Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/01/2011 18:53 (GMT+7)

Vị Giáo sư đáng kính và món nợ nông dân

GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn - nhà khoa học chân chính, suốt đời lo lắng cho người nông dân - đã đi xa. Dưới đây, chúng tôi trích đăng một số câu chuyện về ông qua lời kể của TS.Lê Đức Thịnh, Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD).

Nông dân là người thầy lớn nhất

Thế hệ chúng tôi không phải là những học trò đầu tiên của GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn, nhưng là thế hệ học trò mà Giáo sư tuyển chọn trong giai đoạn đầu xây dựng và thành lập Bộ môn Hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp (cũ). May mắn nhất là đúng lúc cả nước thực hiện khoán 10, chia đất cho nông dân, lấy hộ nông dân làm đơn vị sản xuất tự chủ.

Căn dặn chúng tôi, giáo sư nói: " Những cán bộ của bộ môn này không thể làm nghiên cứu tốt nếu không hiểu được nông dân, suy nghĩ của họ, cách họ làm và những gì họ không mong muốn".

Vì thế, khi chúng tôi rời ghế nhà trường chuyển về Bộ môn Hệ thống nông nghiệp làm việc, việc đầu tiên Giáo sư yêu cầu các cán bộ như chúng tôi là xuống thực tiễn, làm việc, sinh hoạt, ăn ở cùng bà con nông dân.

Hai địa bàn huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng và huyện Chợ Đồn Bắc Kạn thời đó là những nơi Giáo sư gửi chúng tôi xuống làm việc. Một vài tháng chúng tôi mới về Hà Nội, nhưng không tháng nào Giáo sư không về địa phương để trao đổi, dạy bảo các học trò cũng tại nhà nông dân.

Với ông, thực tiễn là trường học, nông dân là người thầy dạy lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Có nên khuyên nông dân đẻ nhiều không?

Thời những năm 1994-1998, Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội tổ chức nghiên cứu quy mô lớn về "Làng" ở Đồng bằng sông Hồng. Chương trình này quy tụ nhiều vị giáo sư, các nhà khoa học lớn trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, địa lí, xã hội học... cùng nhau nghiên cứu để xây dựngbức tranh tổng thể về làng xã Việt Nam thời hiện đại.

Thuyết trình trên những căn cứ khoa học đã được phân tích kỹ lưỡng, Giáo sư Đào Thế Tuấn kết luận "Mật độ dân số nông thôn là chỉ số đánh tính năng động, đa dạng của các hoạt động kinh tế nông dân. Những vùng đất đai khan hiếm, thu nhập nông dân không những không thấp hơn các vùng khác mà còn cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều".

Một vị giáo sư khác tán vui, theo phép biện chứng, có thể hiểu ý anh Tuấn nói là chúng ta phải khuyên nông dân đẻ nhiều lên, đúng không? Nhiều con thì giàu đúng không?

Giáo sư Tuấn trả lời: "Tôi không nói thế, có điều chúng ta mải mê theo học thuyết Mác Lê nin, mà quên đi nhiều học thuyết khác, ví dụ lí luận của nữ tác giả người Thụy Điển Boserup, giải thích các điều kiện để có thể đa canh, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Theo học thuyết, dân số là động cơ để người ta phát triển đa dạng hóa các hoạt động sản xuất.

Ở Việt Nam, nhất là ở Đồng bằng sông Hồng, muốn giúp nông dân, nâng cao thu nhập cho họ, không có cách nào khác là phải giúp họ mở rộng các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, rút lao động ra khỏi nông nghiệp và đầu tư thâm canh các cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Cách làm này là của các làng, các vùng đông dân số ở Đồng bằng sông Hồng".

Thực tế nhũng năm qua cũng đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm này.

Nông dân luôn có cái lí của họ

Đó là những bài học mà Giáo sư Đào Thế Tuấn, khi phụ trách Bộ môn hệ thống nông nghiệp, luôn căn dặn học trò. Theo ông, phát triển nông thôn không đơn giản là câu chuyện phát triển kinh tế nông thôn, song song đó là phát triển xã hội nông thôn.

