Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 12/07/2007 16:03 (GMT+7)

Về một nghi lễ vòng đời của người Cao Lan

...Mọi người trong gia đình báo cho anh em họ hàng và bạn bè biết, nhờ thầy cúng điều khiển tang lễ. Thầy cúng thắp một nén nhang xin phép tổ sư được đem dụng cụ đi làm lễ. Đi theo còn có một số người giúp việc (đạo tràng - những người học nghề thầy cúng). Lúc đến nhà, thầy cúng xem tuổi người chết để chọn giờ khâm liệm, giờ chuyển quan tài và giờ an táng; xem giờ người chết có trùng với giờ sinh của người thân trong gia đình không, nếu trùng thì báo cho họ biết để tránh mặt. Tiếp theo, thầy cúng làm lễ cúng báo thánh thần, tổ tiên gia đình người chết về chứng kiến. Trong khi thầy làm lễ, người ta đánh trống báo cho dân làng tới giúp việc: bắt lợn giết thịt, chuẩn bị cho lễ cúng thiên đình; đem lá thơm tắm rửa cho người chết, chuẩn bị dựng cành phan, cắt giấy yểm bùa, viết sớ...

Lễ khâm liệm: Người chết được tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá thơm, mặc quần áo mới, ngậm một đồng bạc trắng, một ít gạo và dùng 7 đồng tiền vàng đậy mặt (2 đồng đậy mắt, 2 đồng đậy mũi, 2 đồng đậy tai và 1 đồng đậy miệng). Nếu người chết là đàn ông thì đặt vào tay trái 7 đồng xu (đàn bà thì đặt 9 đồng vào tay phải), đặt bên cạnh một gậy tre. Người Cao Lan quan niệm con người có 7 vía (nếu là đàn ông), 9 vía (nếu là đàn bà), mỗi vía sẽ chịu một cửa ải khi đưa người chết về cõi âm. Do vậy, phải cần có tiền và gậy để đi đường.

Sau khi thầy cúng làm lễ nhập quan, người ta đặt thi hài vào quan tài bằng gỗ tốt, trong lót nhiều tiền giấy, tro bếp hoặc chè vụn. Người ta cũng đặt 7 hoặc 9 đoạn cật tre (nứa) vào quan tài để người chết có vật liệu làm nhà ở cõi âm! Họ phủ một lớp vải đen trên đồ lót, còn vải trắng sẽ phủ trên thi thể. Người Cao Lan thường dùng vải để trả ơn nên sẽ có nhiều mảnh vải đen hoặc trắng của các con trai, con gái, con dâu, con rể... được chèn quanh người chết. Mọi đồ dùng của người chết như: quần áo, chăn, mũ, ống trầu, giầy dép,... được bỏ vào quan tài; những thứ không cho vào quan tài được sẽ đem đốt đi. Người ta đậy nắp và dán bùa bằng giấy xanh, đỏ xung quanh quan tài. Quan tài được đặt tại gian chính nhà dọc theo cây nóc. Trên nóc quan tài thắp 5 ngọn nến ở 4 góc và chính giữa tượng trưng cho ngũ hành. Bên cạnh quan tài đặt một kệ gỗ viếng, trên có một con gà, một bát cơm, ba chén rượu và hoa quả, mảnh giấy đỏ ghi niên canh người chết bằng chữ Hán. Nếu người chết là đàn ông thì đặt kệ phía bên phải, là đàn bà thì đặt phía bên trái. Mọi người sẽ phúng viếng ở kệ thờ này.

Thầy cúng làm phép, sau đó treo 4 bức tranh Tứ Soái - 4 ông tướng - là: Quan Nguyên Súy, Đặng Nguyên Súy, Triệu Nguyên Súy, Mã Nguyên Súy ở bốn góc quan tài để bảo vệ người chết. Một số nơi còn treo tranh Phật Bà Quan Âm, tranh Tam Thanh...

 Lễ phát tang: Tang phục của người Cao Lan ở Kim Phú hoàn toàn màu trắng. áo tang của nam và nữ không khâu, chỉ buộc bằng một sợi dây, gấu áo để tua. áo của nữ thì trùm tới bắp chân, áo của nam ngắn hơn. Mũ tang bằng vải trắng túm lại thành mũ. Trước đây, việc may áo tang phải được tiến hành như một nghi lễ. Người già nhất làng sẽ đính mũi kim đầu tiên, sau đó những người phụ nữ có tuổi mới khâu tiếp và đồ tang không được may trước khi gia đình có người qua đời.

