Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/01/2009 23:19 (GMT+7)

Về trí thức người dân tộc thiểu số hiện nay

Từ những con số biết nói

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6 tháng 8 năm 2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định rõ: “ Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu trí thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.Trong những năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức người DTTS phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Để thấy rõ thực trạng đội ngũ trí thức và kết quả của công tác xây dựng đội ngũ trí thức người DTTS của Ðảng và Nhà nước, nhất là từ công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, ở cấp địa phương và trung ương, chúng tôi xin dẫn sau đây một số thông tin cụ thể tập hợp được:

Ở Trường Đại học Tây Nguyên, việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chú trọng. Trường được thành lập ngày 11/11/1977, nghĩa là chỉ hai năm sau khi đất nước thống nhất. Từ đây, con em đồng bào các DTTS đã được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để phấn đấu đạt trình độ đại học và sau đại học ngay trên quê hương mình. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo được gần 12.000 kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, cử nhân, trong đó có 1.600 người DTTS... So với năm 2002, kỷ niệm 25 năm thành lập trường, qui mô đào tạo đã tăng 2,5 lần; số ngành nghề đào tạo tăng 2 lần; học sinh, sinh viên người DTTS tăng 3 lần .

Vậy đội ngũ trí thức ở vùng trọng điểm này ra sao? Tổng hợp tin về tỉnh Đắc Nông (là một phần của tỉnh Ðắk Lắk trước đây) cho thấy:

Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập từ 01/01/2004 trên cơ sở tách từ 6 huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, dân số 400.000 người với 31 dân tộc anh em sinh sống. Theo thông tin mới nhất thì đến nay, đội ngũ trí thức tỉnh Đắk Nông có hơn 5.400 người, chiếm 2,6% trên tổng số lao động đến độ tuổi lao động toàn tỉnh … Trong đó trình độ đại học có 5.350 người, thạc sỹ 83 người, tiến sỹ 02 người; trí thức nữ chiếm 52%, trí thức là người DTTS chiếm 2,7%.

Như vậy, có thể nói là con em các DTTS được đào tạo trở thành trí thức còn chưa nhiều. Nhìn tổng thể, về số lượng thì không ít DTTS còn chưa có người tốt nghiệp đại học chứ đừng nói đến các bậc cao hơn. Đội ngũ này lại phân bố không đều, hay nói đúng hơn là nơi cần có thì chưa có hoặc chưa có đủ.

Số lượng trí thức người DTTS ở nhiều lĩnh vực chuyên môn thường có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay tại một số đơn vị, tổ chức chuyên đi sâu nghiên cứu về các DTTS từ nhiều năm không tuyển được người DTTS, nói gì đến một đội ngũ chuyên gia và cán bộ người DTTS ở những vị trí nên có, chẳng hạn như Viện Dân tộc học và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thật vậy, vào những năm đầu khi thành lập Viện Dân tộc học (1968) thường chỉ có trên dưới 20 cán bộ, trong đó có một số người là DTTS, có cả người miền núi phía Bắc, lại có cả các dân tộc ở Tây Nguyên (được gửi ra đào tạo rồi trưởng thành) ... Vào những năm đầu thập kỷ 90, Viện đã có biên chế tới 60 người. Đến năm 1995, phòng Bảo tàng Dân tộc học trực thuộc Viện, tách thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có 18 cán bộ chuyển từ Viện sang, trong đó có một số người DTTS... Ấy vậy mà cho tới nay (2009), số cán bộ nghiên cứu người DTTS ở hai đơn vị này cũng vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, không vượt con số những năm đầu thành lập bao nhiêu.

Hoặc là ở Viện Ngôn ngữ học, có Phòng nghiên cứu ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam từ lâu. Khi mới thành lập (1968), có vài ba người DTTS, nhưng nhiều năm sau còn lại một người, và đến năm 2002 thì chỉ còn các nhà nghiên cứu không phải là người DTTS mà khả năng hiểu biết tiếng DTTS của họ lại rất hạn chế.

Ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành có bề dày truyền thống như bộ môn Dân tộc học hay bộ môn Ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam (trường Đại học Tổng hợp trước đây, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay), số giảng viên (không kể thỉnh giảng) và sinh viên người DTTS cũng hết sức ít ỏi, thậm chí không có.

Tóm lại, có thể nói rằng, trí thức là người DTTS, vẫn luôn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ... Đánh giá đội ngũ trí thức người DTTS ở nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng không những thiếu về số lượng mà còn yếu cả về chất lượng. Vậy đâu là những lý do dẫn đến tình hình trên và giải pháp nào cho hiện trạng này?

Nguyên nhân và một số giải pháp

Có kiến thức, bà con dân tộc sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa và vươn lên thoát nghèo. Nguồn: www.laocai.gov.vn
Có kiến thức, bà con dân tộc sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa và vươn lên thoát nghèo. Nguồn: www.laocai.gov.vn
Có thể nêu ra mấy nguyên nhận chủ quan và khách quan của tình trạng vừa thiếu lại còn yếu của đội ngũ trí thức người DTTS ở nước ta và xin được khuyến nghị một số giải pháp như sau:

1-Nguyên nhân chủ quan:

- Do bản thân người DTTS chưa ý thức hết được sự cần thiết hiện diện trong đội ngũ trí thức chung của dân tộc, nên không cảm thấy cần vươn lên, thậm chí có khi bỏ qua cả những cơ hội đào tạo thuận lợi mà Đảng và Nhà nước dành cho.

- Do còn thụ động, trông chờ vào sự «tiếp viện» của nhà nước và từ bên ngoài. Một số DTTS vẫn có thói quen thích sống gần nơi chốn nhau cắt rốn, ngại xa gia đình, nên ngay tại các trường dân tộc nội trú là nơi tạo nguồn trí thức DTTS, ta vẫn thấy thiếu tên một số DTTS (mà đôi khi, để bù vào chỉ tiêu này, có thể vì thành tích số lượng, một số nơi đã không ngại ngần lấp đầy chỉ tiêu bằng những học sinh ngoài diện tiêu chuẩn!?).

- Cũng có thể là do hạn chế nhiều mặt nên học sinh, sinh viên người DTTS đạt kết quả học tập thường thấp hơn (nên khó được tiếp nhận, ngay từ tuyển đầu vào), rồi trong cuộc sống lại thiếu lanh lợi và nhạy bén, thường trực tính nên dễ mếch lòng. Vì thế, trong cơ chế thị trường, vốn cần hết sức năng động, thì việc tuyển chọn người được xem là “xứng đáng” lại càng không dễ.

Giải pháp khả thi là cần hiểu rõ và thông cảm với những đặc tính vốn có của các DTTS, không chỉ dừng ở lời nói xã giao mà cần thực lòng giúp họ vượt qua khó khăn, và đặc biệt là cần tạo ra được niềm tin có căn cứ.

2. Nguyên nhân khách quan:

- Do chưa có chính sách tạo nguồn phù hợp, đồng thời việc thực thi một số chính sách đã ban hành chưa được tốt. Thí dụ: việc ưu tiên khi chọn đầu vào trong giáo dục và đào tạo chưa thật hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng không hẳn cứ hạ điểm đầu vào là sẽ có một đội ngũ trí thức người DTTS xứng tầm. Hoàn toàn không phải!

- Do chính sách tài trợ cho các chương trình nghiên cứu về các DTTS được các cơ quan chức năng (và một số tổ chức nước ngoài) dành sự quan tâm đặc biệt nên từ nhiều năm nay, xuất hiện tư tưởng « làm thay » người DTTS, nhất là trong nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy người dân tộc này vẫn có thể nghiên cứu tốt về (một nhóm) dân tộc khác, một khi họ thực sự là chuyên gia, chứ không phải tiến hành nghiên cứu theo phong trào, thành “mùa vụ”, tranh thủ kinh phí « xoá đói giảm nghèo ».

Cũng phải nói thêm rằng do một số đề tài liên quan đến DTTS được cấp kinh phí không hề nhỏ nên tư tưởng “giữ phần” cũng đã len lỏi đây đó, và không phải là không phổ biến.

Quan điểm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước ta là “Có chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người DTTS, người khuyết tật...”

Do vậy, giải pháp khả thi là nên dành một điều kiện làm việc thuận lợi đặc biệt, một sự đãi ngộ tương xứng và thích đáng cho những trí thức DTTS đã có sản phẩm thật sự, có giá trị cụ thể, tỏ rõ họ đúng là chuyên gia, là «thày»thật chứ không phải “rởm”, để làm gương cho thế hệ trẻ vươn theo.

Kết luận

Thực trạng hiện nay cho thấy số lượng trí thức người DTTS đã mỏng lại phân tán, còn ít có sự gắn kết tạo thành sức mạnh trong một đội ngũ chung liên ngành. Trong khi đó, một vấn đề kinh tế - xã hội lại cần cách giải quyết liên/đa ngành, do phải đối diện với các hiện tượng trái chiều: phát triển kinh tế không khéo dẫn đến phá rừng, lũ lụt và ô nhiễm môi trường, rồi là tệ nạn xã hội.

Đã hơn nửa thế kỷ giành được độc lập và hơn hai mươi năm đổi mới, kết quả việc xây dựng đội ngũ trí thức DTTS mới chỉ như vậy là quá chậm. Để hình thành được đội ngũ trí thức DTTS xứng tầm, cần phải có một quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc từ cơ sở đến Trung ương, nghĩa là phải đề ra được nhu cầu từng loại cán bộ trong từng thời kỳ theo mục tiêu, chiến lược cơ bản chung của cả nước. Đây không phải là một công việc dễ dàng ngày một, ngày hai. Việc sớm có thể đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức DTTS tương ứng với tỉ lệ dân số của từng dân tộc mà không muốn hạ thấp tiêu chuẩn, đến mức coi thường cán bộ dân tộc, càng không dễ dàng.

Chúng tôi xin chia sẻ cùng nhận định về đội ngũ trí thức Việt Nam của Nguyễn Đắc Hưng khi tác giả cho rằng: ”Sự hạn chế, bất cập của đội ngũ trí thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của nước ta hiện nay”. Và với đội ngũ trí thức người DTTS thì sự bất cập và hạn chế này chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho đời sống của đồng bào các DTTS nhiều vùng ở nước ta vẫn còn cách xa mức sống trung bình của đất nước. Khẩu hiệu miền núi tiến kịp miền xuôi xem chừng còn xa mới thực hiện được, nếu không có sự góp sức xứng tầm của đội ngũ trí thức người DTTS.

Xem Thêm

Bình Thuận: Chọn danh mục đề án phản biện năm 2025
Chiều ngày 02/01/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức họp cho ý kiến danh mục các đề án, dự án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch (gọi chung đề án) thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội năm 2025 của Liên hiệp hội tỉnh.
Phú Thọ: Tìm giải pháp nâng cao trình độ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 17/12, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Đánh giá trình độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2023; đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.