Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 17/04/2007 00:15 (GMT+7)

Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương

Trường Đại học Đông Dương được tổ chức bởi 5 trường thành viên: trường Cao đẳng Luật và Pháp chính (Ecole Supérieure de Droit et Administration); trường Cao đẳng Khoa học (Ecole Supérieure des Sciences); trường Cao đẳng Y khoa (Ecole Superieure de Médecine); trường Cao Đẳng Xây dựng dân dụng (Ecole Supérieure du Genie civil) trường Cao đẳng Văn chương(Ecole Suepérieure des Lettres).

Việc thành lập trường Đại học Đông Dương năm 1906 không phải là một chủ trương đột xuất hoàn toàn mới, mà vẫn tiếp tục một số công việc cũ đã được thực hiện từ trước; nay được nâng cao và hoàn chỉnh thêm một bước. Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính gồm 3 khoa dự kiến thành lập thì khoa thứ nhất có từ trước là trường Hậu bổ Hà Nội (Ecole d’Administration de Hà Nội) thành lập năm 1903 là nơi đào tạo hệ thống quan lại cho bộ máy hành chính người bản xứ. Cũng như trường Cao đẳng Y khoa chính là trường Y khoa Hà Nội (Ecole Médecine de Hà Nội) được thành lập năm 1902 và được mang tên là trường Y Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine) với nhiệm vụ đào tạo y sĩ, dược sĩ phụ tá và nữ hộ sinh cao cấp. Còn trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng với ba khoa dự kiến mở thì có khoa Cầu - Đường và Mỏ chính là của trường Công chính đã được thành lập năm 1902.

Như vậy là trong số 5 khoa dự kiến thành lập năm 1906 chỉ có 2 trường mới: trường Cao đẳng khoa học (Ecole Supérieure des Sciences) gồm các ngành Toán, Vật Lý, Hoá học, Sinh vật, có nhiệm vụ đào tạo những người làm công tác nghiên cứu khoa học và những giáo viên trung học hoặc cao đẳng sư phạm; và trường Cao đẳng Văn chương (Ecole Supérieure d es Lettres) dạy ngôn ngữ và văn học cổ điểm phương Đông, Lịch sử và Địa lý các nước Viễn Đông, lịch sử văn học Pháp và nước ngoài; Lịch sử Triết học và Lịch sử Nghệ thuật. Nhưng có điểm rất đáng chú ý là tuy hai trường trên có được nêu tên trong cơ cấu trường Đại học Đông Dương, nhưng sau đó không có dấu hiệu gì cho thấy là có hoạt động, cho đến nay vẫn không tìm thấy chứng cứ và tư liệu lưu trữ gì khẳng định rằng hai trường trên đã từng và có sinh viên ra trường.

Riêng trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, một trường thành viên của trường Đại học Đông Dương đã có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo các nhà giáo dục và nghiên cứu văn hoá dân tộc. Mục tiêu nhà trường là đào tạo giáo sư cho các trường sư phạm tiểu học và các trường Cao đẳng bổ túc. Thời hạn học là 3 năm. Nghị định thành lập trường còn qui định nhiệm vụ cụ thể là các trường Sư phạm tiểu học, trường Cao đẳng tiểu học và Cao đẳng bổ túc sẽ là những trường thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương: Giám đốc trường Cao đẳng Sư phạm có nhiệm vụ thanh tra các trường Sư phạm toàn xứ Đông Dương, đồng thời phụ trách việc xuất bản tập san Giáo dục dưới sự kiểm tra trực tiếp của Giám đốc học chính Đông Dương.

Chương trình đào tạo 3 năm có thể nói là khá phong phú và toàn diện, phục vụ trực tiếp và đắc lực cho yêu cầu đào tạo những thầy giáo có trình độ cao. Chương trình hai năm đầu đi sau vào các môn được dạy ở các trường sư phạm tiểu học và các trường bổ túc. Năm thứ ba dành chủ yếu thời gian học tập cho việc thực hành nghiệp vụ của học sinh. Trường chia thành hai chuyên ban: chuyên ban Khoa học và chuyên ban Văn học, có một số giờ lên lớp chung cả hai chuyên ban.

