Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/07/2005 15:03 (GMT+7)

Vai trò của Định Quốc công Nguyễn Bặc trong lịch sử

Một vài nhà viết sử, viết kịch đã nói không đúng về Nguyễn Bặc, kết tội cho ông là phản tặc. Người ta viết rằng: Đinh Điền, Nguyễn Bặc tư thông với giặc, ngăn cản Dương Vân Nga trao binh quyền cho Lê Hoàn để chống giặc ngoại xâm.

Tháng 11-1997 tại Ninh Bình, một cuộc hội thảo cấp nhà nước đã bác bỏ sự vu cáo nói trên, khẳng định vai trò và sự cống hiến to lớn của Nguyễn Bặc vào sự nghiệp tạo dựng vương triều nhà Đinh với tấm lòng “Trung liệt - Tiết nghĩa”. Năm 1998, đền thờ và mộ Định Quốc Công Nguyễn Bặc (đặt tại thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) được xếp hạng di tích lịch sử. Năm 1999 nhà nước cấp 50 triệu để trùng tu nơi thờ Nguyễn Bặc. Năm 2000 Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch đã tài trợ thêm 20 triệu để xây nhà bia tưởng niệm Nguyễn Bặc. Năm 2000, thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường Nguyễn Bặc bên cạnh đường Đinh Điền tại quận Tân Bình.

Không phải chỉ đến thế hệ chúng ta mới khẳng định vai trò Nguyễn Bặc, mà chính ngay từ ngày xưa sử sách cũng đã nói khá rõ về Nguyễn Bặc. Nhiều nơi trong nước đều có đền thờ Nguyễn Bặc.


Theo ngọc phả ở đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc tại làng Phú Cốc, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thì quê quán Nguyễn Bặc là “trang Gia Miêu, động Lam Sơn, phủ Thiệu Thiên, Châu ái” (nay là xã Gia Miêu, huyện Hà Trung, Thanh Hóa).


Nơi thờ ông hiện nay có thể là nơi chôn cất ông sau khi bị giết hại vì chống lại bọn cướp ngôi vua Đinh. Truyền thuyết có ghi: Nguyễn Bặc bị Lê Hoàn bắt và chém. Lúc đó một cơn giông nổi lên, trời đất mù mịt, quân Lê Hoàn sợ hãi bỏ chạy toán loạn. Trên dòng sông Chanh có một chiếc thuyền nan chở cỗ quan tài bằng gỗ khoét rỗng trôi đến đón thi hài quan Thái Tể đưa vào quan tài, suốt đêm đưa về mai táng tại làng Đại Hữu, cách nơi hành quyết non chục dặm đường...


Nguyễn Bặc đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh phá tan và thu phục 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt và xây dựng kinh đô Hoa Lư. Chính ông đã cho đắp bốn chữ lớn “Bắc môn tỏa thược” (Khoá lại cửa ngõ phương Bắc). Ở chính cửa trông về phía Bắc. Ông cũng cho đắp hai câu đối ở thành ngoài:

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

         Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

         
(Dịch nghĩa: Nước Cồ Việt đương thời ngang với nước Tống đời Khai Bảo. Kinh đô Hoa Lư cũng như kinh đô Tràng An nhà Hán).

         
Tại đền thời ông, còn có câu đối đánh giá công lao Nguyễn Bặc:

Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt

         Thiên thu chính khí tác sơn hà.

(Một cảnh gương trung treo sáng như mặt trăng mặt trời.

         Nghìn thu chính khí còn rung động non sông).


Nguyễn Bặc là con ông Nguyễn Huy và bà Lê Thị Lược. Ông bà sinh ra Nguyễn Bặc lúc gần 50 tuổi. Lớn lên Nguyễn Bặc học với thầy Hoa Đường nên văn võ đều tinh thông. Ông có ba anh em: Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục đều là những tướng giỏi của Đinh Bộ Lĩnh. Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục hy sinh từ trong cuộc chiến đấu chống các sứ quân. Cả ba ông đều được thờ ở đình Tây Phú Liệt.


Ở đền thờ ba anh em đều có câu đối nói về công đức của họ:

Kỳ khí thiên thu nan bá trọng

         Anh phong vạn cổ lệ lương phu

         
Tạm dịch:

Khí lạ ngàn thu không phân anh em

         Gió thiêng muôn thuở khích lệ dân làng.


Một câu đối khác:

Duy nhất tâm ái quốc trung quân, 

Chính thống phù Đinh khai đế Việt.

Xướng vạn thế danh thần nghĩa sĩ,
 

Uy thanh bình sứ lẫm thiên Nam .

Dịch nghĩa:

Duy một lòng yêu nước trung vua, chính thống phò vua Đinh mở ra đế Việt (nước Việt có hoàng đế).


Lừng muôn thuở danh thần nghĩa sĩ, tiếng tăm dẹp loạn các sĩ quân lẫm liệt trời Nam .

Từ thuở ấu thơ, khi còn cầm cờ lau tập trận, Nguyễn Bặc, Đinh Điền đã gắn bó, sát cánh bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh. Cho đến lúc đánh dẹp các sứ quân, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ…đã trở thành bạn chiến đấu, tướng giỏi bên cạnh Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Rồi sau này các ông đều trở thành cột trụ của triều Đinh, hỗ trợ Đinh Tiên Hoàng giữ nước. Vì chống lại việc Dương Thị tư thông với Lê Hoàn, giáng Đinh Toàn (vua còn nhỏ tuổi) xuống làm Vệ Vương mà Nguyễn Bặc, Đinh Điền bị chặt đầu. Sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm, Lê Hoàn lại chủ trương giết Trịnh Tú, Lưu Cơ để tránh bấn loạn. Lê Hoàn sai bốn tướng khác giết hai ông song cả bốn tướng kháng lệnh và tự tử. Nhân dân đánh giá cao Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trinh Tú, Lưu Cơ, bốn tướng tử tiết, nên lập đền thờ “Bát Long tự” ở Bãi Vàng (Ninh Bình) và có bài thơ truyền khẩu “Bát long tự sự tích ca”.


