Trạng nguyên Giáp Hải với vương triều Mạc và xã hội Đại Việt thế kỷ XVI
Quê hương, thân thế của Trạng nguyên Giáp Hải
Giáp Hải sinh năm 1507, mất năm 1586, trong gần 8 thập kỷ tồn tại ấy ông đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử, sự thay đổi triều Lê sang triều Mạc, sự thăng trầm của đất nước dưới sự trị vì của các vị vua Mạc và bản thân ông là người góp phần không nhỏ đối với thời cuộc trong khoảng thời gian đầy biến động ấy.
Trước đây, dân gian vẫn truyền tụng Giáp Hải là con bà bán nước ở bến sông Bát Tràng, sau đó được một người lái buôn làng Dĩnh Kế đem về nuôi. Tuy nhiên, đến năm 1997 sau khi nhân dân làng Cốc Lâm, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phát hiện ra tấm bia hộp tại núi Cốc Lâm cùng với việc phát hiện ra cuốn gia phả họ Giáp: Giáp thị gia phả chính biên ở Bảo Sơn, nay thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang), nhiều vấn đề liên quan đến thân thế của ông đã được làm sáng tỏ.
Giáp Hải là con đẻ của ông Giáp Hà, tên hiệu là Khánh Sơn tiên sinh (húy Đức Kỳ), ông là con đầu của bà vợ thứ của Khánh Sơn tiên sinh, “rất có thể bà là người Bát Tràng, về làm lẽ Khánh Sơn tiên sinh làng Dĩnh Kế”. Giáp Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng sống có đức độ, luôn giúp đỡ người nghèo, cứu vớt kẻ khó nên được mọi người khâm phục, quý mến. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách và việc làm của ông sau này. Ông là người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Theo bản hương ước thời Tự Đức, Dĩnh Kế là một xã lớn trong vùng, đồng thời đó là một “làng chợ” bởi xã có nguồn lợi thu về từ chợ Kế. Vì thế, rất có thể Chợ Kế là kết quả quá trình phát triển của hoạt động sản xuất và buôn bán từ những thế kỷ trước đó là lý do dẫn đến những truyền thuyết về việc Giáp Hải được một người lái buôn đem về nuôi. Cần nhớ rằng, Dĩnh Kế trước đó không phải là vùng đất khoa bảng. Phải đến khi Giáp Hải đỗ đạt và làm quan cho nhà Mạc và sau này Dĩnh Kế có thêm Giáp Lễ đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn năm 1562 và lam quan đến Hàn lâm hiệu thảo thì vùng đất này mới được sử sách nhắc đến. Vì thế, việc Giáp Hải đỗ cao nhất - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh khoa Mậu Tuất, trong khoa thi năm 1583 và giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình nhà Mạc đã khiến ông trở thành một niềm tự hào và là tấm gương sáng trong lịch sử vùng đất này.
Bước vào con đường công danh trong bối cảnh lịch sử đang có sự chuyển mình, nhà Mạc đã thay thế nhà Lê và các vị vua nhà Mạc đang nỗ lực trong việc ổn định xã hội Đại Việt sau một thời gian khủng hoảng cuối thời Lê sơ, đó cũng là thời điểm các cựu thần nhà Lê trung hưng với ngọn cờ phù Lê diệt Mạc, Giáp Hải hẳn cũng đứng trước nhiều sự lựa chọn. Năm 1538, ông thi đậu và bắt đầu sự nghiệp của mình khi còn rất trẻ, dẫu không phải mất một thời gian dài quan sát, chiêm nghiệm rồi mới quyết định như Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng Giáp Hải có lẽ đã cảm nhận được sự suy yếu mục ruỗng đến tận cùng của vương triều Lê sơ và cảm nhận những đổi thay rõ rệt mà vương triều mới làm được để dành tâm huyết cho vương triều Mạc. Trong tổng số 486 người đỗ đạt thời Mạc được tuyển chọn từ 22 khoa thi, ông là một trong số 11 người đỗ đầu và cũng là một trong số ít trí thức đi theo và phò giúp nhà Mạc đến cùng.
