Tiền Giang: Hội thảo phản biện dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh
Sáng 17/12, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo phản biện độc lập “Dự thảo váo cáo chính trị (phần kinh tế - xã hội) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo thông qua hộp thư điện tử của lãnh đạo tỉnh; đồng thời, đề nghị liên ngành Liên hiệp Hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh dự thảo báo chính trị (phần kinh tế - xã hội) gửi về Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đúng thời gian quy định.
Theo Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Nguyễn Văn Khang, mục đích của hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh và cơ quan quản lý đối với dự thảo báo cáo chính trị. Đây là cuộc hội thảo rất quan trọng, Ban Tổ chức (BTC) hy vọng rằng, với sự tâm huyết, khách quan, khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho dự thảo báo cáo chính trị. Qua đó, giúp BTC có cơ sở khoa học để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo trình UBND tỉnh xem xét đề xuất Tỉnh ủy, Tiểu ban Văn kiện đưa vào nội dung báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý có nhiều ý kiến phản biện, đóng góp cho dự thảo báo cáo chính trị như: Rà soát và mô tả 3 khâu đột phá giai đoạn 2020 – 2025 tương tác với 3 khâu đột phá của Trung ương để xây dựng 3 khâu đột phá của tỉnh giai đoạn 2026 – 2030; trong đó, chú ý, không gian và hàng lang kinh tế, trung tâm động lực và 4 trụ cột phát triển, cải cách hành chính, môi trường đầu tư và chuyển đổi số, lao động chất lượng cao. Nghiên cứu thêm về du lịch công nghiệp, bổ sung chỉ số đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế biển vào Nghị quyết để đầu tư nguồn lực. Cần xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh; đẩy mạnh triển khai nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; đề nghị bổ sung nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp thuận thiên. Nên nghiên cứu đưa phát triển đô thị vào 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh vì đây là xu thế của các quốc gia trên thế giới, bởi khi thương mại, dịch vụ phát triển sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tỉnh Tiền Giang cần quan tâm hơn về việc cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công trong giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; đề nghị làm rõ nội dung khâu đột phá về đầu tư công và chi đầu tư phát triển…