Truyền thống sản xuất gốm đất nung của người Khmer và người Việt ở Nam Bộ: Nghiên cứu những biến đổi trong kỹ thuật chế tác và kiểu dáng sản phẩm gốm ở tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
Bài viết là kết quả nghiên cứu kỹ thuật làm gốm thủ công ở tỉnh Kiên Giang được thực hiện trong năm 2008. Nghiên cứu đưa ra các vấn đề hiện trạng sản xuất, chuyển đổi kỹ thuật chế tác và sản phẩm gốm Khmer ở tỉnh Kiên Giang trong quá trình thích ứng với những biến đổi kinh tế, xã hội hiện nay. Theo sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại lưu vực hạ lưu sông Mekong, hầu như không có hy vọng bảo tồn hiện trạng nghề gốm thủ công mang tính truyền thống tộc người. Điển hình là sản xuất gốm ở làng Đầu Doi ở Kiên Giang, việc đơn giản hóa của kỹ thuật sản xuất cũng như hiệu quả của sản phẩm gốm đã thay đổi đáng kể thay thế và chia sẻ thị phần cũng như số lượng sản xuất của làng Đầu Doi so với đồ gốm của người Khmer. Sự phân bố làng Hòn Quéo-làng Tri Tôn-làng Đầu Doi cho thấy sự tồn tại và sự cần thiết của đồ gốm trong sinh hoạt ở Đồng Bằng sông Cửu Long, đồng thời phản ánh quá trình chuyển đổi của kỹ thuật sản xuất và loại hình đồ gồm.
1. Vài nét tổng quan khu vực nghiên cứu
Khu vực miền Nam Việt Namthuộc vùng châu thổ sông Mekonglà một khu vực đa sắc tộc. Dân tộc Kinh chiếm phần lớn 87% tổng dân số, kế đến là người Hoa, người Khmer và người Chăm. Từ khoảng đầu thế kỷ XVII, người Khmer chiếm số lượng lớn trước khi người Kinh, người Hoa và người Chăm đến định cư tại đây. Hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 90 vạn dân là người dân tộc Khmer, cư trú ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, đặc biệt họ sống tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Phần lớn, họ có quan hệ sâu sắc về văn hóa, xã hội, lịch sử với người Khmer ở Campuchia. Người Khmer sống chủ yếu ở các vùng núi, chân đồi thấp như Hòn Đất - Hòn Quéo (Kiên Giang), các chân núi Tri Tôn ở tỉnh An Giang, biên giới huyện Tịnh Biên. Chúng ta dễ dàng nhận diện khu vực sinh sống của họ so với các tộc người khác vì họ sống trong một không gian tập trung theo phum, sóc. Nghiên cứu trường hợp sản xuất gốm truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết chỉ còn hai khu vực có người Khmer làm gốm là huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang và huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Huyện Hòn Đất có diện tích tự nhiên 1019,75km 2, dân số 146.605 người, mặt độ dân số 144 người/km 2 (1), cách thành phố Rạch Giá khoảng 30km, theo quốc lộ 80 (còn gọi là đường Rạch Giá Hà-Tiên). Huyện Hòn Đất có 7 xã, trong đó 85% dân tộc Kinh, 12% người Khmer, người Hoa và người Chăm là 3%. Xã Thổ Sơn, Hòn Đất có dân số hơn 12.000 người, trong đó, 60% người Khmer, Việt 37%, 3% là người Hoa và các dân tộc khác.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Về truyền thống sản xuất gốm thủ công ở miền Nam Việt Nam, theo các nhà nhân học Đông Dương thời thuộc Pháp, đã có nhiều mô tả như Derbes (1880); Monographie de la province de Chau Doc,1902, tr.34-35, có ghi "Ở làng Nam Quy, núi Nam Vi (huyện Tri Tôn ngày nay) có sản xuất đồ gốm đất nung 2". Những ghi chép trong Người Việt gốc Miên cũng cho biết "Nghề làm gốm (ấp An Thuận, xã Châu Lăng)… của người Khmer ở tỉnh An Giang và người Khmer ở Campuchia nhìn chung có chung truyền thống kỹ thuật sản xuất và chủng loại, mẫu mã sản phẩm. Trước năm 1975, nồi đất do Khmer ở ấp An Thuận, xã Châu Long, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sản xuất có mẫu mã giống như nồi đất của người Khmer ở tỉnh Kompong Chơnăng, Campuchia đã thu hút nhiều khách hàng ở Việt Nam mà trước đó họ phải sang Campuchia để "mua đi, bán lại" 3.
