Trí tuệ Việt với công nghệ cao
Với trình độ tay nghề như Lộc, chuyện xin vào làm cho công ty, tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao của nước ngoài không khó. Nhưng anh thợ trẻ thuộc thế hệ 8X này vẫn theo đuổi lý tưởng khá lãng mạn: làm ở công ty trong nước mà vẫn chế tạo được đồ công nghệ cao cho dân mình xài mới sướng.Từ niềm đam mê
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần khoa học công nghệ Petech Phan Trí Dũng từng tuyên bố: “Nếu đem mười kỹ sư mới ra trường để đổi lấy một thợ như thằng Lộc, tôi không đổi”. Lời tuyên bố ấy của ông Dũng càng ấn tượng hơn khi biết rằng “thằng Lộc” của ông - anh Huỳnh Xuân Lộc - chỉ mới lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT nhờ đi học bổ túc văn hóa.
Lộc năm nay mới bước sang tuổi 27. Vậy mà anh đã có thâm niên chính thức làm thợ mười năm, chưa kể thời gian phụ cha sửa các loại máy móc ở nhà từ khi còn đi học. “Ca” khó đầu tiên mà Lộc trị là cái tivi màu Trung Quốc bị đủ chứng bệnh. Tiền công được trả là 80.000 đồng, chả bõ công rị mọ cả tuần. Lộc nhớ lại: “Nhưng cái mình có được lớn nhất là cảm giác sướng không thể tả!”. Cũng vì theo đuổi cảm giác đó mà chưa tốt nghiệp THPT, anh học trò rất giỏi môn lý một mực xin cha cho đi làm.
Cha dẫn Lộc đến gửi vô Công ty Petech - lúc đó vẫn còn là một công ty tư nhân nhỏ - học nghề. Từ kiến thức điện dân dụng chuyển sang điện tử, điện tự động, Lộc phải học lại từ đầu. Kiên trì tích lũy kiến thức mỗi ngày, dần dần Lộc trở thành cánh tay đắc lực giúp sếp triển khai và hoàn thiện những ý tưởng độc đáo.
Còn nhớ vào năm 2005, Công ty Petech trình làng sản phẩm nhà vệ sinh thông minh đầu tiên tại châu Á. Trước ngày lắp đặt nhà vệ sinh thông minh cho khách hàng đầu tiên, cả sếp và nhân viên đều thức trắng đêm để làm cho xong. Vậy mà lắp xong cũng gặp trục trặc: nhà vệ sinh thông minh có khả năng tự đóng, mở cửa nhưng nếu có người ở ngoài cạy cửa vào thì sau đó cửa không tự đóng lại được. Thêm vào đó, thiết bị cảm biến gắn ở cánh cửa giúp cửa tự động mở khi có người vào, tuy nhiên khi mới lắp đặt thì cửa cứ tự đóng, mở liên tục sau mỗi 16 giây.
Lộc kể: “Ngay lúc đó mình và sếp cứ đứng ngó trân cái cửa mà không hiểu tại sao. Trở về, mình tự rà lại toàn bộ quá trình thiết kế, phát hiện nguyên nhân và chỉnh lại mạch điện”.Tương tự, hệ thống tự giội nước của nhà vệ sinh ban đầu bị trục trặc khi số người sử dụng nhà vệ sinh nhiều quá. Nghe báo có sự cố là Lộc đến tận nơi quan sát, đo đạc lại rồi đề ra cách khắc phục.
Lộc hào hứng: “Đến bây giờ, có thể tự hào nhà vệ sinh thông minh của công ty mình có chất lượng bằng, thậm chí tốt hơn sản phẩm của nước ngoài. Nhà vệ sinh nước ngoài mang tiếng là thông minh nhưng chưa hẳn đã thông minh, bằng chứng là nếu không cẩn thận, cửa tự động có thể kẹp đứt tay, làm bị thương người sử dụng. Còn hàng của công ty mình đã được tính toán cẩn thận sao cho an toàn nhất với người sử dụng”.
Ngoài ra, nhà vệ sinh còn biết tự nhận tiền xu, tự phục vụ khách hàng, giội nước, khử mùi, chống nhiễm khuẩn mà không cần người vận hành, trông nom.