Ông làm quan cho nhà Mạc trải qua 4 đời vua (Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp) và giữ những trọng trách, vị trí cao trong triều đình; ông từng làm Lục bộ thượng thư, kiêm Đông các, Nhập thị kinh diên, Thái bảo, Sách quốc công, Luân quốc công. Ông đã dành hai phần ba cuộc đời mình cho sự nghiệp của nhà Mạc (gần 50 năm làm quan cho nhà Mạc), được các vị vua Mạc đánh giá cao như một phần không thể thiếu trong bộ máy triều đình trong công việc đối nội cũng như đối ngoại. Đó là lý do vì sao ông không được toại nguyện mỗi lần xin vua Mạc về trí sĩ, mãi đến năm 1586, khi sức khỏe đã dần suy yếu và thể theo nguyện vọng tha thiết của ông, vua Mạc Hậu Hợp mới đồng ý cho ông nghỉ. Ngay sau đó ông qua đời và nhà Mạc cũng chỉ cầm cự được thêm 6 năm rồi bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long.
Giáp Hải qua ngòi bút của các sử gia phong kiến
Bên cạnh bậc đại thành trí thức Nguyễn Bỉnh Khiêm sống cùng thời, Giáp Hải cũng tỏa sáng với những đóng góp của ông đối với vương triều Mạc và nền văn hóa dân tộc. Trong số những công trình sử học công phu, nghiêm túc có ghi chép về vương triều Mạc, nổi bật lên hai tác phẩm lớn có liên quan, đó là Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Hai nhà sử học đã đánh giá cao con người và sự nghiệp của trạng nguyên Giáp Hải và ghi chép những sự kiện liên quan đến nhân vật lịch sử này trong quá trình hành đạo giúp đời.
Điều đầu tiên ta thấy, ông là một con người của hành động. Cả cuộc đời, ông cống hiến cho sự nghiệp của nhà Mạc và những hoài bão của mình. Cũng như nhiều quan lại làm việc cho nhà Mạc (Tạ Đình Quang, Nguyễn Quý Liêm, Nguyễn Ngạn Hoằng, Nguyễn Phong, Ngô Vỹ, Mạc Đình Dự, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viet Thắng, Nguyễn Quang Lượng, Đặng Vô Cạnh, Trần Văn Nghi, Nguyễn Năng Thuận, Trần Thì Thầm...) trong những năm dưới sự trị vì của vua Mạc Mậu Hợp, ông đã rất nhiều lần dâng sớ đề nghị vua thay đổi, cải cách để lay chuyển hiện trạng của Bắc triều. Riêng Giáp Hải ít nhất đã ba lần dâng sớ vào các năm: 1577, 1581, 1585. Trong đó, ông đều chỉ rõ hiện trạng suy yếu, hỗn loạn của triều đình, sự khốn khổ của nhân dân, trong đội ngũ quan lại và yêu cầu Mạc Mậu Hợp cải tổ. Ông đã dùng những phân tích, lập luận chặt chẽ, đưa ra những giải pháp cụ thể để cố vẫn cho Mạc Mậu Hợp, đó là những lời lẽ xác đáng đầy sức thuyết phục: “Vậy, kính mong bệ hạ, tự răn mình lo sợ, thay đổi hết chính sự thối nát. Một khi lòng người đã hòa, thì ý trời sẽ hợp. Nếu cứ vui thỏa theo ý muốn, mà không hối cải, thì ngày bại vong khó mà tránh được”, hay “Dân tình ngao ngán, không còn muốn sống... Nay muốn dẹp tai biến, mà không lo sợ tu tỉnh, thì làm sao có thể được phúc... Hạ thần lại nghe có câu: “Thiên hạ tuy an, vong chiến tắc nguy” (mặc dù trong thiên hạ bình an mà quên lãng việc quân sự, tất sẽ nguy vong), từ đó, ông nêu ra các giải pháp: “Hạ thần lại nghĩ: việc dụng binh là một việc rất cần thiết hiện nay... Về phương Tây Nam, những chỗ xung yếu giáp biên giới bên địch thì nên đắp lũy cao, đào hào sâu... chia quân giữ nơi hiểm yếu”... Phải là một người có tầm nhìn xa trông rộng, am hiểu trên nhiều lĩnh vực mới có được những đề nghị sát hợp như thế.
