TS Hoàng Anh Tuấn: “Sự chuyên sâu không ngoại trừ khả năng nhìn rộng!”
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi thú vị giữa nhà nghiên cứu trẻ Cao Việt Dũng (văn học) với TS Hoàng Anh Tuấn để hiểu thềm về công trình mới và quan điểm nghiên cứu của ông.
Tại sao lại là các công ty Đông Ấn?
Công việc nghiên cứu của tôi khởi đầu bằng đề tài nghiên cứu ở bậc đại học và cao học về hoạt động thương mại biển của vương quốc Chămpa thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ 10 trong bối cảnh quan hệ thương mại và giao lưu văn hoá khu vực. Tiếp sau đó là một cơ duyên: năm 1998, Chính phủ Hà Lan dự định tổ chức đại lễ kỷ niệm 400 năm thành lập công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào năm 2002. Họ muốn hoạt động này thực sự có chiều sâu, gắn liền với khoa học và đào tạo, nên đã lập chương trình TANAP và giao cho đại học Leiden tổ chức đào tạo tiến sĩ cho khoảng 20 nhà nghiên cứu trẻ của các nước phương Đông (nơi VOC từng có quan hệ buôn bán). Tôi may mắn là một trong số những người đó, sang Leiden từ năm 2002 và đến năm 2006 tôi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Vì vậy, có thể nói rằng tôi đã mở rộng hướng nghiên cứu hải thương của mình từ người Chăm sang người Việt nói chung, trong mối quan hệ với nước ngoài.
Các công ty Đông Ấn (ngoài công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, tồn tại cho tới năm 1799 còn có công ty Đông Ấn Anh – EIC – xuất hiện cùng khoảng thời gian) có thể coi là những huyền thoại trong lịch sử châu Âu, nhưng rõ ràng đây là đề tài rất mới đối với giới sử học Việt Nam.
Thành tựu nghiên cứu gắn liền với các công ty Đông Ấn ở các nước phương Tây rất nổi bật, nhưng đây quả là một hướng đi tương đối mới mẻ tại Việt Nam . Nói tương đối mới mẻ là vì việc đặt nền móng cho hướng nghiên cứu này đã được tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngay sau hội thảo quốc tế về Hội An, vào những năm 1990, GS Phan Huy Lê và GS Nguyễn Quang Ngọc đã được đại học Leiden mời sang nghiên cứu để khảo sát kho tư liệu Hà Lan về Việt Nam. Trong dịp này, hai giáo sư đã thu thập và mang về nước được một số phim chụp về tư liệu VOC, bản đồ cổ… Đặc biệt, GS Nguyễn Quang Ngọc đã sang tận thư viện Quốc gia Anh để trao đổi với cố TS Anthony Farrington về khối tư liệu EIC về Việt Nam . Trên cơ sở những quan hệ hữu hảo đó, vào năm 2002, hai giáo sư đã giới thiệu để tôi sang đại học Leiden học tập và nghiên cứu. Đến thời điểm đó, bên cạnh một số bài viết, đã có ít nhất hai công trình nghiên cứu quan trọng liên quan đến VOC – Đại Việt: luận án tiến sĩ công ty Đông Ấn Hà Lan và Đàng Trong: mối quan hệ giữa Hà Lan và Annam trong thế kỷ 17 của Wilhelm Buch (1929) và chuyên khảo công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đông Dương cũng do Buch công bố trên tạp chí của trường Viễn đông bác cổ (BEFEO, 1936/7).
Thế nhưng, nếu đọc cuốn sách Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ – Đàng Ngoài thế kỷ XVII do anh biên soạn vừa được ấn hành (NXB Hà Nội), thì công ty Đông Ấn Hà Lan có quan hệ chủ yếu với Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong…
Đúng vậy, cũng không rõ tại sao Buch lại chọn hướng nghiên cứu đó, vì xét về mặt thống kê, tài liệu của VOC liên quan đến Đàng Trong ít hơn nhiều, lại không được liên tục về mặt thời gian. Chúng ta cũng chỉ có thể phỏng đoán về lý do lựa chọn của Buch. Tuy nhiên, như đã nói, trong chuyên luận trên BEFEO, Buch có đề cập đến cả Đàng Ngoài, dù chủ yếu là điểm lại dưới dạng biên niên hoạt động của VOC ở Kẻ Chợ chứ chưa khảo tả và phân tích chi tiết về mặt định lượng. Cuốn sách của Buch cũng từng được các nhà nghiên cứu Việt Nam tham khảo, như trong công trình Về ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ 17, 18 và đầu thế kỷ 19 (1961) của Thành Thế Vỹ.
