“Trường bếp” sáng tạo làm giàu
Hành trình đi tới thành công
Từ trung tâm xã Việt Lập, chúng tôi hỏi thăm nhà anh Trường khá dễ dàng, bởi người dân trong vùng ai cũng biết anh với chiếc bếp đa lợi ích. Ghé thăm xưởng, chúng tôi bắt gặp Trường đang miệt mài làm việc cùng thợ. Mồ hôi nhễ nhại, anh cho biết: “Xưởng ít công nhân mà hàng lúc nào cũng cháy nên anh em làm không hết việc”.
Sinh năm 1977 trong một gia đình đông anh em, bố mẹ già yếu nên Trường phải gác giấc mơ học hành khi chưa học hết trung học cơ sở và làm thuê đủ mọi nghề để giúp đỡ gia đình. Lăn lộn vì cuộc mưu sinh nên trông anh già hơn nhiều so với cái tuổi 33. Quyết tâm không chịu mãi cảnh chân lấm tay bùn, năm 2003 anh bàn với vợ vay ngân hàng 50 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động. Cảnh lao động vất vả nơi xứ người, điều kiện khí hậu không hợp khiến sức khỏe của anh yếu dần. Sau 2 năm lăn lộn nơi đất khách, Trường trở về với hai bàn tay trắng, tiền ngân hàng không thể trả, anh chị tưởng như không thể vượt qua nổi. Sau bao đêm thức trắng, năm 2005, một lần nữa anh lại khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh học cơ khí tại xưởng đóng tàu Ba Son.
Hai năm miệt mài vừa học nghề, vừa kiếm tiền nuôi con và trả lãi ngân hàng, năm 2007 anh trở về quê mở cửa hàng làm khung nhôm, sắt và dụng cụ nông nghiệp. Trời không phụ lòng người, việc kinh doanh khá suôn sẻ, anh dần có thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhận thấy thị trường đang có nhu cầu về các vật dụng tiết kiệm nguyên liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là người dân ở các vùng quê thường sử dụng nguồn nguyên liệu dư thừa từ sản xuất nông nghiệp làm chất đốt, anh bắt đầu thai nghén loại bếp tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng loại đất chịu nhiệt cao, có thể giữ được nhiệt độ tới 1.300 độ C. Loại vật liệu này đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) chứng nhận.
Quyết tâm chiếm lĩnh thị trường, anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng thương hiệu “Bếp Trường Giang”. Nhờ sự tiện dụng, sử dụng các loại chất đốt phong phú như vỏ trấu, rơm, rạ, vỏ lạc, mùn cưa...; cấu trúc bếp nhỏ gọn, phù hợp với nhiều không gian bếp; thiết kế chắc chắn; thân bếp hình nón, có cửa hút gió ngược đảm bảo lửa không bị thổi ngang nên “Bếp Trường Giang” nhanh chóng được thị trường đón nhận. Để mở rộng hoạt động kinh doanh, anh thành lập Công ty TNHH Trường Giang. Vừa qua, sản phẩm bếp Trường Giang đã đoạt giải III tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ ba 2009.
Không ngừng sáng tạo
Năm 2009, “Trường bếp” tiếp tục vay ngân hàng 150 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Để tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình, đồng thời tìm hiểu sâu hơn ý kiến của người tiêu dùng, anh đã đi Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên... để giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, “Bếp Trường Giang” đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, thậm chí còn được xuất sang Lào. Giá mỗi chiếc bếp dao động trong khoảng 55.000 - 70.000 đồng.
Điều đặc biệt là với loại bếp này, ngay cả nguyên liệu ẩm ướt cũng có thể cháy đượm. Do có lớp đất giữ nhiệt nên bếp Trường Giang tiết kiệm được nhiên liệu, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện, mỗi ngày Công ty TNHH Trường Giang tiêu thụ hàng trăm cái.
Với sự say mê sáng tạo không ngừng, “Trường bếp” đang ấp ủ ý tưởng cho ra đời hai sản phẩm mới. Anh tiết lộ: “Hai sản phẩm này vừa phục vụ nông nghiệp, vừa phục vụ công nghiệp, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian tới. Còn là sản phẩm gì thì nhà báo hãy đợi nhé, để tạo sự bất ngờ”.