Không lâu trước khi mất, ông còn viết "Một thực tế là, nông dân còn quá nghèo. Việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rất cao. Nông dân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế.

Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường".

Những trăn trở trước lúc đi xa

Cách đây một tuần, khi bệnh của ông đã khá nặng phải nằm viện, chúng tôi vào thăm ông. Trên giường bệnh, sức yếu, câu nói không còn được lưu loát, Giáo sư vẫn nhắc lại 7 vấn đề mà ông mới viết liên quan đến người nông dân. Với ông, đây là những trăn trở, là cái nợ mà ông chưa trả đối với người nông dân.

Bảy vấn đề đó là: 1) thu nhập của họ còn quá thấp, 2) giá đất nông nghiệp thấp (tài sản duy nhất của họ định giá quá thấp và không được bảo vệ; 3) ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất so với càng tầng lớp khác nhất là về giáo dục, y tế; 4) sống trong điều kiện môi trường càng ngày càng ô nhiễm; 5) đã nghèo lại luôn bị nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành; 6) thương mại không công bằng, người dân luôn bị ép giá; 7) cuối cùng là thiếu các phương tiện, công cụ để giảm, thoát nghèo, như cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, khó tiếp cận vốn, lao động trẻ khỏe xa rời nông nghiệp.

Đây cũng là 7 vấn đề lớn mà thế hệ hôm nay, ngày mai cần giải quyết để cuộc sống người nông dân được bảo vệ, đỡ thiệt thòi và bớt nghèo. Còn rất nhiều kỷ niệm về vị Giáo sư đáng kính về tấm lòng của ông với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cuộc đời của GS- VS Đào Thế Tuấn gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông đi từ những nghiên cứu về cây trồng gắn với sinh hoạt, đời sông và tập quán của nông dân, từ cây lúa, củ khoai. Nghiên cứu tù những vấn đề cụ thể nhất như sử dụng phân: lân, đạm trong thấm canh đến cơ chế chuyển hoá lân thành đạm.

Những công trình của ông như: Nhu cầu phân bón cho cây trồng, Biện pháp sử dụng phân lân trong thâm canh lúa… GS cũng đã đưa ra biện pháp biến lân thành đạm thông qua cây bèo hoa dâu,cây điền thanh.

Các công trình này đều được Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nghiên cứu ứng dụng và phổ biến cho các vùng trồng lúa trên thế giới lúc bấy giờ với cuốn sách "Súp-pe lân và cách sử dụng". Thật đơn giản, nhưng cũng thật hữu ích với người nông dân. Cũng từ nghiên cúu về sinh lý của việc sử dụng phân bón, ông đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh vàng lụi trên đất lúa ngập nước.

Nghiên cứu của GS còn tập trung vào thâm canh cây lúa. Miệt mài nghiên cứu, GS đã dồn tâm sức, trí tuệ vào nghiên cứu tìm hiểu ruộng lúa năng suất cao và đưa cơ sở khoa học để đạt được ruộng lúa năng suất cao. Công trình nghiên cứu này của GS làm cơ sở cho nhũng ruộng lúa lần đầu tiên đạt năng suất 10 tấn thóc/ha vào những năm 1970. Kết quả công trình đã được GS công bố trong cuốn sách "Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao".

Từ đó còn mở ra những khái niệm mới về tích luỹ chất khô, sức chứa, cường độ quang hợp thuần, cường độ quang hợp bảo kiếm trong lúa. Lý thuyết này làm cơ sở khoa học cho các nhà chọn tạo giống lúa và cây cây trồng khác thực hiện có hiệu quả công việc của mình. Định hướng cho công tác chọn giống chịu thâm canh cao, chống chịu sâu bệnh, các điều kiện bất thuận ở các vùng sinh thái khác nhau. Thông qua phương pháp này đã định hướng cho chọn tạo ra 7 giống lúa, 2 giống ngô, 2 giống đậu tương góp phần đáng kể vào tăng năng suất cây trồng ở những năm thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

(GS. Tạ Minh Sơn, nguyên quyền Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp VN - Theo Dân Việt)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.