Công ty Đông Ấn Hà Lan và công ty Đông Ấn Anh đều hoạt động ở Việt Nam trong thế kỷ 17 nhưng người Hà Lan thành công hơn nhiều so với người Anh, tại sao? (Chúng ta biết rằng người Anh lập công ty Đông Ấn trước người Hà Lan).
Theo tôi, nguyên nhân cần được nhìn rộng hơn mức độ các sự kiện đơn thuần diễn ra trong phạm vi Đại Việt. Khởi đầu của người Hà Lan tại Việt Nam không hề thuận lợi: ở Đàng Trong người Hà Lan thiệt hại cả trăm người và hàng vạn ghinđơ trong khi ở Đàng Ngoài khó khăn và tổn thất cũng luôn luôn thử thách họ. Thế nhưng họ lại nhanh chóng thiết lập được thương điếm, duy trì quan hệ với Đàng Ngoài suốt 64 năm và có được những thành công không nhỏ, mặc dù Đàng Ngoài là một trong những xứ khó buôn bán bậc nhất ở phương Đông, do đặc điểm của hệ thống quan liêu, cũng như tổ chức xã hội có nhiều đặc thù phức tạp. Tất nhiên, nhu cầu của Phủ Chúa về tiền bạc và vũ khí trong thời gian nội chiến đóng một vai trò quan trọng nhưng trong nghiên cứu lịch sử thương mại, rất nhiều yếu tố cần phải tính đến. Người Hà Lan biết tổ chức một mạng lưới buôn bán liên hoàn. Người Hà Lan lại rất chặt chẽ, kỷ luật, kiên nhẫn và khôn ngoan, trong khi người Anh tổ chức công việc buôn bán ở phương Đông tương đối lỏng lẻo. Hơn nữa, chiến lược thương mại của mỗi bên cũng khác nhau; ở quãng thời gian đó, tiềm lực của Anh tại khu vực Đông Nam Á nhỏ hơn so với Hà Lan.
Người Hà Lan thậm chí còn thành công đến mức Carel Hartsinck (giám đốc thương điếm Đàng Ngoài từ 1637 đến 1641) còn được chúa Trịnh Tráng nhận làm con nuôi, một câu chuyện hiếm thấy.
Đây tất nhiên là một câu chuyện thú vị, cho thấy sự cởi mở nhất định của họ Trịnh (các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn cởi mở hơn thế). Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ nên được coi là một cử chỉ ngoại giao, bằng chứng là mối quan hệ giữa ông con nuôi và ông bố nuôi chẳng mấy suôn sẻ. Điều đáng để suy nghĩ ở đây là: các nghiên cứu theo hướng này khiến chúng ta cần nhìn lại định kiến về sự “co cụm”, “đóng cửa”, “yếm thế”… của Việt Nam trong lịch sử thương mại và bang giao khu vực. Thêm nữa, vị trí và vai trò của Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực và quốc tế hồi đó không đơn thuần là một sự may mắn, mà có sự chủ động nhất định từ phía chính quyền. Cấu trúc thương mại về cung – cầu ở khu vực cũng luôn luôn cần được tính tới: chẳng hạn như Nhật Bản có nhu cầu lớn về lụa trong khi sản lượng tơ lụa Trung Quốc lại sụt giảm do thay đổi triều chính Minh – Thanh nên Việt Nam có điều kiện trở thành nhà cung cấp tơ lụa lớn. Việt Nam cần được đặt vào bức tranh chung: muốn nghiên cứu thương mại của nước ta gắn liền với VOC thì nhất thiết phải đồng thời nghiên cứu hoạt động của VOC tại đại bản doanh Batavia, Nhật Bản, Đài Loan, xa hơn là biến động chính trị tại Trung Quốc, thay đổi thương phẩm tại Bengal (Ấn Độ), thay đổi sở thích của người Anh ở London và người Hà Lan ở Amsterdam… và rộng hơn là đặt Đại Việt trong cấu trúc thương mại toàn cầu ở thời kỳ này.
