nghiêm khắc và tha thiết: “Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ sỹ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”.

Tài liệu tham khảo

Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, Tập II, Tr 287, 290, 295, 297, 299, 302, 303.

Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số 4/2006.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.