Tông phái Minh Sư và giáo lý cứu thế
Tông phái Minh Sư do Tổ sư Hoàng Đức Huy thành lập tại Giang Tây (Trung Quốc) vào khoảng cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Về danh nghĩa, Minh Sư tự nhận mình được truyền thừa theo Thiền tông, nhận y bát chân truyền từ Lục tổ Huệ Năng và Thất tổ Hoài Nhượng. Tông phái Minh Sư lại giải thích vì nạn đàn áp Phật giáo vào đời Hậu Chu, nên vị Tổ sư đời thứ tám và đời thứ chín của họ phải khoác áo Lão giáo bên ngoài. Rồi cũng do pháp nạn mà tông phái Phật Đường bị đứt 800 năm sau mới khôi phục lại. Thực tế đây là một tôn giáo cứu thế mới được thành lập như Bạch Liên Giáo. Đến đời nhà Thanh, vì họ tham gia phong trào “Bài Mãn Phục Minh” nên có tên gọi là “đạo Minh Sư”.
Minh Sư Phật Đường ở Việt Nam
Đầu tiên, tông phái Minh Sư phát triển ở phía Bắc Trung Quốc. Nhưng do bị đàn áp sau các cuộc khởi nghĩa, nhất là sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thì tông phái này bị dồn về phía Nam ; tận Quảng Đông, Quí Châu. Một số tín đồ Minh Sư lại theo dòng người Hoa ra nước ngoài lập nghiệp nên tông phái này sang một số nước ở vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Singapore…
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một số người Hoa từ Quảng Đông đến Hải Phòng - Hà Nội truyền đạo Minh Sư. Cũng vào khoảng này có một tu sĩ Minh Sư là Lão sư Trương Đạo Tân đến Qui Nhơn lập thiên đường, thu nhận đệ tử. Sau khi Trương Đạo Tân mất, một trong số các đệ tử của ông là Lưu Đạo Nguyên (tục gọi là Lưu Minh) đã vào Sài Gòn hành đạo. Đệ tử của ông rất đông, có người Việt và người Hoa. Đến năm Canh Dần (1890), Lưu lão sư khởi công xây dựng điện Ngọc Hoàng ở Đa Kao, qui mô đồ sộ để thu hút khách hành hương. Còn nơi thờ phượng chính là Long Hoa Phật đường thì nhỏ hẹp, ở trên lầu, phía sau, thật kín đáo.
Tông phái Minh Sư được chính thức truyền sang Việt Nam do Đông Sơ tổ sư, Đông Sơ tổ sư tức Trương Đại Dương (1835 - 1879) người Triết Giang, tu hành tại Triều Nguyên động, La Phù sơn, tỉnh Quảng Đông. Ông là tu sĩ trẻ, nhiều lần hăng hái vượt biển ra nước ngoài hành đạo. Đến đời Tự Đức, ông từ Thái Lan đến Hà Tiên và đến năm Quí Hợi (1863) lập Quảng Tế Phật Đường. Ông cũng muốn đến Chợ Lớn để truyền đạo. Thế nhưng lúc bấy giờ thực dân vừa chiếm ba tỉnh miền Đông đàn áp các cuộc khởi nghĩa nên tình hình không thuận lợi. Ông trở về Trung Quốc và trong năm Tân Mùi (1871) ông nhận làm Tổ sư, Chưởng quản tông phái, hiệu Đông Sở tổ sư. Sau đó Đông Sơ tổ sư dưới dạng một lương y sang Việt Nam , lập Minh Đức Phật Đường ở Cầu Kho (Chợ Lớn). Người Hoa và người Việt đến học đạo rất đông. Ông lại trở về Quảng Đông và tịch tại đó. Nhờ đệ tử ông hoạt động tích cực, nên khoảng 1880 - 1890 tông phái Minh Sư phát triển nhanh chóng, tràn khắp Nam bộ. Thực dân Pháp xem tông phái Minh Sư là một hội kín, thường xuyên theo dõi, vì tín đồ tông phái này thường tham gia các cuộc khởi nghĩa. Lúc bấy giờ Minh Sư hoạt động mạnh ở vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc, Chợ Đêm, Gò Công, Cai Lậy, Vũng Liêm, Cần Thơ, Long Xuyên. Thực dân Pháp cho Trung tâm Minh Sư ở Trà Ngoa (Cần Thơ giáp Long Xuyên). Thế nhưng, những tín đồ Minh Sư gốc Hoa thì vẫn theo khuynh hương “Bài Mãn Phục Minh”, còn tín đồ Minh Sư người Việt thì đã chuyển hướng theo con đường yêu nước chống ngoại bang đô hộ. Theo tài liệu của Pháp thì cuộc khởi nghĩa năm 1885 ở Hóc Môn do Phan Công Hớn lãnh đạo có nhiều tín đồ Phật Đường tham gia. Nên sau đó chúng cho mật thám tăng cường theo dõi những hoạt động của tông phái này. Thí dụ như vào năm 1894, tổ sư Trần Thọ Khánh, một người Hoa tu hành ở Việt Nam từ thuở nhỏ, từ Trung Quốc trở về Sài Gòn - Chợ Lớn, ý định mở cuộc lạc quyên lớn, bị thực dân Pháp phát hiện ngăn chặn vì tín đồ tổ chức đón rước quá long trọng. Sau này nhà yêu nước Trần Cao Vân ở Huế cũng là một tín đồ Minh Sư. Đặc biệt phong trào Đông Du, Duy Tân, kể cả các phong trào yêu nước ở Nam bộ sau này cũng có những tín đồ Minh Sư tham gia, thí dụ như Lão sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì Nam Nhã Phật Đường ở Bình Thuỷ (Cần Thơ) là một chiến sĩ đắc lực của phong trào Duy Tân, sau khi ông tịch, những người kế thừa tham gia phong trào yêu nước tiến bộ. Năm 1929, Nam Nhã Phật Đường là trụ sở Đặc uỷ An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Cũng trong giai đoạn này, Vạn Bửu Phật Đường (Gò Công), Vạn Huệ Phật Đường (Vĩnh Long) là trụ sở Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1940, Lão sư Định Đạo Ninh trụ trì Vạn Bửu Phật Đường (Phú Nhuận) bị bắt đày Côn Đảo.
Có thể nói thời bấy giờ Minh Sư là một tông phái có tổ chức hệ thống chặt chẽ. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 50 Phật Đường. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 7 Phật Đường, không kể một số Phật Đường đã chuyển thành chùa thờ Phật như Điện Ngọc Hoàng, điện Ngọc Đế, hoặc Vĩnh Tế Phật Đường.
Giáo lý cứu thế của Tông phái Minh Sư
![]() |
Chùa Nam ở Cần Thơ, một di tích của phong trào Đông Du ở miền Nam |
Minh Sư giải thích cách tạo lập vũ trụ theo dịch lý: Vô cực sinh Thái cức, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Ngũ hành, Ngũ hành cấu tạo nên vạn vật. Đặc tính của Vô cực là sinh động nên dùng hình tượng người mẹ tượng trưng. Người Mẹ Vũ Trụ của tông phái Minh Sư là Diêu Trì Kim Mẫu. Còn Thái cực tức khí dương sinh là Ngọc Hoàng thượng đế. Như thế, quan niệm đấng tạo hoá là một người nữ, là đặc điểm của tông phái này.
Giáo lý cứu thế mang tính căn bản nhất của tông phái Minh Sư là thuyết chia thời gian thành “ba kỳ” tức Tam Nguyên (còn gọi là Tam Ngươn). Thượng Nguyên tức giai đoạn đầu có 12 Hội. Trung Nguyên là giai đoạn giữa có 12 Hội. Hạ Nguyên là giai đoạn cuối có 12 Hội. Mỗi Hội 10.800 năm. Thượng Nguyên tức lúc Diêu Trì Kim Mẫu bắt đầu tạo lập trời đất. Lúc bấy giờ ngài cho 96 ức Nguyên Nhân (Linh Căn) xuống trần. Đến nay thời đã trải qua đời Thượng Nguyên, Trung Nguyên và sắp hết đời Hạ Nguyên mà chỉ có 4 ức Nguyên Nhân trở về với Mẹ. Như thế còn 92 ức Nguyên Nhân, số lượng khá nhiều, đang lăn lội trong biển trầm luân. Đời Mạt Kiếp sắp tới, Bồ Tát Di Lặc sẽ xuống trần lập hội Long Hoa, tế độ tất cả các Linh Căn đó. Có thể nói thuyết cứu thế ra đời trong giai đoạn đất nước bị ngoại bang đô hộ rất đúng lúc. Trong hoàn cảnh khổ cực lầm than, người dân nhờ thuyết cứu thế mà có niềm hy vọng. Họ tham gia các tổ chức yêu nước có niềm hy vọng đó. Có thể nói các tôn giáo thành lập ở Nam bộ đều dựa vào thuyết cứu thế này.