Đặc biệt, là nghiên cứu so sánh việc sản xuất đồ gốm của Malleret ở Konponchunan (Kompong Chơnăng) ở miền Trung Campuchia và các tỉnh phía Namcủa Việt Nam là Chiton (Tri Tôn) và Ba Thê. Cả hai cùng được liệt kê như một nghề truyền thống gia đình của người khmer (Malleret 1957). Ngoài ra, từ năm 1996, Cort Lefferts và các đồng nghiệp Konponsupu Konponchunan (Kompong Speu) và ở miền Nam Việt Nam tỉnh Kiên Giang, tỉnh An Giang đã nghiên cứu so sánh sản xuất gốm tại đây với vùng đông bắc Thái Lan và đồ gốm sản xuất tại Khorat, tại lục địa Đông Nam Á "chủ yếu là loại rỗng hình trụ".
Trường hợp nghề gốm thủ công của người Khmer ở Hòn Đất tỉnh Kiên Giang có nghiên cứu của Trương Thanh Hùng, Hội Văn nghệ Dân gian (Trương Thanh Hùng, 1998), và luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Hoài Hương nghiên cứu về các loại hình và kỹ thuật sản xuất gốm thủ công của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, trường hợp làng gốm có lịch sử tồn tại lâu đời nhất trong vùng châu thổ này (Nguyễn Thị Hoài Hương, 2001), đã giới thiệu kỹ thuật làm gốm và các loại hình đồ gốm thủ công tại hai địa phương trên.
Ngoài ra, ở Nam bộ Việt Nam, trong địa chí tỉnh Tây Ninh, người ta cũng ghi nhận người Khmer cũng từng sản xuất gốm tại đây, nhưng những dấu tích của nghề gốm chỉ còn lưu giữ bằng vài hình ảnh và một số công cụ làm gốm, nồi gốm trưng bày tại Nhà Bảo tàng tỉnh Tây Ninh (Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh, Địa chí tỉnh Tây Ninh, 2008).
Trong bài viết này, các tác giả dựa trên các nghiên cứu dân tộc học đi trước, đã đến khảo sát ở tỉnh Kiên Giang, miền Nam Việt Nam vào tháng 2/2009. Trước tiên, chúng tôi đến làng làm gốm có truyền thống lâu đời nhất là Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Đây là làng gốm truyền thống của huyện Hòn Đất, phương thức và kỹ thuật sản xuất đã được thừa kế qua nhiều thế hệ trong dân tộc Khmer và sản phẩm mang tính truyền thống ở Kiên Giang. Sau đó, chúng tôi khảo sát ở làng Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất. Đây là làng người Việt sản xuất đồ gốm đất nung có hỗ trợ bởi các thiết bị hiện đại trong sản xuất như máy nghiền đất; và lối sống của gia đình của người Việt, đã có những tác động làm thay đổi đáng kể trong sản xuất đồ gốm truyền của người Khmer.
3. Sản xuất đồ gốm truyền thống ở miền tây sông Cửu Long - trường hợp huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang
3.1. Làng gốm ấp Hòn Quéo
Từ Nhà Bảo tàng Kiên Giang thành phố Rạch Giá, chúng tôi đi bằng ô tô xuôi theo đường Quốc lộ 80, hay còn gọi là đường lộ Rạch Giá-Hà Tiên khoảng 30km, mất 50 phút, qua thị trấn Hòn Đất một quãng ngắn, chừng 200 mét, rẽ tay trái vào con đường nhựa mang tên ấp Hòn, lối dẫn vào khu di tích Hòn Đất. Địa điểm làm gốm thủ công của người Khmer ở ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn cách khu mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Ràng (tức chị Sứ) khoảng 1km.
Hiện nay, trong ấp chỉ còn 4 hộ làm gốm. Đó là các hộ: 1) Thị Kim Hường 71 tuổi, dân tộc Khmer, số nhà 79, tổ 4, ấp Hòn Quéo; 2) Thị Chinh 54 tuổi, dân tộc Khmer, số nhà 104, tổ 4, ấp Hòn Quéo; 3) Thị Có 37 tuổi, dân tộc Khmer (nhà ở giữa nhà Thị Chính và Thị Tiên), tổ 4, ấp Hòn Quéo; 4) Thị Tiên 58 tuổi dân tộc Khmer, số nhà 110, tổ 4, ấp Hòn Quéo.
3.1.1. Truyền thống sản xuất đồ gốm
Theo điều tra thực tế, các bà, các mẹ cho biết, người Khmer làm gốm từ rất lâu đời, không ai còn nhớ là nghề gốm có từ bao giờ. Họ chỉ biết học nghề từ mẹ, mẹ họ học từ bà ngoại, bà ngoại học từ bà cố. Trong gia đình, phụ nữ thường làm nghề gốm, đàn ông chỉ phụ giúp những việc nặng nhọc như đi lấy đất hoặc nhồi đất, đôi khi phơi gốm và sắp xếp, thu dọn các đồ gốm đã làm xong vào một nơi… Hầu hết các hộ làm gốm lấy nghề gốm là nghề chính trong thu nhập hàng ngày, một số gia đình chuyên làm gốm thậm chí không có đất nông nghiệp hoặc chỉ có một ít đất trồng lúa. Do đó, công việc làm gốm hầu như được làm quanh năm trừ các ngày lễ, ngày tết và ngày mùa. Tuy nhiên, hiện nay các hộ gia đình làm gốm theo yêu cầu đặt hàng của một số chủ vựa, tập trung chủ yếu vào các loại sản phẩm mà thị trường cần, đơn giản chỉ là các nồi gốm dùng trong sinh hoạt.
