Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/02/2011 18:21 (GMT+7)

Trần Đại Nghĩa - Người đặt nền móng công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Hơn chục năm âm thầm nghiên cứu vũ khí

Sinh ngày 13/9/1913, trong một gia đình giáo viên nghèo ở thị xã Vĩnh Long. Cha mất sớm, mới 7 tuổi đã phải xa gia đình đi trọ học. Ngay từ những năm học tiểu học, rồi trung học, Phạm Quang Lễ (tên khai sinh của giáo sư Trần Đại Nghĩa) luôn luôn là một học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, nhất là môn toán.

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của các phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, rồi phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, ngay từ thuở thiếu thời anh đã tâm niệm rằng, nước mình phải tự chế tạo được nhiều loại vũ khí, cả những vũ khí hiện đại, mới có thể quét sạch bọn xâm lược. Một hôm tình cờ anh gặp nhà báo Việt kiều yêu nước Vương Quang Ngươu từ Pháp về. Qua vài lần trò chuyện, thấy chàng thanh niên này giàu lòng yêu nước, kiến thức uyên thâm, lại lễ phép, trung thực, chín chắn, khiêm nhường, ông Ngươu rất quí mến. Biết anh có nguyện vọng sang Pháp du học, nhưng nhà nghèo, ông Ngươu đã vận động Hội Ái hữu Trường Chasseloup Laubat ở Pháp cấp cho anh một năm học bổng. Điều này làm cho Phạm Quang Lễ vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp có cơ hội thực hiện ước mơ, nhưng lo vì sợ nghỉ việc, kinh tế gia đình hụt hẫng, thiếu người phụng dưỡng mẹ già. Nhưng rồi được mẹ và chị động viên khuyến khích, ngày 5/9/1935 anh đã lên đường sang Pháp.

Sau năm học dự bị, anh thi đỗ xuất sắc vào Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Nhà nước Pháp. Cũng trong năm 1936, lần đầu tiên anh biết đến tên tuổi Nguyễn Ái Quốc. Càng đọc những bài báo của Người, ý thức dân tộc, tình cảm yêu nước trong anh càng thêm nồng nàn, động cơ học tập và mục tiêu của đời anh càng trở nên rõ ràng. Ngoài giờ lên lớp ở trường cầu đường, anh còn theo học ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Paris và khoa toán Trường Đại học Sorbonne.

Cùng một lúc theo học 3 trường, nhưng kết quả môn nào cũng rất chắc. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ giỏi lý thuyết thì chưa đủ, phải có thực tế… Bởi vậy không bao giờ anh bỏ các giờ trắc - thực nghiệm ở trường, thực tập ở xí nghiệp, nhà máy. Năm 1940, Phạm Quang Lễ đã nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân toán. Sau đó anh còn học tiếp và nhận thêm ba bằng nữa: Kỹ sư hàng không, Mỏ địa chất và Chế tạo máy.

Trong thời gian ở Pháp, Phạm Quang Lễ rất hay lui tới Viện Bảo tàng vũ khí, xem xét kỹ lưỡng tất cả các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại. Anh học gì và đọc sách nào cũng đều liên quan tới thời cuộc và kỹ thuật chế tạo vũ khí, tổ chức và quản lý ngành Công nghiệp quốc phòng. Thường xuyên tới thư viện đọc sách, gây được cảm tình với người thủ thư, anh càng có điều kiện "lén" nghiên cứu những tài liệu liên quan tới vũ khí, điều mà chính quyền Pháp nghiêm cấm đối với dân tộc thuộc địa. Cảm phục chàng sinh viên Việt Nam cần cù, chăm chỉ và trung thực, người thủ thư nhiều khi còn "phá lệ" cho anh được mang sách về nhà đọc. Suốt 11 năm âm thầm nghiên cứu, anh đã ghi chép hơn 30 nghìn trang tài liệu về vũ khí.

Bác Hồ chắp cánh thực hiện ước mơ

Ngày 5/12/1946 trở thành bước ngoặt trong cuộc đời người trí thức trẻ vừa từ Pháp được theo chân Bác về nước. Bác nói: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay Bác gọi chú đến để trao cho nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc. Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay, Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa". Người giải thích một cách rất dí dỏm "Một là họ Trần không có họ với Bác, đấy là họ của Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước". Bác còn nói thêm: "Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam ".

40 ngày trên chiến hạm Dumont d'Urville lênh đênh trên biển trở về quê hương, anh và nhóm trí thức cùng về đã được Bác giảng giải những điều cơ bản và sâu sắc nhất về lịch sử Việt Nam và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Anh cảm thấy không còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn khi được chính Bác Hồ giao cho nhiệm vụ lo sản xuất vũ khí để đánh giặc, điều mà anh đã mơ ước từ thủa niên thiếu và âm thầm chuẩn bị suốt 11 năm du học.

Về nước, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn và hầu như bắt đầu từ số không, thế nhưng chỉ sau gần 3 tháng, cuối tháng 2/1947, các chiến sĩ quân giới dưới sự chỉ đạo của Trần Đại Nghĩa đã sản xuất thành công súng bazôka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ của đạn bazôka do Mỹ chế tạo.

Ngày 5/3/1947, tại Sơn Lộ, Quốc Oai (Hà Đông), đạn bazôka vừa xuất xưởng đã bắn cháy 2 xe tăng của quân Pháp, làm cho kẻ thù bất ngờ, sửng sốt, khiếp vía, còn quân dân ta thì vô cùng phấn khởi. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, súng bazôka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc. Trong lịch sử chiến tranh bazôka xuất hiện lần đầu tiên trên thể giới vào năm 1943. Đối với một đất nước vừa thoát khỏi ách thuộc địa, nửa phong kiến đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, quả là một huyền thoại!

Đánh địch cố thủ trong lô cốt bê tông cốt thép, bộ đội ta phải cho nổ bộc phá cỡ lớn, hoặc mìn lõm cỡ lớn. Cách đánh đó nguy hiểm cho xung kích, bộ đội phải ém sát đối phương. Ông nghĩ đến việc chế tạo một loại súng nhẹ, có thể vận chuyển dễ dàng trên đôi vai bộ đội, nhưng lại có sức công phá ngang như một cỗ đại bác sáu tấn thép - Đấy là súng không giật SKZ, loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa (Nhật Bản) cuối chiến tranh thế giới thứ hai.

Trần Đại Nghĩa cùng với những cộng sự gần gũi như Nguyễn Minh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường… đã phải lặp lại quá trình sáng chế SKZ, hoàn toàn độc lập với người Mỹ. Cuối cùng, ông và các cộng sự đã chế tạo thành công.

SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày hơn 1 mét. Năm 1950 chiến trường Nam Trung bộ nhận được 10 khẩu SKZ và 150 quả đạn từ Việt Bắc chuyển vào. Trong một đêm, với loại súng không giật này ta đã nhổ 5 đồn giặc. Quá hốt hoảng, địch tháo chạy thục mạng khỏi hàng trăm đồn bốt khác. Có SKZ rồi, ông tiếp tục nghiên cứu và chế tạo đạn bay. Và ông cũng đã sáng chế thành công loại tên lửa nặng 30 kilôgam có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Đại Nghĩa đã góp phần to lớn trong việc tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay B-52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa CAM-2 để tổ chức phòng không hiệu quả nhất. Ông cũng có công rất lớn trong việc tìm biện pháp phá hệ thống thủy lôi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho Bộ đội Đặc công.

Ông đã vĩnh biệt chúng ta vào chiều ngày 9/8/1997, song những thành quả mà ông để lại thực sự là những tài sản vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.