Việc phát tang cũng phải theo thứ tự, trước hết phát cho con trai, sau đó đến con gái, con dâu, con rể... rồi đến hàng cháu chắt nội ngoại. Những người hàng trên người chết như bố, mẹ, anh, chị... không phải để tang. Một điều bắt buộc đối với các con trai (kể cả con rể) là phải thắt bao dao ở hông. Riêng áo con trai cả có thêm hàng chữ Hán ở trước ngực (Hiếu phục thượng thân) và sau lưng (Báo hiếu phụ (mẫu) ân). Sau khi phát tang, mọi người mới được khóc kể ơn cha mẹ.

Lễ viếng: Thầy cúng thắp nén nhang khấn người chết. Sau đó ông và người giúp việc trải chiếu ngồi phía chân người chết để đọc kinh, mọi người lần lượt vào thắp hương. Trước hết là những người thân trong gia đình, con cả đến con thứ, con trai đến con gái, con đẻ đến con của ông cậu, bà dì... Phần viếng kéo dài vài tiếng đồng hồ theo các bài kinh ông thầy cúng đọc. Nếu người chết là bố thì đọc Kinh Nhất bản công khổ công, nếu là mẹ thì đọc kinh Nhị thập tứ hiếu. Nội dung của các bài kinh kể về lịch sử thiên di của người Cao Lan, về nỗi gian truân vất vả của các bậc ông bà cha mẹ đã có công sinh thành giáo dưỡng con cháu. Phần viếng của những người trong gia đình không thể thiếu một mâm lễ gồm con lợn khoảng 35 đến 40 kg, 3 con gà, có thể là ngan, vịt, một mâm xôi 5 màu, 15 chiếc bánh dày, một bát gạo nếp sống. Ngoài ra còn có quần áo, giấy, vàng hương... Những gia đình nghèo, lễ vật có thể rút bớt nhưng không thể thiếu thịt lợn và một ít lương thực tượng trưng... Những gia đình khá giả mà người chết có tuổi thượng thọ, người ta sẽ làm nhiều mâm cỗ, mỗi tuần cúng là một lần đặt lễ mới.

Sau phần viếng của người thân, những người ở xa và hàng xóm láng giềng phúng viếng. Người Cao Lan ở Kim Phú rất ít khi phúng viếng người chết bằng tiền thật, họ thường chỉ thắp hương, còn lễ vật thì giao cho người nhà để làm đồ cúng và sử dụng vào việc ăn uống cho mọi người. Lễ vật thường là một con gà, vịt... hoặc dăm cân gạo tẻ ngon, gạo nếp tốt. Đây là một phong tục đẹp để giúp đỡ nhau khi có việc hơn là một hành vi tín ngưỡng. Sau các buổi phúng viếng, thầy cúng khấn vái mời linh hồn người chết về thụ hưởng. Quan tài để trong nhà ít nhất là 2 ngày (Trước đây để một tuần, thậm chí có nơi đến 10 ngày).

Lễ đưa tang và an táng: Trước khi đưa quan tài ra khỏi nhà, thầy cúng xem giờ. Những người trong gia đình có giờ sinh trùng với giờ mất của người chết phải tạm lánh đi chỗ khác. Thầy cúng làm phép và hát bài tiễn linh hồn của người chết về với tổ tông.

Quan tài được đưa ra khỏi nhà bằng cửa chính, chiều chân đi trước. Trước đây con cháu của gia đình phải nằm sấp nối nhau đầu quay vào nhà để làm phép giữ người thân ở lại, quan tài sẽ khiêng qua bên trên. Hiện nay, chỉ cần sắp thành 2 hàng, đầu hàng là các con cả, thứ, hoặc người thân gần nhất, 2 người ở đầu hàng cầm đèn, quan tài được khiêng qua giữa 2 hàng con cháu để ra khỏi cửa. Sau đó con trai sẽ đi giật lùi trước quan tài, con gái đi sau quan tài.