Trong ấp Hòn Quéo hiện nay, người có tuổi cao còn làm gốm là bà Thị Kim Hường, 71 tuổi. Bà Hường học làm gốm từ những người hàng xóm và bắt đầu làm gốm từ lúc 15 tuổi. Bà làm gốm quanh năm. Hiện nay trong gia đình có con gái là Thị Tưng khoảng 35-36 tuổi, con dâu Đỗ Thị Diệu (người Kinh) 40 tuổi cũng làm gốm cùng với bà. Điểm đặt biệt là trong số các gia đình còn làm gốm này, họ có quan hệ họ hàng mật thiết và học hỏi lẫn nhau. Nghề gốm được xem là nghề chính, họ làm gốm quanh năm và cũng phụ làm ruộng lúa với chồng con mỗi khi vào mùa và việc phân chia lao động về giới khá rõ, trong khi người phụ nữ tạo dáng gốm, người đàn ông đi lấy đất, nhồi, cán đất, phơi gốm tìm củi đốt. Đôi khi các công đoạn này nữ giới và nam giới cùng thực hiện. Điểm đặt biệt là một số gia đình cùng xóm có thể cùng góp củi, rơm và công sức để đốt/nung chung một lần.
3.1.2. Kỹ thuật sản xuất
3.1.2.1. Nguyên liệu
Các gia đình mua hoặc khai thác đất ruộng gần chân núi Hòn Đất và Hòn Me (cách chân núi khoảng 1km). Người ta bỏ lớp đất mặt khoảng 20-30cm và bắt đầu lấy đất. Nơi lấy đất cách khu nhà ở khoảng 500m Người ta vò đất thành khối (viên) tròn, đường kính khoảng 30cm rồi vác về nhà. Những hộ lớn tuổi như hộ bà Hường thường mua đất do thương lái chở đến bằng thuyền và giao tận nhà, giá 1 viên đất là 3.000 đồng.
3.1.2.2. Kỹ thuật tạo dáng và công cụ làm gốm
Kỹ thuật tạo dáng nồi gốm: với kỹ thuật bàn đập và hòn kê (paddle and anvil)gồm bốn bước. Mỗi giai đoạn tạo dáng, người ta phải chờ cho đồ gốm se khô mát khoảng 2-2 giờ 30 phút mới làm tiếp công đoạn tiếp theo.
Bước 1: Nhồi đất, se dây, ra khuôn hình ống tròn. Người thợ lấy đất vừa đủ làm đồ gốm muốn tạo dáng, ngồi trên ghế thấp, đặt đất sét bên trên mảnh ván. Người thợ vừa nhồi đất cho đều, vừa lăn đất thành thỏi dài. Ngắt bỏ hai đầu làm cho thỏi đất cân đối, kích cỡ tương đương với đồ gốm định tạo dáng. Sau đó đặt thỏi đất lên trên mảnh bao tải đã trải trên tấm ván, người thợ đập dẹt miếng đất bằng gang lòng bàn tay phải, rồi dùng mép ngón tay cái của bàn tay phải ấn đều lên thành hàng ngang. Tiếp đến, dùng cả ngón tay cái và mép bàn tay phải miết từ trái sang phải và nghiêng bàn tay phải miết từ phải sang trái làm cho miếng đất được cán đều. Trong khi miết đất, có thể lựa bỏ các viên sỏi nhỏ hoặc tạp chất ra khỏi miếng đất.
Sau khi đất đã được cán đều thành hình chữ nhật dẹp, người thợ dựng đứng miếng đất theo chiều ngang và cuốn lại thành hình tròn, thêm một chút đất vào để làm kín vết nồi, kết thúc bước 1 của quy trình tạo dáng.
Bước 2: Làm miệng. Sau khi ống đất se khô, người ta đặt ống đất trên bày xây. Dùng bàn xoa hình nấm thấm nước xoa vào đáy hình nấm, xoa đều với lòng bàn đập cho trơn, đặt bàn xoa để nống, giữ bên trong, dùng bàn đập ở ngoài đập xung quanh ống đất. Người thợ đi vòng ngược chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa tạo dáng, với một bàn tay cầm bàn xoa bên trong, một tay cầm bàn đập bên ngoài, điều chỉnh độ rộng của miệng. Dùng bàn đập bằng tre, có độ cong ½ hình tròn đập ngang để tạo dáng cổ. Tiếp đến, người ta lấy một mẩu lá dừa thấm nước, một tay dùng ngón tay cái và ngón trỏ giữ chặt miệng đồ gốm, ngón tay cái của bàn tay phải ấn giữa bên trong đi xung quanh, vuốt và tạo miệng. Để vuốt miệng cân đối và đẹp cần phải giữ chặt mảnh lá dừa bám vào thành miệng đồ gốm, đi nhanh, vuốt đều. Lá dừa phải thấm nước để tạo độ bóng mịn cho miệng.
