Tuổi trẻ giàu ước mơ sáng tạo
Những bài học kinh nghiệm của họ phải trả bằng quá trình lao động sáng tạo qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống thực sự là bài học bổ ích với tuổi trẻ giàu ước mơ sáng tạo. Sau đây xin giới thiệu một số lời khuyên của những người đã thành đạt.
* GS Lê Tự Quốc Thắng:
“Ý chí kiên định và sự cố gắng không ngừng là con đường dẫn đến thành công”.
GS Lê Tự Quốc Thắng |
Nhận định về việc phát huy trí tuệ của tuổi trẻ nước ta hiện nay, anh cho rằng: Thành phần giỏi nhất trong đội ngũ khoa học trẻ vừa tốt nghiệp đại học có trình độ rất khá, nhưng cách làm việc còn thiếu tự chủ và sáng tạo, có lẽ do hạn chế của phương pháp giáo dục đại học. Sau một số năm làm việc, những thành phần ưu tú tại các nước tiên tiến có thể tiến nhanh trong nghiên cứu, trong khi đó, ở ta vì cách làm việc thụ động, điều kiện và môi trường sáng tạo rất hạn chế nên các nhà khoa học trẻ rất dễ bị mòn mỏi đi.
Hiện nay, bậc đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ta chưa đủ mạnh và cơ chế quản lý chưa tốt nên chưa đào tạo được nhiều người có thực tài ở trình độ TS độ tuổi dưới 30 độ tuổi sung sức, đầy nhiệt huyết, nhạy bén và giàu sức sáng tạo… Trong khi ở các nước tiên tiến có khá nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc trong độ tuổi dưới 30 đã được là GS thì ở nước ta GS trẻ nhất là 47 tuổi.
GS Quốc Thắng chân thành khuyên các bạn trẻ Việt Nam đang theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học cần biết rõ con đường mình đang đi là không dễ dàng. Ngoài tài năng, lòng đam mê, các bạn trẻ cần có ý chí kiên định và cố gắng không ngừng vì sẽ có nhiều lúc bạn tưởng như mình húc vào bức tường đá trước khi tìm được hướng giải quyết cho vấn đề trong nghiên cứu. Các bạn nên làm quen, học hỏi cách làm việc, cách suy nghĩ của những nhà khoa học lớn, song cũng cần mạnh dạn đi những bước đột phá, đừng bị gò bó trong khuôn khổ của người đi trước: Ngược lại, các nhà khoa học lớn cũng thích làm việc với các đồng nghiệp trẻ để tạo sự hưng phấn và thắng sức ỳ trong nếp nghĩ của chính mình…
Các bạn trẻ cũng nên biết là nghiên cứu khoa học không dễ giàu như doanh nhân, thậm chí cũng không bằng những người đi dạy thêm. Chỉ khi có lòng đam mê, mong muốn khám phá chân lý, sự khích lệ, giúp đỡ từ người thân và xã hội mới giúp các bạn vượt qua gian nan thử thách.
* TS Lê Phước Hùng
“Các bạn trẻ hãy học tập bằng lòng đam mê thực sự”
TS Lê Phước Hùng |
Được hỏi vì sao các bạn trẻ nước ta hiện nay chưa chuộng các ngành khoa học xã hội, anh trả lời:
Việt Nam còn nghèo, các bạn trẻ ra trường quan tâm tới những ngành nghề mà sau khi ra trường có thể kiếm tiền ngay để giúp đỡ gia đình. Đó là quy luật chung mà các nước khác cũng phải trải qua: có những lúc sự đòi hỏi phát triển kinh tế khiến dòng chảy văn hoá như ngừng lại, nhưng khi kinh tế đã đầy đủ hơn thì các ngành khoa học xã hội sẽ được quan tâm vì cần có sự cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Các bạn trẻ hãy học tập bằng ước mơ, bằng lòng đam mê thực sự của chính mình, hãy “học cho mình”. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, các bạn có thể “lấy ngắn nuôi dài”, ví dụ như học ngành sử thì nên học thêm ngoại ngữ thật tốt, như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vốn ngoại ngữ sẽ giúp các bạn trong mở rộng kiến thức. Trong quá trình nghiên cứu, đồng thời có thể giúp bạn kiếm được ngay công việc nào đó đủ để “nuôi ước mơ”.