Trước đó, năm 2002 Công ty Petech chế tạo và thử nghiệm thành công hệ thống xử lý chất thải toilet trên tàu hỏa bằng công nghệ sáu môđun: vi sinh - hóa lý - ozon. Công trình thành công đã chấm dứt một thời kỳ ngành đường sắt gây ô nhiễm môi trường bằng cách thải phân, nước tiểu trực tiếp xuống đường ray. Qua hệ thống xử lý mới, khi xuống tới đường ray chất thải được xử lý thành nước sạch.
Tuy nhiên lần đầu lắp đặt, hệ thống mới thường làm cả toa tàu bị mất điện mỗi khi vận hành. Lần đó, sự cố được khắc phục bằng cách dùng biến áp cách ly. Lộc mới vào nghề cũng được nằm trong nhóm thực hiện công trình. Bây giờ khi tay nghề đã vững, chỉ cần sếp nói yêu cầu mục đích và tinh thần chung của sản phẩm, Lộc sẽ là người cụ thể hóa những ý tưởng đó bằng những bản vẽ, phương án thiết kế và thi công. Lần đi công tác nước ngoài, Lộc để ý thấy cái gì người ta cũng thiết kế tự động. Trở về, anh ấp ủ ý tưởng thiết kế ngôi nhà thông minh.
Lộc hào hứng: “Bây giờ ai cũng có điện thoại di động. Mình muốn thiết kế một chương trình mà có thể dùng điện thoại di động để quản lý an ninh và các thiết bị điện tử trong nhà. Ví dụ như buổi sáng đi làm mình nhớ ra chưa tắt bếp điện, bàn ủi thì không cần trở về nhà mà vẫn có thể dùng điện thoại di động điều khiển từ xa. Ngoài ra, cánh cửa sẽ được gắn thiết bị cảm biến để điều khiển tự động đóng mở từ xa”.
Ý tưởng này Lộc đã đi được 1/3 chặng đường. Nếu không phải đi công tác tỉnh đột xuất quá nhiều, dự kiến tháng 4 năm sau Lộc sẽ hoàn thành.Ngoài giờ làm việc, hễ có thời gian rảnh là anh lại cặm cụi vẽ sơ đồ mạch điện cho ý tưởng của mình. Không chỉ bỏ thời gian học bổ túc văn hóa, lấy được bằng tốt nghiệp THPT, Lộc còn đăng ký học thêm những lớp lập trình điện.
Lúc nào cũng mặc đồng phục công nhân, dáng nhỏ gầy, nước da ngăm đen, đôi cánh tay đã loang lổ những đốm trắng, nhìn Lộc toát lên đúng chất người lao động.
Anh cười hồn nhiên: “Cách đây sáu năm, tự nhiên mình trắng ra từng phần. Đi khám thì bác sĩ nói là bị bạch biến. Tới đây mình sẽ lốm đốm trắng, tới sáu bảy chục tuổi sẽ trắng... toàn phần. Ban đầu cũng lo, chạy chữa nhiều nơi nhưng giờ không thèm lo nữa, để đầu óc mà làm chuyện khác. Ước mơ và quyết tâm của mình là chế tạo những sản phẩm công nghệ thuần Việt, phục vụ người Việt, bắt đầu từ những nghiên cứu nho nhỏ, thiết thực, có tính khả thi cao và bình dân nhất”.
Cùng lứa với Lộc tại Công ty cổ phần khoa học công nghệ Petech còn có anh Đinh Ngọc Bảy - kỹ sư trẻ ham học hỏi. Thư viện sách kỹ thuật của công ty hơn 200 quyển, Bảy mượn về đọc gần phân nửa. Bảy bộc bạch: “Nghe tụi nó nói làm tiền lương cao, công việc lại nhàn. Kỹ sư cũng chỉ đứng trông dây chuyền sản xuất. Công việc đã được tính toán lập trình sẵn, không được và cũng không cần phải sáng tạo nhiều. Làm lâu tay nghề, kiến thức sẽ mai một. Nghĩ đi nghĩ lại mình thà làm ở đây, có thể thu nhập hiện tại không bằng nhưng môi trường học tập năng động, được quyền tự do sáng tạo. Những thứ mình làm ra có thể phục vụ trực tiếp người dân mình, không phải thông qua một ông chủ nước ngoài nào cả”. |