Bước 3: Lên hông. Làm miệng xong, đợi cho đồ gốm se khô trong vòng 2 giờ đến 2 giờ 30 phút, người ta tiếp tục tạo hông đồ gốm trên bàn tay. Cũng với bàn xoa bên trong và bàn đập không có hoa văn bên ngoài, tiếp tục điều chỉnh dáng tròn cho đồ gốm, bắt đầu là nống vai, nống bụng. Sau đó dùng bàn đập có hoa văn đập ấn xung quanh cổ bằng hoa văn cánh sen bầu. Tiếp đến đập dọc theo dáng đồ gốm bằng hoa văn lượn sóng.
Bước 4: Đập đít (làm khít đáy):Đây là khâu cuối cùng hoàn chỉnh đồ gốm. Người thợ ngồi trên ghế thấp, chân trái gập tiếp mông, chân phải xếp bằng, lòng bàn chân giáp đầu gối chân trái. Đặt chiếc nồi gốm úp xuống cẳng chân phải. Sau khi xoa ướt dụng cụ, tay trái cầm bàn xoa đặt bên trong, tay phải dùng bàn đập có hoa văn đập kéo giãn đất xung quanh để khép kín đáy đồ gốm. Khi đồ gốm gần kín, chuyển tay trái lồng vào bên trong xuyên qua miệng đồ gốm, giữ bàn xoa và đập sao cho đáy đồ gốm kín và đất sét dàn đều là được. Hoa văn được đập đi đập lại nhiều lần nên tạo ra đường nét đan chéo nhau không đều.
Công cụ: Ở đây giống như vùng An Giang nhưng bàn đập hoa văn (paddle) được làm sắc sảo hơn, số lượng nhiều hơn. Dụng cụ bàn đập của nhà bà Hường là do con trai thứ tư của bà tự làm. Bàn xoa thì do bà tự làm.
Bàn xoa hình nấm bằng gốm, tiếng Khmer gọi là Kalen, tiếng Anh gọi là Anvil.
Cây tạo đáng hoặc bàn xây làm thân cây dừa hoặc cây thốt nốt tiếng Khmer gọi là Sơbàxoa, tiếng Anh gọi là wooden post.
Bàn đập có hoa văn hoặc không hoa văn làm bằng gỗ bạch đàn tiếng Khmer gọi là Sờ đâm; bàn đập bằng tre gọi là Sở co, tiếng Anh gọi chung là paddle.
Ngoài ra còn có các dụng cụ khác để lấy đất như cuốc nhỏ, chày giã đất, lá dừa nước hoặc lá rừng tiếng Khmer gọi là lớtcháđể vuốt miệng. Hầu hết ở các công đoạn tạo dáng đồ gốm, người Khmer dùng tay là chủ yếu.
3.1.2.3. Nung đồ gốm
Các gia đình nung gốm ở sân sau ngôi nhà. Nhiên liệu để nung lá rơm và củi tre, bạch đàn hoặc củi rừng. Khoảng 10 ngày mỗi gia đình tổ chức nung một lần. Mỗi lần nung khoảng 500 chiếc nồi. Sản phẩm hỏng trong mỗi lần nung từ 2 đến 3 chiếc nồi (chiếm 10-15%).
3.1.3. Sản phẩm
Mỗi hộ gia đình làm một vài loại sản phẩm cố định (xem bảng các sản phẩm), mỗi ngày tùy từng loại sản phẩm lớn nhỏ mà người thợ làm được nhiều hay ít số lượng sản phẩm. Cụ thể: Nhà bà Hường có 2 người làm, mỗi ngày 1 người làm được 25 chiếc nồi 7 hoặc nồi 8.
Các sản phẩm | Nồi 1 | Nồi 7 | Nồi 8 | Nồi 9 | Nồi 10 | Chậu | Bếp lò |
Hộ | |||||||
Thị Hường | x | x | |||||
Thị Chính | x | x | |||||
Thị Có | x | x | |||||
Thị Tiên | X | x |
Bảng 2: Kích thích các sản phẩm gốm
STT | Tên sản phẩm | Kích thước (centimet) | Nắp (konopbay) | |||
1 | Tiếng việt | Tiếng Khmer | Cao | Đường kính miệng | Đường kính thân | |
2 | Nồi nhất/ nồi 1 | 38,5 | 31,0 | 57,0 | Không nắp | |
3 | Nồi 7 | 25,0 | 36,0 | Không nắp | ||
4 | Nồi 8 | Snăng phum mây | 21,5 19,0 | 18,0 18,0 | 29,0 28,0 | Có nắp |
5 | Nồi 9 | 15,0 | 14,0 | 23,0 | Có nắp | |
6 | Nồi 10 | Snăng đúp | 14,0 | 12,0 | Có nắp |
Công dụng của các loại đồ gốm: Nồi 1: dùng làm lu đựng nước sinh hoạt hoặc làm nồi tráng bánh. Nồi 7: dùng đựng nước uống đặt ở trước cửa nhà. Nồi 8 (snăng phum mây) thường dùng để nấu nước xông. Nồi 9: dùng nấu cơm, nấu nước. Nồi 10 (snăng đúp) dùng nấu nước uống. Trước đây cả hai loại nồi 8 và 10 thường dùng để nấu cơm. Ngoài ra, gia đình Thị Tiên làm chậu (poon) dùng để rửa (rửa chén, rửa rau, rửa tay) trong gia đình.