* Kỹ sự Phan Đình Phương
“Có ý tưởng là có tất cả”
Anh là tác giả của hoàng loạt sáng chế làm lợi cho nhà nước nhiều tỷ đồng, trong đó có sáng chế được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vào nhóm 5A. Đặc biệt, vào tháng 9 năm 2005, cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ đã cấp cho anh và con trai anh Bằng độc quyền sáng chế: “Phương pháp và thiết bị chữa cháy tự động không cần cung cấp năng lượng”. Kỹ sư Phan Đình Phương tâm sự với các bạn trẻ:
“Tình yêu đối với con người, lòng khao khát tìm ra cái mới là quan trọng nhất, từ đó sẽ nảy ra ý tưởng. Có ý tưởng rồi tìm cách thực hiện… Tình yêu không có tuổi nên sáng chế cũng không phụ thuộc vào tuổi tác, vào bất kỳ địa vị nào trong xã hội. Tiếp đó, phải có sự đam mê sáng tạo, một trí tưởng tượng bay bổng và cách thức làm việc khoa học…
Sáng chế thiết bị chữa cháy tự động là do con trai tôi đề xuất. Tôi viết giúp cháu bản mô tả gửi Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký từ năm 1993; sau đó tôi lại đóng góp tính năng mới và đăng ký ra nước ngoài. Kết quả thì như các bạn đã biết…”.
* GS Đàm Thanh Sơn:
“Đừng bao giờ nản lòng trong nghiên cứu khoa học”
GS Đàm Thanh Sơn |
GS Đàm Thanh Sơn cho rằng: Một môi trường nghiên cứu khoa học lý tưởng phải là sự tự do tư tưởng trong tìm tòi, suy ngẫm, là cởi mở và khoan dung trong tập hợp đội hình nghiên cứu, là dễ dàng và thuận lợi trong giao lưu quốc tế. Cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước có điều kiện trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học trên thế giới, thường xuyên được cung cấp tài liệu, tham gia những hội thảo khoa học lớn để nắm bắt trình độ khoa học của thế giới; đồng thời nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam giảng dạy để sinh viên có dịp tiếp xúc với những điều mới mẻ.
* GS Ngô Bảo Châu vươn lên đỉnh cao của toán học:
“Các bạn trẻ Việt Nam muốn đạt thành tựu khoa học cần có ý chí, tài năng và gắn bó với cộng đồng khoa học thế giới”
Giải thưởng nghiên cứu mang tên nhà toán học Clay, với tham vọng lớn là liên kết nhiều lĩnh vực nhiều lĩnh vực toán học khác nhau: Lý thuyết số, Hình học đại số và lý thuyết các dạng tự đảng cấu, năm 2004 được trao cho ba nhà toán học, trong đó có một nhà toán học trẻ người Việt Nam: GS.TSKH Ngô Bảo Châu. Anh sinh năm 1972 tại Hà Nội, từng hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic toán quốc tế tổ chức tại Ôtxtrâylia và CHLB Đức. Hiện nay, tuy đang làm việc ở Pháp (Đại học Tổng hợp Paris 11), nhưng anh rất tích cực tham gia các hoạt động với giới toán học Việt Nam và thường xuyên trực tiếp hướng dẫn hoặc giới thiệu GS hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh Việt Nam. Mỗi khi về nước, anh thường bố trí các buổi dạy chuyên đề cho sinh viên các trường đại học và tham gia các buổi thảo luận khoa học tại Viện Toán học. Với tài năng và sự đóng góp đầy nhiệt tình của anh đối với đất nước, năm 2004, Nhà nước đã đặc cách phong tặng Ngô Bảo Châu học vị GS toán học của Việt Nam.