Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 20/05/2009 21:45 (GMT+7)

Tỷ phú “hoạn lợn”

Từ ông hoạn lợn

Đến xã Mễ Sở hỏi không ai là không biết Đào Tất Hiệp, một tỷ phú mới nổi lên mười năm nay, chẳng những là người vui tính, dí dỏm, anh còn là một ông chủ có tấm lòng thương người, những năm qua anh đã đóng góp rất nhiều vào công tác từ thiện ở địa phương. Trang trại của Hiệp toạ lạc ở góc làng gần chợ Mễ, xã Mễ Sở (Văn Giang). Trang trại có khoảng 1.500, đôi khi lên đến 2.000 con lợn các loại: 120 lợn đẻ, hơn 10 con lợn đực, còn lại là lợn thương phẩm, lợn con. Mô hình của anh là nuôi từ A đến Z, tức là tự cung cấp giống nuôi cho đến lợn thịt, lợn bố mẹ. Trang trại cũng được anh bố trí hợp lý: từ khu nhà ở, khu chế biến thức ăn, khu chăn nuôi, phòng thuốc... Hiện anh đang xây dựng thêm một xưởng chế biến để cung cấp thức ăn chăn nuôi cho toàn xã. Khách đến thăm trang trại, có lẽ ai cũng thấy đây là mô hình chăn nuôi khép kín mang tính khoa học, qui mô như của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đó là thành quả của khát vọng làm giàu của một anh chàng nhà quê mộc mạc chân chất.

Giờ ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh kể nhiều về những ngày tháng bần hàn, trong đó có những năm tháng anh hành nghề hoạn lợn. Đào Tất Hiệp sinh năm 1962 trong một gia đình 5 anh chị em, anh là thứ 4, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu. Tuổi thơ Hiệp chỉ mơ ngày nào cũng được bữa ăn no, được mặc áo lành. Khi lớn lên chút ít, anh đi học nghề hoạn lợn của người em rể tận Bảo Thắng (Lào Cai), anh này lấy em gái út của Hiệp. Chưa thạo nghề, Hiệp xin đi học một lớp chuyên về hoạn lợn ở trường ĐH Nông nghiệp I. Sau đó ra hành nghề hoạn lợn từ năm 1984. Với anh, nghề hoạn lợn cũng vui thôi, nhưng cơ cực. Ở các vùng nông thôn, những ông hành nghề này, đi đến đâu chó sủa đến đó. Hiệp lại là chàng trai trẻ, làm vịêc chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều khi vừa hoạn vừa run, chỉ sợ làm chết lợn của người ta. Đã vài lần anh làm chết mấy con lợn bé. Người ta thương tình chàng trai trẻ nên không bắt đền nhiều, có người chỉ lấy nửa giá trị con lợn. Khi tôi hỏi, anh có xấu hổ khi làm nghề này. Anh Hiệp cười: “Có chứ, nhưng vì gia đình quá nghèo, nên bằng giá nào cũng phải kiếm tiền, tất nhiên phải bằng mồ hôi nước mắt của mình”

Chuyện cưới vợ cũng lâm li, nghe anh kể thì cười ra nước mắt. Cái nghề hoạn lợn vốn đã chẳng sang trọng gì, huống hồ đứng trước một cô gái. Khi mẹ hỏi: “Con muốn lấy ai?”. Hiệp lúc nào cũng nhe răng: “Huyền hàng xóm”. Thực ra anh thích cô từ hồi còn chơi đồ hàng, nhưng cô không thích. Anh Hiệp nói: “Lớn lên cô ấy cũng không thích đâu. Cô ấy yêu anh chàng nhà giàu, sau anh chàng ấy phải đi tù. Bố cô ấy bảo con: thôi thì lấy anh hoạn lợn cho xong. Bạn bè phản đối, song thế nào vẫn lấy nhau”.

Giờ thì vợ chồng anh sống hạnh phúc, chị vợ lại rất tự hào về anh chồng. Độ đó sau khi cưới nhau, anh Hiệp vẫn hành nghề hoạn lợn, nhưng thứ nghề này chỉ đủ để gia đình anh ăn đong từng bữa. Không có vốn, không am hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đã có lúc anh bất mãn với đời mình. Lúc đó đến giấc mơ cũng chỉ dám mơ có đủ gạo nuôi con. Cho đến năm 1995, vừa hoạn lợn, Hiệp vừa bán thuốc thú y, thức ăn gia súc, nhưng vẫn không thoát khỏi nghèo. Một đêm, khi con đã ngủ, vợ chồng anh bàn bạc với nhau, trong nhà hết gạo mà không biết vay của ai cho qua ngày giáp hạt, chị Huyền tủi thân bật khóc. Đào Tất Hiệp tự hỏi: “Tại sao có kiến thức thú y mà mình không mạnh dạn chăn nuôi?”

Anh động viên vợ mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi lợn. Năm 1997 nuôi chừng 5 con, bán đi được chút lãi. Dần dần đàn lợn của anh tăng lên 20 con rồi 50 con. Anh cũng thực hiện phương châm đầu tư dần dần, có vốn sẽ đầu tư thêm. Vì là lợn siêu nạc cho nên anh được các công ty trong nước mua để xuất khẩu sang Hồng Kông. Anh lại bán hạ hơn so với người khác 1 giá nên được các công ty chú ý. Cho đến đầu năm 1999, anh đã có số vốn 500 triệu đồng. Mơ ước mở rộng trang trại có từ đây, và đó cũng là sự đánh dấu một cái mốc quan trọng cho con đường thành tỷ phú của Đào Tất Hiệp.

