Vị thuốc từ quả sung
Sung còn gọi là sô sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, minh mục quả, mật quả… Thuộc họ Dâu tằm. Tính bình, vị ngọt.
Trong quả sung chưa chín có chứa thành phần kháng khối u, ung thư. Có thể phơi khô làm vị thuốc dùng dần.
Tác dụng: Bổ khí huyết, trừ phong thấp, cầm máu, xuống sữa, kiện vị nhuận tràng, tiêu sưng giải độc. Chủ yếu dùng cho viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ, ho, viêm họng, chán ăn, lao phổi, viêm gan, không đủ sữa, đau gân cốt…
Cách dùng: Ăn sống, phơi khô sắc uống hoặc giã nát dùng ngoài.
Viêm họng do phổi nóng: Sung (khô) 25g, đường phèn vừa đủ. Sắc lấy nước, uống 2-3 lần/ngày.
Viêm họng: Sung tươi, gọt vỏ, đun nhừ với nước, thêm đường phèn hoặc đường trắng lượng vừa đủ, làm thành dạng cao để ngậm.
Ho khan không đờm: Sung chín tươi 50-100g (gọt vỏ hoặc rửa sạch), nho khô lượng vừa đủ, gạo tẻ 20-50g. Hấp thành bánh ngọt hoặc nấu cháo ăn. Mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
Chán ăn, kiết lỵ, không đủ sữa, đau gân cốt: Sung (khô) 25g, giã nát, nấu nhừ, cho thêm trứng gà vào làm canh để ăn. Mỗi lần một quả trứng, 1-3 lần/ngày.
Loét dạ dày và hành tá tràng: Sung 500g, sao khô nghiền bột, mỗi lần 5g, uống với nước, ngày uống ba lần.
Kiết lỵ: Sung 5-7 quả, sắc lấy nước uống, mỗi ngày hai lần.
Táo bón, trĩ, lòi dom: Sung chín ăn sống, mỗi ngày 3-5 quả. Cũng có thể dùng 10 quả, ruột gia lợn 250g. Ninh chín ăn.
Trĩ chảy máu: Sung 30g, một đoạn ruột già lợn, hầm ăn.
Mụn, lở loét: Sung sao khô nghiền bột, trước tiên dùng sung sắc lấy nước rửa sạch bề mặt vết loét, sau đó xoa bột sung đã nghiền mịn vào băng lại, mỗi ngày thay một lần.
Nguồn: Kinh tế V.A.C, số 4, 25/11/2006, tr 28