Sau đây chỉ xin đi vào chuyên ban Văn học. Chương trình học tập của chuyên ban này bao gồm:

1. Các tác gia Pháp

2. Ngôn ngữ và văn hoá Việt

3. Lịch sử nước Pháp và lịch sử nên văn minh

4. Lịch sử 5 xứ Đông Dương

5. Địa dư chi tiểt xứ Đông Dương và miền Đông Á

Các môn chung cả hai chuyên ban Văn học và Khoa học là:

1. Tiếng Pháp

2. Cách phát âm tiếng Pháp

3. Tâm lý học áp dụng vào giáo dục

4. Các khái niệm xã hội học vận dụng vào luân lý và giáo giục

5. Những nguyên tắc chung của khoa học và luân lý

6. Sư phạm đại cương

7. Sư phạm riêng từng môn học

8. Đạo đức nghề nghiệp và quản lý học đường

9. Môn vẽ

10. Vệ sinh chung

11. Vệ sinh học đường

Hội đồng sát hạch do Giám đốc trường Cao đẳng sư phạm chủ trì và 4 giám khảo chỉ định hàng năm bởi giám đốc Học chính Đông Dương và được chọn trong số các thành viên của giáo dục cao đẳng và các giáo sư thực thụ của Giáo dục trung học và bổ túc.

Đi sâu vào tìm hiểu cụ thể và chi tiết sự phân bố chương trình học các môn qua các năm thì phải công nhận đó là một công trình được chuẩn bị công phu, ổn định, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học cần có, tất nhiên cũng có thể nghi ngờ rằng trên các văn bản giấy tờ thì như vậy, còn kết quả đến đâu còn phải tìm hiểu xác minh. Nhưng riêng việc trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trong suốt thời gian tồn tại đã liên tục đào tạo ra một đội ngũ nhà giáo mô phạm, đồng thời là những nhà khoa học xuất sắc đã chứng tỏ chất lượng đào tạo và vị trí của nhà trường trong lịch sử giáo dục đại học nước ta trước kia, mà cho tới nay vẫn có thể rút ra nhiều bài học quý phục vụ cho việc xây dựng nền giáo dục đại học sư phạm, cũng như nền giáo dục đại học nói chung.

Nói tới những sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trước kia, trong chúng ta ngày nay không mấy ai không biết tới các giáo sư nổi tiếng - đồng thời cũng là những nhà văn hoá lớn của nước ta như Lê Thước, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Dương Quảng Hàm, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Khánh Toàn v.v...

Có một điều mà chúng ta đều biết là thực dân Pháp khi quyết định mở trường Đại học Đông Dương không phải là với mục đích khai hoá văn minh cho dân xứ thuộc địa. Chính những thức giả bấy giờ cũng nhận rõ đây chỉ là một “trường đại học phổ thông để khai dẫn cho kẻ thượng lưu Việt Nam biết văn minh học thuật của quí quốc”(tức nước Pháp). Tạp chí Nam phong thân Pháp hồi đó cũng đã thấy rằng “... Chắc là họ không dạy cả cho đâu, họ còn giữ lấy cái bí mật phú quốc của họ”, nhưng trên tinh thần dân tộc cũng đã khuyên “dạy được chút nào ta phải vội vàng mà học lấy cho được; các anh phải cố học lấy để ích lợi cho nước nhà”. Đã vậy, việc thực dân Pháp quyết định mở trường Đại học vào đầu thế kỷ XX cũng do yêu cầu bức bách của chính bản thân chúng cần đẩy mạnh khai thác bóc lột kinh tế thuộc địa để bù đắp những thiệt hại to lớn về tài chính trong chiến tranh xâm lược (1858- 1884), rồi sau đó là chiến tranh bình định (1885- 1896) kéo dài. Còn đứng về mặt chính trị văn hoá thì trước sự phát triển bồng bột của phong trào Đông Du (1905- 1908) dưới ảnh hưởng của cuộc Duy Tân Nhật Bản thời Minh Trị (1867) và cuộc vận động cải cách của Trung Quốc(1898), toàn quyền Beau (Paul Beau) thấy cần phải cải cách học chế để cầm chân thanh niên Việt Nam cầu học khỏi ra nước ngoài: đồng thời cũng cổ động thế lực cho nước Pháp ở Viễn Đông, quét sạch ảnh hưởng Trung Hoa còn trong giới văn thân sĩ phu yêu nước Việt Nam mà chúng rất nghi ngại đang ra sức dụ dỗ, mua chuộc. Để tới sau chiến tranh thế giới thứ nhất thì trước những nhu cầu công chức cho cuộc khai thác lần thứ hai được mở rộng, với tốc độ nhanh trên qui mô toàn quốc, mà cũng để xoa dịu phong trào đấu tranh đang có bước chuyển hướng mới, Toàn quyền Albert Sarraut sang nhận chức lần hai đã quyết định để trường Đại học Đông Dương hoạt động trở lại, tất nhiên vẫn là trên cơ sở trường được thành lập từ trước và có mở rộng hơn.