3.1.4. Buôn bán và thu nhập của các hộ làm gốm
Thương lái đặt hàng và có ghe vào tận nhà để nhận sản phẩm. Thông thường người ta gánh hoặc mang đồ gốm ra bến sông cách làng khoảng vài trăm mét để thương lái xếp lên ghe. Các hộ trong ấp Hòn Quéo đều bán cho bà Ba Khôn ở xóm Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất. Từ đây, họ chở ghe đi các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để bán. Vì đồ gốm dễ vỡ, khó có thể chuyên chở bằng các loại phương tiện đi đường bộ, do đó đường sông là sự lựa chọn tối ưu.
Giá cả được tính theo giá sỉ. Nồi 1 (trách nhất) có giá 80-100.000 đồng/chiếc (giá lẻ chỉ làm khi có người đặt hàng). Nồi 8 có nắp, giá 4.500 đồng/chiếc (năm 2009). Nồi 10 có nắp, giá 2.700đồng/chiếc (năm 2008 nồi 10 có nắp có giá .000-3.800 đồng/chiếc).
3.2. Làng gốm thị trấn Hòn Đất
Làng gốm ở thị trấn Hòn Đất, nằm dọc theo đường Rạch Giá-Hà Tiên, có khoảng 5-6 gia đình còn làm gốm. Trong đợt công tác này vì thời gian hạn chế nên chúng tôi chỉ khảo sát được 3 gia đình làm gốm: 1) Hộ Nguyễn Thị Ngọc Tám, 48 tuổi, dân tộc Việt (bố dân tộc Việt mẹ dân tộc Khmer), số nhà 220, ấp Trí Tôn, thị trấn Hòn Đất; 2) Hộ Trần Thị Phấn, 46 tuổi và 3) Hộ Trần Thị Hạnh, 47 tuổi dân tộc Việt. Hai hộ sau là hai chị em ruột. Hai nhà ở liền kề nhau (cả hai đều là nhà tranh vách tre, không có số nhà). Nhà liền kề tiếp theo về hướng thị trấn Hòn Đất số nhà 212, ấp Tri Tôn, thị trấn Hòn Đất.
3.2.1. Nguyên liệu
Đất sét lấy 2 loại: đất sét dẻo và đất sét lẫn cát hạt nhỏ. Trộn đều 2 loại đất này trước khi dùng. Đất khai thác ở chân núi Hòn Đất và Hòn Me, người ta bỏ đi lớp đất mặt khoảng 20-50cm là đến lớp đất sét có thể làm gốm được.
3.2.2. Kỹ thuật tạo dáng và công cụ làm gốm
Công cụ làm gốm giống với làng Hòn Quéo (Thổ Sơn-Hòn Đất) và Phnom Pi (An Thuận - Tri Tôn). Đối với loại trách nhất (nồi lớn) có kích thước lớn thì dụng cụ cũng được làm lớn hơn. Điểm khác biệt giữa khu vực Hòn Quéo và thị trấn Hòn Đất là loại nắp tại Hòn Đất đã được làm bằng khuôn (mount of cover), trong khi ở Hòn Quéo vẫn còn làm bằng tay.
Đối với hộ Nguyễn Thị Ngọc Tám làm trách nhất/nồi nhất (snăngđây), do thời gian tạo dáng đồ gốm lớn dài nên chị làm xen kẽ các công đoạn, cứ mỗi 3 ngày chị mới làm xong 30 chiếc trách lớn. Trung bình mỗi ngày chị làm được 10 chiếc trách lớn.
Các công đoạn làm gốm hoàn toàn giống nhau ở Hòn Quéo và thị trấn Hòn Đất.
Nung: khoảng 50 chiếc trách nhất/1 lần nung. Hoặc 200 chiếc trách nhỏ/1 lần nung. Hoặc có thể nung chun 2 loại.
3.2.3. Sản phẩm
Trách nhất/nồi nhất (snăngđây): dùng nấu bánh tét hoặc làm nồi tráng bánh. Đường kính miệng: 31,0cm, đường kính bụng: 57,0cm, cao: 38,5cm.
