Viện sỹ Trần Đại Nghĩa - Người tạo dựng hướng nghiên cứu về quản lý khoa học và công nghệ
Trước hết phải nói rằng, chủ trương xây dựng một đơn vị nghiên cứu về quản lý và chính sách KH&CN được thai nghén trong ý tưởng của Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Tháng 12.1975, Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa có một bài giảng nổi tiếng về quản lý kéo dài 3 ngày tại Ủy ban KH&KT Nhà nước và tại Giảng đường C2 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bài giảng của ông thực sự gây chấn động dư luận, vì đây là lần đầu tiên, một vị Bộ trưởng đương nhiệm đứng giữa giảng đường đại học nói về những cơ sở lý luận và kinh nghiệm cần học tập trong hệ thống quản lý của các nước thuộc khối tư bản, trong đó nhiều lần ông nhắc đến những tên tuổi như Taylor, Carnegie và Drucker.
Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa nhiều lần chia sẻ ý tưởng với tôi về việc thành lập một đơn vị nghiên cứu quản lý trong Uỷ ban. Tôi đã trao đổi với các cộng sự trong Ủy ban thời đó, như các anh An Khang, Nguyễn Tiến Châu (đã mất), Trần Tiến Đức, đồng thời bàn với anh Vũ Cao Đàm tìm hiểu những vấn đề này ở nước ngoài. Khi đó anh Đàm đang chuẩn bị kết thúc chương trình nghiên cứu sinh ở Liên Xô, nơi tập trung nhiều nhà khoa học luận có tên tuổi trên thế giới hồi đó, như Mikulinski, Kedrov, Dobrov...
Sau bài giảng, Lãnh đạo Ủy ban đã xúc tiến ngay các biện pháp về tổ chức và nhân sự cho việc hình thành đơn vị nghiên cứu, và tôi là người được Chủ nhiệm trao cho trách nhiệm trực tiếp xúc tiến thành lập đơn vị nghiên cứu và chỉ đạo các hoạt động của đơn vị này.
Tháng 1.1976, Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa đã ra quyết định thành lập Tổ Nghiên cứu Chính sách KH&KT đặt trong Vụ Tổng hợp - Kế hoạch. Tuy được đặt trong một vụ có chức năng quản lý nhà nước, nhưng Tổ được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về những luận cứ phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&KT (ngày 15.9.1978, Tổ nghiên cứu này đã được tách khỏi Vụ Tổng hợp - Kế hoạch thành một đơn vị trực thuộc Ủy ban, sau này chính thức trở thành Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT, với tên giao dịch là Viện Quản lý Khoa học).
Công việc đầu tiên mà đơn vị nghiên cứu được giao là chuẩn bị đệ trình Lãnh đạo Ủy ban toàn bộ chiến lược nghiên cứu của mình, trong đó, nhiều lần tôi đã yêu cầu anh Vũ Cao Đàm lên một phương án tổng thể, những chính sách nào cần đưa ra để nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&KT ở Việt Nam.
Chúng ta nhớ lại, nửa cuối những năm 70, những trì trệ trong hệ thống kinh tế ở Liên Xô và các nước XHCN đã trở thành mối quan tâm bức xúc ở các nước XHCN cũng như ở Việt Nam. Hàng loạt biện pháp cải tiến quản lý đã được thực hiện ở hàng loạt nước cũng như ở Việt Nam . Cố vấn quản lý Muller được mời từ Cộng hòa Dân chủ Đức sang làm việc bên cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng như chúng ta đã thấy, hiệu quả rất thấp, và người ta đã nhận ra những khuyết tật của nó nằm ngay trong hệ thống kinh tế chỉ huy bằng những mệnh lệnh quan liêu. Tuy nhiên, mọi phương án cải tiến vẫn chỉ được đặt trong khuôn khổ của hệ thống chỉ huy quan liêu đó. Bởi vì, mọi ý tưởng thoát khỏi hệ thống này đều bị xem là đi chệch khỏi quỹ đạo của tư tưởng XHCN và đều bị xử lý không trong khuôn khổ pháp luật nào. Điển hình trong những năm đó là sự lên án CNXH tự quản của Nam Tư, CNXH thị trường ở Tiệp Khắc. Tất tật đều bị lên án là chủ nghĩa xét lại, càng không thể nói đến những đòi hỏi cởi mở hơn về mặt xã hội. Thậm chí đến tận năm 1988, trong bữa ăn thân mật nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Quản lý Khoa học, chúng tôi đã đề nghị anh Trần Đại Nghĩa đứng ra thành lập Hội Khoa học Quản lý, anh chỉ cười và lắc đầu … “Khó lắm” (!)