Mối quan hệ giữa tông phái Minh Sư và các tôn giáo khác
Lúc Minh Sư truyền sang Việt Nam thì môn phái thống nhất. Thế nhưng khi Đông Sở tổ sư tịch thì Minh Sư bị chia ra hai phái. Phái Đức Tế đặt tổ đình tại Quảng Đông (Trung Quốc), phái Phổ Tế đặt tổ đình tại Singapore . Đặc biệt mặc dù môn phái bị chia đôi, nhưng vẫn giống nhau từ hình thức đến nội dung, vẫn giữ được tinh thần đoàn kết.
Nhưng vào khoảng năm 1900 trở về sau thì pháp môn Minh Sư đã có nhiều biến chuyển.
- Lão sư Lê Đạo Long, trụ trì Vĩnh Nguyên tự ở Cần Giuộc đã tách ra một chi phái gọi là phái Minh Đường (có lẽ gọi tắt là danh từ Minh Sư Phật Đường). Đến năm 1926, vị Lão sư kế thừa Lão sư Lê Đạo Long đã qui hiệp Cao Đài, thế nhưng những ngôi chùa của chi phái này, không gọi là thánh thất, không gia nhập giáo hội Cao Đài.
- Khoảng năm 1920, ông Ngô Minh Chiêu là một công chức tu theo Minh Sư thấy Thiên Nhãn ở Phú Quốc. Do nhiều mối quan hệ nên sau đó Lão sư Trần Đạo Quang (Cai Lậy), Lão sư Trần Đạo Minh (Cần Giuộc), Lão sư Nguyễn Văn Tương (Thuộc Nhiêu), cùng các công chức gia đình theo Minh Sư Đốc phủ sư Nguyễn Ngọc Tường, Đốc họ Nguyễn Bửu Tài đã nhập môn Cao Đài. Các vị nữa trở thành chức sắc Cao Đài, có công xây dựng nền móng Đại đạo, nên giáo lý đạo Cao Đài và Minh Sư có nhiều điểm giống nhau.
1. Lão sư Âu Minh Chánh (người Hoa) xây dựng Tam Tông miếu ở Bàn Cờ (Sài Gòn) năm 1927, lập chi phái Minh Lý. Một số tu sĩ hoặc cư sĩ Minh Sư lại lập chi phái Minh Thiện, Minh Tân. nhìn chung các chi phái này không phát triển. Càng về sau các cơ sở thờ tự này càng gần với đạo Cao Đài, nhưng không gia nhập giáo hội Cao Đài. Một tu sĩ chi phái Minh Lý lại quy y Phật giáo, trở thành Minh Trực thiền sư. Hoà thượng Minh Trực khai sơn Phật Bửu tự (canh Tam Tông miếu), khởi xướng pháp môn Thiền tịnh.
2. Lão sư Trần Quốc Lượng (người Hoa) ở Cần Giuộc, được tông phái tín nhiệm đưa về Trung Quốc làm trưởng lão, dự định tôn làm Tổ sư, nhận sự tryền thừa. Thế nhưng Trần Lão sư đã đến Than Sơn tự quy y Phật giáo, tông Thiên Thai, và sau đó được tôn làm Tổ sư trong phái này, khoảng năm 1930 - 1932, Tổ sư Hiển Kỳ đã triệu tập một số đệ tử của mình ở Việt Nam sang Trung Quốc và khuyên họ cải đạo. Sau đó các vị Thiền sư đệ tử trở về nước, thành hình một tông phái Phật giáo mới là Thiên Thai Giáo Quán tông. Có thể nói có rất nhiều tu sĩ Minh Sư sau quy y và trở thành tu sĩ Phật giáo. Ni sư Huỳnh Liên, trước khi trở thành đệ tử của Sư tổ Minh Đăng Quang cũng là một tu sĩ Minh Sư.
Giai đoạn chống Pháp thời cận đại có nhắc đến các hoạt động yêu nước của đạo Phật Đường. Đạo Phật Đường chính là tông phái Minh Sư, hiện nay là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam . Đây là một tông phái nội dung kết hợp Tam giáo, nhưng căn bản là Lão giáo. Minh Sư là một tôn giáo cứu thế ở Trung Quốc truyền vào Việt Nam . Ở Trung Quốc, giáo lý cứu thế này đã lôi kéo tín đồ tham gia phong trào Bài Mãn Phục Minh. Nhưng khi sang đến Việt Namthì giáo lý cứu thế đã kích thích tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam . Thực dân Pháp đã xem Minh Sư Phật Đường là một hội kín, thường xuyên theo dõi, bắt bớ, tù đày. Đặc biệt là tư tưởng cứu thế này được một số tôn giáo thành lập ở địa phương vận dụng.