Trách 7: trách 7 (snăng túp). Kích thước: đường kính miệng 20cm, đường kính bụng 32cm, cao 22cm.
3.2.4. Buôn bán và thu nhập
Mỗi tháng chị có thể làm và bán 100-200 chiếc trách nhỏ và 20-30 chiếc trách lớn.
Thu nhập 1 tháng từ 1.500.000 đồng - 2.000.000 đòng. Sau khi trừ chi phí mua đất sét, củi, rơm, chỉ còn lại khoảng 800-1.000.000 đồng.
Thương lái đặt hàng và có ghe vào gần nhà để nhận sản phẩm. Thông thường người ta gánh đồ gốm/mang đồ gốm ra sông để thương lái xếp lên ghe.
Các hộ trong ấp Tri Tôn, thị trấn Hòn Đất đều bán cho bà Ba Khôn ở xóm Đầu Doi.
3.3. Khảo sát ấp Đầu Doi
Ấp Đầu Doi nằm bên kia Việt Rạch Giá - Hà Tiên đối diện với chợ thị trấn Hòn Đất. Chi phí cho một chuyến phà ngang là 500 đồng/người, mất chưa đầy 5 phút chúng tôi đã sang đến bờ bên kia.
Làng gốm xuất hiện với dãy đồ gốm nung xong chất nơi bến sông và các sân phơi bếp lò của các hộ sản xuất. Tại đây hầu như nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Dưới bếp sông, chúng tôi nhìn thấy thuyền chở đất sét với các thanh niên khuân từng viên đất lớn từ dưới thuyền lên bờ. Một thuyền khác ở gần đó đang sắp xếp nồi gốm, bếp lò chở đi nơi khác bán.
Xóm lò ở Đầu Doi phân bố từ Việt Một đến Việt Tư, xã Nam Thái Sơn. Theo thống kê của huyện Hòn Đất, chỉ riêng ấp Đầu Doi đã có hơn 180 hộ làm nghề lò gốm, chiếm gần phân nửa dân số của ấp.
Vào đến nơi sản xuất gốm chỉ cách bến sông 3-5 phút đi bộ, tại đây rất nhiều phụ nữ đang làm gốm, mặt hàng chủ yếu là loại bếp lò (loại không có ống khói và loại có ống khói). Khu vực này làm gốm với quy mô lớn, có hồ ngâm đất sét, máy cán đất, dây cắt đất, lòng nung bằng trấu và cả sân phơi có mái che. Đặc biệt, họ tạo dáng gốm theo dây chuyển sản xuất. Để làm một bếp lò, một phụ nữ làm đáy bếp lò bằng một miếng đất nhỏ, dùng bàn xoa đập bẹt thành hình tròn khoảng 25-30cm. Trong khi đó, một phụ nữ khác lấy đất bỏ vào khuân hình chữ nhật dài khoảng 1mx 0,30m, khung này được đặt trên 1 tấm cót bằng cói. Người thợ khum người và dùng chân đạp dàn đều, sau đó dùng tay miết đều miếng đất và dùng dây kim loại được tạo như hình cánh cung cắt. Tiếp đến, người ta cầm cả miếng cói và miếng đất ép dựng miếng đất lên, khoanh tròn xung quanh miếng đất hình tròn và nối đường tròn lại, sửa cho ngay ngắn (lúc này người phụ nữ kia đã đặt miếng đất hình tròn trên một miếng ván gỗ).
Sau khi miếng đất se khô, người thợ thứ 3 tiếp tục tạo dáng phần tiếp theo là cắt và nối 2 hình tròn thành bếp lò hình số 8, nối các đoạn thân và bộ phận đun củi vào.
Bước kế tiếp do một phụ nữ khác đảm trách. Người này có nhiệm vụ gắn các đầu râu (ông táo) vào và tạo hoa văn ở thành miệng bếp lò, hoàn chỉnh cho sản phẩm.
Sau khi tạo dáng xong, phơi khô đồ gốm và tiến hành nung trong lò. Lò nung được làm đơn giản chỉ là những căn nhà có mái che. Người ta ngăn ô bằng gạch ống theo hình chữ nhật với diện tích cần thiết và tiến hành xếp bếp lò thành hàng. Nguyên liệu nung chủ yếu là trấu và một ít rơm hoặc cỏ tranh phủ bên ngoài làm mồi cháy trước, lớp trấu từ từ cháy sau. Thời gian cho một làn nung mất 3-4 ngày.
