Ứng dụng mô hình vòng xoắn ốc vào ôn tập kiến thức
“Ôn tập” và “ôn thi”
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến việc ôn tập kiến thức, người học thường chỉ nghĩ đến việc kiểm tra, thi cử. Theo số liệu thống kê từ một cuộc khảo sát về mục đích của việc ôn tập kiến thức thì có đến 87,76% ý kiến của người học cho rằng đó là chỉ để chuẩn bị cho bài kiểm tra. Do vậy mà khái niệm “ôn tập” thường được hiểu là “ôn thi”. Tuy nhiên, theo ThS. Phan Lữ Trí Minh nếu đây là mục đích duy nhất của tiết học ôn tập kiến thức thì đã bỏ sót ý nghĩa của một câu nói rất hay được lưu truyền qua các thế hệ: “ôn cố tri tân”. Theo đó, ngoài mục đích củng cố kiến thức cũ (ôn cố) để ôn thi, tiết học ôn tập kiến thức còn cần phải hướng đến việc mở rộng kiến thức cho người học (tri tân).
ThS. Phan Lữ Trí Minh cho rằng, tiến thức của con người có hai chiều kích, đó là “ngầm” và “hiện”. Hiểu cách đơn giản, kiến thức ngầm là cách mà chúng ta thực hiện một việc nào đó, ví dụ như cách nhớ thứ tự của một số kim loại trong dãy hoạt động hóa học mà nhiều học sinh thường nhớ là: “Khi Nào Bạn Cần May Áo Záp Sắt…”. Kiến thức ngầm còn được biết đến như là “bí quyết” để làm một việc gì của ai đó. Tương phản với kiến thức ngầm, kiến thức hiện là loại kiến thức có thể được truyền đạt cách rõ ràng bằng ngôn ngữ nói hay viết, được hệ thống hóa và trình bày dưới các hình thức chính thức như các phát biểu, công thức toán học,… Do vậy, kiến thức hiện có thể được chuyển tải đến mọi người cách dễ dàng hơn so với ngầm.
Khi nghiên cứu về mối liên hệ này, hai nhà khoa học người Nhật Bản là Ikujiro Nonaka và Hirotaka Takeuchi đã xuất sắc phát triển thành công mô hình giúp chuyển hóa qua lại giữa hai loại kiến thức kể trên. Sự chuyển hóa kiến thức từ dạng ngầm sang dạng hiện và ngược lại có dạng đường xoắn ốc. Do đó, mô hình có tên gọi là mô hình vòng xoắn ốc kiến thức.
Ứng dụng như thế nào?
Giai đoạn 1: xã hội hoá. Đây là giai đoạn diễn ra quá trình chuyển tải kiến thức ngầm giữa các cá nhân trong nhóm. Kiến thức ngầm – cái riêng của mỗi cá nhân – được chia sẻ (hay được xã hội hóa) đến các cá nhân khác. Loại kiến thức này khó có thể được chuyển tải cách rõ ràng bằng ngôn ngữ nói hay viết. Nó được lĩnh hội bằng cách quan sát, theo dõi, bắt chước và thực hành. Nói cách khác, kiến thức ngầm được thu thập thông qua quá trình hành động – nhận thức. Mục đích chính được đặt ra trong giai đoạn này là làm sao để “khuếch tán đến mức tối đa” kiến thức ngầm từ mỗi cá nhân đến mọi cá nhân trong các nhóm học tập. Để làm tốt điều này, ta cần trả lời đúng câu hỏi: “Điều gì khiến việc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân – chìa khóa mở ra cánh cửa kho tàng tri thức ngầm – bị ngăn trở?”. Ngoài ra, quy mô “khuếch tán” kiến thức ngầm có thể được mở rộng bằng cách áp dụng quy tắc tổ hợp toán học để chọn ra các “đôi bạn học nhóm”, đó là tổ hợp n chập hai với n là tổng số thành viên trong nhóm. Trên phương diện tâm lý giáo dục, việc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu nó diễn ra chỉ giữa hai người bạn học. Đó cũng là lý do của việc đề ra quy tắc phân nhóm nêu trên.
Giai đoạn 2: ngoại hiện. Kiến thức được chuyển hóa từ dạng “ngầm” sang dạng “hiện” bởi các thành viên trong nhóm, để có thể được chia sẻ một cách dễ dàng đến mọi người. Công việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như mô hình hóa, lập và kiểm chứng các giả thuyết, lập luận suy diễn hay quy nạp,... thông qua hình thức đối thoại giữa các cá nhân.
Giai đoạn 3: kết hợp. Có nghĩa là tập hợp các kiến thức hiện từ các nhóm để hiệu chỉnh rồi tổng kết chúng thành kiến thức hiện của tổ chức. Trong giai đoạn này, kiến thức hiện được tái định dạng, hệ thống hóa và phổ biến đến mọi cá nhân, giúp kiến thức được chuyển tải với quy mô giữa các nhóm trong tổ chức.
Trong tiết học ôn tập kiến thức, bên cạnh việc nhắc lại kiến thức cũ (ôn thi), giáo viên cần tổ chức cho các nhóm lần lượt báo cáo trước tập thể lớp về kiến thức mà nhóm thu thập được ở các giai đoạn trước. Sau phần báo cáo, thầy và trò sẽ cùng nhau bắt tay vào việc xây dựng bài học. Kiến thức bấy giờ sẽ được thầy - trò bàn luận, phân tích, phản biện, phân loại, phối hợp, sắp xếp, … Trong đó, kiến thức ngầm nếu chưa được “ngoại hiện” bởi người học sẽ được can thiệp, xử lý bởi người dạy. Qua đó, chọn lọc được kiến thức hữu ích. Kiến thức sau khi được tổng kết sẽ được ghi nhận chính thức dưới hình thức các tài liệu lưu hành nội bộ và được phổ biến đến mọi thành viên trong lớp. Ngoài ra, kiến thức cũng cần được phổ quát với quy mô giữa các lớp.
Giai đoạn 4: tiếp thu. Đây là quá trình mà các cá nhân lĩnh hội kiến thức (cả dạng hiện lẫn dạng ngầm mà chưa thể diễn thành dạng hiện ở hai giai đoạn trước đó) của tổ chức và biến chúng thành kiến thức ngầm của mỗi cá nhân, thông qua phương châm “học bằng cách làm”. Giai đoạn này kêu gọi sự tự giác của mỗi cá nhân. Nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải ở lớp học.
Khi nghiên cứu ứng dụng mô hình trên vào giảng dạy, tác giả nhận thấy cần có một “mắt xích” nối kết giữa các giai đoạn nhằm giúp cho vòng xoắn ốc kiến thức được tiến triển thuận lợi và có thêm nhiều vòng lặp, đó là quy tắc khen, thưởng. Khi khen, sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý Pygmalion – hiện tượng mà khi ta càng kỳ vọng nơi ai đó (bằng cách khen chẳng hạn) thì họ càng làm tốt hơn. Còn khi thưởng, có thể gia tăng tần số xuất hiện hành vi tích cực (được mong đợi) nơi người khác bởi các tác nhân kích thích (chẳng hạn như phần thưởng).