Ôn lại bức tranh lịch sử ấy để thấy rằng, trong bối cảnh đó, chúng tôi (Đoàn Phương và Vũ Cao Đàm) đã không thể đưa ra được một chiến lược nghiên cứu tổng thể. Mọi chiến lược phải thích ứng với những biến đổi đôi khi rất đột biến về xã hội và chính trị, mà là những biến đổi trên quy mô toàn cầu, trong hệ thống XHCN nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Trong bối cảnh như vậy, chiến lược nghiên cứu tốt nhất là tìm kiếm giải pháp tối ưu trong mỗi biến động của hệ thống kinh tế và của xã hội. Tôi và anh Đàm thường động viên nhau, hãy làm theo một nguyên lý của Điều khiển học, đó là “Trong mọi ma trận trạng thái, bao giờ ta cũng có thể tìm được một vectơ tối ưu”. Sau 30 năm nhìn lại, chúng tôi có thể tự tin nhận định rằng Viện Quản lý Khoa học đã đi theo một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Đó là xác định một triết lý cải cách (vectơ tối ưu) trong mỗi bối cảnh (ma trận) kinh tế - xã hội cụ thể.
Cuối những năm 70 là bước vào giai đoạn đỉnh điểm của những bế tắc trong hệ thống kinh tế chỉ huy tập trung, quan liêu ở Việt Nam . Giai đoạn từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 80 là giai đoạn có những biến động lớn trong hệ thống quản lý theo hướng giải tỏa những bế tắc đó. Xin lấy ví dụ trong nông nghiệp và công nghiệp, hai khu vực chính yếu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này.
Trong nông nghiệp, từ cuối những năm 70, chủ trương cải tiến quản lý hợp tác xã trong nông nghiệp đã được đặt ra nhằm giải phóng sức sản xuất cho nông dân. Nhưng hầu như các cuộc cải tiến đó đều không đem lại hiệu quả mong muốn, vì nó không thể nào thoát khỏi quỹ đạo của hệ thống kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu. Trong khi đó, nông dân ở cơ sở đã tìm ra lối đi cho mình. Đó là con đường “bung” ra khỏi khuôn khổ chỉ huy tập trung, mà kết quả được ghi nhận bằng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1981 (khoán 5 khâu), tiếp đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1987 về khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ và người nông dân (trong dân gọi là Khoán 10).
Tương tự như nông nghiệp, trong công nghiệp, sau một loạt cải tiến không có hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/CP và 26/CP vào năm 1983, trong đó diễn ra một tình hình, tuy khác hẳn nông nghiệp, nhưng cũng mang một đặc điểm chung về việc giải phóng sức lao động trong khu vực công nghiệp. Theo tinh thần của hai Quyết định này thì kế hoạch của xí nghiệp được thực hiện cũng trên nguyên tắc “khoán”, và được phân chia thành ba loại kế hoạch. Đó là:
Kế hoạch I, là kế hoạch do Nhà nước giao, được Nhà nước cung cấp vật tư và đầu tư tài chính. Sản phẩm làm ra đượcbán theo giá do Nhà nước quy định.
