Vẫn hăng hái ở tuổi tám mươi
Ông sinh ra tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu; thành lập gia đình năm 1956, có 7 người con. Đầu năm 1963, ông cùng một số cán bộ đưa bà con miền xuôi lên thành lập nông trang Nguyên Bình Sơn, tại huyện miền núi Tân Kỳ, nay gọi là xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Những năm đầu lên thành lập nông trang, với muôn vàn khó khăn, nhưng với cương vị Phó Chủ nhiệm phụ trách kế hoạch của nông trang, ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Đến năm 1966, ông được điều lên làm Trưởng phòng Khai hoang huyện Tân Kỳ. Năm 1973, ông chuyển sang làm Giám đốc Xí nghiệp gạch ngói huyện.
Nổi tiếng là người liêm khiết, cẩn trọng lại giỏi lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, tháng 3/1983 ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban xây dựng bệnh viện Tân Kỳ. Trở về quê hương nghỉ hưu ở tuổi 55, ông xông xáo tham gia nhiều công tác xã hội giữ nhiều trọng trách. Ông đi đầu trong việc thành lập Hội Làm vườn xã Nghĩa Bình và làm Chủ tịch Hội.
Ông kể: "Ngày đó bà con quê mình còn thiếu hiểu biết chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều người muốn làm giàu, nhưng không có kiến thức về khoa học - kĩ thuật nên thường thất bại. Mình nghĩ, phải sớm thành lập hội làm vườn, để bà con có nơi học hỏi, cùng nhau nghiên cứu làm kinh tế có hiệu quả…".
Cuối năm 1994 Hội Làm vườn xã Nghĩa Bình chính thức ra mắt, ban đầu có 14 hội viên, nay đã có gần 120 hội viên. Theo số liệu tổng kết năm 2010, mức thu nhập của những hộ trong Hội Làm vườn cao hơn hẳn so với những hộ không tham gia, trong đó nhiều hộ có mức thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, người thu nhập thấp nhất cũng được 19 triệu đồng/năm, là mức thu nhập lí tưởng đối với người dân ở xã nghèo như Nghĩa Bình. Anh Đàm Văn Phi, một hội viên tâm sự: " Ít người làm cán bộ được như bác Tích, ngày nào bác cũng trăn trở những cách làm mới, kinh nghiệm mới để truyền đạt tới anh em…".
Ngoài công tác xã hội, mô hình kinh tế của ông Tích cũng trở thành mẫu được nhiều người học hỏi. Với diện tích đất vườn chỉ khoảng 4 sào (1 sào Trung bộ bằng 500 m 2), ông sắp xếp hợp lí với 1 ao nuôi cá phục vụ thức ăn cho gia đình. Diện tích đất còn lại, ông trồng vải thiều, hồng xiêm, thanh long, chuối… nên mùa nào vườn nhà ông cũng có hoa quả cho bà đem đi chợ bán. Ngoài ra, ông nuôi hơn 20 đàn ong, vừa lấy mật, vừa cung cấp giống cho bà con trong xã. Hằng năm, trừ chi phí, ông thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng.
Năm nay 78 tuổi, mái tóc đã bạc phơ, nhưng ông vẫn được bà con tín nhiệm. Dù ở cương vị nào ông cũng tận tụỵ với công việc của làng, của xã giao phó, là tấm gương sáng để con cháu học tập.