U máu gan
Thắc mắc của bà Ch. , được Bs. Nguyễn Bạch Đằng giải đáp như sau:
U mao mạch gan hay còn gọi là u máu gan là u lành tính hay gặp nhất ở gan, chiếm khoảng 4 – 7% dân số, nữ giới thường mắc hơn so với nam giới, ở độ tuổi 30 – 50. U mao mạch gan hầu như không có biến chứng ác tính hoá, thường diễn biến ổn định nếu không có biến chứng tắc mạch hay phát triển về số lượng hoặc kích thước.
Sự phát triển của một số u máu tuỳ thuộc vào lượng oestrogen và progesteron, điều này giải thích cho tần số xuất hiện cao hơn của u máu ở phụ nữ trẻ và một số u máu tăng kích thước nhanh trong thời kỳ có thai. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy mối liên quan giữa u máu và thuốc tránh thai đường uống.
U máu ở gan thường đơn độc và có kích thước dưới 3cm, thường gặp thuỳ phải nhiều hơn thuỳ trái, đặc biệt là thuỳ sau. Tuy nhiên, khoảng 10% các trường hợp có nhiều u và khoảng 10 – 20% các khối u có đường kính trên 4cm được coi là u máu có kích thước lớn. Các u máu lớn thường kèm theo cấu trúc xơ, huyết khối và đôi khi có vôi hoá. U máu có hai loại: u máu dạng hang bao gồm các hố máu mà thành được lát bởi một lớp tế bào biểu mô dẹt và u mao mạch gồm các cuộn mao mạch nhỏ.
Hầu hết các u máu gan không có triệu chứng lâm sàng và được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Nhưng những u máu lớn có thể có biểu hiện lâm sàng: đau hạ sườn phải, gan to hoặc xuất hiện khối u bướu trong ổ bụng.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh trên siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và đặc biệt là hình ảnh trên chụp xạ hình hạt nhân.
Trên siêu âm đó là hình ảnh tăng âm đồng nhất, có thể có tăng âm phía sau giới hạn rõ, tiếp giáp với một tĩnh mạch gan, và không đè áp các mạch máu lân cận.
Hình ảnh CT Scantrước khi tiêm thuốc cản quang u máu giảm tỷ trọng, đồng nhất, trừ một số trường hợp đặc biệt có những vùng xơ không đồng nhất hoặc vôi hoá nhỏ. Sau khi tiêm thuốc cản quang: u máu bắt thuốc sớm ở vùng ngoại vi sau đó hướng dần vào trung tâm và bắt thuốc hoàn toàn từ phút thứ 3 đến phút thứ 60. Tuy nhiên, đối với những khối u máu lớn có thể không bắt thuốc hết toàn bộ khối. Hạn chế của CT Scan trong chẩn đoán u máu đó là những trường hợp khối u quá nhỏ hoặc nhiều khối, u máu thể xơ hoá. Khoảng 5% di căn gan có hình ảnh CT Scan giống u máu.
Chụp xạ hình CPECT với Tc-99m gắn hồng cầu tự thân là phương pháp chẩn đoán không chảy máu, có thể thực hiện nhiều lần. Đặc biệt, phương pháp này có giá trị dự báo dương tính cao (gần 100%) trong chẩn đoán u mao mạch gan, phân biệt được với ung thư gan. Vì vậy, phương pháp này được coi như là chỉ định hàng đầu trong chẩn đoán u mao mạch gan ở các nước có nền y học hạt nhân phát triển, đặc biệt là ở Mỹ.
Biến chứng có thể gặp là chảy máu trong khối u hoặc khối u vỡ chảy máu trong ổ bụng, thường gặp do chấn thương hoặc sau chọc sinh thiết. U máu hầu như không có biến chứng ác tính hoá. Biến chứng tắc mạch trong u máu cũng có thể gặp với biểu hiện lâm sàng đau hạ sườn phải và sốt.
Không có thuốc gì làm cho u máu nhỏ lại hay tiêu đi. Nếu u không gây triệu chứng gì thì chỉ cần theo dõi bằng siêu âm mỗi 3 – 6 tháng tuỳ u thay đổi kích thước nhanh hay chậm. Chỉ cần điều trị khi u máu gây biến chứng. Điều trị tốt nhất là phẫu thuật nhưng cũng có thể làm thuyên tắc động mạch nuôi u, thắt động mạch đến u, đốt, chiếu điện… tuỳ kích thước của vu, vị trí u, tổng trạng người bệnh.