Rõ ràng Nguyễn Bặc là người có công lớn với nhà Đinh, không thể nào lại trở thành kẻ chủ trương đầu hàng hoặc liên kết với quân xâm lược.


Trong Lịch triều hiến chươngcủa Phan Huy Chú có ghi “Phế đế tên là Toàn con thứ Đinh Tiên Hoàng…ở ngôi mới tám tháng bị Lê Đại Hành cướp ngôi”.


Trong Đại việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã viết về sự chống lại việc Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh và sự chống trả của Nguyễn Bặc, Đinh Điền như sau: “...Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phò tá nhà Đinh, và giết chết Lê Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ...”, “...Khi Đại Hành giữ chức Nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì phải giết... Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm, điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc. Thế là bề tôi trung nghĩa đấy ! Việc không xong mà chết ! Thế là bề tôi tử tiết đấy...”


Công bằng mà nói: việc Dương Hậu trao áo bào cho Lê Hoàn - có nghĩa là trao binh quyền tập trung - để có thể thống nhất tướng lĩnh đánh ngoại xâm là việc cần thiết. Lê Hoàn đánh tan ngoại xâm là có công lớn dân tộc phải ghi ơn. Song không thể vì thế mà lại đẩy Nguyễn Bặc, Đinh Điền... vào loại phản nghịch không muốn chống xâm lăng. Việc tập trung binh quyền để đánh giặc và cướp ngôi nhà Đinh là hai việc khó tách bạch lúc bấy giờ. Song không thể xem việc chống Lê Hoàn cướp ngôi vua là chống việc bảo vệ Tổ quốc.


Bấy giờ nhân dân và các nhà viết sử đã làm rõ điều đó. Định Quốc Công Nguyễn Bặc đã trở thành niềm tự hào của dân tộc ta và dòng họ Nguyễn. Phát huy truyền thống anh hùng trung hiếu của tổ tiên, các thế hệ sau này của Nguyễn Bặc đều có nhiều người trở thành danh tướng, danh nhân.


Về võ, các danh tướng Nguyễn Đê (con trưởng Định Quốc Công Nguyễn Bặc), Nguyễn Nộn, Nguyễn Yên... Điện Tiền Đô chỉ huy sứ Nguyễn Đức Trung đời nhà Lê đã có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi và là ông ngoại của vua Lê Hiến Tông.


Về văn, có các danh nhân Nguyễn Thuyên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến...


Ở nước ta có hai dòng họ Nguyễn. Một dòng gốc lâu đời ở Việt Nam,tức các thế hệ lâu đời ở Việt Nam tức các thế hệ nối tiếp của dòng họ Nguyễn Bặc đã có mặt từ thế kỷ X và một dòng họ Nguyễn từ Trung Quốc sang trong thiên niên kỷ sau.


Dòng họ Nguyễn có gốc từ làng Gia Miêu, Hà Trung (Thanh Hoá) tôn Nguyễn Bặc là Tiền tổ Định Quốc Công và tôn ức Trai Nguyễn Trai (hậu duệ của Nguyễn Bặc) là Hậu tổ Nhị Khê Hầu. Nguyễn Kim là tướng giỏi trung thần của nhà Lê là thế hệ kế tiếp của dòng họ Nguyễn Bặc mở đầu cho thời đại mới của chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn. Cũng từ làng Gia Miêu (Thanh Hoá), Nguyễn Hoàng con Nguyễn Kim đã lên đường cùng với các dân đinh đến “Hoành Sơn” lập nên vùng đất phương Nam kéo dài Tổ quốc ta thêm một vùng đất từ Bình Trị Thiên đến tận Cà Mau.


Các thế hệ chúa Nguyễn và vua Nguyễn từng người có công, có lỗi khác nhau nhưng rõ ràng nhà Nguyễn đã góp phần mở rộng biên cương, tăng cường hoà hiếu ở đất phương Nam . Dòng họ Nguyễn có mặt ở Thanh Hoá từ hàng ngàn năm trước, có mặt ở đất Thừa Thiên hơn 700 năm qua và từ đó di chuyển cư trú ở đất phương Nam, đều xuất phát từ dòng họ Nguyễn Bặc, Nguyễn Trãi, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng...


Hàng năm, đến 15 tháng 10 âm lịch là ngày mất của Nguyễn Bặc (năm rồi trùng vào ngày 10-11-2000) những hậu duệ của Định Quốc Công Nguyễn Bặc – Tiền tổ Khai quốc công thần triều Đinh - đều tề tựu về thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) để làm lễ dâng hương trước mộ Nguyễn Bặc. Sau lễ dâng hương tại Ninh Bình, nhiều đại biểu đã về dâng hương tại qyê hương họ Nguyễn ở làng Gia Miều, Hà Trung, Thanh Hoá.

Mỗi dòng họ đều có nguồn gốc của mình như họ Hồ xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hoá, họ Lê từ Thanh Hoá, họ Trần từ Nam Định…Họ Nguyễn (dòng Nguyễn Bặc) nguồn gốc tại Gia Miêu, Thanh Hoá đang rất cố gắng tìm gặp các chi phái để xây dựng tình đoàn kết trong dòng họ các họ tộc khác để nhắc nhở nhau giữ gìn truyền thống vinh quang, góp sức xây dựng đất nước độc lập, tự chủ ngày càng phồn vinh...

Nguồn: Xưa&Nay, số 233, 4-2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.