“Trò chơi ô chữ” nâng cao hiệu quả học tập tâm lý học
Qua nhiều năm giảng dạy môn tâm lý học, cô Bùi Thị Kim Ngân luôn trăn trở đặt câu hỏi: Tại sao khi học các môn chung, đặc biệt là môn tâm lý học lứa tuổi và tâm học lý sư phạm, sinh viên đầu tư thời gian, trí tuệ rất nhiều, nhưng điểm lại không cao? Phải chăng các môn này nặng về kiến thức hàn lâm, trừu tượng khó hiểu, song khi đánh giá lại yêu cầu sinh viên vừa phải nhớ được nội dung tri thức cơ bản, vừa phải hiểu và vận dụng được những kiến thức vào thực tiễn cuộc sống? Hay là do phương pháp dạy học truyền thống, thuyết trình là chủ yếu gây nên sự khô khan, nhàm chán dẫn đến khó tiếp thu kiến thức?
“Trò chơi ô chữ” phục vụ dạy và học đã được gợi mở trong sách giáo khoa, sách tham khảo, song chỉ mới thiết kế ô chữ được trình bày bằng văn bản words nên chưa thực sự kích thích tính tích cực nhận thức của người học. Hơn nữa hiện nay, công nghệ thông tin đã được các nhà trường coi trọng trong việc phục vụ dạy và học. Từ đó, cô Ngân đã mày mò thiết kế và sử dụng “Trò chơi ô chữ” phục vụ dạy môn tâm lý học lứa tuổi và tâm học lý sư phạm cho sinh viên lớp Toán-Tin K31 của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nơi cô đang giảng dạy.
Chương trình được cài đặt sẵn trong phần mềm Powerpoint mà giảng viên vẫn sử dụng để soạn giáo án điện tử. Tuỳ vào nội dung và những yêu cầu từng nội dung kiến thức để có thiết kế mức độ hiểu, mức độ vận dụng hay mức độ tái hiện của các câu hỏi trong trò chơi. Trong bài học, có thể sử dụng các hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, màu sắc làm tăng tính hấp dẫn, kích thích tính tò mò nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên trong giờ học. “Chơi mà học, học mà chơi” đã đạt kết quả đáng ghi nhận, kiến thức được sinh viên lĩnh hội được trên 80%. Kết quả điểm kiểm tra khi sử dụng trò chơi ô chữ cao hơn lớp đối chứng (lớp Lý-Kỹ thuật) có cùng một môn học. Mức độ ảnh hưởng được xác nhận nằm trong khoảng 0,5-0,79 là mức tác động có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của sinh viên.
Nhìn lên màn hình khi sử dụng phương pháp “Trò chơi ô chữ, chẳng khác nào phần đoán ô chữ trên Chương trình Đường lên đỉnh Olympia . Thế mới biết sự kỳ công của cô Ngân trong việc gia công câu hỏi trong các ô chữ.
Sử dụng trò chơi ô chữ trong dạy học đòi hỏi giáo viên phải thực sự đam mê tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy, đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về tin học. Sinh viên muốn học theo hình thức này thì phải nghiên cứu tài liệu trước ở nhà. Trong quá trình lật từng ô chữ giáo viên phải gợi mở cho sinh viên, giúp các em xác định kiến thức trọng tâm khi giải mã các ô chữ.
Giảng viên Bùi Thị Kim Ngân cho biết: Từ năm 2007, cô đã bắt tay vào thiết kế trò chơi ô chữ lồng ghép trong các bài giảng điện tử của mình. Mới đầu vì thiếu cơ sở vật chất nên chưa lên lớp được nhiều. Trong những năm gần đây, hầu như các giờ dạy có ứng dụng công nghệ thông tin là cô và đồng nghiệp đều sử dụng “Trò chới ô chữ” vào dạy học và đã khẳng định tính hiệu quả của nó. Năm học 2009 -2010, cô đã được nhà trường cho tiến hành thử nghiệm trên K31 của trường. Trò chơi ô chữ được sử dụng trong dạy học như một kỹ thuật nhằm tạo hứng thú, gây sự chú ý, kích thích tính tích cực học tập, nhằm nâng cao hiệu quả trong học tập. Khi thiết kế, tuy tốn nhiều công sức, nhưng khi hoàn thành hệ thống ô chữ, chỉ với thao tác trên máy tính đơn giản như coppy, cắt, dán các ô chữ theo ý muốn. Nhờ vậy, tuỳ từng môn học giáo viên có thể thay thế nội dung câu hỏi và đáp án cho từng nội dung giảng dạy rất dễ dàng. Đây là biện pháp hỗ trợ giúp các em thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao.