Tương lai học - môn học của thế kỷ XXI
Năm 2009, Bộ GD&ĐT công bố, xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020; năm 2011 lại có đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Xin giới thiệu về môn Tương lai học để bạn đọc tham khảo cách làm và chất lượng Dự báo giáo dục, một cơ sở quan trọng để xây dựng Chiến lược giáo dục.
Môn Tương lai học gồm có 15 phần, sắp xếp thứ tự trong quá trình giảng dạy như sau:
1- Tương lai học nhập môn; 2- Dự đoán tương lai; 3- Chiến tranh và bạo lực; 4- Quan hệ chủng tộc; 5- Làm việc và nghỉ ngơi; 6- Con người và máy móc; 7- Trí lực; 8- Giao lưu; 9- Sự khống chế của tư tưởng; 10- Chính trị học của ngày mai; 11- Dân số; 12- Thành thị hoá; 13- Di truyền học; 14- Tuổi thọ trung bình; 15- Thế nào là con người?
Việc giảng dạy các phần kết hợp với các trò chơivà hoạt động mô phỏng. Hoạt động mô phỏng là một hình thức học tập hoàn toàn mới, thực sự đưa học sinh đi vào thực tế để giáo dục toàn diện. Một ví dụ: Nhà trường phân công giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức cho các em chuyển qua sống ở một ngôi nhà khác (không phải nhà mình) một thời gian nào đó ( có thể đợt 1 là 1 tháng, đợt 2 là 1 tuần, đợt 3 là 1ngày… Qua đó, giúp học sinh thể nghiệm và học cách sống với cuộc sống luôn luôn vận động, biến đổi, thậm chí thay đổi thất thường, một hiện tượng thường gặp trong tương lai. Các em phải làm quen với những con người mới, tìm cách thích ứng nhanh chóng với những đòi hỏi của môi trường mới đó và trở thành những người năng động, sáng tạo.
Sau khi kết thúc phần học bài và chơi trò chơi, học sinh sẽ làm bài tập theo yêu cầu của môn học Thế kỷ XXI . Môn học này có 6 nội dung là:
1- Tiếp cận và sử dụng tin học, bao gồm cả thư viện sách tham khảo, các bộ nhớ của máy tính, các tài liệu liên quan đến kinh doanh và cơ cấu chính phủ…; 2- Bồi dưỡng tư duy mạch lạc, bao gồm phân biệt được ngữ nghĩa học, lôgíc học, số học, soạn thảo trên máy tính, phương pháp dự đoán, tính sáng tạo tư duy…; 3- Bồi dưỡng những kĩ năng thông đạt hiệu quả, bao gồm diễn thuyết trước đám đông người, ngữ pháp, tu từ, thể chữ, hội hoạ, nhiếp ảnh, quay phim, vẽ đồ án; 4- Tìm hiểu con người và môi trường sống, gồm các môn vật lí, hoá – lí, hoá học, thiên văn học, địa chất và địa lí học, tiến hoá luận, dân số…; 5 – Tìm hiểu con người và xã hội, gồm luật tiến hoá của nhân loại, sinh lí học, ngôn ngữ học, văn hoá nhân loại học, tâm lí học xã hội, chủng tộc học, pháp luật, hình thái biến đổi ngành nghề, vấn đề tồn tại và tiếp diễn của loài người…; 6 - Năng lực cá nhân, gồm ma lực sinh lí và sự cân bằng sinh lí, huấn luyện mưu sinh và tự vệ, an toàn, dinh dưỡng, vệ sinh, giới tính, tiêu dùng và tài sản cá nhân, phương thức học tập tối ưu và sách lược, nghệ thuật nhớ, động cơ tự thân và nhận thức tự thân.
Nội dung môn học Thế kỉ XXI rất rộng, gồm nhiều vấn đề quan thiết với con người. Mục đích của nó nhằm tăng cường vai trò, địa vị của con người trong xã hội và năng lực thích ứng với tương lai. đặc trưng của môn học không chỉ là sự chuyển tải hệ tri thức đặc định tới học sinh mà là quá trình của sự phát triển của chính đối tượng người học.
Nội dung môn học Thế kỉ XXI luôn luôn được bổ sung để không ngừng hoàn thiện hơn nhằm đạt đến nội dung nhất thể hoá. Khi đó, nội dung học tập và quá trình phát triển thống nhất làm một. Nội dung học tập không còn coi thông tin là đặc trưng mà là nằm trong mối quan hệ giữa bối cảnh của thông tin với ý nghĩa: Quá trình phát triển không chỉ lấy phương pháp làm đặc trưng mà hướng tới nội dung, không ngừng mở rộng quan hệ với nội dung.