4. Kết luận
4.1. Nguồn gốc phả hệ sản xuất gốm Khmer truyền thống
Ở lục địa Đông Nam Á, khó nhận ra việc sản xuất gốm truyền thống theo địa phương hay gia đình vì chúng ta có thể thấy rõ họ đã triển khai các kỹ thuật trong kỹ thuật tạo hình và nung khá giống nhau. Về kỹ thuật tạo hình, đều dùng các công cụ chính là bàn đập và hòn kê ( paddle and anvil). Tư thế tạo dáng là đi vòng quanh một trụ gỗ. Theo nghiên cứu của Lefferts Cort và các đồng nghiệp đã đưa lên các mốc, được chia thành năm loại từ "Loại A đến E". Trong số này, "Loại A đến C" cho các quốc gia có sự thừa kế, đang cố gắng tổ chức phả hệ sản xuất gốm truyền thống ở mỗi khu vực (Cort và Lefferts, 2009). Ở đông bắc Thái Lan, làng Baan Mow, tỉnh Mahasarakham, Morgan County và làng Ubon Ratchathani (Ubon Ratcha Thani) Donjikku County (Baan Donjik) là "rỗng" nguyên mẫu hình trụ. Ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, huyện Hankeo County (Handon Hankaeo) là chuỗi chồng chéo đất sét nguyên mẫu là hình hộp điều (gọi là "kiểu B"). So về kỹ thuật, ở miền Trung Việt Nam làng Bình Đức tỉnh (Bình Thuận) là cách kéo dài nguyên mẫu hình hộp điếu (thuộc Loại C) mang tính đặc trưng phả hệ (Tokusawa Keiichi, Yuko Hirano, Nguyen Thi Hoai Huong, 2009).
Tuy nhiên nhìn "Loại A" (hình trên), có sự khác nhau một phần ở quá trình tạo hình giữa vùng đông bắc Thái Lan và miền Nam Việt Nam . Mặc dù sản phẩm tạo ra nguyên dáng là hình trụ, vì quy trình tạo dáng từ hình dạng ban đầu là hình trụ. Ở làng Hòn Quéo và Tri Tôn (hình dạng nguyên thể ban đầu, vòng xích của đất sét dạng hình tròn, đặc, giống như liên quan Type B với Type C) khác nhau nhiều ở phương pháp sản xuất hình dạng nguyên thể ban đầu ở công đoạn 1. Tuy nhiên, về công đoạn tạo hình thứ 2 trở đi thì tạo dáng ở phần miệng, thân, đáy cũng giống nhau ở cách thức làm kín đáy nồi/vò như Đông Bắc Thái Lan, Trung và Nam Lào, Campuchia, Nam Việt Nam. Sự giống nhau ở Sarawan phía Nam-Lào (sarawan) County, làng (Baan Bukdon) và quận Pakse (Pakse) Mo làng (Baan Mow) (đặc) tạo thành hình hộp tròn, đặc, đặt trên hình trụ đứng nguyên thể của "Loại A + Loại C" cũng có thể được xem như là hình thành một kiểu hình trụ giống như thánh giá (Tokusawa Keiichi, Yuko Hirano, Nguyen Thi Hoai Huong, 2009).
Nghiên cứu khác ở vùng đông bắc Thái Lan cũng so sánh sự khác nhau trong kỹ thuật làm gốm của các cộng đồng người Thái-Khorat với người Suay và người Lào tại vùng này. Trong nghiên cứu này các tác giả cũng đã giải thích rằng người Thái-khorat tự nhận họ là người Khmer bị thuộc địa trên đất Thái, họ sống ở cao nguyên Khorat, trong một thành phố hiện nay có tên gọi là Nakhon Ratchasima (một địa danh Thái là "Royal Boundary Marker City). Trước đây nó có vai trò quan trọng như là một trung tâm ngoại vi của kinh đô Siamese thuộc vương triều Ayuthaya và Bangkok sớm (H.Leedom Lefferts Jr and Lefferts Cort, 1997, tr.13). Các tác giả còn so sánh rộng hơn về kỹ thuật làm gốm của người Khmer Campuchia hiện nay và người Thái-khorat là hoàn toàn giống nhau.
Sự khác nhau mang tính quá trình chuyển đổi của nội dung kỹ thuật như thế, được các nghiên cứu đi trước cho rằng phương thức kỹ thuật mang truyền thống gia đình là do kết quả thay đổi về thời gian và việc di dân (H.Leedom Lefferts Jr and Lefferts Hirano, Nguyen Thi Hoai Huong, 2009). Nhất là theo lý luận phối hợp giữa các công đoạn, có thể nhìn nhận cách thức kỹ thuật là kết quả của sự tối thích hóa, kết hợp với sản xuất đồ gốm xưa, sự khác nhau giữa môi trường của các vùng miền, nguyên liệu hay khả năng kết dính của đất sét. Tuy cần xem xét kỹ hơn nhưng qua kết quả bước đầu chúng toi cho rằng sản xuất gốm mang tính truyền thống phả hệ gốm. Khmer ở Campuchia loại A của miền Nam Việt Namlà làm theo phả hệ sản xuất gốm Khmer thuộc lưu vực hạ lưu sông Mekong.