Không chỉ vậy, trong hoàn cảnh đất nước tồn tại bên cạnh thiên triều Trung Hoa luôn có tham vọng xâm chiếm, nô dịch, là một nhà Nho thấm nhuần giá trị học thuyết Khổng Tử, Giáp Hải ý thức được bổn phận của đất nước chư hầu phên dậu nhưng không vì thế ông chịu đánh mất đi lòng tự tôn dân tộc và luôn nhắc nhở các vua Mạc giành lại vị thế của đất nước trong mối quan hệ với phong kiến Trung Hoa. Điều này được thể hiện rõ qua bài thơ bất hủ Vịnh bèo khi ông ứng đáp với kẻ thù và lời dặn dò của ông trước khi rời chốn quan trường: “Đến bản triều ta, cách mệnh thành công thì nước Minh lại đặt nước ta là Ty đô thống sứ, mà phong cho vua ta chức Chưởng ty với quan hàm nhị phẩm. Tự đấy tới đây, đã 44 năm qua, vẫn giữ hiệu ấy, nhân tuần việc cũ, xưng hô quá hèn, mà vẫn chưa xin phong phục quốc hiệu... Như vậy là nhục quốc thể không gì bằng”. Vốn là một người từng tham gia các công việc bang giáo, Giáp Hải hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao uy tín quốc gia trước kẻ thì, tuy nhiên, những đề đạt của ông được đưa ra khi nhà Mạc đã ở buổi xế chiều, vị vua cuối cùng của triều Mạc đã không thể làm gì khác thông lệ cũ trước khi chấm dứt sự tồn tại của triều đại mình. Vậy nên, những đề nghị của ông đã không được thực thi.
Qua những phân tích trên, có thể thấy Giáp Hải đã làm tròn bổn phận của một kẻ sĩ, trung với vua, yêu nước, thương dân. Ông khác với nhiều trí sĩ, trong bối cảnh triều chính lục đục, suy yếu đã ở lại với nhà Mạc, tận tụy phục vụ cho triều đại này cho đến những ngày tháng cuối cuộc đời. Những cống hiến của ông đối với vương triều Mạc đã được đền đáp xứng đáng, ông được các vị vua Mạc trọng dụng, được các bạn đồng liêu quý mến, được sử sách đánh giá cao và tên tuổi của ông không lu mờ trong tâm thức của hậu thế.
Vị trí của Giáp Hải trong thế kỷ XVI
Giáp Hải đi thi, đỗ đạt và ra làm quan khi ông 31 tuổi, vào cái buổi có thể coi là thời hoàng kim của vương triều Mạc dưới sự trị vì của vị vua anh minh, tài ba Mạc Đăng Doanh. Ông thi đậu và được tin dùng ngay từ đầu chứng tỏ ông phải là một người có năng lực. Kể từ đó cho đến khi nghỉ (1586), ông đã dành hết công sức của mình, giữ nhiều trọng trách trong triều đình và làm tròn bổn phận của một kẻ sĩ. Một trong những đóng góp tiêu biểu của ông đối với vương triều Mạc chính là hoạt động ngoại giao.
Trước tiên, cần hiểu đúng về vấn đề ngoại giao nhà Mạc qua hoạt động đối ngoại của triều đại này đối với “thiên triều” Trung Hoa. Đến nay, sử sách đã khách quan hơn khi đánh giá về việc làm của vương triều Mạc trong vấn đề khá nhạy cảm mà sử cũ vẫn ghi “đầu hàng”, “cắt đất”. Phân tích bối cảnh lịch sử, đối với chiếu những triều đại trước đó không lâu thì chính sách ngoại giao nhà Mạc là sự kế thừa chính sách ngoại giao của các triều đại trước đó, nhất là trong bối cảnh nhà Mạc không có nhiều ưu thế như các triều đại Lý, Trần, Lê sơ. Lúc bấy giờ nhà Mạc lâm vào tình cảnh khốn khó như và hơn triều Hồ của thế kỷ trước. Thiết nghĩ rằng: nếu chiến tranh xảy ra thời điểm đó, nếu nhà Mạc quyết chiến thì tổn thất cho đất nước và nhân dân là vô cùng lớn trong điều kiện đất nước vừa vực dậy sau khủng hoảng mà chưa biết thành bại như thế nào. Vì thế, để giữ gìn được độc lập, có điều kiện xây dựng tiềm lực quốc gia, nhà Mạc đã linh hoạt, khéo léo trong việc đối phó với kẻ thù để tránh chiến tranh, tổn thất.
