Tự làm đồ dùng học tập phục vụ giảng dạy
Đồ chơi theo chủ đề “Môi trường tự nhiên”
Từ những nguyên, vật liệu phế thải sẵn có, tập thể giáo viên của 4 trường (Mầm non 19/8, mầm non 12/8, mầm non 6/1 và mầm non Sơn Ca – TP.Pleiku) đã tạo ra hơn 1000 bộ đồ dùng, đồ chơi phụ vụ dạy và học, trong đó có 70 bộ phục vụ Chương trình chăm sóc giáo dục mầm non theo chủ đề "Môi trường tự nhiên". Đó là những mô hình động vật sống quanh nhà như lợn, gà, chó..., cây cối như chuối, na, hoa... gần gũi với đời sống hàng ngày của các em, trông ngộ ngĩnh, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với sự phát triển của trẻ. Mô hình được ứng dụng trong từ năm học 2006-2007 đã giúp các em làm quen với môi trường xung quanh, quen dần với môn toán, môn văn, hoạt động vui chơi ngoài trời.
Tương tự hai cô giáo Lê Thị Thu - Hiệu trưởng và Lưu Thị Sánh - Phó hiệu trưởng trường Mẫu giáo xã Đông, huyện Kbang, đã cố gắng tự tạo đồ chơi cho các em sao ít tốn kém nhất mà lại nâng cao chất lượng giáo dục, giúp trẻ phát triển tư duy. Các cô đã sử dụng đất sét, tre, nứa, xốp, giấy, dây kẽm... mô phỏng những bức tranh hiện thực trong cuộc sống đời thường như con voi, con hươu, con hổ... sống ở trong rừng; con trâu, con chó, con mèo... được nuôi trong nhà; bác nông dân đang cày, bừa ruộng, gặt lúa,... Những mô hình này đã thay thế tranh ảnh đơn thuần nên đã giúp các em thích thú đến trường, giúp nhà trường giảm 75% kinh phí đầu tư mua đồ dùng dạy học.
Còn tập thể các cô giáo trường mẫu giáo Bông Hồng I, huyện Kbang, đã huy động phụ huynh học sinh thu gom các loại can, chai nhựa đã qua sử dụng, để các cô đã tạo ra các mẫu chữ xinh xắn, các con vật, đồ vật có hình dạng khác nhau.
Hướng dẫn học sinh tự làm chuông điện
Từ thực tế trong sách giáo khoa chỉ cung cấp kiến thức chuông điện bằng kênh hình và kênh chữ, nội dung kiến thức trừu tượng, học sinh tiếp thu kiến thức mơ hồ, khó hiểu, dễ quên, ba giáo viên Lê Khắc Cảnh, Nguyến Thị Lanh và Nguyễn Thị Phương Thủy ở trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, huyện Đắc Đoa, đã tự là ra mô hình chuông điện. Các thầy đã thay chuông điện một chiều trong sách giáo khoa dễ bị hỏng thành chuông điện xoay chiều có biến thế để biến đổi dòng điện, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng.
Vật liệu để làm chuông điện rất dễ kiếm, gồm: ván ép, chuông đồng, cuộn dây quấn, lá thép đàn hồi có gắn đầu gõ, phích cắm, công tắc bấm, dây điện. Các thầy đã hướng dẫn học sinh cách làm theo ba bước. Bước 1: Vẽ sơ đồ chi tiết trên mặt bằng; bước 2: Dùng đinh vít gắn cuộn dây, lá thép đàn hồi, chuông vào tấm ván sao cho khi cuộn dây hút lá thép thì đầu gõ được vào chuông; bước 3 : Nối dây dẫn từ phích cắm qua biến thế đến công tắc và đến cuộn dây.
Nguyên tắc hoạt động của chuông điện: Cho dòng điện xoay chiều có hiệu điện thế 220v đi qua biến thế, biến thế hạ dòng điện xuống có hiệu điện thế 24v cho dòng điện đi vào công tắc và dẫn vào cuộn dây. Bấm công tắc, cuộn dây trở thành nam châm hút lá thép đàn hồi làm cho đầu gõ gõ vào chuông, chuông kêu. Nhờ tính xoay chiều của dòng điện mà lá thép đàn hồi gõ liên tục và cứ thế chuông kêu liên tục khi bấm công tắc.
Mô hình này đã được sử dụng để giảng dạy ở nhiều mảng kiến thức trong nhiều môn học như nguồn âm, môi trường truyền mâm, tác dụng từ của vật lý 7; về nam châm điện, sự nhiễu từ của sắt, thép, máy biến thế của môn vật lý 9... Đây là giải pháp đơn giản, hiệu quả sử dụng khá tốt, tạo cho học sinh bậc THCS sự đam mê trong các môn học vật lý và công nghệ. Từ môn học các em có thể tự làm chuông điện cho gia đình.