Đến gần huyệt, đoàn đưa tang dừng lại. Lúc này ông thầy cúng với các đạo tràng cầm kiếm, cành lá đến trước huyệt làm phép xua tà ma. Họ vung kiếm, dùng cành lá quét đi quét lại quanh huyệt 3 lần, lúc đó mới được phép hạ huyệt. Thầy cúng xem hướng huyệt theo từng họ và hợp với người chết. Thí dụ: họ Hoàng phải theo hướng Bắc Nam(đầu đặt hướng Bắc, chân hướng Nam ), họ Nịnh, Trần theo hướng Đông Tây... Hướng đặt quan tài cũng phải tuân thủ nguyên tắc đầu cao hơn phía chân. Nếu đặt ngược, gia đình có tang sẽ gặp nhiều trắc trở, không thuận trong cuộc sống sau này. Sau khi mộ được đắp cao, thầy cúng cho dựng cành phan trước mộ để làm lễ “tống vong”. Những người thân đi quanh mộ trong lúc ông thầy cúng khấn: “Đây là nơi đẹp, đầy đủ lương thực, tiện nghi, cấp cho vong hồn về với tổ tiên”. Cuối cùng mọi người vái lạy 3 vái để quay về nhà. Một số người ở lại dùng các đoạn tre để làm khung rào mộ. Về đến nhà tang chủ, thầy cúng làm lễ cúng cơm cho người chết. Mâm cúng này thường gia chủ sẽ dành để biếu thầy cùng với một con gà, một gói xôi để thầy về nhà làm lễ tạ tổ sư của mình đã phù hộ cho ông đi hành lễ được suôn sẻ.

Trước đây, người Cao Lan ở Kim Phú để tang 3 năm, nhưng hiện nay có gia đình chỉ để tang 1 năm. Trong thời gian đó, mọi người không tham dự vào những cuộc vui, không đến thăm các gia đình có việc hỷ. Hết thời gian để tang, gia đình mới đốt quần áo tang và các đồ tang khác, dỡ bỏ khung rào mộ. Người Cao Lan không có tục cải táng.

Tục làm nhà xe trong đám tang: Đã có một thời kỳ, người Cao Lan bỏ tục làm nhà xe trong đám tang, nhưng gần đây, tục này lại được khôi phục. Nếu người chết không phải là chết trẻ thì đều được làm nhà xe. Thủ tục làm nhà xe được tiến hành ngay từ khi người chết nằm xuống. Người ta chặt nứa, chẻ nan, cắt giấy màu, buộc khung tạo thành một nhà xe (giống như nhà táng của người Kinh).

Sau khi chôn người chết, người ta làm một quan tài giả đặt vào vị trí của quan tài thật, rồi úp nhà xe lên quan tài giả sau khi ông thầy cúng và những người giúp việc đã làm thủ tục mua bán tượng trưng nhà xe với thánh thần.

Thầy cúng làm lễ làm đạo kéo dài một ngày mời Tam Bảo về chứng kiến lễ cấp nhà xe cho người chết. Các đạo tràng trong ngày này rất bận rộn với việc viết sớ, ghi tên, tuổi, quan hệ với người chết... của những người đến viếng. Ngày hôm sau, gia đình người chết mổ một con lợn nhưng để sống, một con gà trống luộc chín, một bánh dày to cùng với rượu, chè, vàng mã, hương nén, văn tế và các lá sớ, đặt lên mâm để làm lễ cúng vong hồn. Người ta cũng làm thêm 2 mâm nhỏ đặt hai bên mâm lớn để cúng tam đại.