Thành tỷ phú

Giờ anh đã thành đạt. Phần lớn các chủ trang trại miền Bắc đã đến học hỏi kinh nghiệm. Thông tấn xã của Đức và Ấn Độ cũng đã tìm đến nhà. Ngồi nghe anh nói chuyện, con kiến trong lỗ cũng chui ra, bởi vì anh rất hóm hỉnh. Anh dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình, đây là một ngoại lệ, vì chỉ có anh và công nhân được vào trại lợn, anh rất sợ bệnh tật lây lan sang đàn lợn. Với khuôn mặt vuông chữ điền, giọng nói trầm trầm vui vẻ, chàng tỷ phú chân chất đã kể ra những khó khăn trên con đường lập thân, những chông gai giăng mắc. Nhưng anh không quên quá khứ đó, anh kể mộc mạc, khiến chúng tôi tin rằng, anh là một ông chủ dễ gần.

Khi thu được lợi nhuận anh vận động mọi người trong làng cùng tham gia chăn nuôi lớn. Nhiều người đã hợp tác với anh. Thế là một Hiệp hội chăn nuôi của làng ra đời do anh làm chủ nhiệm và cũng chính anh là người môi giới, cung ứng giống, vốn, thức ăn và tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm. Đến nay Hiệp hội đã thu hút hơn 100 hộ tham gia. Yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả chăn nuôi là nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh. Nhận thức điều đó, anh Hiệp lặn lội vào miền Nam tham dự lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của một tổ chức nước ngoài với học phí cao đến 100 USD/ ngày. Sau đó anh trở về với vốn kiến thức vững vàng hơn để phát triển đàn lợn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trong trại lợn anh còn đóng vai trò là bác sĩ thú y chăm sóc phòng ngừa bệnh tật cho chúng để vượt qua các nạn dịch. Dù đã thành đạt nhưng anh không tự kiêu mà vẫn thường xuyên đi học hỏi, đồng thời dạy cho công nhân để họ tự làm. Anh còn xây dựng xưởng chế biến thức ăn  gia súc theo dây chuyền nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 300 tấn cám phục vụ cho các thành viên trong Hiệp hội phát triển chăn nuôi. Ngô và thóc anh nhập từ Sơn La, sản phẩm lợn bán cho Hồng Kông, Hàn Quốc và cung ứng trong nước. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 15 công nhân, mỗi người phụ trách từng khâu, lương tháng 1,5 triệu đồng/ tháng. Trang trại hiện nay thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/ năm. Khi đề cập đến vấn đề môi trường, nước thải. Anh Hiệp gật gù: “Anh đã giải quyết rồi. Nếu không làm được thế thì có tội với nhân dân lắm. Nên anh đã đi học rồi về làm hầm Biogas. Anh đã thành công, bởi mô hình hầm Biogas vừa tận dụng làm khí đốt phục vụ sinh hoạt của gia đình, sưởi ấm cho đàn lợn trong mùa rét, lại giữ gìn được vệ sinh môi trường ”.

Mê làm từ thiện

Anh Hiệp đã đi lên từ không đến khó, rồi đến có. Bởi thế, việc anh làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng đối với những người nghèo khó, những em học sinh học giỏi vượt khó chứ không vì một sự thể hiện nào khác. Tâm niệm của anh là có của ăn của để thì phải làm từ thiện, điều đó cho anh niềm vui sướng và sự thanh thản, vì đóng góp được cho xã hội. Nhưng ban đầu có những người đã dè bỉu, chỉ trích anh là sĩ diện hão. Anh bỏ qua tất cả. Vẫn một mực làm từ thiện, gia đình nào nghèo anh cho vay giống lợn làm vốn. Những việc anh làm được là: Tặng sổ tiết kiệm cho thương binh nặng, tặng xe đạp cho học sinh nghèo, ủng hộ tiền xây dựng các công trình nhà mẫu giáo, đường giao thông liên thôn, tặng máy vi tính cho trường học....

Lắm lúc tâm hồn thăng hoa anh còn làm thơ tặng vợ, rồi thơ về quá khứ của mình, như: “ Lúc cơ hàn tôi đi hoạn lợn. Bao tủi hèn chẳng quản sớm trưa...”. Điều đó cho phép tôi nghĩ rằng, anh còn lãng mạn và yêu đời, yêu người nữa. Gia tài của vợ chồng anh hiện giờ còn là hai cậu con chăm ngoan, một cậu đã là giáo viên cấp III, một cậu đang học đại học Nông nghiệp I. Năm 2005 anh được đi dự Đại hội thi đua toàn quốc. Khi hỏi về kinh nghiệm làm giàu, anh Hiệp thổ lộ: “Tại cái con vợ mình ý, không có nó thúc mình đâu có nghĩ được cái gì. Nghĩ được cái hay thì nó ‘chiều’, thế rồi mình nghĩ được, sướng quá...” và cười ngặt nghẽo.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.