Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 20/03/2009 00:38 (GMT+7)

Trần Thuận với những sản phẩm phần mềm sử dụng trong nước

Từng là thành viên của phòng Kỹ thuật số đầy kiêu hãnh tại Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về công nghệ thông tin mà 100% cán bộ đều phải có “chuẩn” tốt nghiệp tại các nước Đông Âu cũ, anh là người cuối cùng được cử đi thực tập tại Cộng hoà Pháp về công nghệ thông tin. Trong khi tất cả các đàn anh và đồng nghiệp trước đó đều được đi thực tập để về làm và phát triển công nghệ thông tin theo một con đường đã được vạch sẵn của các chuyên gia Pháp đầy uy tín thì số phận đã "run rủi" đưa anh về một viện nghiên cứu của Pháp mà ở đó anh đã "đắc đạo" với một hướng phát triển mới để làm ứng dụng công nghệ thông tin mà ngay trong thâm tâm mình, các chuyên gia Pháp khi lên chương trình cho hầu hết các thực tập sinh của Viện này sang Pháp cũng không nghĩ rằng hướng phát triển đó lại có thể được một người Việt “đắc đạo”. Còn hơn thế nữa, sự “đắc đạo” này còn minh chứng một con đường phù hợp để phát triển công nghệ thông tin, một tương lai cho IP Việt Nam!

Ngay sau khi về nước vào năm cuối của những năm tám mươi về trước, anh đã cho ra đời một mạng thư tín điện tử đầu tiên của Việt Nam dành cho các nhà toán học với tên gọi T-net (T=toán). Ngày nay, một học sinh lớp 5 cũng đã quá quen thuộc với cách dùng Email thì tại thời điểm đó, khái niệm mạng thư tín điện tử quả là một điều khó có thể tưởng tượng được từ định nghĩa đến cách thức tạo lập. Có thể nói không ngoa rằng với việc cho ra đời một mạng thư tín điện tử đầu tiên tại Việt nam (T-net), Trần Thuận - chính anh đã là "người tiên phong" đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng mạng máy tính tại Việt Nam.
 Ngày hôm nay, chỉ là một sinh viên - thậm chí không nhất thiết phải là của khoa công nghệ thông tin, đã có thể thiết lập được một mạng máy tính cho gia đình, cho một văn phòng nhỏ hay trung bình. Tuy vậy, để có được những mạng máy tính đủ để tải được những phần mềm xử lý dữ liệu online - trực tuyến trong điều kiện thời gian thực (real time), kiểu như những phần mềm tính cước cho các mạng di động mobile thì ngay cả đến các "ông kẹ" trong làng công nghệ thông tin của Việt Nam cũng còn cảm thấy "quá xương xẩu" nếu như không nói thật là “bất khả thi”. Trong bối cảnh đó, công ty CES của Thuận với hơn 100 chuyên gia luôn phải chạy hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu của sản phẩm Online và Realtime cho thị trường nội địa. Đây là một điều khó nói của rất nhiều Giám đốc các doanh nghiệp công nghệ thông tin tư nhân hay liên doanh thời mở cửa, bởi vì chính họ đã cảm thấy chạnh lòng và ghen tỵ như thế nào đối với những thành công của một doanh nghiệp phần mềm Made in Việt Nam.

Điều gì đã làm cho Trần Thuận khác biệt với giới làm phần mềm tin học truyền thống theo cách hiểu "đao to búa lớn" kể trên?

Đó chính là anh đã sớm tiếp cận được với một công cụ Tin học chuyên nghiệp có tên gọi UNIX. Đi lên từ chính bản thân mình, anh đã đào tạo được một đội ngũ chuyên gia có khả năng tạo dựng các phần mềm chạy trên nền UNIX một cách chuyên nghiệp. Tập thể chuyên gia trẻ trung và sáng tạo của CES có thể được đánh giá như một đội ngũ chuyên gia duy nhất (ít nhất là cho đến thời điểm này) có thể phát triển các phần mềm ứng dụng đầy gai góc, thích ứng được với thách thức của nhiều ngành công nghiệp với những ứng dụng công nghệ tiên tiến và trên một góc độ nào đó, cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của nhiều công ty nước ngoài đầy danh tiếng.

Một điểm khác biệt nữa của Trần Thuận và của công ty của Anh-Công ty Công nghệ Phần Mềm (Center of Engineering Software -CES) đó là CES không đi buôn bán máy tính-một con đường làm giàu rất nhanh, song cũng rất "xổi" của phần lớn các đại gia trong làng công nghệ thông tin của Việt Nam trong hai mươi năm, trước và sau thời điểm năm 2000. 

Trong khi các công ty Tin học khác thu bộn tiền bằng việc buôn bán thu lời trực tiếp với những công cụ phổ thông để tạo ra các sản phẩm phổ thông mà giới kinh doanh gán cho những tên mỹ miều như "công nghiệp phần mềm" thì Thuận và các học trò của Anh tận dụng thời gian, liên tục cải tiến, sáng tạo để nâng cao khả năng làm chủ những công cụ trên nền UNIX, từng bước đưa ra những sản phẩm “độc chiêu”.

Ngay tại thời điểm buôn bán máy tính là “mốt” và là phương sách thương mại mang lại sự giàu có cho nhiều đại gia thì trong khó khăn, Thuận đã từng nói rằng Anh sẽ là người đầu tiên của Việt Nam phát triển được phần mềm đáng giá 1 triệu USD trước năm 2000.