Sau khi thầy cúng làm phép, các đạo tràng đọc văn tế rồi lần lượt cầm sớ đọc tên của những người thân trong gia đình lên thắp hương. Trước hết là con trai, con gái, sau đó đến con dâu, rể... mỗi người thắp một nén hương trong khi đạo tràng khấn tên người đến lễ và lễ vật cúng vong hồn người chết. Gần tối, thầy cúng lại làm phép đón Tam Bảo. Các đạo tràng tiếp tục viết sớ ghi tên con cháu để tấu lên Phật: “Xin được đốt đèn cầu vong hồn hôm nay giáng xuống con cháu”. Thầy cúng đốt đèn, là giấy bản tẩm dầu được vặn chặt vào nhau. Thầy cúng đưa đèn cho ai thì coi như vong hồn đã giáng vào người đó. Người được vong hồn giáng vào phải chạy vòng quanh nhà xe, thầy cả liên tục hỏi người bị giáng (lúc này đã là vong hồn người chết) xem có bị chết oan không? Vong hồn có nhận đủ lễ vật không, có thiếu gì nữa không? Nếu vong hồn kêu thiếu gì sẽ được đạo tràng ghi lại để bổ sung, nếu không có điều gì phàn nàn, thầy sẽ làm phép không giáng nữa. Tục này giống như tục “nhập đồng” của người Kinh.

Vào ngày cuối cùng của đám nhà xe, đạo tràng viết chữ: Báo đáp mẫu (phụ) ân vào áo tang của con trai cả người chết cùng với việc đóng vào áo 3 triện (có nơi là triện Tam Bảo, có nơi là triện Tam Thanh). Các đạo tràng cũng viết vào 24 que tre nhỏ dài khoảng 1m, mỗi que viết một chữ hiếu tượng trưng cho 24 gậy nhị thập tứ hiếu của con cháu dành cho người chết. Tiếp đó, thầy cúng lại làm phép cho lễ làm đạo để cho những người ở xa hoặc chưa kịp làm lễ viếng được viếng. Cuối buổi chiều, thầy cúng sẽ làm lễ dựng cây phan ở một bãi đất khô ráo, rộng rãi. Cây phan thực chất là 2 phướn dài một âm, một dương mắc trên hai cây vầu tươi cao 4 đến 5 m. Phướn dương đề chữ A nam vô phụng thỉnh Phật đà quy thế, phướn âm đề chữ Đế trọng sinh vong vô mộ pháp đế công nhất hồn chính quy. Phướn dương gọi là phan Phật, phướn âm dành cho vong hồn người chết.

Để tiến hành lễ cúng vong hồn, người ta mổ một con lợn, đầu lợn đặt vào một cái chậu gần cửa ra vào. Những người thân trong gia đình làm lễ nộp lợn cho Nguyên Thiên Thượng đế bằng cách lấy một mảnh giấy bản quệt vào máu ở đầu con lợn rồi đặt lên mâm. Thầy cúng sẽ khấn báo con cháu của người chết đã nộp lễ, mời Nguyên Thiên Thượng đế nhận để trao cho vong hồn người chết. Lúc này người con cả sẽ bưng một cái sàng trong có 3 cái chén để ông cậu và ông chú rót rượu mời Tam Bảo.

Đồng thời với lúc dựng phan, người ta còn làm lễ ăn chay. Ông cậu và ông chú khiêng một cái hòm đan bằng nứa, dán giấy xanh đỏ trong có đựng12 cái bánh dày và các loại bánh gạo nếp gói theo hình các con vật. Hai ông khiêng hòm bánh đi từng mâm trong khi thầy cúng và các đạo tràng đọc sớ cúng vong hồn. Các tờ sớ ghi tên người đến phúng viếng được thu lại. Tiếp đó, người ta đặt hòm bánh ở giữa sân để trẻ con vào cướp bánh. Hôm sau người ta đem đốt hòm nứa trong đó đựng những thứ cấp cho vong hồn như quần áo, vàng mã và tờ giấy ghi những lễ vật đã phúng viếng. Buổi tối, người ta làm lễ phá ngục giải thoát cho vong hồn. Lễ phá ngục do các đạo tràng mặc áo cà sa, cầm kiếm múa xung quanh tờ niên canh, sau đó con cháu dùng một mảnh vải trắng võng tờ niên canh đặt vào kệ thờ để 5 giờ sáng hôm sau sẽ đem ra mộ cùng với nhà xe. Thầy cúng làm lễ cấp nhà xe cho người chết, người ta châm lửa đốt, kết thúc đám nhà xe. Đối với những đám mà người chết là thầy cúng thì có thêm phần nhảy Tam Thanh và múa đèn. Múa đèn và nhảy Tam Thanh trong đám nhà xe người Cao Lan thực chất là một hành vi tín ngưỡng nhằm đề cao vai trò của các thầy cúng khi chết. Đây là những điệu múa mở đường để vong hồn các thầy cúng được trở về thiên đàng vì theo quan niệm của người Cao Lan, các thầy cúng được coi là người của Ngọc hoàng Thượng đế nên khi chết sẽ được Tam Thanh đón trở lại thiên đàng.

