Vinh danh nhà khoa học
Các công trình được trao giải thuộc 5 lĩnh vực: cơ khí - tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin - viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Công trình “Nghiên cứu công nghệ sản xuất, thiết kế, chế tạo, đưa vào hoạt động dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ nhà máy sản xuất găng phẫu thuật y tế từ cao su thiên nhiên Việt Nam, với 4 dây chuyền sản lượng 7 triệu đôi/năm, tổng sản lượng nhà máy 28 triệu đôi/năm” của KS Phạm Xuân Mai và cộng sự thuộc Cty Cổ phần MERUFA được BTC đánh giá cao. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào sản xuất thành công dây chuyền tự động hóa, đồng bộ và hoàn chỉnh sản xuất găng mổ không có sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. Sử dụng nguyên liệu chính là cao su tự nhiên của Việt Nam , dây chuyền nói trên cho sản phẩm đoạt tiêu chuẩn quốc tế, giá rẻ hơn 30% so với giá găng nhập ngoại.
Trong lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, “Công nghệ sản xuất các zeolit từ cao lanh Việt Nam sử dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường” của TS Tạ Ngọc Đôn và cộng sự thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội cũng mang lại giá trị kinh tế lớn. Thiết lập được hệ thống thiết bị sản xuất các zeolit đồng bộ công suất 3000 tấn/năm, sản phẩm từ dây chuyền này đã thay thế tốt hàng nhập khẩu từ Thái Lan và In-đô-nê-xi-a trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Với công suất nói trên, giá thành zeolit chỉ bằng 50-60% hàng nhập, có thể làm lợi 5-6 tỷ đồng/năm. Nếu dây chuyền đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nuôi trồng thủy sản hiện nay thì mỗi năm có thể làm lợi hàng trăm tỷ đồng...
Nhận xét về các công trình đoạt giải, GS-VS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cho biết: Điều đặc biệt là 100% các công trình đều là những đề tài khoa học lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống an ninh quốc phòng.
Đề tài trọng điểm năm 2003 của Hà Nội “Nghiên cứu chế tạo dải phân cách, lan can phòng hộ và cột biển báo bằng vật liệu polyme composit (PC) để thay thế kim loại và bê tông trong giao thông đường bộ Hà Nội” của TS Bạch Trọng Phúc và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme (ĐH Bách khoa Hà Nội) đã đoạt giải cao. Theo BTC: sản phẩm PC nhẹ nên chi phí lắp đặt, duy tu, bảo dưỡng rất thấp so với bê tông và thép. Các sản phẩm PC thay thế bê tông và kim loại có độ an toàn cao cho người và phương tiện tham gia giao thông, có tác dụng giảm thiểu tai nạn và nâng cao năng lực tổ chức giao thông.
Từ tháng 6-2004, 200m dải phân cách, 20m lan can phòng hộ và 20 bộ biển báo giao thông bằng PC đã được lắp đặt tại các đường Thanh Niên, Nghi Tàm, Âu Cơ, Xuân Diệu, Lê Đại Hành, Điện Biên Phủ và trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Ông Nguyễn Thế Bình, Cty Công trình giao thông 3 (Sở GTCC), đơn vị được giao ứng dụng thử cho biết: Vật liệu PC rất thuận lợi cho việc lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì, đáp ứng được các tiêu chuẩn mỹ thuật và cơ lý theo quy định của ngành giao thông. Trước đây, khi lắp đặt dải phân cách bê tông, chúng tôi phải sử dụng máy cẩu nhưng nay thì không. Một cấu kiện bằng PC có hình dáng giống hệt bê tông chỉ cần 2 người khiêng và lắp đặt. Muốn di chuyển đi nơi khác chỉ cần tháo nước bên trong ra. Riêng với việc dùng PC làm lan can phòng hộ đã giảm thiểu chấn thương cho người không may gặp tai nạn. Sau mỗi trận mưa, PC được rửa rất sạch nên hạn chế tối đa việc vệ sinh bằng lao động thủ công.
Nhưng dải phân cách bằng PC hiện có giá thành cao gấp đôi so với làm bằng bê tông nên vấn đề đáng quan tâm nhất là làm sao để hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, một tin vui với nhóm thực hiện đề tài là lãnh đạo UBND TP Hà Nội mới đây đã nhất trí để Cty Công trình giao thông III được tiếp nhận quy trình công nghệ nói trên để sản xuất thử và tiến tới sản xuất đại trà lan can phòng hộ, dải phân cách và biển báo giao thông bằng PC.
Trong lĩnh vực vật liệu mới, đề tài “Nghiên cứu nâng cao chất lượng và hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu mới gốm ZnO (MOV-ZnO) làm van chống sét 35 kV” của nhóm nghiên cứu thuộc Cty thiết bị điện Đông Hưng (Dục Tú, Đông Anh) được đánh giá cao. Điều đáng ghi nhận của sản phẩm là sử dụng chủ yếu nguồn vật tư trong nước, đạt chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại cùng loại, giá thành chỉ bằng 70%. Hiện nay, van chống sét MOV-ZnO được lắp đặt trên lưới điện một số tỉnh như Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam ... Đông Hưng cũng là doanh nghiệp đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới MOV-ZnO làm van chống sét không khe hở, giúp hệ thống lưới điện vận hành an toàn.
Trong 11 năm qua, Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được 1.213 công trình khoa học - công nghệ dự thi. Những sản phẩm khoa học có hàm lượng trí tuệ cao này đã góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà.
Nguồn: hanoimoi.com.vn