Thành công bước đầu của sản phẩm made by CES là phần mềm phục vụ cho việc tính Hoá đơn nước cho toàn thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm này  đã làm hài lòng những nhà quản lý khó tính nhất  tại thời điểm 1998. Con số khiêm tốn 300 000 USD đã không chỉ là một thành công trên thương trường mà kết luận quan trọng bậc nhất của hợp đồng này mang lại là: Việc áp dụng thành công một sản phẩm phần mềm tại một thành phố lớn nhất nước đã chỉ cho Thuận và CES biết rằng: Thị trường Việt Nam đã bắt đầu chấp nhận các sản phẩm mang tính công nghệ cao với tầm vóc lớn hơn nữa về qui mô ứng dụng.

Cho đến thời điểm cuối những năm 90, đã có sự phân hoá rất lớn trong những người làm Tin học chuyên nghiệp tại Việt Nam . Với vô số những công cụ để phát triển các sản phẩm tin học do  Microsoft và các hãng tiên tiến khác cung cấp, nhiều doanh nghiệp đua nhau cho ra lò những sản phẩm ứng dụng có hiệu quả trong các ngành ngân hàng, đào tạo và quản lý. Mặt khác, công nghiệp tin học của Việt Namcũng phát triển "rầm rộ" với hàng loạt những nhãn mác máy tính made in Vietnam(được làm tại Việt Nam ) rất quen thuộc với các cơ quan, trường học. Tuy nhiên, những người làm tin học chuyên nghiệp bắt đầu nhận thức được rằng muốn có những sản phẩm "ra trò" và mang tính chuyên nghiệp thực sự, ứng dụng trên qui mô quốc gia thì đó phải là những sản phẩm trên nền UNIX. Với nhiều nhà làm Công nghệ thông tin chuyên nghiệp của Việt Nam, họ cũng đã "chợt" ngộ rằng đó là con đường không thể tránh và điều làm cho họ không dễ nói ra là họ đã không thể phát triển đội ngũ làm phần mềm tin học chuyên nghiệp như thế trong một sớm, một chiều, thậm chí là trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm!

Với Thuận và CES, khi các đối thủ "ngộ" ra được thì họ đã có một đội ngũ hùng hậu tới cả trăm người và một "thâm niên" tới hơn 10 năm làm phần mềm ứng dụng một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đúng như Thuận đã tiên liệu trước đó 3 năm, năm 1998, CES đã đánh bại tất cả các đại gia trong làng công nghệ thông tin của Việt Nam, giành được hợp đồng hợp tác khoa học ứng dụng tin học đầu tiên, cung cấp phần mềm mạng đặc chủng chạy trên nền UNIX với trị giá tương đương  hơn 2 triệu Mỹ kim cho một Bộ có uy tín bậc nhất của Chính phủ Việt Nam.

Cũng trong cơ chế sử dụng lao động của thị trường mở, CES đã cung cấp rất nhiều chuyên gia giỏi và xuất sắc cho nhiều bộ, ngành, kể cả các công ty hàng đầu về tin học chuyên nghiệp của ngành viễn thông Việt Nam. Có thể nói ngay rằng, tất cả nhân viên CES, một khi đã rời công ty vì bất kỳ lý do nào, đều trở thành những nhân vật xuất sắc và chủ chốt của các công ty hay cơ quan mới của họ.

Không chỉ "thờ ơ" với những quảng cáo, những "lăng xê" mang tính thị trường, Thuận còn bày tỏ quan điểm rất khác người trong quan niệm "xuất khẩu phần mềm". Trong khi nhiều công ty khác loay hoay tìm hướng xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin ra nước ngoài với thua nhiều hơn được thì CES chỉ tập trung vào các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong nước với tiêu chí: Chỉ những ứng dụng tin học tại Việt Nam mới đắt giá trị phần mềm do chính người Việt làm ra. Chính sách "lỗi thời" này của Thuận hóa ra lại "trúng" và do chọn đúng được "giống cây" và dày công chăm bón, vào năm đầu tiên của thế kỷ 21, CES của Thuận đã giành được những hợp đồng hợp tác khoa học đầu tiên có trị giá tương đương cả chục triệu USD cho những dự án có tầm cỡ ứng dụng quốc gia tại nhiều cơ quan Bộ và ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam.

Đây thực sự là những sản phẩm “made in Vietnam”, mang dấu ấn của tài năng, những quyết tâm và nỗ lực để làm ra được "một cái gì" để cho người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Cho đến thời điểm này, cho dù rất nhiều đối thủ cạnh tranh luôn cố ý nói rằng CES chỉ là một công ty “chuyên làm về mạng máy tính” và “chỉ giỏi về mạng máy tính” thì sản phẩm của CES đã và đang được dùng ở rất nhiều ngành, cơ sở kinh tế có tầm cỡ của Việt Nam. Có thể kể ra hàng loạt những cái tên như Tổng cục Thuế, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cấp nước TP  Hồ Chí Minh, Công ty cấp  nước TP Hà Nội, Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình... Những con số chưa dừng lại là một điều tự hào không chỉ cho Trần Thuận, cho CES mà còn là một niềm tự hào chung của giới làm công nghệ thông tin chuyên nghiệp của Việt Nam .

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.