Kế hoạch II, là kế hoạch sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, nhưng Nhà nước không cung cấp đủ vật tư vàtài chính. Vì vậy, xí nghiệp tự lo vốn và vật tư, sản phẩm được bán theo giá cả thỏa thuận theo điều tiết của thị trường.
Kế hoạch III, là kế hoạch không nằm trong cân đối của Nhà nước, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xí nghiệp tự lo cânđối vốn cũng như vật tư và bán sản phẩm theo giá thị trường chấp nhận.
Chính kế hoạch III của xí nghiệp đã là một tác nhân mang tính quyết định, dẫn đến những cải cách trong khoa học. Bởi vì kế hoạch này buộc xí nghiệp phải tìm đến khoa học, áp dụng những thành tựu KH&KT để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tình hình này dẫn đến những thay đổi về chính sách, bởi vì theo cơ chế cũ, mọi công việc nghiên cứu phải xuất phát từ mệnh lệnh chỉ huy của Nhà nước, mọi quan hệ ngang giữa xí nghiệp với cơ quan nghiên cứu đều nhất loạt bị xem là phạm pháp.
Viện Quản lý Khoa học ngay từ khi mới thành lập, khi còn là Tổ Nghiên cứu Chính sách KH&KT nằm trong Vụ Tổng hợp - Kế hoạch đã nắm bắt được những biến động này, và đã đưa ra được những đề xuất có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu liên kết giữa khoa học với sản xuất và từ đó, tăng cường năng lực của bản thân các ngành khoa học.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa ký quyết định thành lập đơn vị nghiên cứu chính sách KH&KT, với tư cách là người được anh Nghĩa phân công phụ trách lĩnh vực nghiên cứu chính sách KH&KT và trực tiếp phụ trách đơn vị nghiên cứu này trong những giai đoạn quan trọng nhất, tôi có thể mạnh dạn nói rằng, đơn vị này đã có những đóng góp có tác động mạnh mẽ đến những biến đổi của hệ thống KH&CN, kể từ điểm đột phá là Quyết định số 175/CP năm 1981 của Chính phủ về cho phép các viện được ký hợp đồng kinh tế. Đây thực sự là một thứ “Khoán 10” trong khoa học, bởi vì, nó đã giải tỏa mọi cấm đoán cơ quan khoa học đưa những thành tựu trong ngăn kéo của mình vào phục vụ sản xuất, mang lại sức sống cho cơ quan khoa học.
Những bước tiếp sau đó, Viện Quản lý Khoa học đã góp phần giải tỏa sự ràng buộc hành chính trong hoạt động của cộng đồng khoa học bằng việc đề xuất, xây dựng để trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 134/HĐBT năm 1987 và khai phá con đường để khoa học đi vào mọi thành phần kinh tế với Nghị định số 35/HĐBT năm 1992.
Đơn vị nghiên cứu này cũng đã khởi thảo Luật KH&CN, mà văn bản đầu tiên là Dự thảo 1979 đã được trình để Lãnh đạo Ủy ban xem xét. Tôi đã đọc và đề xuất một số ý kiến chỉnh lý, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, 15 năm sau (năm 1994) mới đủ điều kiện trình để Quốc hội đưa vào danh mục văn bản pháp luật, và sau nhiều lần tu chỉnh, 20 năm sau (năm 2000), Luật KH&CN mới được công bố.
Ôn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng, những quyết định của Lãnh đạo Ủy ban KH&KT Nhà nước hồi đó về thành lập một viện nghiên cứu chính sách KH&CN là hoàn toàn đúng đắn. Cho đến khi được sáp nhập với Viện Dự báo và Chiến lược KH&CN để lập nên Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN hiện nay, đơn vị này đã tồn tại và có những đóng góp xứng đáng với sự tin cậy của Lãnh đạo Ủy ban thời đó, thỏa ước nguyện của Cố Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa, người đã có công tạo dựng hướng nghiên cứu này ở Việt Nam.