Rõ ràng các nguồn tư liệu mới đã đánh động nhận thức của chúng ta về lịch sử thuộc địa: khi thành tố thương mại được thêm vào bên cạnh những thành tố đã được nghiên cứu rất nhiều như chính trị, quân sự, tôn giáo, ngôn ngữ, mối quan hệ thực dân – thuộc địa đã không còn thuần tuý là những cuộc xâm chiếm, mà phức tạp và tế nhị hơn thế. Rồi thương mại lại dẫn tới chính trị và quân sự, như chúng ta đã thấy Phủ Chúa rất muốn xây dựng một liên minh quân sự với VOC…
Ở đây có lẽ nên nhắc tới những quan điểm tương đối đa chiều trong giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Không ít người cho rằng khi tới phương Đông, người phương Tây đã sẵn có trong đầu mưu đồ thực dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử thương mại gắn liền với các công ty Đông Ấn, thì có thể chắc chắn rằng ít nhất cho tới nửa đầu thế kỷ 18 khó có thể nói đến mưu đồ thực dân như cách hiểu hiện đại sau này. Mối quan hệ thương mại có thể đi trước mọi thứ khác. Giới nghiên cứu gần đây cũng tranh luận nhiều về cách hiểu từ “soldat” (lính) trong cách dùng của cố Alexandre de Rhodes: các nhà truyền giáo tới Việt Nam tự coi mình là những “người lính” theo nghĩa đen hay thực chất cần phải hiểu từ này theo nghĩa ẩn dụ? Tôi thiên về cách hiểu thứ hai hơn. Điều nên tránh là để cho mối quan hệ thương mại – thực dân bị chi phối bởi “tình cảm dân tộc”.
Nghiên cứu lịch sử theo hướng thương mại có bị “chán” không, khi mà ở mảng này hình như vai trò của các cá nhân khá là mờ nhạt, ta hiếm khi thấy những nhân vật nổi bật như ở lĩnh vực chính trị hoặc quân sự?
Cũng có những nhân vật hấp dẫn đấy. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp nhân vật Hoàng Nhân Dũng (người Hà Lan gọi là Ongiatule: ông già Tư Lễ), một hoạn quan hồi thế kỷ 17, đã tìm cách “lobby” Phủ Chúa hòng thâu tóm, lũng đoạn toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu của người Hà Lan ở Kẻ Chợ. Thậm chí ông ta còn dựa vào thế lực của thế tử và phối hợp với thương nhân Nhật Bản Resimon để thực hiện mưu đồ của mình.
Dù sao thì ngành nghiên cứu của anh cũng rất mới mẻ và hứa hẹn.
Hoàng Anh Tuấn, sinh 1976, quê quán Thanh Hoá, Sinh viên khoa sử đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, sau đó được giữ lại trường làm giảng viên lịch sử các chuyên đề: Mậu dịch của các Công ty Đông Ấn châu Âu và chuyển biến kinh tế – xã hội Đại Việt giai đoạn cận đại sơ kỳ, Bang giao, quan hệ thương mại và tiếp xúc văn hoá Á – Âu giai đoạn cận đại sơ kỳ, Lịch sử thương mại Đông Á cổ – trung đại, Lịch sử thế giới cổ trung đại và lịch sử văn minh thế giới. 2002 – 2006: học cao học tại đại học Leiden(Hà Lan), thực tập sinh đại học London(Anh, 2004) và thỉnh giảng tại đại học Montana (Mỹ, 2009) Từng viết, tham gia thực hiện và công bố hơn 70 bài báo khoa học, công trình nghiên cứu quan trọng trên các tạp chí chuyên ngành và hội thảo cấp quốc gia, quốc tế. Hiện là thành viên Ban Tổ chức Chương trình Hội thảo và Xuất bản về Đông Nam Á học định kỳ (hai năm một lần) do GS Nicholas Tarling chủ trì (2009 – 2015). |
Tôi đã thực hiện thống kê và nhận thấy rằng trong 50 năm (1954 – 2004), tạp chí Nghiên cứu lịch sử rất mỏng ở lĩnh vực thương mại, bang giao ở giai đoạn người châu Âu bắt đầu xuất hiện. Tôi gọi đây là một khoảng lặng, tạo nên một sự mất cân đối khá nghiêm trọng nếu so với mảng nghiên cứu về ruộng đất, thể chế, quân sự… Nguyên do chính là thiếu tài liệu nước ngoài, bởi các bộ thông sử ghi chép rất ít về thương mại, nhất là ngoại thương, trong khi việc tiếp cận tư liệu phương Tây lại hết sức khó khăn trong thời điểm đó. Nguồn tài liệu từ nước ngoài, đặc biệt là tư liệu phương Tây, vì vậy trở nên đặc biệt quan trọng và cần được khai thác triệt để hơn nữa.