Về chất lượng đào tạo cao của trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương với kết quả là qua các khoá đã có một đội ngũ các giáo sư trung học nổi tiếng, đồng thời là những nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc xuất sắc đã giới thiệu ở trên, cũng cần chú ý tới một đặc điểm. hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống Nho học, trong số đó cũng có một số người vốn là “cừu gia tử đệ” (con em những gia đình có thù với Pháp vì có cha anh bị Pháp tù đày, chém giết vì hoạt động chống lại chúng). Họ lại được theo học trong các nhà trường tiểu học Pháp- Việt, rồi Cao đẳng tiểu học nên đã tiếp nhận được và nắm được các giá trị của nền giáo dục và văn hoá phương Tây, nên một khi vào trường Cao đẳng tiểu học càng thêm hào hứng đón nhận có chắt lọc các yếu tố tích cực của nền giáo dục và văn hoá đó, cũng như quen sử dụng phương pháp học tập và nghiên cứu mới, nhờ đó trong quá trình học tập đã trưởng thành nhanh chóng về trình độ nhận thức và phương pháp làm việc. Trên cơ sở đó, việc họ trở thành những nhà giáo dục mô phạm, kết hợp với nghiên cứu uyên thâm là một điều gần như là tất nhiên. Và có điều đặc sắc là trên cơ sở một tinh thần yêu nước truyền thống, tuy theo chương trình họ học trong nhà trường chủ yếu là văn hoá phương Tây, nhưng họ rất gắn bó với văn hoá dân tộc nên sau khi ra trường đã có nhiều điều kiện để trở thành những nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc lỗi lạc. Chỉ xin nêu một vài trường hợp tiêu biểu:

Giáo sư Lê Thước (1890 - 1975) là sinh viên khoá 1 vào trường năm 1947, ra trường năm 1920, lần lượt dạy các trường quốc học Vinh, Lạng Sơn, Thanh Hoá, lại có thời gian dạy ở trường Trung học Pháp ở Hà Nội. Học trò Đặng Thai Mai đã nói về thầy Lê Học Thước như với lòng biết ơn như sau “Thầy Lê Thước là thầy giáo trường công đầu tiên có ảnh hưởng lớn đối với cả một thế hệ học sinh Nghệ Tĩnh... Điều mà chúng tôi học được ở thầy, chính là cái tinh thần tự hào dân tộc... Thầy Lê Thước chỉ làm mỗi một việc giảng văn (dù đây là bài văn Pháp - ĐXL), nhưng chúng tôi hiểu rất sâu sắc ý nghĩa của thầy, đằng sau lối đọc, giảng bài, và chúng tôi cũng nghĩ đến cảnh khổ của học trò Việt Nam, giờ đây đang nhìn thấy tiếng mẹ đẻ của mình bị khinh rẻ. Quả tình là đối với lứa tuổi chúng tôi, đây là những bài lịch sử, bài giảng văn thấm thía nhất”. Kết hợp chặt chẽ dạy học với nghiên cứu khoa học, GS Lê Thước là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn học giá trị về Nguyễn Du, Nguyến Công Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Thượng Hiền...