Môn học Thế kỷ XXI là quá trình thầy trò cùng tìm kiếm tri thức. Thầy giáo không còn là đại diện phát ngôn quyền uy về tri thức và khống chế toàn diện việc tổ chức và phát triển môn học mà xuất hiện chủ yếu với tư cách người hướng dẫn và hiệp lực. Học sinh không còn là người tiếp thu tri thức một cách thụ động mà tích cực tham gia vào việc phát triển môn học. Vì thế, mục tiêu của môn học không phải được xác định trọn vẹn ngay từ đầu mà trong quá trình thầy trò thực hiện có thể căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh. Việc tổ chức môn học, nắm nội dung học tập nhiều khi vượt ra ngoài giới hạn bài vở, chuyển từ việc nhấn mạnh yêu cầu tích luỹ tri thức đến việc động viên, khuyến khích, giúp đỡ học sinh phát hiện và sáng tạo ra kiến thức mới.
Tiếp theo sự ra đời môn học Thế kỷ XXI là sự xuất hiện nhiều môn học mới như : Kế hoạch tương lai, Địa lí tương lai, Xã hội tương lai, Ước lượng khoa học kĩ thuật tương lai . Các nguyên tắc xây dựng các môn học mới là: 1- Giáo trình giúp ích cho học sinh thích nghi với xã hội; 2- Giáo trình giúp ích cho học sinh tự lí giải; 3- Giáo trình giúp ích cho học sinh vị thành niên lí giải sự đầu tư của mình đối với tương lai; 4- Giáo trình giúp ích cho học sinh tìm hiểu phương hướng có tính biến đổi của xã hội và định vai trò của mình trong quá trình biến đổi đó; 5- Giáo trình giúp ích cho học sinh mang những điều học tập ở giảng đường chuyển hoá thành trách nhiệm tương lai.
Cùng với sự xuất hiện các môn học mới là sự thay đổi trong việc đánh giávà kiểm định chất lượng giáo dục. Việc đánh giá học sinh trong quá trình thực hiện các môn học thời “tương lai” không phải ở trí nhớ của họ mà ở chất lượng tham gia học tập và khẳng định vai trò, vị trí của mình, ở sự trưởng thành, thích ứng với yêu cầu của đời sống xã hội. Học sinh có thể chủ động dự kiến thời gian biểu cho các giai đoạn phát triển trong tương lai của mình (tốt nghiệp, tìm được việc làm…), đi vào tìm hiểu những lĩnh vực rộng lớn như lí thuyết trò chơi, lựa chọn quyết định cho mình trong điều kiện không xác định, phân tích giá trị, nội dung, điều khiển học…
Táo bạo hơn nữa, dự báo phát triển giáo dục nước Mỹ còn cho ra đời kế hoạch “năm 2061” (năm mà sao chổi Haclây lại xuất hiện gần kề trái đất) đặt vấn đề khi đó nhân dân Mỹ cần những tố chất gì, học sinh tiểu học, trung học cần nắm vững những khái niệm cơ bản nào nhất để có được năng lực tổng hợp… đó là cơ sở để xác định môn học, soạn sách giáo khoa, nghiên cứu lâu dài vấn đề giáo dục. Kế hoạch “2061” là một kế hoạch dài hạn mang tính chiến lược, bắt nguồn từ những dự báo khoa học tiên tiến, được cụ thể hoá bằng những chương trình hành động ngắn hạn với tính khả thi cao.
Bất cứ nền giáo dục nào, nếu muốn đạt trình độ phát triển cao đều phải xây dựng chiến lược hướng tới tương lai: Đầu tư vào nguồn vốn con người, tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao để chiếm lĩnh vị trí cạnh tranh toàn cầu.
Với sự phát triển của khoa học dự báo, của dự báo phát triển giáo dục và sự ra đời của môn Tương lai học , là sự xuất hiện của một quan niệm mới: “ Tương lai sẽ quyết định hiện tại”. Theo xu thế đó, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, ngành giáo dục nhiều nước đã xem xét lại nội dung các môn học của mình, từ đó sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để vững vàng tiến vào thế kỉ XXI trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế thế giới. Bằng việc thực hiện các môn học Thế kỉ XXI , công cuộc cải cách giáo dục sẽ mang một tầm vóc mới. Những thủ tục cũ sẽ bị phá vỡ, lớp học sẽ được mở rộng vô hạn độ. Thầy trò cùng hợp tác để chuẩn bị cho học sinh hướng tới tương lai, có vai trò tích cực xây dựng tương lai.
Giáo dục Việt Nam nằm trong xu thế phát triển chung của thời đại. Công tác dự báo trong quản lý giáo dục Việt Nam cần phải được coi trọng hơn nữa, giúp cho việc lập Chiến lược phát triển giáo dục và thực hiện các kế hoạch phát triển theo những bước đi cụ thể, với một lộ trình khoa học, tiên tiến, vững chắc. Giáo dục Việt Nam phải lấy việc phát huy nội lực làm chính, kết hợp với việc trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển để chấn hưng giáo dục nước nhà, thực hiện chất lượng và hiệu quả thực chất.