Nhưng làm thế nào để hợp tác có hiệu quả với nước ngoài trong nghiên cứu lịch sử?
Các đơn vị nghiên cứu nước ngoài đã hỗ trợ rất lớn cho công việc đào tạo và tiếp cận tư liệu trong khoảng mười năm qua. Hiện nay, khoa chúng tôi vẫn còn ba cán bộ đang học tiến sĩ và thạc sĩ tại đại học Leiden (Hà Lan) và hứa hẹn sẽ bổ trợ cho hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, phải nói một cách khách quan rằng không thể chỉ dựa vào hỗ trợ của nước ngoài. Phía bạn có thể hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu ngắn hạn. Các nghiên cứu mang tính trường quy và quy mô lớn dựa trên việc khai thác tư liệu phương Tây vẫn rất cần có sự đầu tư kinh phí tương xứng từ trong nước. Có như vậy chúng ta mới có thể khai thác được triệt để nguồn tư liệu quý đó để soi sáng nhiều khía cạnh của lịch sử dân tộc thời kỳ này.
Nhìn vào con đường nghiên cứu khoa học của anh, có thể thấy rất rõ là anh đi chuyên sâu hoàn toàn vào một chủ đề. Ngay cả khi dịch sách, anh cũng chọn các tác phẩm của William Dampier (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế Giới, 2007) và Samuel Baron (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, 1683, NXB Hà Nội, 2010) là những nhân vật có liên quan nhiều đến các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan.
Có lẽ cá nhân tôi phần nào chịu ảnh hưởng của “trường phái Leiden” vốn đề cao việc khai thác các nguồn sử liệu gốc để tập trung tìm hiểu sâu một lĩnh vực cụ thể, sau đó mới bắt đầu nhìn rộng ra một chút để tìm hiểu các mối liên hệ đa chiều ở phạm vi khu vực hoặc rộng hơn nữa là hệ thống toàn cầu.
Đã đi một chặng đường dài với các công ty Đông Ấn, anh có nghĩ đến việc quay trở lại với Chămpa thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ 10, đề tài nghiên cứu ban đầu của anh không?
Chắc là không thể, cho dù tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến Chămpa nhưng ở giai đoạn muộn hơn (thế kỷ 16 – 18) vì tài liệu của Anh và Hà Lan cũng có đề cập không ít tới Chămpa trong bối cảnh của các mối quan hệ chính trị và thương mại đa chiều khu vực Đông Nam Á lục địa. Con đường đi của tôi sẽ nhất quán như vậy: hết tơ lụa thì chuyển sang gốm sứ, hết gốm sứ thì chuyển sang xạ hương hoặc quế… Tôi quan niệm rằng sự chuyên sâu không loại trừ khả năng nhìn rộng bởi những nghiên cứu cụ thể luôn cần được đặt trong quan điểm so sánh khu vực và thế giới, chừng nào chúng ta còn có thể sử dụng các nguồn sử liệu gốc phong phú và cập nhật được các thành tựu nghiên cứu của sử học khu vực và quốc tế.