Giáp Hải làm việc cho nhà Mạc, là người đại diện cho cả vương triều và nhân dân trong nước được chọn lựa để ứng phó với kẻ thù hùng mạnh đầy nham hiểm. Trong quy định khắt khe của triều đình phong kiến, đi sứ là một trọng trách đối với những cá nhân được giao phó. Đó là cuộc đấu trí cam go, căng thẳng, người đi sứ phải luôn tỉnh táo trước những thủ đoạn của kẻ thù. Vì thế đòi hỏi phải là những người có bản lĩnh, thông minh, ứng xử linh hoạt mới đạt được mục đích ngoại giao, không làm hổ thẹn quốc thể. Giáp Hải trong bối cảnh lịch sử đầy kịch tính ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình - hóa giải được xung đột giữa hai nước và tạo thanh thế cho vương triều Mạc.
Những câu thơ Giáp Hải đáp lại bài thơ Vịnh bèo của tướng Mao Bá Ôn nhà Minh khi chuẩn bị tiến vào lãnh thổ nước ta vào năm 1540 đã nói lên khí phách của vị sứ giả nhà Mạc và đó cũng là ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của vương triều Mạc.
Cẩm lân mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn bởi kế thâm
Thường dữ bạch vân tranh thủy điện
Khăng dao hồng nhật trịnh ba tâm
Thiên trùng lãng đã thành nan phá
Vạn trận phong suy vĩnh bất trầm
Đa thiêu ngư long tang nghiễn lý
Thái Công vô kể hạ câu tầm
Bà thơ đi vào lịch sử, bổ sung thêm kho tàng thơ văn bang giao và nền văn hóa dân tộc, còn Giáp Hải, với tài ngoại giao, ứng đáp tinh nhanh nên được người Minh gọi là Giáp Tuyên phủ mà không gọi tên và sau này ông được vua Mạc dành những lời khen ngợi:
Từ bút văn tôn danh lưỡng quốc
Hoa triển thọ diệu huyền tam thai.
Nghĩa là: Văn chương tài giỏi tiếng vang hai nước; tuổi như sao thọ sáng chiếu trong hàng tam công.
Không chỉ là một nhà ngoại giao, Giáp Hải hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực, ông được vua Mạc bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng của triều đình. Từng là Chưởng lục bộ sự - người đứng đầu, nắm quyền hành công việc của sáu bộ, ông không những phụ trách công việc của một quan văn mà còn đảm nhận công việc của một võ tướng. Trong quá trình làm việc cho nhà Mạc, rất nhiều lần ông được vua Mạc tín nhiệm giao cho những công việc trọng đại. Bên cạnh những lần đi sứ, ông còn được vua Mạc giao cho những công việc như: “Năm 1561, Phúc Nguyên sai Thái bảo Nguyễn Phú Xuân và Lại bộ Tả thị lang Giáp Trưng (Giáp Trừng), dẫn quân đánh sứ Lạng Sơn”, sau thời gian đó ông được phong chức Thượng thư Bộ Lại, phong tước Tô khê hầu, tiếp đó năm 1566, ông được vua cử đi đến biên giới Lạng Sơn đón sứ thần Lê Quang Bí trở về sau 18 năm đi sứ. Đến năm 1578, vua Mạc phong thêm hàm Thiếu bảo cho Thượng thư Bộ Lại Luân quận công Giáp Trừng, ngay sau đó, tháng 2 năm 1579 ông được thăng lên chức Binh bộ Thượng thư, Chưởng bộ sự - tức là nắm quyền điều hành công việc của 6 bộ. Tháng 2 năm 1582, Mạc Hậu Hợp thăng Giáp Trừng lên tước Sách quốc công, cuối năm đó ông được nhà vua triệu đi phúc định lại ranh giới... Ông là một trong số ít nhân vật được sử gia đề cập đến nhiều và đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên, nhà sử học Phan Huy Chú chép tên ông trong mục Nhân vật chí trong bộ sử của mình, đặc biệt ông còn được xếp ngang hàng với tên tuổi của một số bậc đại thần của các triều đại trước như Nguyễn Trãi, Đào Công Soạn, Lương Thế Vinh... “Còn thời Mạc có trạng nguyên Giáp (Hải) công danh rõ rệt, cũng phụ chép vào đây”.
