Trung tâm Công nghệ sinh học và nông nghiệp hiện đại Đà Lạt bước đột phá phục vụ phát triển kinh tế và xã hội Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên, có dân số khoảng 1,2 triệu người. Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh năm 2010 đạt 23.314,3 tỷ đồng, tăng 16,9%, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản 11.302,8 tỷ đồng, tăng 16,6%. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 13,3%, GDP bình quân đầu người là 19,3 triệu đồng. Đạt được kết quả trên là do có sự tác động rất lớn của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tỉnh qua việc triển khai những đề tài, dự án phục vụ các chương trình trọng tâm, trọng điểm của địa phương những năm gần đây.
Một trong những chương trình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt là Chương trình nông nghiệp công nghệ cao(NNCNC) đã được triển khai 7 năm qua, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trật tự an ninh xã hội vùng nông thôn; hình thành một bộ phận doanh nghiệp và nông dân làm giàu qua việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Thông qua chương trình này, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi của tỉnh đều tăng cao, thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn. Đến nay, số vốn đăng ký của các doanh nghiệp đã lên đến hàng tỷ USD; doanh thu trên đơn vị diện tích từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 tăng lên 76 triệu đồng/ha năm 2010 (gấp 2,3 lần bình quân cả nước); tốc độ tăng trưởng 9,4%, gấp 3 lần bình quân cả nước. Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2004 khoảng 90 triệu USD, đến năm 2010 đạt trên 240 triệu USD, chiếm 84% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
![]() |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình NNCNC còn có những hạn chế nhất định như các giống (rau, hoa) đang sản xuất hầu hết chưa có bản quyền, việc chuyển giao hay xuất, nhập giống chưa được tổ chức một cách khoa học; vấn đề thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về KH&CN và tài chính chưa được như mong đợi; môi trường gắn kết giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp chưa toàn diện; hoạt động hợp tác quốc tế chưa mạnh, do vậy chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế so sánh vốn có của địa phương,… Chính vì thế, để tiếp tục duy trì và nâng cao trình độ công nghệ sinh học (CNSH) và NNCNC của tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng trung tâm khoa học chuyên ngành về CNSH và NNCNC là một trong những giải pháp đột phá, thu hút nguồn lực KH&CN, đưa các ứng dụng CNSH và NNCNC nhanh chóng tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhanh và bền vững.
Nhận rõ tầm quan trọng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 23/3/2011 phê duyệt Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt.
![]() |
Chức năng hoạt động của Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt
Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt sẽ là hệ thống khép kín nằm gọn trong một vùng có không gian và cơ sở hạ tầng tối ưu, điều kiện sinh thái và cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất. Hoạt động của Trung tâm bao gồm các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, linh hoạt; ươm tạo và đưa các kết quả nghiên cứu triển khai ra thị trường. Thông qua hoạt động của trung tâm, sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách toàn diện ứng dụng các thành tựu về CNSH và NNCNC, góp phần tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, tạo mối liên kết bền vững giữa Nghiên cứu – Đào tạo – Sản xuất và Chuyển giao. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Lâm Đồng sau khi được đào tạo ở khắp nơi, trở về phục vụ quê hương.
Với các nghiên cứu ứng dụng CNSH và NNCNC, Trung tâm sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi cũng như cơ chế hoạt động của khu công nghệ cao và khu NNCNC.
Trung tâm có một số chức năng chính như tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm, tổ chức đào tạo, tổ chức dịch vụ nội bộ,…; ươm tạo công nghệ, gắn KH&CN hiện đại với sản xuất sản phẩm công nghệ cao; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tiến hành chuyển giao công nghệ; thay đổi cơ cấu công nghiệp và dịch vụ,…
Ngoài ra, Trung tâm sẽ hình thành những hoạt động hỗ trợ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thương mại, tư vấn; xây dựng khu giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch; đồng thời là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và dịch vụ với năng suất và chất lượng cao. Từ Trung tâm, các sản phẩm tiêu biểu của những phát kiến mới sẽ như những “hạt giống” tốt được sản xuất nhân lên, tạo luồng sinh khí mới cho sự phồn vinh của địa phương.
Nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt
+ Xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, phục vụ công tác chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng; ứng dụng công nghệ sinh học mà trước hết là công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ tái tổ hợp AND, chỉ thị phân tử, công nghệ Nano,… cùng với các công nghệ truyền thống để phục vụ công tác chọn tạo giống mới; tiếp cận việc nhập nội và khảo nghiệm một số cây trồng biến đổi gen và chuyển giao KH&CN, ứng dụng toàn diện CNSH trong NNCNC.
+ Thu thập, đánh giá, chọn lọc và phát triển các giống, kỹ thuật mới nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên di truyền bản địa; thực hiện bảo tồn thông qua phát triển các giống cây trồng có chất lượng cao; đẩy mạnh nhập nội nguồn gen nhằm tạo ra nguồn vật liệu di truyền phong phú để tạo các giống có nhiều đặc tính di truyền tốt, phù hợp với đặc điểm sinh thái cũng như nhu cầu của thị trường.
+ Nghiên cứu “ Quản lý cây trồng, vật nuôi tổng hợp” để đạt năng suất tối ưu và hiệu quả kinh tế tối đa với mỗi cây trồng, vật nuôi.
+ Nghiên cứu phát triển các giống cây thức ăn chăn nuôi (kể cả nhóm cây trồng biến đổi gen) theo hướng đa dạng hóa về chủng loại và giàu dinh dưỡng, tốc độ tăng sinh khối cao. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ mới, tiếp nhận chọn lọc các nhóm vật nuôi cho năng suất thịt, sữa, trứng cao.
+ Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
+ Nghiên cứu giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tìm các giải pháp thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu.
+ Tiếp thu công nghệ tiên tiến về CNSH và NNCNC, chuyển giao cho nhiều đối tượng được tiếp cận và phát triển công nghệ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu theo ngành hàng nhằm phát huy lợi thế so sánh về sinh thái và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
+ Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ lên men vi sinh hiện đại hướng đến quy mô công nghiệp cho vùng Tây Nguyên; Khai thác, bảo tồn nguồn tài nguyên gen vi sinh – nấm của Tây Nguyên, khai thác tài nguyên cây dược liệu của Lâm Đồng.
+ Thu hút các chuyên gia giỏi về CNSH đến làm việc tại Đà Lạt, Lâm Đồng; đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật, chuyên gia phục vụ phát triển NNCNC tại địa phương và cả nước.
![]() |
Kết luận
Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại sẽ là một môi trường tốt nhất dành cho việc nghiên cứu, ứng dụng, triển khai,… các vấn đề mới về nông nghiệp, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến cộng tác và làm việc, đồng thời thu hút các đối tác có tiềm năng đầu tư và chuyển giao KH&CN. Việc thành lập Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt là dự án lớn, mang tính đột phá, khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của tỉnh, góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lầm Đồng.
Trung tâm CNSH và Nông nghiệp hiện đại Đà Lạt là loại hình mới ở Việt Nam, đặc biệt thực hiện bước chuyển về chất lượng của chương trình NNCNC, góp phần thực hiện thành công các khâu đột phát theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ IX.
Thông qua hoạt động của Trung tâm sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành; hình thành nên một tổ chức liên hợp giữa nghiên cứu – đào tạo – sản xuất và chuyển giao; thu hút mạnh các đối tác đầu tư về KH&CN trong và ngoài nước, không chỉ nâng cao tiềm lực KH&CN mà còn có tác động phụ trợ các ngành giáo dục, du lịch, thương mại,… phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội Lâm Đồng và các tỉnh lân cận trong những năm tới.
Các hoạt động, chủ yếu trong Trung tâm sẽ cùng song song tồn tại và phát triển, tạo mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, trợ giúp lẫn nhau; hoạt động này làm tiền đề thúc đẩy cho các hoạt động khác phát triển, và có mối gắn kết, hình thành một khu đô thị khoa học và theo mô hình “mở”. Các kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo sẽ được ưu tiên phục vụ (ứng dụng) trong khu sản xuất công nghiệp CNSH và NNCNC.