4.2. Thay đổi sản xuất gốm mang tính truyền thống của dân tộc Khmer
Quay lại thời kỳ phát triển châu thổ sông Mekong, sản xuất gốm mang tính truyền thống của làng Hòn Quéo, Tri Tôn (huyện Hòn Đất), và Phnom Pi (xã An Thuận huyện Tri Tôn) chủ yếu cung cấp gốm truyền thống là bếp lò (cà rang) và nồi đất (Snăng), với giá rẻ và thuận tiện với sinh hoạt trên tàu thuyền, trên nhà sàn vùng đầm lầy sông Mekong. Hiện nay, đồ gốm tiện lợi như cà ráng, bếp lò, nồi nhỏ, khuôn bánh ngọt là vật dụng gia đình không thể thiếu của gia đình Khmer cư trú ở châu thổ sông Mekong.
Theo thống kê 2008, huyện Hòn Đất trong những năm gần đây có mức tăng trưởng cao, điện, nước, đường giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, trường học, bệnh viện phát triển tương ứng với kinh tế. Xuất hiện hộp đựng bằng nhựa rẻ tiền, chậu làm bằng nhôm vững chắc hoặc gang, nồi cơm điện, v.v.. Điều này khiến gốm Khmer truyền thống mất giá, ứ đọng. Các nhà hàng sử dụng khí gas và than gỗ hoặc than nhiệt hay cồn. Nhưng bếp lò (cà rang) vẫn còn có cơ hội tiếp tục bán được, xuất hiện lò nung như của làng Đầu Doi nhưng với mẫu mã cải tiến hơn. Đồng thời, việc xuất hiện bộ nồi (snăng), bếp lò (cà ràng) thu nhỏ, lọ gốm truyền thống để bán cho cư dân thành phố với phong cách sống hiện đại hoặc để làm quà lưu niệm cho khách du lịch đến Châu Đốc chứng tỏ đã có sự chuyển đổi nhanh chóng của kỹ thuật sản xuất truyền thống và hình dạng sản phẩm gốm thủ công trong vùng.
Theo sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại lưu vực hạ lưu sông Mekong, hầu như không có hy vọng bảo tồn hiện trạng nghề gốm thủ công mang tính truyền thống tộc người. Sản xuất gốm ở làng Đầu Doi ở Kiên Giang, việc đơn giản hóa của kỹ thuật sản xuất cũng như hiệu quả của sản phẩm gốm đã thay thế và chia sẻ thị phần so với đồ gốm của người Khmer. Sự phân bố làng Hòn Quéo - làng Tri Tôn - làng Đầu Doi cho thấy sự tồn tại và sự cần thiết của đồ gốm trong sinh hoạt ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời phản ánh quá trình chuyển đổi của kỹ thuật sản xuất và loại hình đồ gốm.
Chú thích:
1. Nguồn: www.kiengiang.gov.vn
2. Monographie de la province de Chau Doc, 1902, tr.34-35: "terre a pottteries couleur jaune clair, paillettes micacées, grain dut, terre rêch, tenace et lourde"
3. Lê Hương, Người Việt gốc Miên,Sài Gòn. 1969, tr.234-235 (Dẫn theo: Võ Công Nguyện. Các Mối quan hệ, giao lưu qua lại giữa người Khmer ở Việt Nam và người Khmer ở Campuchia trong vùng biên giới của tỉnh An Giang.Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học, Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ, 2009).
Tài liệu tham khảo
1. Derbes, M.1880. Etudes sur les industries de terres cuites en Cochin-chine.Excursions et Reconnaissances 12: 552-619
2 keiichi Tokusawa, Hirano Yuko and Đỗ Kiên, 2008. The Study of the Traditional Making Technique of Earthenware in the Central Vietnam: Mainly the Forming and Firing in Palei Ligok Village, Binh Thuan province.The third International Conference on Vietnamese Studies at hanoi, Vietnam.
3. Keiichi Tokusawa, Hirano Yuko and Nguyen Thi Hoai Huong. Báo cáo khảo sát nghề gốm thủ công ở tỉnh Kiên Giang,2009 (Bản tiếng Nhật)
4. Leedam Lefferts Jr and Luise Allison Cort. 2000. Khmer Earthenware in Mainland Southeast Asia: An Approach Through Production. Journal of Khmer Studies UDAYA, APSARA Authority: 48-68
5. Leedam Lefferts Jr and Luise Allison Cort. 2003. A Preliminary Cultural Geography of Contemporary Village-based Earthenware Production in Mainland Southeast Asia. In: Miksic J. N (ed) Earthenware in Southeast Asia, Singapore: Singapore University Press:300-310.
6. Malleret, L. 1957. Notes sur dé fabrications actuelles ou anciennes de poteries dans le delta de Mekong.Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, n.s, 31, 1: 31-38
7. Mourger, R. 1986. La Poterie au Cambodge, Paris : Histoire et Developpement. Essai D'Ethno-technologie, Doctoral dissertation.
8. Nguyễn Thị Hoài Hương. 2001. Nghề làm gốm cổ truyền của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Luận văn thạc sĩ. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.