Chính vì ông là một người có năng lực, lại tận tụy với triều đình nên các vị vua Mạc luôn đề cao, trọng dụng ông. Vậy nên, sau nhiều năm làm quan cho nhà Mạc, rất nhiều lần ông xin về nghỉ nhưng không được vua Mạc đồng ý. Trọng trách của ông được đề cao, các đại thần trong triều cũng đề nghị ông tiếp tục công việc của mình: “Luân quận công Giáp Trưng (Giáp Trừng), là một vị vương thần trọng chức, triều trước cũng đã trọng dụng. Thế mà gần đây, chỉ vì có sự trắc trở của con cái trong gia đình, mà mấy lần ông dâng sớ xin ở nhà. Như vậy không phải là điều một vị đại thần lịch duyệt thế sự đáng làm”. Mạc Mậu Hợp “quyến luyến” dùng những lời lẽ thuyết phục để ông tiếp tục tham dự công việc triều chính, mãi đến năm 1586, khi tuổi đã cao, sau nhiều lần dâng sớ xin nghỉ, Mạc Mậu Hợp mới bất đắc dĩ đồng ý và ban cho ông lá cờ thêu và câu đối:
Trạng đầu, tế tướng đấu nam tuấn
Quốc lão, để sư thiên hạ tôn
Nghĩa là: Đỗ trạng nguyên, làm tể tướng, danh cao như ngôi sao đầu của trời Nam, đã quốc lão, lại đế sư, được cả nước tôn trọng.
Những tác phẩm với nhiều nội dung phong phú thể hiện công việc, những suy tư, tình cảm mà ông gửi gắm. Tiếc là số lượng khá lớn những tác phẩm của ông còn sót lại không nhiều, hiện nay mới thấy tên các tác phẩm như “Tuy phong tập” (hay Tuy bang tập), Ứng đáp bang giao tập, Cổ kim bang giao tập và một số bài thơ khác. Vì sự thất lạc ấy nên chúng ta chưa hình dung hết những suy nghĩ của ông về thế sự trong giai đoạn đầu làm quan cho nhà Mạc, chưa cảm nhận hết được những tâm sự mà ông giãi bày trong nghiệp làm quan của mình. Trong số những tác phẩm còn sót lại, chủ yếu là những tập sách ghi chép về hoạt động bang giao do ông sưu tầm, tập hợp, biên tập lại, ngoài ra là một số bài thơ về cảm xúc trước thời cuộc. Qua những tác phẩm của mình ta thấy hiện lên ở ông một con người yêu nước, thương dân, ông yêu cuộc sông xung quanh mình nên dành những vần thơ trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, qua đó nói lên những suy ngẫm thế sự của mình.
Có thể nói, Giáp Hải là một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ XVI. Trong bối cảnh đội ngũ trí thức phân hóa mạnh mẽ, đi theo nhiều con đường để thực hiện lý tưởng của mình thì Giáp Hải đã kiên định với nhà Mạc. Điều đó có nghĩa là, nhà Mạc là một vương triều đã có một vị thế cao trong lịch sử dân tộc thế kỷ XVI nên nhà Mạc có một chỗ đứng vững vàng trong đội ngũ trí thức. Tiếc là trong số kẻ sĩ ủng hộ nhà Mạc ấy, một lần nữa lại có sự phân hóa: người về trí sĩ như Nguyễn Bỉnh Khiêm người bỏ Mạc theo Lê trung hưng như Lê Bá Ly, người bỏ Mạc theo Lê trung hưng rồi lại quay về với Mạc như Nguyễn Quyện. Nguyễn Miễn; Giáp Hải nổi bật lên như một tấm gương của sự trung thành và là một con người hành động.
Những đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực, ông vừa là một trí thức tài ba, vừa là nhà quân sự, vừa là tác giả của nhiều công trình thơ văn giá trị, nhưng nổi bật hơn cả là đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao. Hoạt động ngoại giao của ông không chỉ thể hiện tài năng kiệt xuất của cá nhân mà còn là sự cụ thể hóa chính sách ngoại giao của vương triều Mạc. Trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn ấy, ông có công không nhỏ trong việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ cuộc sống yên bình, ổn định cho nhân dân, đất nước.