Múa đèn trong đám nhà xe

Múa đèn là điệu múa tượng trưng thắp đèn cho người chết ở cõi âm, thường có từ 6 đến 8 người tham gia múa, mỗi người cầm 2 cây nến hoặc giấy bản tẩm dầu vặn xoắn vào nhau. Âm nhạc là nhịp trống tang sành, mọi người nhảy múa xung quanh một cây đèn lớn, làm bằng một thân vầu cao khoảng 2m, ở trên gần đỉnh xỏ một thanh tre ngang, đầu thanh tre treo một đèn lồng đan bằng nan tre hình bát giác dán giấy, trong lồng gắn ống đựng nhựa trám để đốt khi múa. Cũng giống như những điệu múa khác của người Cao Lan, múa đèn chỉ có một vài động tác đơn điệu, mỗi động tác được múa hết 4 phương 8 hướng mới đổi.

Múa Tam Thanh trong đám nhà xe

Múa Tam Thanh (nhảy Tam Thanh) là điệu múa của các đạo tràng (ba người) và thầy cúng diễn tả đường đi của vong hồn lên thiên đàng. Đây là một điệu nhảy khó và phải tuân thủ những quy định của phép thuật. Các đạo tràng mặc áo cà sa. Nhạc cụ phục vụ múa Tam Thanh vẫn là trống sành, chiêng, trống, ngoài ra có thêm một kèn tổ sâu. Những người múa nhảy xung quanh cây phan, dưới chân cây phan là những lễ vật cấp cho người chết bao gồm: rồng, phượng, ngựa, trâu, quân âm binh... Số lễ vật này nhiều ít phụ thuộc vào phẩm chức của người chết (cửu phẩm,... nhất phẩm). Các đạo tràng vừa múa vừa đọc thần chú nhằm bảo vệ vong hồn người chết khỏi bị tà ma, quỷ dữ quấy nhiễu trên đường trở về thiên đàng. Xung quanh đám múa có nhiều trẻ em cầm cờ sóng tam giác và các bức tranh đường lên thiên đàng phụ họa.

Múa Tam Thanh được coi là kết thúc khi các đạo tràng thực hiện các động tác nhảy trở về. Có nghĩa là nếu không nhảy trở về thì hồn của họ sẽ ở lại tiên giới cùng vong hồn.

Những phong tục tập quán về sinh nở, cưới xin, tang ma... của người Cao Lan ở xã Kim Phú tương đối phức tạp. Nguyên nhân của sự phức tạp là do các phong tục tập quán bị ảnh hưởng các yếu tố thuộc tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo), là kết quả của những biến động lịch sử trong quá trình thiên di mà rõ nhất là từ yếu tố cư trú xen cài của nhiều dân tộc trên cùng một địa bàn. Người Cao Lan, cũng như một số dân tộc thiểu số ở phía Bắc, tiếp nhận tất cả các yếu tố tín ngưỡng khác nhau, miễn sao các yếu tố đó có thể mang lại, dù rất ít, sự hy vọng, an ủi về mặt tinh thần cho họ.

Tuy nhiên, ngoài ngôn ngữ, các phong tục tập quán này cũng có những điểm riêng để trở thành bản sắc văn hóa của người Cao Lan. Đó là cách thức tiến hành các nghi lễ phải thoả mãn sự thống nhất, sự tuân thủ các yêu cầu tín ngưỡng riêng của từng dòng họ... Các hoạt động văn hóa dân gian cũng mang sắc thái riêng như hát Sình ca; các điệu múa giống nhau ở cùng một động tác co chân nhảy trong một tiết tấu âm nhạc hầu như cố định và không được phát triển của trống tang sành... Những nét văn hóa riêng ấy, hiện nay dù còn rất ít cũng đủ để người nghiên cứu văn hóa dân gian hy vọng sẽ có được những tìm tòi, phát hiện nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho đời sống tinh thần vốn phong phú của tộc người Cao Lan.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...