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) khi dạy học tại trường trung học Bảo Hộ nay là trường Trung học Chu Văn An; đã được người học trò xuất sắc của mình là Nguyễn Lân ca ngợi như sau: “...người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tri thức, tình cảm và ý chí của tôi là cụ Dương Quảng Hàm, một giáo sư uyên bác và mô phạm về mọi mặt. Học cụ, tôi vẫn tự nhủ là sau này phải cố gắng theo khuôn mẫu của cụ để trở thành một nhà giáo tiêu biểu như cụ”. Chúng ta đều biết rằng GS Dương Quảng Hàm còn là một nhà nghiên cứu với nhiều công trình văn học có giá trị như Việt Nam văn học chủ yếu(1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942)và Quốc văn trích diễm (1943).

Giáo sư Cao Xuân Huy (1900 - 1989) sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương đã không ra dạy trường công do chính quyền thực dân mở, mà về Huế dạy trường Trung học tư thục Thuận Hoá nổi tiếng một thời, đến sau 1945 dạy lớp Đại học Văn khoa tại Liên khu IV, hoà bình lập lại là giáo sư các trường Đại học Văn khoa, Đại học Tổng hợp, rồi khoá Đại học Hán học, góp phần quan trọng vào việc đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao, lại đóng góp lớn vào việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hoá và sử học dân tộc.

Không thể giới thiệu hết những tấm gương mô phạm, đạo đức nghề thầy cao quý cũng như những đóng góp to lớn của đội ngũ sinh viên Cao đẳng Sư phạm Đông Dương vào việc phát triển nền giáo dục, tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá tinh hoa văn hoá truyền thống trên cơ sở một lòng tự hào dân tộc chân chính và một phương pháp khoa học hiện đại, có sự tiếp thu một cách sáng tạo các yếu tố tiến bộ của nền văn hoá phương Tây.

Để kết thúc, chỉ xin giới thiệu sinh viên Nguyễn Khánh Toàn (1905- 1993) trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương sau này cũng trở thành một cán bộ giáo dục và nghiên cứu với nhiều công trình lịch sử, văn học, tư tưởng giá trị... trong thời kỳ theo học ở nhà trường đã có một hành động dũng cảm, có tiếng vang lớn. Đó là trong dịp đón tiếp Toàn quyền Alexandre Varenne năm 1925 tại trụ sở của thanh niên nhà số 9 phố Vọng Đức. Sáng hôm đó hàng trăm sinh viên các trường Cao đẳng thuộc Đại học Đông Dương đã tập hợp lại để đón thủ hiến xứ thuộc địa. Thay mặt toàn thể anh em, Nguyễn Khánh Toàn đã đọc một bài diễn văn viết tiếng Pháp mà hôm sau báo chí gọi là bài diễn văn “nảy lửa”, “đốt nhà”, lớn tiếng tố cáo chính sách áp bức tàn bạo từ Nam chí Bắc, sự cách biệt giữa người Pháp và người Việt trong chế độ đãi ngộ trí thức cũng như trong luật pháp đối với mọi người. Để rồi lên án chế độ thực dân đã quên hết mọi lời hứa hẹn trong 4 năm đại chiến và cứ tiếp tục chính sách nô dịch, chính sách nhồi sọ, ngu dân, lừa dối, đàn áp, tàn bạo, rồi kết thúc bằng những lời hùng biện, chứa chan phấn khích về sự thức tỉnh của ý thức dân tộc, sự bùng nổ của ý nghĩa dân tộc sau chiến tranh. Bài diễn văn của Nguyễn Khánh Toàn làm cho các bạn sinh viên Việt Nam phấn khởi đồng tình bao nhiêu thì làm cho Toàn quyền Varene bẽ mặt bấy nhiêu!

Sau sự kiện “động trời” đó, tất nhiên Nguyễn Khánh Toàn phải rời trường, rồi xuất dương hoạt động cách mạng và đã trở thành một nhà văn hoá - giáo dục lớn để khi về nước đóng góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng nền giáo dục mới của nước ta, trong đó có nền giáo dục đại học ngày nay.

Giới thiệu sơ lược quá trình ra đời và một vài gương mặt sinh viên tiêu biểu của nhà trường như vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở đánh giá cao trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trước kia, xứng đáng là tiền thân, là một thành viên của trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Trong việc xây dựng và phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (thuộc ĐHQGHN) ngày nay, rõ ràng có sự đóng góp to lớn của trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương về nhiều mặt, chủ yếu là về con người, đó là một thực tế hiển nhiên cần được khẳng định.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.